Tạp chí 17/08/2020

Chat với Việt Max, Tân Trương & Trí Minh Lê

Bài ELLE Man

Xoay quanh những nhận định về sân chơi sneakers và văn hóa đường phố ở Việt Nam, ELLE MAN ghi lại cuộc thảo luận của 3 nhân vật đặc biệt: Việt Max (một trong những nghệ sĩ đi đầu trong văn hóa hip-hop tại Việt Nam), Tân Trương (người sáng lập nên cộng đồng SNKRVN) và Trí Minh Lê (cây viết về thời trang có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội).

Tân Trương: Dù thuật ngữ “sneakers” đã tồn tại từ rất lâu nhưng chỉ được chú ý và ưa chuộng tại Việt nam trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây. Theo nhìn nhận của bản thân tôi, các cộng đồng sneakers được kiến tạo và phát triển ngày càng hấp dẫn hơn. Tại Việt nam, nền văn hóa này đang được các thương hiệu sneakers đầu tư khá tốt về mặt cửa hàng, phương thức buôn bán… Bên cạnh đó, những người đam mê về thời trang đường phố, đam mê sneakers, những nghệ sĩ, KOLs… cũng đồng hành để góp phần đưa nền văn hóa này phát triển đa dạng hơn.

Người sáng lập SNKRVN – Tân Trương.

Trong chuyên mục bàn luận về những vấn đề xoay quanh sân chơi sneakers, thời trang đường phố và văn hoá hip-hop của ELLE Man ngày hôm nay sẽ có sự góp mặt của tôi và hai khách mời đặc biệt là anh Việt Max và Trí Minh Lê.

Văn

Tân Trương: Anh Việt Max và Trí Minh Lê nhận định như thế nào về sự phát triển của văn hóa đường phố và sneakers tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây?

Việt Max: Văn hóa đường phố Việt nam đã có từ xa xưa. Khi nói đến văn hóa Việt nam chính là nhắc đến văn hóa đường phố. Tất cả những gì hình thành, phát triển và diễn ra suốt chiều dài lịch sử Việt nam như ẩm thực, giao thương, nếp sống của người Việt đều liên quan đến đường phố. Nhưng khi nói về thời trang đường phố thì phải đến những năm gần đây mới định hình rõ ràng so với khi đất nước vừa mở cửa hội nhập vào đầu thập kỷ 90. Vào những năm 1990 – 2000, đại đa số chúng ta chưa thực sự có khái niệm đúng đắn về giày fake (giả) hay giày authentic (thật), nhưng đến nay, sân chơi này đã có thể phân loại rất chuyên nghiệp.

Trí Minh Lê: người Việt tiếp thu và đa dạng hóa những nền văn hóa mới rất nhanh. Từng du học tại Úc, em thấy sân chơi các thương hiệu trong nước và sneakers của họ không sôi động như Việt nam. Chỉ từ năm 2016 cho đến nay, dòng chảy sneakers và streetwear đã du nhập và phát triển mạnh mẽ tại Việt nam, trong khi hàn Quốc và nhật Bản cần đến hơn một thập kỷ để đạt tốc độ tương tự. nhờ internet và mạng xã hội, giới trẻ tiếp cận những BST, những phát hành sneakers mới nhanh nhạy không thua kém nước ngoài. Tuy nhiên trong sự phát triển nhanh chóng đó, nhiều người chưa có nền tảng kiến thức để hiểu rõ giá trị và xác định tình yêu đối với thời trang đường phố hay sneakers mà chỉ chạy theo xu hướng.

Cây viết về thời trang Trí Minh Lê.

Ví dụ, anh Việt Max là nghệ sĩ hip-hop nên anh sẽ lựa chọn những sản phẩm thời trang gắn liền với hip-hop, cụ thể hơn là break dance. hay những người yêu thích thương hiệu Supreme, Stüssy (Mỹ) và Palace (anh) bởi vì nền văn hóa lướt ván skateboarding, họ thấu hiểu khi lựa chọn trang phục và những đôi giày của các thương hiệu này, điều đó giúp đưa văn hóa đường phố đi lên. Còn phần lớn người trẻ ở Việt nam hiện tại đang chạy theo xu hướng, họ chọn một đôi giày bởi nó được mang bởi A$AP Rocky, Travis Scott hay được làm bởi Virgil Abloh. Tại Việt nam, giá trị vật chất phát triển rất nhanh, nhưng có lẽ vẫn chưa có được một nền tảng văn hóa đủ vững chắc.

Tân Trương: Từ thập niên 80-90, sneakers gắn liền với những ngôi sao bóng rổ, nhưng ngày nay lại thường xuất hiện với các nghệ sĩ hip-hop. Tại sao lại có sự dịch chuyển này?

Việt Max: Mỗi thời kỳ sẽ có những nhân vật mang sức ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng, mà văn hóa và âm nhạc hip-hop lại có sức lan tỏa mạnh mẽ nên dẫn đến sự chuyển dịch trong phương thức kinh doanh và marketing của các nhãn hàng. Một ví dụ điển hình là adidas Superstar, nhiều người không biết rằng thiết kế này đã gắn liền với các vận động viên bóng rổ từ rất lâu nhưng phải đến khi chúng được nhóm run DMC mang trên chân thì đôi giày mới trở nên phổ biến và trở thành một “iconic item” của văn hóa hip-hop.

