Tạp chí 19/07/2018

Thế giới công nghệ và những sự trở lại bạc tỷ dollar

Bài ELLE Man

[ELLE Man tháng 6/2018] Thế giới công nghệ là ngành kinh doanh khắc nghiệt, đôi khi chỉ một cú sẩy chân cũng làm “vỡ nát” cả một tập đoàn lớn. Đó là chưa kể đến việc toàn công ty luôn bị áp lực phải đổi mới, sáng tạo liên tục nếu muốn tồn tại. Từng thua lỗ đến mức phải cầm cố rất nhiều tài sản, thậm chí là cả trụ sở công ty, có lẽ niềm tin và tầm nhìn chính là những yếu tố giúp các công ty trong danh sách dưới đây vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của họ.

APPLE

Không một công ty nào trong lịch sử thế giới công nghệ trở lại ấn tượng như Apple, từ chỗ suýt phá sản trở thành công ty có giá trị lớn nhất trên toàn thế giới. Sau khi sa thải người đồng sáng lập Steve Jobs vào năm 1985, một sự sa thải mà bản thân Jobs cũng thừa nhận là cần thiết thì Apple buộc phải mời ông trở lại ghế CEO vào 1997, mở ra một kỷ nguyên mới cho Apple, một kỷ nguyên của thành công nối tiếp thành công, của những sáng tạo vượt bậc trong khi vẫn tôn trọng tính tiện lợi của người dùng ở mức tối đa.

Để hình dung sự khác biệt của Steve Jobs lớn thế nào, giá trị của Apple chỉ là 2,3 tỷ đô la Mỹ vào năm 1997, và đến thời điểm các bạn cầm tờ báo này trên tay thì nó là 943 tỷ đô la Mỹ, đang dần trở thành công ty ngàn tỉ đô đầu tiên trên thế giới.

the gioi cong nghe apple - elle man
Trong những giai đoạn đầu sau khi quay lại, Steve Jobs gây sốc cho cả thế giới khi bắt tay “kẻ thù” Microsoft để nhận khoản tiền 150 triệu đô la Mỹ, đồng thời dần dần mở rộng ra các mảng kinh doanh khác ngoài cốt lõi máy tính. Chính những mảng kinh doanh này, iPod, sau đó là iPhone, iPad mới là những sản phẩm mang lại doanh thu chủ đạo cho Apple ở thời điểm hiện tại.

NINTENDO

Ông lớn làng game Nhật Bản từng rất thành công trong thế giới công nghệ vào những thập niên 80 và 90, nhưng bị Sony và Microsoft “chèn ép” và trở nên yếu ớt đi hẳn trong những năm đầu thế kỷ 21. Thành công có lẽ là một từ quá nhẹ nhàng để nói về Nintendo những năm trước đó, đúng hơn thì họ gần như thống trị toàn bộ làng game với NES, SNES, Gameboy…, ít nhất là cho đến khi PlayStation xuất hiện.

Nintendo phản ứng rất chậm, họ đưa ra những chiếc máy tương tự các đối thủ, chẳng hạn như Nintendo GameCube và tất nhiên là thất bại thảm hại. Thế nhưng chính những thất bại đó lại đánh dấu một sự hồi sinh rực rỡ nhất: Nintendo nhận ra họ cần khác biệt, họ cần sáng tạo, là chính bản thân mình. Và thế là Nintendo Wii với cách chơi hoàn toàn mới lạ, Nintendo 3DS với trải nghiệm game hai màn hình sáng tạo hơn, Nintendo Wii U có tay cầm tích hợp màn hình cảm ứng và nhất là Nintendo Switch vừa là máy chơi game cầm tay, vừa là máy chơi game tại gia lần lượt ra đời.

the gioi cong nghe nintendo - elle man

NETFLIX

Một trong những công ty sáng tạo nhất thế giới công nghệ, từ một gã nhỏ con mà Netflix đã buộc những người khổng lồ như Amazon phải chạy theo. Ngày nay, nói đến dịch vụ stream phim thì không ai không biết đến Netflix. Trước đây, Netflix là công ty cho thuê băng, đĩa DVD gia đình, tuy nhỏ nhưng vẫn có lợi nhuận. Thế nhưng một biến cố đã xảy ra vào năm 2011, Netflix thay đổi chính sách, tăng giá sản phẩm và làm cho rất nhiều khách hàng không hài lòng: 800.000 khách hàng từ bỏ chỉ trong một quý, giá trị cổ phiếu giảm từ 300 đô la Mỹ xuống còn 65 đô la, đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của công ty.

