Xu hướng 15/07/2016

Người cầm lái kiên cường của các thương hiệu thời trang

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 7/2016] Đối với các tập đoàn thời trang xa xỉ hàng đầu, thách thức lớn nhất là vừa phải đảm bảo bài toán cung-cầu và cùng lúc phải duy trì sự thèm muốn - giá trị then chốt mang ý nghĩa sống còn của thương hiệu. Giữa bối cảnh doanh số toàn cầu sụt giảm, thị trường hàng xa xỉ trở thành cuộc chiến khốc liệt, không khoan nhượng giữa các vị Giám đốc Điều hành (CEO) của các tập đoàn đa quốc gia danh tiếng.

Bản lĩnh quyết đoán

Không bay bổng dưới cương vị Giám đốc Sáng tạo (Creative Director) hay chịu trách nhiệm tối đa hóa lợi nhuận ở vị trí Giám đốc Tài chính (Chief Finance Officer), trọng trách chính của Giám đốc Điều hành (CEO) của các tập đoàn xa xỉ phải đưa ra chiến lược và tầm nhìn kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường, cân bằng những nhóm lợi ích trong nội bộ tập đoàn bên cạnh việc đáp ứng, dự đoán thị hiếu của nhóm khách hàng sẵn có và tiềm năng.

Trong thị trường hàng xa xỉ, tập đoàn Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) do tỉ phú giàu thứ hai nước Pháp kiêm Chủ tịch và Giám đốc điều hành Bernard Arnault đứng đầu được biết đến với tầm nhìn sắc bén và ghi công khi đưa giá trị của tập đoàn LVMH tăng gấp 15% bên cạnh doanh thu và lợi nhuận tăng 500% kể từ thời điểm năm 1989. Hiện nay hai người con của ông Bernard Arnault – Delphine Arnault và Antoine Arnault cũng đang đảm nhiệm những vị trí điều hành quan trọng của tập đoàn LVMH.

cac thương hieu thoi trang 1
Bernard Arnault (trái) và Johann Rupert (phải)
cac thương hieu thoi trang 2
Antoine Arnault & Delphine Arnault
François-Henri Pinaul
François-Henri Pinaul

Đối thủ đáng gờm nhất hiện nay của tập đoàn LVMH là Richemont và Kering do hai giám đốc điều hành Johann Rupert và François-Henri Pinault đảm nhiệm. Tỉ phú Johann Rupert mang quốc tịch Nam Phi và được đánh giá là một trong năm người giàu nhất tại lục địa đen. Thành công lớn nhất của Johann Rupert đã đưa Richemont trở thành một trong những đế chế về hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Trong khi đó, người đứng đầu tập đoàn Kering, François-Henri Pinault đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục, vực dậy một trong những đứa con đẻ trứng vàng của ngành thời trang toàn cầu là Gucci trở lại đỉnh cao của danh vọng. Trong quý I/2016, doanh thu của tập đoàn Kering đã tăng 4% ở mức 2,724 triệu Euro so với mức tăng trưởng 2,7% cùng kỳ năm 2015.

Amazon

Francois-Henri Pinault và vợ Selma Hayek tại show diễn Gucci
Francois-Henri Pinault và vợ Salma Hayek tại show diễn Gucci

Ở một diện mạo khác, Renzo Rosso (tập đoàn OTB), Axel Dumas (Hermès), Alain Wertheimer (Chanel) cũng góp phần vào thành công của nhiều đế chế hàng xa xỉ khác, là những kỳ phùng địch thủ không hề kém cạnh. Được mệnh danh là ông vua của chất liệu denim, Renzo Rosso từng bước gây dựng nên đế chế của riêng mình – tập đoàn OTB với giá trị ước tính đạt 3,3 tỉ đô la Mỹ – sở hữu những thương hiệu danh tiếng như Maison Margiela, Dries van Noten, Marni… Ở vị trí đứng đầu của tập đoàn Hermès – Giám đốc Điều hành Axel Dumas thể hiện bản lĩnh lãnh đạo của lứa hậu duệ đời thứ VI của nhà Hermès khi khéo léo chèo lái đế chế hàng xa xỉ lớn thứ ba tại châu Âu vượt qua nhiều sóng gió, đặc biệt là lời mời chào hấp dẫn mua lại cổ phiếu của tập đoàn LVMH. Thậm chí, cuộc đối đầu giữa Axel Dumas và Bernard Arnault được mệnh danh là “trận chiến của thế hệ”.

Renzo Rosso
Renzo Rosso
Axel Dumas
Axel Dumas

Không thường xuyên xuất hiện trên truyền thông, Alain Wertheimer là cháu trai của thương nhân Pierre Wertheimer – nhà đồng sáng lập Chanel với NTK Coco Chanel. Cùng với anh trai là Gerard Wertheimer, bộ đôi Giám đốc Điều hành đã thành công khi luôn duy trì giá trị thương hiệu Chanel nằm trong danh sách những nhà mốt danh giá nhất.

Gerald & Alain Wertheimer
Gerald & Alain Wertheimer

Duy nhất trong danh sách những CEO cai quản các đế chế thời trang hùng mạnh, Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Sáng tạo Christopher Bailey là trường hợp ngoại lệ khi vừa tiếp quản phương diện kinh doanh và thiết kế của nhà mốt 160 năm tuổi Burberry. NTK Christopher Bailey là người có công vực dậy nhà mốt Burberry, trở thành thương hiệu thời trang tiên phong thay đổi cách vận hành để bắt kịp thời đại kỹ thuật số. Mặc dù chưa từng đảm nhiệm vai trò quản lý trước đó, song khoảng thời gian làm việc cùng cựu giám đốc điều hành Angela Ahrendts đã ít nhiều giúp đỡ NTK Christopher Bailey tích lũy được nhiều kinh nghiệm đáng quý.

