Tạp chí 04/01/2020

Yuna & Levi (GAM eSports): Niềm đam mê to lớn dành cho eSports

Bài ELLE Man

So với hơn 10 năm trước, thể thao điện tử (e-Sports) ở Việt Nam đã thay đổi chóng mặt về chất cũng như lượng. Dù vẫn chưa thật sự hoành tráng như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Hàn Quốc, e-Sports Việt đang đi theo các mô hình phát triển chuyên nghiệp và giành nhiều thành tựu đáng kể trong khu vực, đặc biệt ở tựa game Liên Minh Huyền Thoại. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Levi và Yuna của clb GAM eSports để hiểu rõ hơn về cuộc sống của các game thủ của nền công nghiệp đầy tiềm năng này.

Ngành công nghiệp e-Sports tại Việt Nam ngày nay đang phát triển với tốc độ vũ bão. Đó là những trận đấu đỉnh cao quy tụ hàng triệu người theo dõi và số tiền đầu tư của các nhà tài trợ, các nhãn hàng lên đến hàng tỉ đồng. Các phương tiện truyền thông cũng góp phần đưa danh tiếng của các tuyển thủ game lên một tầm cao mới. Họ được chào đón như những ngôi sao giải trí, sinh hoạt và tập luyện tại các gaming house với đội ngũ quản lý và huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Cuộc trò chuyện với huấn luyện viên Yuna (Huỳnh Văn Tân) và game thủ Levi (Đỗ Duy Khánh) của đội tuyển GAM, hai cái tên khá nổi của tựa game Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) tại Việt Nam hiện nay đã giúp ELLE Man hiểu hơn về niềm đam mê và tiềm năng phát triển chuyên nghiệp của e-Sports.

Chào Yuna & Levi, cơ duyên nào đã đưa các bạn đến với LMHT?

Yuna: Với niềm say mê lớn với game từ bé, mình tham gia thi đấu game Dota và đạt được những thành công nhất định, rồi sau đó chuyển sang gắn bó với LMHT từ năm 2012.

Levi: Em bắt đầu làm quen với LMHT vào cuối năm lớp 10. Khi nhận ra tình yêu dành cho e-Sports thì quyết định gắn bó theo hướng chuyên nghiệp từ sau khi tốt nghiệp phổ thông.

HLV Yuna và game thủ Levi của GAM esports

Khó khăn ban đầu khi quyết định theo đuổi con đường này của Yuna & Levilà gì?

Yuna: Đối với mình, có lẽ khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất. Thời ấy chưa có các gaming house hay cơ sở trang bị chuyên nghiệp để game thủ rèn luyện và sinh hoạt như bây giờ. Tiền cũng là vấn đề lớn. Không có tài trợ nên chi phí sinh hoạt và duy trì đam mê chủ yếu đến từ nguồn tiền thưởng đấu giải, nhưng thời ấy cũng không nhiều giải đấu lớn và chuyên nghiệp như bây giờ.

Levi: Khó khăn lớn nhất của em là gia đình. Bố mẹ không ủng hộ khi em dừng việc học để dành toàn bộ sức lực vào con đường này. Tuy vậy bố mẹ vẫn tôn trọng quyết định của em. Sau khi vào Sài Gòn để gia nhập GAM và có được những thành tích đáng kể, gia đình đã hiểu và hoàn toàn ủng hộ.

E-Sports từng bị xem thường vì không có tương lai chắc chắn, điều gì khiến Levi quyết định theo đuổi e-Sports?

Levi: Đúng là trước đây e-Sports bị xem thường và các vận động viên bộ môn này bị xem là những người không có tương lai. Nhưng với một người xác định game là con đường chuyên nghiệp, hào quang của đấu trường và cảm xúc khi chiến thắng là tất cả đối với em.

Liên

Từ một game thủ chuyển hướng phân tích viên và huấn luyện viên, mỗi vị trí đem đến cho Yuna những điều thú vị nào?

