Tạp chí 21/01/2020

Công thức thành công cho phim điện ảnh thể thao

Bài ELLE Man

Phim điện ảnh và thể thao là hai ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la Mỹ, với giá trị không chỉ được đong đếm về mặt thương mại mà còn về mặt tinh thần.

Tuy nhiên, điều thú vị là trong lịch sử, chưa từng có bộ phim điện ảnh về thể thao có người đóng nào vượt qua cột mốc doanh thu 500 triệu đô la Mỹ (phim hoạt hình Cars 2 từng thu về 562 triệu đô la Mỹ năm 2011). Điều này cho thấy rằng không phải lúc nào sự kết hợp giữa hai gã khổng lồ cũng mang lại quả ngọt. Nhưng ít nhất, các nhà làm phim có thể tổng hợp một số yếu tố từ những phim thể thao được yêu mến, qua đó đúc kết công thức làm nên một bộ phim điện ảnh và series phim truyền hình về chủ đề thể thao thành công.

Sự trỗi dậy của kẻ chiếu dưới

Trong series truyền hình đình đám La Casa de Papel của Netflix, băng cướp dưới sự chỉ đạo của nhân vật “Giáo sư” đặt câu hỏi làm sao để nhận được tình cảm từ dư luận khi thực hiện phi vụ cướp hàng trăm triệu Euro. Một câu hỏi được đặt ra giúp cả nhóm nhanh chóng tìm ra phương án: “Nếu xem một trận đấu World Cup giữa Brazil và Cameroon, một cổ động viên trung lập sẽ ủng hộ ai?”. Đa phần đều chọn Cameroon – một đội bóng chiếu dưới về mọi mặt, bởi tâm lý từ muôn đời nay đã thích câu chuyện về chàng tí hon David hạ gục gã khổng lồ Goliath.

phim dien anh the thao - la casa de papel - elle man
Series “La Casa de Papel” của Netflix được quay tại Madrid, Tây Ban Nha.

Những tác phẩm về kẻ “underdog” (chiếu dưới) bị đánh giá thấp ban đầu song vươn lên nhờ nghị lực, tinh thần và đánh bại đối thủ ở cửa trên thường nhận được sự ưu ái từ khán giả. Nếu trong Real Steel (2013), chú robot được nhân vật của Hugh Jackman điều khiển là cỗ máy Zeus bất khả chiến bại thay vì một Atom mỏng manh, chắp vá thì chắc chắn câu chuyện sẽ không kịch tính đến vậy. Hay trong The Karate Kid (2010), liệu người xem có còn ủng hộ nhân vật Dre Parker (Jaden Smith) đến vậy không nếu cậu nhóc đã là một cao thủ kung-fu ngay từ đầu thay vì phải trầy vi tróc vảy tập luyện?

Chính những câu chuyện như trên cho thấy vẻ đẹp của thể thao: vượt lên chính mình, chinh phục những điều không tưởng và mang lại bất ngờ. Ví dụ kinh điển nhất có lẽ là Rocky, khi tác phẩm chỉ được đầu tư 1 triệu đô la Mỹ mang về tới 225 triệu đôla Mỹ và ba giải Oscar 1977, bao gồm cả “Phim xuất sắc nhất”. Nội dung phim xoay quanh tay đấm bốc nghiệp dư Rocky Balboa (Sylvester Stallone) với cơ hội đổi đời khi được chọn để thi đấu biểu diễn với nhà vô địch quyền Anh Apollo Creed (Carl Weathers). Nếu trong phim, nhân vật Rocky bị người khác nhìn bằng nửa con mắt thì hoàn cảnh ngoài đời của tài tử Stallone cũng chẳng khá khẩm hơn được bao nhiêu. Ông là diễn viên vô danh và kể cả khi tự mình viết kịch bản, các hãng phim vẫn chỉ muốn mua lại bản quyền Rocky để nhường vai chính cho những cái tên nổi danh hơn như Burt Reynolds, James Caan hay Robert Redford. Nhưng Stallone đã đấu tranh đến cùng vì tin rằng đây là cơ hội để mình tỏa sáng. Kết quả là cả ông lẫn nhân vật Rocky đều đi vào lịch sử văn hóa đương đại. Không ngạc nhiên khi khán giả thích thú đến vậy với cả Rocky lẫn câu chuyện đằng sau nó, bởi những bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình về thể thao không chỉ mang giá trị giải trí mà còn đóng vai trò truyền cảm hứng, giúp con người ta dám mơ tới những điều lớn lao.

Sylvester Stallone với vai diễn để đời trong “Rocky”.
Sylvester Stallone với vai diễn để đời trong “Rocky”.

Có một cuộc đua ngang tài ngang sức

Sự ganh đua là điều không thể thiếu trong thể thao, bằng không một vận động viên dẫu có xuất sắc đến mấy cũng sẽ tự thấy nhàm chán trước người hâm mộ bởi tình cảnh “độc cô cầu bại”. Cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo của làng túc cầu đều từng công khai thừa nhận việc người này chơi hay khiến người kia không dám ngủ quên trên đỉnh cao mà không ngừng nỗ lực để trở nên xuất sắc hơn, qua đó cống hiến cho khán giả trung lập một cuộc đua thư hùng đã kéo dài hơn một thập niên và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Cristiano

Điện ảnh cũng tương tự, khi một bộ phim hành động hay siêu anh hùng đều sẽ hay hơn bội phần nếu nhân vật người hùng gặp được một đối thủ xứng tầm. Bộ phim Rush (2013) là ví dụ xuất sắc cho việc xây dựng cá tính nhân vật và tạo nên một cuộc đua nghẹt thở tới tận phút cuối cùng. Qua cách kể chuyện của đạo diễn Ron Howard, ngay cả những người không biết gì về môn đua xe F1 cũng bị cuốn theo những khúc cua của hai tay đua huyền thoại Niki Lauda (Daniel Bruhl) và James Hunt (Chris Hemsworth) trong chặng đua F1 năm 1976.

