Vượt những con đường mòn dốc cao ngửa mặt, dài đứt hơi nơi các danh sơn xứ Phù Tang từ Bắc Hải Đạo (Hokkaido) xuống Trúc Ba Sơn (Tsukuba), qua Quần Mã (Gunma)… tạo cho tôi cơ hội diện kiến cảnh đẹp thần tiên của thác nước, rừng xanh, cả những cảm xúc nghẹt thở và hồi hộp bên miệng núi lửa đang cựa mình nhả khói… để khi trở về chốn thị thành, gối mỏi chân run, mắt đỏ au cay xè do tiếp xúc khí nóng… hành trình du ngoạn đậm mùi kể khổ ấy chỉ là phẩn khởi động cho những trải nghiệm hấp dẫn hơn theo phong vị Nhật Bản.
Kinh nghiệm du lịch Nhật Bản – Đến thủ đô ẩm thực Hokkaido
Rời “cung đường vàng” (golden route) – chốn phồn hoa của ngành du lịch Nhật qua các địa danh quen thuộc như Tokyo, Hakone, Nagoya, Kyoto, Osaka… tôi khăn gói lên vùng Bắc Hải Đạo (Hokkaido), được mệnh danh là “thủ đô ẩm thực” với những món hải sản trứ danh, từ cá hồi, cá ngừ, sò điệp, cua tuyết… và cũng là “thánh đường cá trích” của Nhật Bản. Để tiêu hao năng lượng trước khi thưởng thức ẩm thực Hokkaido, tôi tìm đến những danh sơn vùng Bắc Hải Đạo đi núi cùng người bản địa. Hokkaido sở hữu 169 ngọn núi, nổi tiếng nhất là Yotei, chỉ cao 1.898m, thấp hơn nhiều so với đỉnh Fuji (3.776m) ở Shizuoka nhưng được ví là Phú Sĩ thứ hai của Nhật Bản.
Đối diện với Yotei phía bên kia hồ Toya, ngọn núi được sinh sau đẻ muộn nhưng nhanh nhất Nhật Bản là Chiêu Hòa Tân Sơn (Showa Shinzan) trong công viên quốc gia Shikotsu Toya. Từ dưới chân núi, mùi lưu huỳnh hăng hắc gây khó thở đã phả lên nồng nặc, đỉnh núi đỏ au, các kẽ nứt địa chất phun từng đụn khói trắng. Showa hình thành sau đợt phun trào của núi lửa Usu kế cận, cánh đồng lúa mạch phía dưới dựng lên một ngọn núi vào năm 1943, thời kỳ Chiêu Hòa do Nhật Hoàng Hirohito nắm quyền, đến năm 1944 thì phun trào nham thạch và người ta định danh luôn cho núi là Chiêu Hòa Tân Sơn (Showa Shinzan).
Ngay cạnh đỉnh Showa là Usu – một trong những núi lửa hiện đang hoạt động mạnh nhất Nhật Bản, dự kiến sẽ có đợt phun trào lớn trong năm 2030. Người bản địa đã mở các con đường mòn leo núi rất thuận tiện, giúp cho hành trình chinh phục hai ngọn núi thêm dễ dàng, thảnh thơi để hòa mình cùng cảnh sắc trong lành của thiên nhiên bao quanh hai đỉnh núi.
Đỉnh núi băng tuyết Tanigawa
Rời Bắc Hải Đạo về miền Trung Nhật Bản, nơi hội tụ các danh sơn khác mà tôi tìm đến trong chuyến đi lần này, với tâm điểm là đỉnh Tanigawa. Đang giữa mùa Hè nhưng đỉnh núi vẫn đầy băng tuyết. Thời tiết thật khó đoán khi lúc quang mây tạnh, lúc sương mù dày đặc kèm gió núi đảo hướng liên hoàn, những cung đường mòn ăn theo mép vực, thi thoảng lại gặp các thác nước đẹp như tranh, khiến hành trình ở Tanigawa đậm cảm xúc của hồi hộp, phấn khích kèm cả chút âu lo ăn theo từng bước chân lên đỉnh núi.
Núi Tanigawa thuộc tỉnh Gunma, cao 1.977m, nằm trong danh sách 100 danh sơn nước Nhật. Đường núi ở Tanigawa rất nguy hiểm, trong hơn 80 năm qua, hơn 200 nhà leo núi mất mạng khi chinh phục Everest, nhưng ở Tanigawa đã là 805 người.
Đi tiếp về bờ Đông của Nhật Bản, chuyến khám phá Trúc Ba Sơn (Tsukuba) ở tỉnh Ibaraki mang cảm giác dễ thở hơn, ngọn núi cao 877m này chỉ mất chưa đầy 2 giờ để chinh phục, bởi cung đường lên núi được xây dựng công phu, có rào chắn an toàn.
Từ đỉnh núi, cảnh quan cả vùng đồng bằng Kanto mở ra dưới chân, phía xa là núi Phú Sĩ (Fuji). Chuyến chinh phục Tsukuba chỉ là cái cớ, bởi ở vùng đồng bằng quanh núi và các tỉnh thành lân cận như Gunma, Mito, Ibaraki, Tsukuba… cũng chính là vựa lúa của Nhật, nơi sở hữu các món mì Soba, Ramen, Udon hảo hạng thơm ngậy mùi kiều mạch, ăn cùng món nước chấm Tsuyu chứa đến 8 loại axít amin hữu ích, đủ đem lại nguồn dinh dưỡng bồi bổ cơ thể, giảm đi lượng mỡ thừa của những ngày lười hoạt động chốn thị thành.
Chuyến thăm thú danh sơn đất Nhật còn là dịp hoàn hảo để thưởng thức bộ môn tắm nước nóng Onsen truyền thống, nguồn nước khoáng nóng quý giá ấy từ chính các danh sơn tạo nên. Trở về từ đỉnh núi, tìm một lữ quán (Ryokan) cổ xưa mang đậm phong cách từ thời kỳ Edo (1803 – 1868) để nghỉ chân, chậm rãi thưởng thức phong vị Nhật Bản, sống chậm vài ngày cùng thiên nhiên để cảm rõ chữ “Hòa” – một trong bốn yếu tố Hòa – Kính – Thanh – Tịnh (kakejiku) theo tinh thần trà Đạo của người Nhật, để thấy đời thật… lâng lâng vì đã, bởi lang thang qua danh sơn đất Nhật, cảm giác không phải là chuyến đi tìm sự chinh phục, thử thách, mà là một trải nghiệm được sống và hòa mình cùng thiên nhiên.
Jidaimura – công viên văn hóa và phong tục thời kỳ Edo, thành cổ Otaru (Hokkaido), làng nghề truyền thống Takumi no Sato, suối nước khoáng Takaragawa, Kusatsu (Gunma), vườn mơ lớn nhất Nhật Bản – Kairakuen (Ibaraki)… sẽ là những điểm đến hấp dẫn khác cần được bổ sung vào kinh nghiệm du lịch Nhật Bản.