Calligraphy (thư pháp phương Tây hay nghệ thuật viết chữ) xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại gồm kallos (κάλλος) nghĩa là “vẻ đẹp” và graphe (γραφή) nghĩa là “văn bản”. Văn bản là một trong những cách giao tiếp và truyền tải thông điệp phổ biến của con người. Công việc của calligrapher là làm cho thông điệp trở nên đẹp mắt và thu hút hơn, thể hiện được tinh thần của nội dung văn bản bằng cách sử dụng kiểu chữ phù hợp, được sắp xếp một cách hợp lý và kết hợp với các họa tiết mỹ thuật.
Trước khi trở thành calligrapher, Trí Shiba từng học Đại học Kiến trúc chuyên ngành Thiết kế Nội thất và chuyển sang tự học thiết kế đồ họa vào năm 2014. Năm 2015, Trí được một người bạn tặng cho dụng cụ viết calligraphy và tự tìm hiểu thông qua các bài hướng dẫn trên YouTube, Behance… Đến một thời điểm, Trí Shiba cảm thấy thực sự muốn gắn bó lâu dài với bộ môn này nên tạm gác lại công việc thiết kế đồ họa và chuyển hẳn sang calligraphy.
Lúc mới chuyển sang theo đuổi calligraphy, đâu là khó khăn lớn nhất Trí Shiba từng gặp?
Chắc chắn khía cạnh công việc là thứ khiến mình dễ nản nhất. Mình không làm trong công ty để hướng đến sự thăng tiến, lĩnh vực của mình cũng không phổ biến để mở rộng hướng đi nên chỉ có bản thân phải đấu tranh để vượt qua chính mình. Hơn nữa, đây là bộ môn truyền thống nên khả năng ứng dụng rất hạn chế. Làm sao để kiếm sống, để phát triển cao hơn là vấn đề đau đầu mà Trí phải đối mặt hàng ngày. Nhưng khi qua được giai đoạn đó và được một số bạn biết tới rồi, Trí bắt đầu có nhiều ý tưởng hơn và “sống” được với con đường mình đã chọn.
Thời điểm đó và có lẽ đến tận bây giờ, calligraphy là môn nghệ thuật không quá phổ biến ở Việt Nam. Sao Trí tin rằng mình có tiềm năng phát triển công việc này?
Ban đầu Trí cũng phân vân lắm. Thật sự lúc ấy mình không biết có thể ứng dụng calligraphy vào việc gì đâu. Tuy nhiên, chính vì calligraphy không phổ biến ở Việt Nam, tài liệu chủ yếu là tiếng nước ngoài nên nhiều bạn đã gợi ý Trí tổ chức các khóa học ngắn hạn để chia sẻ kinh nghiệm của mình. May mắn là không chỉ nhiều người hứng thú tham gia mà còn có cả những bạn ở nước ngoài cũng muốn học. Vậy là Trí nghĩ đến việc soạn những tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh và bán qua mạng. Nhờ vậy, Trí có cơ hội tiếp cận với thị trường trong khu vực và các nước khác. Rồi Trí được tổ chức Toolart ở Singapore biết đến, hỗ trợ mở workshop và các lớp học online, giúp Trí phát triển công việc đến tận bây giờ. Mọi thứ cứ đến tự nhiên, mình không đoán trước được.
Theo Trí Shiba, một calligrapher cần có những tố chất gì?
Bản chất của calligraphy là sự giao thoa giữa yếu tố thẩm mỹ và yếu tố logic, có sự tính toán như phân chia tỉ lệ, sắp xếp bố cục và xử lý nét lắp ghép với nhau thành chữ. Nếu bạn có cả tư duy thẩm mỹ lẫn khả năng suy nghĩ logic thì sẽ phát triển nhanh hơn. Dẫu vậy, ngay cả khi không có năng khiếu, bạn vẫn có thể kiên trì luyện tập cho đến khi quen tay, chỉ là mất nhiều thời gian hơn thôi.
Đối tượng chính của calligraphy là chữ viết, mà con chữ thì luôn bị giới hạn về hình thái và cấu trúc có sẵn. Nó rất khác với vẽ tranh thuần túy, có thể lấy chất liệu từ đời sống hoặc trí tưởng tượng. Làm sao để Trí luôn có những sáng tạo mới mẻ, không tạo cảm giác trùng lặp?
Thật ra đó cũng là vấn đề Trí gặp phải một năm trước. Khi làm đủ nhiều, mình sẽ cảm thấy công việc có phần lặp lại. Nếu mình cứ ngồi viết những kiểu chữ giống nhau, với bố cục lặp lại, giấy mực như cũ thì rất chán. Vậy nên Trí phải tự tìm tòi và phát triển kỹ thuật. Đối với bộ môn này, mình có thể mở rộng theo nhiều hướng khác nhau.
Thứ nhất, có một kỹ thuật gọi là flourish. Đó là những dạng họa tiết có quy luật mà người chơi có thể ứng dụng vào chữ cái để cách điệu và đa dạng hóa tác phẩm của mình.
Thứ hai, mình có thể biến tấu chữ cái bằng cách sử dụng độ nghiêng của bút. Khi đặt bút theo nhiều độ nghiêng khác nhau thì sẽ tạo ra độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau. Người chơi có thể tùy chỉnh để tạo ra tinh thần khác cho chữ.
