Thú chơi 05/02/2017

Dzị Club – Hội quán những người thích hút thuốc tẩu

Bài Thanh Nha

[Tạp chí ELLE Man tháng 12/2016] Tôi nghĩ, người ta quay trở lại hút tẩu vì sợi thuốc nguyên bản, tự nhiên, loại bỏ hóa chất nạp vào người. Thứ hai, về ý nghĩa thời gian, tẩu đã từng thịnh hành và trở thành một nét văn hóa nhất định.

Chào anh Hiệp, anh bén duyên tẩu từ lúc nào?

Tôi có thú vui sưu tầm những thứ độc lạ và luôn tìm tòi những thú chơi mới như: đồng hồ, bật lửa, kính bút, xe cộ, lướt ván diều. 5 năm trước tôi đến với tẩu từ một sự hoàn toàn tình cờ cũng chỉ vì tò mò như bao người khác. Dần dà, càng chơi càng thích và tôi vô tình phát hiện: Hút tẩu có thể hoàn toàn bỏ được thói quen hút thuốc lá. Có thể bạn nghĩ, vậy thì có gì khác nhau khi bỏ nghiện thứ này để sang thứ khác? Tôi luôn nói với mọi người: Tốt nhất là không nên hút gì cả. Chỉ trong trường hợp vì lý do đặc biệt nào đó mà bạn chưa từ bỏ được nicotine và phải lựa chọn giữa thuốc lá điếu và tẩu thì tôi khuyên mọi người nên chọn tẩu.

Dzị Club Hội quán những người thích hút thuốc tẩu 1

Tẩu dần được hồi sinh theo xu hướng hoài cổ. Theo anh là vì sao?

Công nghiệp thuốc lá ra đời và tính tiện dụng của nó làm cho thuốc tẩu bị mai một đi, trở thành quá vãng. Nhưng đa số điếu thuốc lá ngày nay không còn giống như lúc nó mới ra đời. Trong mỗi điếu thuốc là giấy xắt tẩm hươmg liệu và hóa chất chứ không phải sợi thuốc lá tự nhiên như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ước tính trong một điếu thuốc có từ vài trăm tới hàng ngàn hóa chất độc hại, gây ra các bệnh về tim mạch và hô hấp. Tôi nghĩ, người ta quay trở lại hút tẩu vì sợi thuốc nguyên bản, tự nhiên, loại bỏ hóa chất nạp vào người. Thứ hai, về ý nghĩa thời gian, tẩu đã từng thịnh hành và trở thành một nét  văn hóa nhất định. Cũng giống như Vespa, Lambretta cổ, đầu đĩa than, đầu băng cối, tẩu được hồi sinh vì nét đẹp vốn có và sự hoài cổ. Hút tẩu khiến bạn “sống chậm” lại. Từ khâu nhồi thuốc, châm, hút, vệ sinh tẩu đòi hỏi khoảng thời gian nhất định và tâm hồn thư thái. Bạn không thể nào vội vàng, hấp tấp được.

Hút

Nhìn qua những cây tẩu của anh và các hội viên, thấy có rất nhiều màu sắc, hình dạng khác nhau. Anh có thể nói qua về chất liệu và cấu tạo của những chiếc tẩu?

Để tả chi tiết và cụ thể, tôi nghĩ có lẽ trong khuôn khổ bài này không thể tả hết được, xin nói qua rằng gỗ duy nhất được lựa chọn làm tẩu là gỗ briar (thạch nam) – một loại cây gỗ được trồng nhiều ở vùng Địa Trung Hải – do những đặc điểm riêng: vân đẹp, chịu nhiệt, giãn nở, thẩm thấu tốt. Đã có rất nhiều loại gỗ, thậm chí cả những chất liệu khác được thử nghiệm thay thế như gốm, đồng, ngà voi, đá bọt biển nhưng không loại nào có thể thay thế được. Ngày xưa, diện tích trồng briar rất lớn, việc kiếm được nguồn gỗ tốt là điều không mấy khó khăn. Tuy nhiên sự tàn phá sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cộng với sự thoái trào của ngành công nghiệp tẩu, nhiều cánh rừng briar đã bị phá đi để trồng những loại cây mang giá trị kinh tế cao hơn. Do đó, ngày nay để kiếm được một cục gỗ briar tốt quả thật khó khăn hơn xưa rất nhiều. Mỗi chiếc tẩu ra đời là một tác phẩm điêu khắc hoàn hảo, không chỉ hút mà riêng việc nhìn ngắm chúng thôi đã mang lại hứng thú cao độ cho người chơi. Một cây tẩu được đánh giá tốt ngoài chuyện thẩm mỹ đẹp, gỗ tốt, còn phải đạt được độ chính xác về cơ khí, tỷ lệ, có luồng hơi mượt mà, chuyển tải trọn vẹn được mùi vị của lá thuốc. Nếu để so sánh, thú vui hút tẩu khá gần gũi với bộ môn uống trà bằng ấm tử sa: chất liệu đặc biệt, chế tạo chính xác, thẩm mỹ cao, sử dụng cẩn thận và đều phải “luyện”! Một chiếc tẩu nếu được luyện cẩn thận đúng cách với một loại thuốc trong thời gian dài sẽ trở thành vật quý không bao giờ rời của chủ nhân nó.

