Trong thời đại mà mọi người đều chú ý đến ngoại hình và các tài khoản trên Instagram, Facebook, Twitter… hoạt động như những kênh phát sóng cá nhân thì việc sáng tạo cũng như ứng dụng xu hướng thời trang ngày càng trở nên quan trọng. Cùng với truyền thông kỹ thuật số, chúng ta đang sống trong một nền văn hóa chủ yếu tập trung vào thị giác, nơi những người trẻ sử dụng hình ảnh nhiều hơn lời nói. Chính vì vậy, các vấn đề liên quan đến phong cách cá nhân và cách thức thể hiện luôn đứng ở vị trí hàng đầu. Văn hóa kỹ thuật số đã khiến nhiều giá trị trở thành xu hướng một cách nhanh chóng trong khi trước đó chúng phải mất thời gian dài hơn để được ghi nhận.
Trong thực tế, xu hướng luôn xuất hiện, diễn ra và thoái trào theo một chu trình có thể dự đoán được. Văn hóa nhân loại tồn tại thông qua chu kỳ đổi mới liên tục và có tính cạnh tranh. Vậy xu hướng ra đời và phát triển như thế nào? Chúng ta có vai trò gì trong quá trình này? The Future Laboratory – một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới về việc dự báo xu hướng – sẽ trả lời câu hỏi này dựa trên nghiên cứu các lực lượng xã hội và hành vi cơ bản của con người.
- Những người đổi mới
Những cá nhân này chỉ chiếm khoảng 2,5% dân số và thường ở tình trạng của người ngoài cuộc. Họ có thể không biết gì hoặc chẳng quan tâm đến những xu thế chủ đạo, nhưng lại là người tạo ra đột biến văn hóa – nền tảng của một phong trào mới. Họ có thể là một nhà thiết kế đình đám (nhưng lại không sở hữu một mô hình kinh doanh thực sự), là nhà khoa học (thường đưa ra những định luật “chẳng ai tin”) hay một người nghệ sĩ (tạo nên những thứ “không ai hiểu”).
Luôn có ranh giới mỏng manh giữa sự thành công ngoạn mục và thất bại ê chề khi một ý tưởng độc đáo được đưa ra. Nó có thể không bao giờ trở thành hiện thực hoặc ngược lại, sẽ tạo ra sự cộng hưởng từ những đối tượng ứng dụng rộng rãi. Ví dụ, Steve Jobs từng vấp phải sự miệt thị khi ông nhấn mạnh rằng máy tính cần có một giao diện thiết kế đẹp hơn, không ai tin những mày mò công nghệ của Tim Berners-Lee lại tạo ra mạng lưới World Wide Web thay đổi hoàn toàn quỹ đạo xã hội, cũng như nhân loại cần hơn 100 năm để tìm ra minh chứng cho lời tiên tri của Einstein về sóng hấp dẫn.
Thời trang cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Sự thay đổi thời đại đầy kịch tính được tìm thấy trong BST New Look của NTK Christian Dior, BST phong cách “menswear” đầu tiên của Yves Saint Laurent, hay những thiết kế mang tính “cách mạng” của Coco Chanel… Thật ngỡ ngàng, thật khó chấp nhận nhưng cũng thật khó cưỡng, và những lời tán dương vẫn còn có thể nghe thấy được sau nhiều thập kỷ. Thế giới sẽ không thể vận động, xu hướng cũng không thể ra đời nếu không có số ít những con người đặc biệt này.
2. Những người thích nghi nhanh
Nếu những cái cây ngã trong rừng và không ai nghe thấy, không ai quan tâm, vậy thì có gì thay đổi? Đây là ví dụ mô tả tình trạng khó khăn khi một ý tưởng sáng tạo không nhận được sự hưởng ứng sớm. Mặc dù những người đổi mới có thể là suối nguồn của xu hướng xã hội, nhưng trên thực tế, chính những người thích nghi nhanh mới là những người tạo ra xu hướng. Họ có khả năng kết nối và gắn liền với văn hóa đương đại ở tất cả các mức độ. Họ có một mạng lưới truyền thông xã hội vững chắc và biết tự mình chắt lọc các xu hướng từ nguồn tài nguyên văn hóa. Họ nhạy cảm với cái mới và không ngại ứng dụng, sẵn sàng ướm lên mình những thiết kế mới nhất.