Tân Trương: Trở lại với ý kiến của Trí Minh Lê là hiện nay có quá nhiều người chạy theo trào lưu, anh Việt Max nghĩ như thế nào về điều này?

Việt Max: Dù trong thời đại nào thì nhóm người này luôn chiếm số đông. Một người có thể không hiểu câu chuyện đằng sau những đôi SB Dunk của văn hóa skateboarding hay hip- hop, nhưng họ vẫn có quyền chạy theo trào lưu, mặc theo phong cách của thần tượng yêu thích. Mỗi người đều có mục đích riêng khi mua một món đồ hoặc đôi giày, chúng ta không có quyền ép buộc họ. Bên cạnh đó, anh cũng đồng ý với Trí rằng phải có những người đưa ra kiến thức bổ ích về thời trang cho cộng đồng, để khi cầm trên tay một sản phẩm mang một câu chuyện lịch sử, họ sẽ trân trọng hơn và định hình phong cách thời trang cá nhân tốt hơn. Mọi người cần thời gian để tìm hiểu thêm về nền văn hóa sneaker, và trong giai đoạn đó, những người như Trí đóng vai trò quan trọng.

Nghệ sĩ hip-hop Việt Max.

Tân Trương: Các thương hiệu cao cấp cũng nhảy vào cuộc chơi sneakers. Liệu họ có mang lại những đóng góp thật sự có giá trị?

Trí Minh Lê: Câu trả lời chính là hiệu quả kinh doanh, việc hợp tác giữa thương hiệu xa xỉ và thời trang đường phố mang lại lợi nhuận to lớn bởi streetwear khi đó là xu hướng. nhưng bên cạnh yếu tố thương mại, những dự án đó cũng có những giá trị nhất định, đó là tôn vinh và nâng tầm văn hóa đường phố lên một tầm cao hơn. Ví dụ như đôi giày “hype” của Balenciaga là Triple S đã làm sống dậy những thiết kế chunky sneakers từ thập niên 80-90, tạo tiền đề cho các thương hiệu sportswear như adidas, nike, Puma… tái phát hành những đôi giày chunky một thời. Đó là điều tích cực, chính nhờ các thương hiệu cao cấp nhảy vào cuộc chơi đã góp phần đưa giới mộ điệu tìm hiểu những xu hướng retro. Dù sao, thương hiệu cao cấp hay thương hiệu thể thao chỉ đưa ra những lựa chọn, chính khách hàng mới là người quyết định cuối cùng trong cuộc chơi này.

Tân Trương: Anh Việt Max có suy nghĩ gì về xu hướng collaboration giữa thương hiệu cao cấp và thương hiệu/nghệ sĩ đường phố hiện đang rất đại trà?

Việt Max: Thật ra, các thương hiệu cao cấp đã từng hợp tác với những nghệ sĩ đường phố từ rất sớm, chỉ là không chính thống như trong những năm trở lại đây. Và sự hợp tác này là xu hướng tất yếu bởi nó mang lại lợi ích rất lớn: sức ảnh hưởng lớn hơn, kéo theo việc tăng doanh thu và độ nhận diện thương hiệu. Chính cột mốc Louis Vuitton x Supreme đã khiến cho xu hướng này bùng nổ và trở nên đại trà. Và dù cho một collab trở nên thành công nhiều hay ít vẫn luôn mang lại lợi ích cho những bên tham gia.

Việt

Tân Trương: Đại dịch CoVid-19 đã ảnh hưởng khá nặng nề đến thời trang thế giới, Trí Minh Lê nhận định như thế nào về hướng phát triển trong thời gian tiếp theo?

Trí Minh Lê: COViD-19 là khoảng thời gian nghỉ ngơi tuyệt vời cho những nTK và người làm sáng tạo. họ sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm chút sáng tạo, cho ra đời đứa con tinh thần chất lượng hơn và đợi chờ để “bùng nổ” cho sự trở lại sau đại dịch.

Còn với xu hướng thời trang, sau đại dịch, sẽ quay về với quần áo phom dáng basic và rộng rãi. Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với đại dịch và những căng thẳng về sắc tộc, xu hướng graphic trên quần áo sẽ mang hình ảnh cổ động tích cực, nói về hòa bình và tương lai tươi sáng của nhân loại trong một thế giới mới.

ELLE Man cảm ơn những ý kiến thú vị và nhận định giá trị về sân chơi sneakers và thời trang đường phố Việt của anh Việt Max, Tân Trương và Trí Minh Lê. 

Mời độc giả ELLE MAN cũng như những tín đồ thời trang đường phố và sneakers xem toàn bộ nội dung cuộc thảo luận giữa anh Việt Max, anh Tân Trương và Trí Minh Lê trong video sau:

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Sản xuất & Bài viết TRÍ ĐỨC

Hình ảnh NAM PHẠM

Trang điểm TỪ MINH QUÂN

cùng chuyên mục

No more