Tôi nghĩ, chơi tẩu quan trọng nhất không phải là ở giá trị của chiếc tẩu mà đáng trân quý là tình yêu của người chơi dành cho chiếc tẩu. Tẩu không chỉ là công cụ, là tài sản mà còn như một người bạn đồng hành của người chơi.

Dzị Club Hội quán những người thích hút thuốc tẩu 2
Anh Bùi Đình Hiệp, chủ nhiệm CLB Dzị

CLB tẩu do anh thành lập chưa đầy một năm nhưng đã quy tụ số thành viên cực lớn, chứng tỏ sức hút của thú chơi này. Anh nảy sinh ý tưởng lập CLB Dzị Club như thế nào và sinh hoạt có diễn ra thường xuyên?

Hồi bắt đầu đến với tẩu, đã có lúc tôi bỏ ngang giữa chừng vì loay hoay tập một mình, chơi một mình, không có ai để học hỏi, để chia sẻ, mua đồ quá khó (mà môn này thì bao nhiêu phụ kiện lỉnh kỉnh kèm theo). Sau đó vì cơ duyên, tôi quay lại với bộ môn thú vị này, cùng một vài anh em, tôi nảy ra ý định lập hội, cùng khuấy động, khôi phục phong trào này. Từ đó, rất nhiều người đam mê tẩu khắp mọi nơi đã đến với chúng tôi, có người chưa hút bao giờ đến để tìm hiểu, có người hút lâu rồi nhưng cứ loay hoay chơi một mình như tôi hồi trước.

Dzị Club Hội quán những người thích hút thuốc tẩu 3

Mỗi người một ngành nghề, độ tuổi cũng khác nhau nhưng khi có một đam mê chung, chúng tôi rất gắn kết. Nhiều thành viên đã trở thành đối tác trong công việc, tri kỷ trong cuộc sống. Từ ngày thành lập Hội, tôi có thêm rất nhiều anh em, bạn bè. Nhiều khi đi ngoài đường, vào quán, thậm chí là ra các tỉnh có người chào, tay bắt mặt mừng mà mình cứ ngẩn ra không biết là ai. Hóa ra đó là thành viên online, chỉ tương tác qua mạng chứ chưa hề gặp mặt. Vậy mà chỉ lát sau, chúng tôi rôm rả nói chuyện như đã thân thiết lâu lắm rồi. Đó cũng là niềm tự hào nho nhỏ. Điều tôi vui nhất là câu nói của nhiều thành viên: “Cảm ơn anh, nhờ anh mà tôi bỏ được thuốc lá”.

Thuốc

Bên cạnh những sinh hoạt tại Dzị Club và những tương tác online trên diễn đàn, tôi và một số anh em thường tổ chức những cuộc từ thiện nho nhỏ. Đó không phải là kim chỉ nam hay quy định bắt buộc gì của Hội, nhưng chúng tôi cảm thấy yêu đời và thanh thản hơn khi đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho những mảnh đời kém may mắn trong xã hội. Nhiều anh em trong Hội trước khi là thành viên đã âm thầm làm từ thiện theo cách riêng của họ. Người định kỳ hàng tháng gửi một số tiền nho nhỏ cho quỹ từ thiện, người trích một phần nhỏ doanh thu từ kinh doanh đặt tủ bánh mì miễn phí, người mua chăn mền, đồ ăn tặng người vô gia cư, người tự làm ra các vật phẩm để gây quỹ từ thiện cho trẻ em vùng cao.

Đặc biệt có một thành viên ở Hà Nội đã tự mày mò, nghiên cứu và tạo những chiếc tẩu của riêng mình, và chúng được bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu được đều chuyển thẳng tới những địa chỉ bất hạnh đang cần sự giúp đỡ. Khi tụ họp lại với nhau, những con người đó lại như được thêm nguồn động viên và nghị lực, tiếp tục sẻ chia, cống hiến. Chúng tôi gọi đó là “Sống trong lòng người khác”.

Cảm ơn anh!

Bài: Ngô Minh , Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước, Trợ lý: Tú

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more