Yuna: Vì muốn gắn bó với môi trường e-Sports nên sau sự nghiệp game thủ, mình chuyển hướng làm phân tích viên và huấn luyện viên. Mỗi cương vị mang đến cho mình những trải nghiệm khác nhau. Vị trí game thủ mang lại cảm giác phấn khích khi đấu với các đối thủ và đội tuyển mạnh. Phân tích viên giúp nâng cao khả năng bao quát trận đấu, đọc vị chiến lược để có kinh nghiệm cho vị trí huấn luyện viên hôm nay. Khi làm huấn luyện viên, bạn không chỉ trao đổi chiến thuật cùng đội mà còn phải làm công tác tư tưởng cho đội trước mỗi giải. Cương vị nào cũng đòi hỏi sự siêng năng và tâm huyết như bao công việc khác.

Truyền thông đã hỗ trợ cho các bạn như thế nào? Có khi nào truyền thông phản tác dụng không?

Levi: Truyền thông giúp đưa tên tuổi của các gamer đến với đại chúng, mở ra nhiều cơ hội được tài trợ và có nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, kể từ lúc đó phát ngôn hay thành tích của bạn cũng trở thành đề tài mổ xẻ của truyền thông.

Yuna: Ngoài những lợi ích kể trên, truyền thông mang lại rất nhiều áp lực cho các tuyển thủ, đặc biệt với e-Sports vì đây là ngành công nghiệp mà đối tượng khán giả và game thủ đều là những người còn rất trẻ. Họ chưa va chạm nhiều trong cuộc sống nên thường không đủ vững vàng đối diện với những bình luận và công kích cá nhân trên các trang mạng xã hội.

Các thành viên của đội tuyển GAM: Slay 2. Zeros 3. Yuna 4. Kiaya 5. Hieu3 6. Zin 7. Levi, 8. Yoshinoa

Từng tham gia thi đấu tại Mỹ và Trung Quốc, Levi nhìn nhận đâu là sự khác biệt lớn giữa hai nơi này so với Việt Nam?

Levi: Có thể nói Mỹ và Trung Quốc là hai nền công nghiệp e-Sports phát triển nhất thế giới. Điều em chú ý nhất là các tuyển thủ tại hai nơi này được đãi ngộ rất tốt và e-Sports mở ra các ngành nghề dịch vụ – giải trí liên đới, nên dù không còn thi đấu nữa bạn vẫn có vô số cơ hội nghề nghiệp với mức thu nhập cao để lựa chọn. Tại Việt Nam, chúng ta không có nhiều cơ hội như thế.

Yuna & Levi muốn gửi gắm điều gì đến những người chưa tiếp xúc nhiều với e-Sports để họ hiểu thêm về bộ môn này?

Yuna: Mình muốn mọi người hiểu rằng, những người yêu e-Sports nghiêm túc đã phải đánh đổi nhiều thứ và vượt qua định kiến xã hội để sống với đam mê. Mong rằng mọi người hãy tôn trọng e-Sports như những ngành nghề khác. Còn với game thủ, ngoài đam mê các bạn phải biết cân bằng cuộc sống, sinh hoạt và tập thể dục thể thao lành mạnh để rèn luyện bản thân và thay đổi cách nhìn của xã hội.

Levi: Tự bản thân em sẽ cố gắng thật nhiều và thể hiện sự chuyên nghiệp để người lớn có cái nhìn thiện cảm hơn khi nhắc đến e-Sports cũng như các game thủ. Chúng em là những người chuyên nghiệp, đánh đổi nhiều thứ để theo đuổi đam mê và có được vị trí hiện tại chứ không phải là những đứa trẻ hư hỏng hay ham chơi. Và em cũng mong chính cộng đồng e-Sports hãy tự thay đổi tích cực để người lớn đón nhận e-Sports.

Cảm ơn hai bạn đã dành thời gian cho những chia sẻ thú vị với ELLE MAN.

Thể

Mời các độc giả xem thêm những chia sẻ thú vị của Yuna & Levi trong video sau đây:

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài Trí Đức – Sản xuất Trí Đức, Chi nguyễn

Ảnh Nam Phạm

Trang điểm & Làm tóc: Sally Phạm, Trist Phạm, Linh Trần, Hạc Sa, Tâm Huỳnh, Tee Lai

cùng chuyên mục

No more