Tạp chí 01/06/2020

Tính nghệ thuật trong game: Tảng băng chìm đồ sộ dưới đỉnh đầu giải trí

Bài Tri Duc

Từ thiết kế dạng thùng thô sơ vào thập kỷ 80, các game điện tử giờ đây là tổng thể dung hòa của những hình ảnh sống động, âm nhạc bài bản và cả những cốt truyện thấm đẫm cảm xúc. Thật không thể phủ nhận những giá trị nghệ thuật đặc sắc các NTK game đang cố gắng truyền tải.

Từ kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với những khoảnh khắc “phá băng” dữ dội và những màn “trash talk” cùng bạn bè, game điện tử gắn liền và theo chân biết bao thế hệ. Theo năm tháng, chúng ta trưởng thành và cảm nhận mọi thứ sâu sắc hơn, trò chơi điện tử cũng không ngoại lệ. Không chỉ là những màn combat đã tay, giờ đây chúng ta còn “cảm” game bởi đồ họa nịnh mắt, cốt truyện chạm đến xúc cảm người chơi và những giai điệu du dương, hùng hồn khiến bạn nổi gai óc xuyên suốt mạch game. Hay nói cách khác, ta bị chinh phục và yêu bởi tính nghệ thuật trong game.

Thế giới diệu kỳ mở ra từ những tâm huyết

Từ những hộp thùng thô sơ của những năm 80, game không ngừng chuyển mình theo dòng chảy tân tiến của công nghệ hình ảnh. Từ những hình ảnh 8-bit ban đầu, giờ đây cả một Paris hoa lệ được tái hiện và chìm trong cách mạng Pháp khốc liệt của Assassin’s Creed Unity. Hay bạn cũng có thể viễn du trong thế giới thần thoại, mộng ảo của Shadow of the Colossus, Final Fantasy…

tinh nghe thuat trong game - elle man 7.1

Trên con đường phát triển đó, ngoài công nghệ tiên tiến, sự sáng tạo và tư duy hình ảnh của các họa sĩ làm game đóng vai trò sống còn. Để làm nên những chi tiết dù là nhỏ nhất, các họa sĩ phải mất nhiều công sức và thời gian nghiên cứu lịch sử – bối cảnh – chất liệu, rồi phác họa hàng ngàn concept art khác nhau để cuối cùng phục dựng bằng công nghệ thiết kế 3D và animation. Nữ họa sĩ Caroline Miousse đã phải mất 2 năm để hoàn thành Nhà thờ Đức Bà Notre Dame trong Assassin’s Creed Unity. Cô đã khắc họa lại chính xác đến từng cây cột, khung cửa dù chưa hề đặt chân đến nơi đây. Tất cả bản vẽ của cô đều đến từ việc đọc sách, nghiên cứu lịch sử và quan sát hàng ngàn tấm ảnh.

tinh nghe thuat trong game - elle man 6.1

Ngoài yếu tố chân thật, giá trị nghệ thuật của hình ảnh game còn thể hiện qua trí tưởng tượng và cách thể hiện độc đáo những ý tưởng kỳ ảo. Gris là một minh chứng sống động cho sự bay bổng, lả lơi trong cách thể hiện hình ảnh. Tựa game nói về một cô gái đi tìm lại tiếng hát của mình và sắc màu cho thế giới. Gris đã vẽ nên một câu chuyện kỳ thú về sự cô đơn qua nhiều gam màu đa dạng. Đặc biệt, trò chơi còn là sự kết hợp giữa những sắc thái màu nước điêu luyện, ma mị của họa sĩ Conrad Roset và thiết kế chuyển động mượt mà, đem đến một thế giới lượn lờ, mơ hồ rất khác biệt cho người chơi.

 

Dù là Caroline Miousse, Conrad Roset hay bất kỳ nghệ sĩ nào, chính sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ đã góp phần to lớn làm nên giá trị nghệ thuật cho thế hệ game điện tử mới.