Hai tay đua trong bộ phim điện ảnh này khác nhau hoàn toàn về ngoại hình lẫn tính cách. Một bên là “gã mặt chuột” lạnh lùng còn bên kia là chàng tay chơi luôn hưng phấn. Rush cho thấy đôi khi nhà làm phim không cần xây dựng nhân vật chính diện và phản diện, thay vào đó hãy mang tới một cuộc đua “kẻ tám lạng, người nửa cân” và để người xem tự mình lựa chọn nhân vật ưa thích.

Chris Hemsworth và Niki Lauda trong phim “Rush” (2013)
Chris Hemsworth và Niki Lauda trong phim “Rush” (2013)

Ngoại hình và diễn xuất là điểm cộng

Một câu chuyện giàu cảm hứng có thể chết từ trong trứng nước nếu không có diễn viên phù hợp. Khán giả sẽ không thể bị thuyết phục nếu vai diễn nhà vô địch quyền Anh Muhammad Ali được thủ vai bởi một diễn viên quá mảnh khảnh. Đó là lý do trước khi bộ phim điện ảnh Ali (2001) chính thức bấm máy, tài tử Will Smith đã phải tập luyện 6 tiếng/ngày trong suốt 12 tháng trời để có vóc dáng như một tay đấm bốc thực thụ. Kết quả là từ 83 kg, anh tăng tới 16kg với đa phần là cơ bắp và nhận đề cử Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” cho những nỗ lực của mình.

Will Smith nhận đề cử giải Oscar với bộ phim “Ali” (2001).

Ở tuổi 55, tài tử Mickey Rourke vẫn phải tăng 13 kg cơ bắp và tập luyện với đô vật chuyên nghiệp Afa “the Wild Samoan” nhiều tháng trời để chuẩn bị cho vai võ sĩ về già trong The Wrestler (2008). Năm 1980, huyền thoại Robert De Niro ở tuổi 35 thậm chí còn gây sững sờ thế giới điện ảnh với sự hy sinh vì vai diễn tay đấm bốc hạng trung Jake LaMotta trong bộ phim kinh điển Raging Bull. Trong phần lớn bộ phim, ông ở trong vóc dáng săn chắc của một võ sĩ nhờ tập luyện với chính LaMotta ở ngoài đời.

Mickey Rourke trong “The Wrestler”
Mickey Rourke trong “The Wrestler”

Nhưng để có vóc dáng của LaMotta khi về già – nhân vật có thật này đã phát tướng sau nhiều năm tự hủy hoại bản thân – De Niro đã ăn uống không ngừng nghỉ để tăng tận 27 kg trong 4 tháng, chỉ để quay một cảnh duy nhất! Đổi lại, De Niro nhận tượng vàng Oscar thứ hai trong sự nghiệp, trong khi Raging Bull được xem như một trong những kiệt tác về điện ảnh với những góc khuất ít ai biết tới đằng sau sàn đấu.

Không chỉ có những ngôi sao nam hy sinh vì vai diễn mà những đồng nghiệp nữ cũng không ngại đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong phòng tập. Hilary Swank từng nhận giải Oscar với vai nữ võ sĩ quyền Anh trong Million Dollar Baby không chỉ bởi diễn xuất tuyệt vời của cô mà còn bởi những nỗ lực vượt quá giới hạn bản thân. Khi nhà sản xuất đề nghị cô tăng 5 kg cơ bắp để hợp vai, Swank đã tập trong 90 ngày để tăng gấp đôi số cân kể trên. Nữ diễn viên này tâm sự: “Nhờ bộ phim này, tôi mới nhận ra sức mạnh thực sự của tâm trí mình”.

Hilary Swank trong “Million Dollar Baby”
Hilary Swank trong “Million Dollar Baby”

Năm 2016, điện ảnh Ấn Độ có bom tấn Dangal được đầu tư 10 triệu đô la Mỹ và thu về tới 340 triệu đôla Mỹ trên toàn cầu. Điều thú vị là tác phẩm này lấy đề tài về giới đô vật nữ, với nhân vật người cha (Aamir Khan) quyết tâm đào tạo hai cô con gái trở thành những nhà vô địch mang về huy chương vàng đấu vật cho Ấn Độ. Các nữ diễn viên đã dành chín tháng trong phòng gym và sàn tập cùng huấn luyện viên đội tuyển đô vật Ấn Độ Kripa Shankar.

Thành công rực rỡ về mặt thương mại lẫn chuyên môn của Dangal cũng như thông điệp giàu cảm hứng về nữ quyền mà bộ phim điện ảnh mang lại cho thấy những nỗ lực kể trên đã không hề bị phí hoài. Các diễn viên đã chứng tỏ rằng để mang đến một bộ phim thể thao thành công, họ thực sự phải trải nghiệm giống nhân vật để hiểu rằng: “Không có con đường tắt nào đi đến thành công”.

Top

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Thịnh Joey – ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more