Thú chơi 22/10/2015

Giải quần vợt US Open và nỗi đau của người Mỹ

Bài Trúc Đoàn

Giải quần vợt US Open đã vượt mặt Wimbledon để trở thành giải đấu có tiền thưởng hấp dẫn nhất, khiến tất cả các tay vợt đều thèm khát được tham dự. Thế nhưng trớ trêu thay người hâm mộ xứ cờ hoa lại luôn phải nhìn cảnh các tay vợt nam đến từ quốc gia khác nâng cao danh hiệu cao quý.
giai quan vot us open
“Người Mỹ cuối cùng” cũng phải dừng chân ở tứ kết US Open 2015.

“Liệu người Mỹ có cơ hội được thấy một tay vợt chủ nhà đăng quang đơn nam tại US Open 2015 không?”, phóng viên của tờ New York Times đã hỏi thẳng tưng như vậy ngay khi bắt đầu cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Hiệp hội quần vợt nhà nghề Mỹ Katrina Adams, trước ngày giải Grand Slam cuối cùng trong năm khai mạc. Sau thoáng “đứng hình”, Katrina Adams nở một nụ cười trừ đầy tinh tế. Bà nói bằng giọng nhẹ nhàng nhất với không nhiều sự tự tin rằng những tay vợt người Mỹ như John Isner, Jack Shock hay Donald Young hoàn toàn có thể gây bất ngờ, các CĐV chủ nhà không nên đánh mất niềm tin. Hy vọng của Katrina Adams không phải không có điểm tựa. US Open là giải đấu của sự bất ngờ. Ba trong số bốn tay vợt có thể chen chân vào kỷ nguyên thống trị của Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic là Andy Murray, Juan Martin Del Potro và Marin Cilic đều giành danh hiệu tại giải quần vợt US Open.

Đáng tiếc, điều kỳ diệu đã không xảy ra với người Mỹ tại US Open 2015. Tay vợt 22 tuổi hạng 28 thế giới Jack Sock đã dừng bước ngay ở vòng hai theo cách không thể sốc hơn: vấn đề thể lực. Anh không chịu được thời tiết nắng nóng tại New York, bị mất nước, chuột rút, ngất xỉu và phải bỏ cuộc khi đang dẫn trước Ruben Bemelmans 2-1 ở vòng hai. Donald Young chơi xuất thần nhưng cũng không thể tiến vào tứ kết khi gục ngã trước Stan Wawrinka 1-3 tại vòng bốn.

Đúng như dự đoán, John Isner, tay vợt nam có thứ hạng cao nhất của Mỹ hiện tại (13) là người trụ lại cuối cùng. Trước khi trận đấu giữa anh và Roger Ferderer ở vòng bốn diễn ra, trên mạng xã hội đã ngập tràn cụm từ “Người Mỹ cuối cùng”.

Năm 1992, đạo diễn Michael Mann cho ra đời bộ phim “Người Mohican cuối cùng”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của James Fenimore Cooper. Tác phẩm đã giành rất nhiều giải thưởng cao quý, nâng tầm vị đạo diễn người Mỹ. Tuy nhiên, chắc hẳn điều Michael Mann không ngờ tới là vài chục năm sau, tác phẩm của ông lại trở thành nguồn cảm hứng để người hâm mộ chọc quê quần vợt Mỹ.

giai quan vot us open 2007
Trận so tài giữa Roger Federer và Nikolay Davydenko năm 2007 là một trong những trận đấu đáng nhớ của giải US Open

Tác phẩm “Người  Mohican cuối cùng” đượm buồn, quần vợt Mỹ hiện tại còn buồn hơi gấp bội. Nếu như trong bộ phim của Michael Mann, dù trải qua cuộc chiến thảm khốc của Anh, Pháp và người dân bản địa, cuối cùng khi kết thúc phim bộ tộc Mohican vẫn còn Uncas sống sót thì tại US Open 2015, chẳng có tay vợt nam người Mỹ nào trụ được tới trận đấu cuối cùng bởi Isner dù được CĐV nhà tiếp lửa vẫn phải ngậm ngùi nhìn Federer giành vé vào tứ kết chỉ sau 3 set đấu. Tệ hơn, tình trạng này đã xảy ra hàng thập kỷ qua.

Đồ

Trong giai đoạn cực thịnh từ năm 1993 đến 2003, quần vợt Mỹ từng giành tới 17 danh hiệu đơn nam tại US Open. Tuy nhiên, kể từ khi Roger Federer xuất hiện và đăng quang tại New York năm 2004, quần vợt nam của xứ cờ hoa rơi vào thời mạt vận. Nếu hỏi ai là tay vợt nam của Mỹ gần nhất có được danh hiệu US Open, hẳn nhiều người phải tốn thời gian suy nghĩ để tìm ra câu trả lời bởi chiến tích của Andy Roddick đã diễn ra từ năm 2003.