Nhóm thích nghi nhanh chắc chắn phải là những người thành thị vì chỉ ở nơi này họ mới có thể tiếp cận những đổi mới đầu tiên. Với khoảng 13,5% dân số, cộng đồng này khá ít ỏi. Nhưng ngược lại, họ có khả năng dự báo và làm lan tỏa xu hướng. Nói cách khác, những người này không sáng tạo ra bất cứ thứ gì, nhưng họ giúp cho những sáng tạo của người khác được thừa nhận bởi số đông.
3. Số đông chấp nhận sớm
Đây chính là nhóm đối tượng mà những phương tiện truyền thông đại chúng thật sự tác động. Theo thời gian, bạn nhận thấy có một điều gì đó đang là xu hướng thời trang chủ đạo trên tạp chí, trên mạng xã hội và trên đường phố. Đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư tìm thấy tiềm lực tài chính ở các xu hướng nổi bật và là giai đoạn mà sự cải tiến/đổi mới đang dịch chuyển từ một phong trào nhỏ lẻ thành một hiện tượng toàn cầu. Với 34% dân số, đây là nhóm người ủng hộ hăng hái và trung thành nhất của một xu hướng, họ thường thêm thắt tính cá nhân vào cách thức thể hiện và phát truyền hình ảnh của mình ở tần số rộng.
4. Số đông chấp nhận muộn
Nhóm số đông chấp nhận muộn là nhóm có mức độ tự ý thức cao nhất và có xu hướng cần rất nhiều sự bảo đảm trước khi thử nghiệm điều gì đó với một hành vi mới. Họ vốn rất thận trọng và luôn tuân thủ những chuẩn mực xã hội, vì vậy khi một phong trào tiếp cận nhóm này, nó được chấp nhận từ từ, từng chút một, không vội vàng, hấp tấp. Những người này vững chắc về mặt cạnh tranh chứ không phải về sự đổi mới, do đó, họ trở thành mục tiêu thương mại chính cho các thương hiệu mong muốn thu hồi vốn từ một một trào lưu cũng với khoảng 34% dân số. Trong khi nhóm số đông chấp nhận sớm say sưa trong sự mới mẻ thì nhóm chấp nhận muộn có xu hướng tự trấn an về sự đơn điệu của bản thân. Đây là khi bạn nghe về khái niệm những món đồ “phải có” (must have) như túi xách, áo khoác hoặc giày, và quả thật họ chỉ mua khi người ta cho họ biết rằng đó là đồ “phải có”!
5. Những người lạc hậu
Đây là nhóm người thích hợp với các xu hướng đã thoái trào – ít nhất là khi chúng trở nên quá phổ biến hoặc đã được các nền văn hóa chấp nhận hoàn toàn. Trong khi nhóm số đông chấp nhận muộn là những người tự ý thức về việc ứng dụng một cái gì đó mới, những kẻ lạc hậu lại tích cực kháng cự bất cứ điều gì họ nhận thấy không chính thống. Họ bám vào các giá trị truyền thống và xem mỗi làn sóng của sự đổi mới như là sự sỉ nhục cá nhân. Hơn 16% dân số là những người như vậy. Họ là những thành trì cuối cùng và sẽ chỉ chấp nhận “cái mới” một khi nó đã trở nên quá phổ biến, hay nói cách khác, khi “cái mới” đã trở thành “cái truyền thống”. Ngặt nỗi, đây cũng là khi một xu hướng trở nên lỗi thời và tìm thấy điểm dừng trên vòng tròn thời trang, và chắc chắn sự lặp lại đã bắt đầu ở một mức độ cao hơn, từ những người đổi mới khác.
Xu hướng chỉ hữu ích khi chúng mang đến giá trị về mặt văn hóa cho những người đi theo và ứng dụng nó. Vì vậy, một khi đã đạt đến ngưỡng lạc hậu, chúng ta hãy để cho nó đi qua và bắt đầu một cuộc chơi mới thú vị hơn!
Bài: Đoàn Trúc – Ảnh: Tư liệu