Tựa

Cảm xúc bất hủ qua giai điệu và thanh âm

Bên cạnh phần nhìn, phần nghe cũng đóng vai trò then chốt để hoàn thiện nên tổng thể nghệ thuật trong game. Âm nhạc cũng trải qua một quá trình lột xác ngoạn mục xuyên suốt nhiều thập niên.

Từ những đoạn loop thanh âm chiptune rập khuôn và trẻ con, nhạc game hôm nay là những tuyển tập sáng tác đồ sộ của hàng trăm nhạc công chuyên nghiệp trải qua rất nhiều giờ tập luyện. Square Enix là một trong những hãng game nổi tiếng sở hữu những soundtrack chất lượng như thế, tiêu biểu là Final Fantasy và Kingdom Hearts. Hai tên tuổi này đã trở thành tượng đài trong ngành công nghiệp game không chỉ nhờ yếu tố đồ họa, nội dung hay gameplay mà còn bởi giai điệu nhạc nền như hút lấy người chơi vào trong thế giới huyền ảo.

Riêng Final Fantasy, thật khó phủ nhận tính tiên phong và sự đầu tư nghiêm túc ở mảng âm nhạc. Từng giai điệu cất lên, dù chiptune hay orchestra, dù được dẫn dắt bởi Nobuo Uematsu hay Yoko Shimomura, tất cả đều để lại cho người chơi những dấu ấn ký ức sâu đậm. Đã hơn 30 năm trôi qua, giai điệu bất hủ của Final Fantasy vẫn khiến bao con tim người hâm mộ thổn thức.

Giải trí, thấm nhuần, thấu hiểu

Cuối cùng, giá trị nghệ thuật trong game còn thể hiện qua việc phản ánh cuộc sống thực tế để chia sẻ sự đồng cảm. Không phải ai chơi game cũng chỉ để vui, rồi quên. Và không phải game nào cũng được tạo ra chỉ để dành cho cảm giác giải trí hư ảo, mà còn vì những vấn đề rất thật ngoài kia. Có không ít những trò chơi được xây dựng dựa trên những xoay chuyển chính trị, những vấn đề xã hội nhức nhối hoặc đưa người chơi đối thoại với xúc cảm của bản thân. Các nhà làm game dần can đảm hơn trong việc phản ánh hiện thực, tìm đến những ngóc ngách của cuộc sống, xã hội để làm nền tảng nội dung cho game.

Nếu chưa hiểu được sự bần cùng có thể đẩy con người đối diện với lằn ranh mong manh của lương tâm như thế nào, hãy tìm đến This War of Mine (TWM), một tựa game thách thức tất cả định kiến về tính nhân đạo. TWM không phải game để giải trí, nó khiến bạn phải suy ngẫm rất nhiều về mối quan hệ, bản chất tham lam cũng như sự hy sinh giữa người và người.

Journey đem đến thông điệp nhẹ nhàng nhưng miên man về giá trị của tình bạn. Giao diện bao la của sa mạc kết hợp âm nhạc du dương, Journey cho người trải nghiệm sự cô đơn trên những chuyến phiêu lưu, để từ đó biết trân quý lẫn nhau. Journey thực chất là một game đa người chơi ẩn danh, tất cả đều bị “cô đơn” cho đến khi tìm được nhau. Trò chơi tận dụng rất tốt yếu tố người chơi như một phần của cốt truyện, khiến chúng ta suy ngẫm về vai trò và giá trị của bạn bè.

Khi trưởng thành, nhiều người rời xa khỏi thế giới game bởi nhiều lý do. Nhưng cũng có những người ở lại, gắn bó với mối liên hệ lớn dần theo năm tháng và khám phá ra những giá trị được ẩn giấu. Game có thể không là nghệ thuật, nhưng nghệ thuật thì luôn nằm trong game!

15

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Liêu Chưởng

Hình ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more