Rất may là ban lãnh đạo Netflix đã nhận ra những sai lầm đó, họ nhanh chóng sửa sai và tập trung phát triển những nội dung độc quyền, những nội dung chỉ xuất hiện trên Netflix và do Netflix sản xuất. Ngày nay, chúng ta không còn lạ gì với Orginal Series, những bộ phim được chính các công ty stream tạo ra nhưng vào những giai đoạn tranh tối tranh sáng của thị trường thì nó là thứ tạo ra sự khác biệt cho ngành giải trí nước Mỹ.

the gioi cong nghe netflix - elle man

MICROSOFT

Trong thế giới công nghệ, Microsoft cũng có một lịch sử thăng trầm đến kỳ lạ, không cần phải nhắc lại về những giai đoạn họ bị tòa án bắt chia đôi công ty, mà chúng ta chỉ cần quay ngược thời gian 6 năm trước, vào năm 2012, thời điểm Microsoft đã có quý kinh doanh thua lỗ đầu tiên trong lịch sử.

Microsoft ở thời điểm đó là một Microsoft “xấu xí”, một công ty đã đánh mất khả năng truyền cảm hứng cho mọi người, điều mà chính CEO Satya Nadella phải thừa nhận. Microsoft đã lỡ gần như toàn bộ những con thuyền công nghệ mới nhất, họ bỏ lỡ tìm kiếm, họ bỏ lỡ mạng xã hội, bỏ lỡ điện thoại, chỉ trông chờ vào những mảng kinh doanh phần mềm truyền thống vốn đang yếu dần.

Với quy mô của Microsoft, không tăng trưởng là một điều rất khủng khiếp, vì nó sẽ có thể kéo cả tập đoàn đi xuống. Ấy vậy mà chỉ vài năm sau, Microsoft đã trở lại rạng rỡ hơn bao giờ, họ thay đổi tất cả những gì cốt lõi nhất.

the gioi cong nghe microsoft - elle man
Microsoft dưới thời Satya không còn là một con “ngáo ộp” bắt nạt các công ty nhỏ, các nhà sản xuất phần mềm mã nguồn mở mà trớ trêu thay, họ còn ủng hộ, thúc đẩy để cộng đồng này ngày càng trở nên phát triển hơn. Microsoft không còn là một công ty “chăm chăm” tự phát triển các nền tảng kín của riêng mình, mà họ sẽ xuất hiện trên tất cả các hệ điều hành, mang dịch vụ, phần mềm của họ đến với số đông người dùng.

SONY

Vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, vẫn còn đâu đó những mảng kinh doanh gặp rắc rối nhưng rõ ràng là họ đã có lợi nhuận trở lại. Vào những giai đoạn tồi tệ của vài năm trước, số tiền lỗ của Sony có thể tính bằng tỷ đô la Mỹ, 35.000 nhân viên đã phải nghỉ việc, những thương hiệu danh tiếng như VAIO đã không còn tồn tại, hay thậm chí là trụ sở ở Mỹ cũng phải bán đi để lấy tiền trang trải chi phí.

Tất cả những thành công hiện tại của Sony trong thế giới công nghệ mang đậm dấu ấn của Kazuo Hirai, cựu CEO của hãng. Dưới sự lãnh đạo của ông, các mảng kinh doanh TV, máy chơi game, camera, cảm biến ảnh… đã mạnh hơn rất nhiều và đủ sức gánh vác cho những khoản lỗ từ bộ phận di động hay những nhóm kinh doanh khác. Thế nhưng mọi chuyện chưa hẳn là đã ổn với Sony, khi họ vẫn tập trung quá nhiều vào lĩnh vực kinh doanh cho người dùng cuối trong khi các đối thủ lớn đã chuyển sang trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và những xu hướng cốt lõi khác.

the gioi cong nghe sony - elle man

Xem thêm:

Tương lai nào cho công nghệ streaming?

CES 2018:  ‘‘Đại hội công nghệ” – Nơi những ông lớn tranh tài

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hoàng Sơn – Hình ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more