Không ai hiểu rõ ý nghĩa nào đằng sau việc khăng khăng với con số lẻ 49, nhưng mê tín ở một mức độ nào đó trước những dịp trọng đại là điều cần thiết và dễ hiểu, đặc biệt là với BST đầu tiên của người đứng đầu mảng trang phục nam của một nhà mốt đầy danh vọng. Không chỉ Kim Jones, Christian Dior cũng từng là một người rất mê tín như thế.
Christian Dior thành lập thương hiệu của mình vào năm 1946, nhưng ông chỉ có thể đồng hành cùng nó trong 11 năm. Khi ông qua đời, những di sản và triết lý thiết kế đó gặp được những truyền nhân tuyệt vời, những người đi sau đã kế thừa và phát huy thành công thành những dấu ấn ảnh hưởng mạnh mẽ trong lịch sử của làng thời trang thế giới, đó là Maria Grazia Chiuri (thời trang nữ) và Kris Van Assche (thời trang nam).
Maria Grazia Chiuri được ca tụng là người kế thừa hoàn hảo nhất của Dior. Những thiết kế của bà được xem như những vần thi ca thể hiện chính xác nhất những di sản ngắn ngủi nhưng đầy dấu ấn mạnh mẽ của nhà sáng lập. Còn với Kris Van Assche, trong suốt 11 năm đồng hành cùng Dior Homme, người tiền nhiệm của Jones đã rất thành công với những thiết kế ảnh hưởng rõ nét từ phong cách cá nhân Dior và cảm hứng hoa cỏ từ vùng quê nhà Granville của nhà sáng lập để tạo nên sự thị vị, nền nã đúng tinh thần của nhà mốt.
Từng đứng đầu mảng thời trang nam tại Louis Vuitton với các thiết kế thể thao và streetwear mạnh mẽ, Kim Jones mang trong mình tính cách nhất quán và bảo thủ nhất định qua 9 năm đồng hành tại nơi đây. Việc phải hoà nhập với một Dior nhẹ nhàng, phi giới tính có lẽ là chặn đường mới mẻ và có đôi chút xa lạ với ông, nhưng thách thức này cũng chính là điều nhiều người mong mỏi được nhìn thấy: Một Kim Jones mềm mại hơn tại Dior và một Dior thời thượng, năng động như thế nào dưới bàn tay lèo lái của Kim Jones.
Với tất cả những điều này, thật dễ hiểu vì sao một Kim Jones lẫy lừng của Louis Vuitton lại không khỏi cảm thấy hồi hộp trước ngày ra mắt BST đầu tiên tại ngôi nhà mới.
Sự dung hợp giữa yếu tố streetwear cao cấp mạnh mẽ và haute couture chưa bao giờ là một cuộc chơi dễ dàng, nhưng nó dần trở thành một trào lưu lớn mà chính thế hệ Millennials và Z là nguyên nhân chủ yếu. Xu hướng thời trang đường phố cao cấp dần thống trị và trở thành một hình ảnh quen thuộc trên khắp các sàn diễn trong những năm gần đây. Không nằm ngoài xu hướng, Kim Jones đại tài cũng có cách của riêng mình để đưa các yếu tố đường phố vào show diễn đầu tại Dior, như những gì ông đã thành công khi còn ở Louis Vuitton.
Kêu gọi sự tham gia của Brian Donnelly, một cái tên không còn xa lạ của giới nghệ thuật đường phố, sneakerhead và streetwear khi anh là người đứng sau thương hiệu Kaws lừng danh, để tạo ra một bức tượng hoa khổng lồ tại tâm điểm của sàn diễn năm nay. Brian, Kim và đội ngũ phải mất đến 4 ngày để tạo nên bức tượng làm từ hoa hồng và mẫu đơn cao đến 10 mét này.
“Những nếu tố mới, đó là hình ảnh của tuổi trẻ và năng lượng cộng hưởng với những điều cũ quen thuộc. Tôi muốn tái định hình thương hiệu”. Ông chia sẻ. Hành động đi đôi với lời nói, Kim Jones sử dụng nhiều kỹ thuật thủ công đa dạng và phức tạp trên BST đầu tiên. “Chúng tôi muốn có những yếu tốt cao cấp (couture) trong BST bởi vì đây là nhà mốt couture và dĩ nhiên tôi phải thể hiện được sự khác biệt với khi còn ở Louis Vuitton”.
Trên sàn diễn BST Xuân-Hè 2019, những thiết kế trơn tru, lịch thiệp đi kèm với yếu tố nhẹ nhàng, thoải mái lần lượt xuất hiện, thể hiện đúng tinh thầm thẩm mỹ mùa Hè cao cấp của Dior. Đó cũng đồng thời là màn chào sân “đúng phong độ” của một Kim Jones mà chúng ta đã biết từ những ngày cầm trịch tại Louis Vuitton.
Để ca ngợi vê người mẹ gốc Đan Mạch đã khuất của mình, Jones mời Hoàng từ Nikcolai – người thừa kế thứ 7 của ngai vàng Đan Mạch – mở màn show diễn trong thiết kế suit rộng rãi và thoải mái trong hai tông màu trắng, xanh phấn nền nã. Mang tinh thần thoải mái nhưng những thiết kế của BST vẫn giữ được phom dáng cứng cáp ở những vị trí cần thiết, “Chúng tôi vẫn giữ phom dáng cắt may cứng cáp và rõ nét ở phần vai. Vì các khách hàng ưu thích chi tiết này, nên chúng tôi phải tôn trọng điều đó”, Kim Jones giải thích.
Sự hòa trộn giữa yếu tố sang trọng của haute couture cùng tính thời thượng của streetwear nhanh chóng được trình lãm ngay sau phần mở màn. Người mẫu khoác lên người các thiết kế áo sơ mi cao cấp được gia công tỉ mỉ bởi những tay nghề lão luyện nhất của Dior và phối với những đôi giày thể thao được trang trí logo Oblique Dior của những năm 60s. Những tông màu trên BST đầu tay cũng chính là ý niệm của một cuộc chuyện trò đang tiếp diễn giữa thời trang may đo, thời trang haute couture và thời trang streetwear.
Tại Dior – tòa pháo đài vững chắc và bảo thủ nhất của thời trang Paris, Kim Jones phải mang một thử thách lớn lao khi phải tạo nên sự hài hòa giữa yếu tố cổ điển bảo thủ của nhà mốt với những tinh thần cảm hứng mới mẻ từ thế hệ thời trang trẻ. Điều đó đã được thể hiện tuyệt vời qua BST đầu tiên của ông tại Dior Hommes, sự dịu dàng và trang nhã cao cấp của BST chính là ấn tượng về một Dior trong suy nghĩ của Kim Jones và cũng chinh là các yếu tố ông sẽ kế thừa và phát triển. Bên cạnh đó, các chi tiết năng động và trẻ trung được ông gửi gắm vào BST chính là động thái đầu tiên để “tái định hình” nhà mốt đi theo theo hướng vận động chung của thời trang cao cấp.
Những gì diễn ra vào hôm thứ Bảy (23/6) vừa qua là dấu ấn mới mẻ đáng nhớ của Kim Jones trên một con tàu mới mang tên Dior.
Xem thêm:
Nước mắt Virgil Abloh và kỷ nguyên mới của thời trang nam Louis Vuitton
Christian Dior – không bao giờ là “quá trễ” nếu đủ đam mê
—
Bài: Đức Nguyễn (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Tham khảo: WWD, Vogue. Hình ảnh: Imaxtree, Sophie Carre)