Christopher Bailey
Christopher Bailey.

 

Con người & văn hóa kinh doanh

Mọi tầm nhìn kinh doanh đều xuất phát từ con người – yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trên mọi phương diện kinh doanh – thiết kế, bán hàng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Trong một bài phỏng vấn cách đây 3 năm, khi được hỏi về cách thức lựa chọn nhân tài, Giám đốc ngành hàng thời trang nữ của LVMH – Pierre-Yves Roussel chia sẻ bí quyết tuyển dụng phải xuất phát từ niềm đam mê về sáng tạo, tư tưởng sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới.

Đây là niềm tự hào của giám đốc điều hành Bernard Arnault khi phát biểu cảm nhận về những thành viên trong ban quản lý của tập đoàn LVMH, những con người luôn dành tất cả sự nồng nhiệt và hứng thú với công việc. Chính họ là những sắc màu tạo nên bản sắc riêng của tập đoàn. Đó cũng là lý do đằng sau cuộc thi The LVMH Prize hàng năm nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng nhiều thế hệ NTK tương lai. Qua cuộc thi, nhiều tài năng trẻ đã bước đầu khẳng định được tài năng như NTK người Anh Thomas Tait hay bộ đôi NTK người Bồ Đào Nha Marta Marques và Paulo Almeida.

Ban giám khảo cuộc thi Young Fashion Designer của tập đoàn LVMH
Ban giám khảo cuộc thi Young Fashion Designer của tập đoàn LVMH
Delphine Arnault và 2 NTK thắng giải cuộc thi
Delphine Arnault và 2 NTK thắng giải cuộc thi của LVMH năm 2015

Bản sắc văn hóa cũng được đánh giá là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công trong kinh doanh. Giám đốc chi nhánh của tập đoàn Kering tại Mỹ – Laurent Claquin từng nhận định “Tên gọi mang một ý nghĩa nhất định”. Xuất phát từ lý do đó, tập đoàn PPR – tiền thân của tập đoàn Kering ngày nay đã trải qua một cuộc đại tu mang tính cách mạng vào ngày 18 tháng 6 năm 2013.

Với tên gọi mới, ban giám đốc điều hành của tập đoàn Kering mong muốn truyền tải bức thông điệp mới, dành sự quan tâm hơn nữa đến thương hiệu, nhân viên và đối tác. Bản thân tên gọi “Kering”, khi phát âm, dễ dàng liên tưởng đến từ “caring” mang ý nghĩa chăm sóc trong tiếng Anh. Trong khi đó, chữ  “Ker” mang ý nghĩa để chỉ “nhà” trong tiếng Breton, vốn là ngôn ngữ sử dụng tại vùng quê nơi François-Henri Pinault sinh ra và chữ cái “ing” thể hiện khát vọng phát triển. Tầm nhìn đồng bộ về bản sắc văn hóa kinh doanh còn được truyền tải qua logo mới với hình tượng con cú tượng trưng cho trí tuệ và sự nuôi dưỡng.

Tinh thần ứng phó chính là vũ khí bí mật

Burberry và Kering là hai cái tên đại diện cho bộ máy điều hành linh hoạt thích nghi với những biến động của thị trường một cách nhanh chóng. Giám đốc điều hành của Burberry – Christopher Bailey và Kering – Francois-Henri Pinault đều đã phát đi thông cáo tiên phong thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống. Một trong những nỗ lực đó là việc sát nhập show diễn thường niên dành cho nam giới và nữ giới theo chu kỳ 2 lần/năm thay thế cho số lượng 4 lần/năm như trước kia. Thời điểm thực hiện sẽ diễn ra lần lượt vào tháng 9/2016 và đầu năm 2017.

Show diễn Thu-Đông 2016 của Burberry
Show diễn Thu-Đông 2016 của Burberry

Bên cạnh đó, tinh thần ứng phó còn thể hiện qua việc tái cơ cấu điều hành và quản lý. Thay thế cho kênh phân phối truyền thống, những thay đổi về phương thức kinh doanh, xu hướng tiêu dùng của nhóm khách hàng tiềm năng chính là lý do khiến nhiều tập đoàn xa xỉ linh hoạt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào kênh bán hàng trực tuyến. Một trong những nhà mốt được coi là “bảo thủ” nhất trong việc thay đổi phương thức kinh doanh là Chanel cũng dần thay đổi cơ chế phân phối khi bước đầu tích hợp thương mại điện tử trên website của hãng.

Một ví dụ khác là thương vụ sát nhập giữa hai đại gia trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến Net-a-Porter và YOOX từng tốn giấy mực báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Johann Rupert, tập đoàn Richemont (công ty mẹ của Net-a-Porter) dồn sức vào mảng phân phối trực tuyến bằng việc thỏa thuận với tập đoàn bán lẻ trực tuyến của Ý YOOX với mức định giá khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015.

Sự sát nhập của tập đoàn Yoox và Net-a-Porter
Sự sát nhập của tập đoàn Yoox và Net-a-Porter

Ở cương vị là người “cầm lái” những tập đoàn xa xỉ hùng mạnh bậc nhất thế giới, con người, văn hóa kinh doanh và tinh thần ứng phó vẫn luôn là những thứ vũ khí hiệu quả giúp các Giám đốc Điều hành củng cố vị thế trong cuộc chiến giữa các tập đoàn xa xỉ.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

cùng chuyên mục

No more