Mỹ từng sản sinh ra hàng loạt những ngôi sao quần vợt như Jimmy Connors, Pete Sampras, Andre Agassis… nhưng giờ lại đang rơi vào cảnh khô hạn tài năng. Thậm chí tương lai chắc Mỹ sẽ còn trắng tay dài dài ở các giải Grand Slam bởi trong danh sách các tài năng đang lên, dự kiến sẽ thay thế bộ tứ Federer, Nadal, Djokovic và Murray như Raonic, Dimitrov, Kyrgios… chẳng có ai mang quốc tịch Mỹ. Niềm hy vọng của đất nước cờ hoa lúc này là Isner, người không thể lọt vào top 10, tay vợt mà giới chuyên môn cho rằng khó có thể trở thành ngôi sao lớn bởi ngoài chiều cao trên 2 mét và khả năng giao bóng tốt, anh chẳng có gì đặc biệt.

giai quan vot my mo rong
Tay vợt Andy Murray

“Có lẽ tôi chẳng sống được đến khi quần vợt Mỹ xuất hiện một tay vợt đủ giỏi để giành các giải thưởng cao quý. Tài năng quần vợt của người Mỹ đã bị Chúa dịch chuyển sang các nước khác hết rồi”, Nicholas James Bollettieri, vị HLV hàng đầu thế giới người Mỹ, từng “sản xuất” ra hơn chục tay vợt số một thế giới đã hóm hỉnh nói vậy trước thềm US Open 2015.

Với việc tăng giải thưởng lên 42,3 triệu USD, US Open đã vượt mặt Wimbledon trở thành giải quần vợt có mức thưởng lớn nhất hành tinh. Ngay khi thông tin trên được công bố, Djokovic và Federer đăng đàn khen BTC “biết nghĩ cho đời sống các tay vợt”. Các vận động viên người Mỹ thì im lặng bởi họ biết bản thân khó có thể vươn tới vị trí cao nhất, khoản thưởng chẳng cải thiện là bao. Nhiều đối thủ của US Open thì cười thầm, đá đểu BTC “làm cho thằng khác nó xơi”.

May mắn cho người Mỹ, trong quá khứ US Open là giải đấu đầu tiên tiến hành chia thưởng cho nam và nữ vô địch như nhau, cho thấy sự bình đẳng giới trong quần vợt. Và nhờ vậy, dù không có tay vợt nam nào vô địch hơn chục năm nay, đất nước cờ hoa vẫn có thể tự vỗ ngực tự hào nhờ thống trị ở nội dung đơn nữ. Serena Williams đã cứu vớt danh dự cho người Mỹ khi vô địch US Open năm 2012, 2013, 2014. Thời điểm hiện tại, vẫn rất khó có nữ tay vợt nào có thể sánh với Serena Williams, cô vẫn luôn là ứng cử viên số một ở mọi giải đấu.

Vì sao US Open hấp dẫn?

Người Anh luôn vỗ ngực tự hào là đất nước sản sinh ra môn quần vợt và hiện tại đang sở hữu giải đấu lâu đời nhất Wimbledon. Tuy nhiên, người Mỹ không quan tâm, họ luôn có cách để biến giải US Open của mình thành giải đấu đáng chờ đợi nhất năm.

Vì sao US Open hấp dẫn? Ngoài chuyện tiền thưởng khủng cho các tay vợt, BTC còn rất biết cách chăm sóc CĐV, yếu tố không kém phần quan trọng trong việc quyết định thành bại của một giải đấu.

Nếu như Wimbledon có luật im lặng, quy định khắt khe trong việc ăn mặc của người hâm mộ và cả các VĐV dự giải… thì US Open lại thực sự là ngày hội tự do phóng khoáng, đúng “chất” của thành phố sôi động New York. 15 ngày tranh tài của US Open luôn chật kín khán giả. Họ tới sân không chỉ để được xem những tay vợt tranh tài mà còn để hòa mình vào lễ hội thực thụ khi đồ đạc được bán khắp nơi, bia và champagne tuôn như suối, hamburger la liệt và trên đầu là máy bay phản lực ù tai.

giai quan vot my mo rong us open
Trái với Wimbledon áp dụng “luật im lặng”, US Open là đấu trường của lễ hội tưng bừng đậm chất New York

“Giải đấu ở New York luôn có chất riêng của nó. Người hâm mộ ở đây rất chân thành. Nếu họ yêu bạn, họ sẽ thể hiện cho bạn thấy, nếu họ không thích, họ sẽ la ó ngay. Điều này thật hay, nó tạo ra cá tính và khiến cho giải đấu trở nên hấp dẫn. Đây cũng chính là lý do khiến tôi cũng như bao đồng nghiệp khác đã mơ được thi đấu tại US Open từ khi còn bé xíu”, cựu số một thế giới Victoria Azarenka chia sẻ.

Tính bất ngờ cũng là điều tạo ra nét thú vị cho US Open. Tại New York, không phải lúc nào người vô địch cũng là nằm trong nhóm “Bộ Tứ”. Năm 2014, Marin Cilic đã viết lên câu chuyện cổ tích khi đánh bại hàng loạt hạt giống như Roger Ferderer, Kei Nishikori, Tomas Berdych… để tiến tới ngôi vô địch. Năm 2015 cũng đã có hàng loạt bất ngờ xảy ra như đương kim á quân Kei Nishikori bị loại ngay từ vòng một, Nadal bị Fabio Fognini quật ngã ở vòng ba, khép lại năm 2015 thảm họa khi không giành được bất cứ một danh hiệu Grand Slam nào.

Bài: Nhật Minh

cùng chuyên mục

No more