Thứ ba, Trí phát triển các yếu tố trang trí, ứng dụng nền tảng mỹ thuật để tạo nên các họa tiết như lá cây, động vật, kiến trúc La Mã… nhằm góp phần làm rõ nội dung.
Ngoài ra, có một số kỹ thuật căn bản mà chỉ cần mình thay đổi một chút thì chữ viết ra sẽ khác. Tiếp đến là chất liệu. Viết lên loại giấy khác, bằng loại mực khác thì sẽ tạo ra hiệu ứng khác hay sử dụng mực nhũ, kỹ thuật dát vàng cũng sẽ tạo ra tinh thần mới cho tác phẩm.
Người ta nói nét chữ là nết người. Vậy nét chữ thể hiện con người Trí như thế nào?
Một số người nói rằng họ thích tác phẩm của Trí bởi sự chi tiết. Trí luôn tập trung vào những chi tiết nhỏ nhất mà không làm mất đi bố cục chung. Trí nghĩ đó là cách mọi người nhìn vào tác phẩm và con người Trí.
Trí thích nhất điều gì ở calligraphy?
Nếu xem mỗi bộ môn nghệ thuật là một con người thì calligraphy là kiểu người điềm đạm và thanh lịch. Trí rất thích cảm giác khi ngồi viết, nó khiến mình trở nên từ tốn và thoải mái hơn. Viết calligraphy thì không thể vội vàng, hấp tấp được mà phải chậm rãi và tập trung. Hơn nữa, Trí là người thích cả những thứ liên quan đến khoa học lẫn đến nghệ thuật nên rất thích sự giao thoa giữa logic và tính thẩm mỹ trong calligraphy.
Cảm hứng sáng tạo của Trí Shiba thường đến từ đâu?
Nếu trong hội họa, cảm hứng có thể đến từ đời sống hàng ngày hay thế giới nội tâm của nghệ sĩ thì trong calligraphy, cảm hứng lại phụ thuộc vào nội dung, kiểu chữ và chất liệu mà mình thích.
Trí đánh giá như thế nào về sự phát triển của calligraphy ở Việt Nam?
Chắc chắn là nó đã phát triển hơn những năm trước rồi, chỉ là không quá mạnh mẽ thôi.
Hiện tại Trí Shiba đang có những sản phẩm chính nào?
- Trí tổ chức các lớp ngắn hạn ở thị trường Việt Nam.
- Trên website của Trí hiện có 9 cuốn tài liệu do Trí biên soạn nhiều chuyên đề khác nhau và đều được dịch sang tiếng Anh. Bộ tài liệu này nhận được sự ủng hộ khá tốt của các bạn trên thế giới. Trong tương lai, Trí muốn tổng hợp tài liệu và tìm cơ hội xuất bản để calligraphy trở nên phổ biến hơn.
- Trí ứng dụng công việc của mình vào thiết kế họa tiết, logo, xây dựng thương hiệu vì trước kia đã có nền tảng thiết kế đồ họa.
- Sắp tới Trí sẽ phát triển một hệ thống website để tổ chức những lớp học online và sẽ cố gắng mời các bạn nghệ sĩ khác trong khu vực Đông Nam Á cùng tham gia theo chuyên đề.
Người ta hay nói nghệ sĩ thì “chân không chạm đất”, chỉ tập trung sáng tạo nhưng dường như Trí Shiba lại có định hướng rất rõ ở mảng kinh doanh, biết cách phát triển sản phẩm theo nhiều hướng khác nhau để “sống” được với nghề.
Thật ra đó chỉ là cách để thỏa mãn sở thích của mình thôi. Chẳng hạn, Trí muốn mua họa cụ tốt hơn, muốn thử các loại chất liệu mới thì phải có điều kiện kinh tế trước đã. Nó tự động làm cho mình phải tìm cách phát triển công việc để đạt được thứ mình muốn.
Cảm ơn Trí Shiba đã dành thời gian cho ELLE Man.
—
Một số lưu ý cho người mới bắt đầu với calligraphy
Dụng cụ của calligraphy không phổ biến và rất đa dạng nên khi mới học, bạn chỉ nên mua một số dụng cụ cơ bản và đừng quá đắt tiền. Chữ viết có đẹp hay không phụ thuộc vào kỹ thuật chứ không phải dụng cụ.
Những món cần có:
- Ngòi bút: Ngòi ngang và nhọn, dựa vào kiểu chữ mình thích để chọn dạng ngòi sử dụng. Các bạn có thể xác định kiểu chữ các bạn muốn học trước rồi quyết định ngòi viết.
- Cán bút: Có thể dùng với nhiều loại ngòi khác nhau
- Mực
- Giấy: Để luyện tập, các bạn có thể sử dụng loại giấy mỹ thuật được bán phổ biến, miễn là đáp ứng được yếu tố không gây lem mực khi viết (Ink bleeding) và đảm bảo độ sắc nét. Để thực hiện tác phẩm, mình có thể sử dụng một vài loại giấy dùng cho màu nước như Saunder Waterford, Bockingford, Arches…
- Tài liệu học căn bản
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Sản xuất & Bài viết ĐOÀN TRÚC
Hình ảnh RABHUU STUDIO, NVCC
Trang điểm & Làm tóc TỪ MINH QUÂN