Thú chơi 01/08/2022

Kiếm tiền từ các trò chơi trên Blockchain

Bài Tuan Anh

Câu chuyện về kỳ lân Axie Infinity đã mang lại thu nhập hàng ngàn đô-la Mỹ cho những người dân Philippines trong đại dịch Covid–19 vào năm 2021 đã trở thành “giai thoại” khi nói đến các trò chơi “play-to-earn” (chơi để kiếm tiền). Vậy, các trò chơi “play-to-earn” là gì và liệu kiếm tiền từ các trò chơi này có thật sự dễ dàng?

Xu hướng các trò chơi trên blockchain

Khi nói đến chơi game để kiến tiền (hay còn gọi là “play-to-earn”), phần lớn người dùng đang nói về các trò chơi trên blockchain. Dù trên thực tế, hình thức kiếm tiền từ việc chơi game đã xuất hiện từ khá lâu, thể hiện qua việc mua bán tài khoản sở hữu các vật phẩm quý trong những trò chơi từng đình đám một thời như Võ Lâm Truyền Kỳ, Liên Minh Huyền Thoại, Đột Kích…

Nhưng chỉ đến khi công nghệ blockchain được ứng dụng sâu rộng, những khái niệm về tài sản và sự khan hiếm kỹ thuật số mới thực sự tồn tại. Điều này mang lại cơ hội kiếm tiền cho các game thủ, cụ thể là từ việc thu thập, mua bán, đầu cơ các vật phẩm, nhân vật, các đơn vị tiền tệ trong game và khai thác các cơ hội kiếm lợi nhuận khác. Đây là nền tảng của việc kiếm tiền trong các trò chơi trên blockchain.

StepN là trò chơi tiên phong tạo ra xu hướng “chạy bộ để kiếm tiền” (move-to-earn)

Không có giới hạn về thể loại cho các trò chơi trên blockchain. Các trò chơi này có thể thuộc thể loại hành động, phiêu lưu, nhập vai cho đến các game chiến thuật trực tuyến hoặc theo lượt, hoặc đơn giản là các game thẻ bài… Các trò chơi “play-to-earn” phổ biến nhất có thể kể đến là: Axie Inifinty, StepN, Sandbox, Decentraland, Crypto Kingdom…

Nhờ vào blockchain, điểm khác biệt của các trò chơi “play-to-earn” là quá trình giao dịch tài sản P2P (ngang hàng) trong game được hỗ trợ bởi các nền tảng NFT Marketplace và những token hoặc đồng tiền mã hóa tương ứng thay vì trao đổi trực tiếp qua tiền mặt.

Làm thế nào để tham gia các trò chơi “play-to-earn”?

Mỗi trò chơi “play-to-earn” sẽ có những yêu cầu khác nhau đối với người chơi mới. Nhưng thông thường, để tham gia các trò chơi này, bạn sẽ cần có một ví tiền mã hóa và một số vốn để bắt đầu.

Hiện tại, việc tham gia các trò chơi blockchain phổ biến vẫn còn khá đắt đỏ, đặc biệt là khi so với thu nhập của người dân ở các quốc gia đang phát triển. Khoản đầu tư ban đầu có thể từ vài trăm USD đến ngàn USD hoặc nhiều hơn nữa để thiết lập một đội hình nhân vật hoặc mua các vật phẩm hoặc “đất ảo” được sử dụng trong game. Ví dụ, bạn có thể phải bỏ ra ít nhất 500 USD cho đến hàng ngàn USD để sở hữu một đôi giày NFT trong trò chơi StepN,  hay mất khoảng vài trăm USD để sở hữu một đội hình cơ bản trong các trò chơi chiến thuật theo lượt tương tự như Axie Infinity. Mặc dù bạn có thể bán lại các nhân vật hay vật phẩm này một cách tự do khi không còn chơi nữa, tuy nhiên đây vẫn là một khoản đầu tư ban đầu không nhỏ.

Một phần mềm ví tiền mã hóa

Tuy vậy, cũng có những trò chơi blockchain phát triển theo hướng “free-to-earn” để giúp người chơi dễ tiếp cận hơn. Đó là các trò chơi không yêu cầu người chơi phải bỏ vốn trước như Mine of Dalarnia, Chainmonsters, Coin Hunt World…; hoặc một số trò chơi lại có các tính năng cho thuê nhân vật hoặc vật phẩm với chi phí dễ tiếp cận hơn. Nhiều trò chơi hoặc các hiệp hội người chơi (GameGuild) còn cung cấp các “học bổng” (scholarship) để những người chơi mới có thể tham gia vào các trò chơi mà không phải bỏ vốn, tuy vậy bạn sẽ phải chia sẻ một phần doanh thu với những đơn vị này.

Để thu lại vốn đầu tư ban đầu, người chơi có thể “cày game” để thu được các các vật phẩm, đơn vị tiền tệ trong game để bán trên các sàn giao dịch NFT và tiền mã hóa để thu lại tiền pháp định.

Tóm lại, có nên tham gia vào các trò chơi blockchain này?

Với sự nổi lên của công nghệ blockchain, các mô hình trong ngành công nghiệp game trị giá hơn 300 tỷ USD đã thay đổi. Thay vì tiền chỉ đến tay các nhà phát triển và nhà phát hành trò chơi, giờ đây người chơi có thể tạo thu nhập từ tiền mã hóa hoặc token không thể thay thế (NFT) bằng cách sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh của họ trong các trò chơi “play-to-earn”.

Rõ ràng, các trò chơi blockchain cùng với metaverse sẽ tiếp tục là xu hướng lớn trong tương lai. Nếu bạn là người yêu thích công nghệ hoặc chỉ có mục đích giải trí, bạn có thể thử trải nghiệm các trò chơi “free-to-earn” hoặc thử trải nghiệm các trò chơi metaverse nổi tiếng.

Nếu bạn tham gia vào các trò chơi với mục đích kiếm tiền, thì cũng giống như bất kỳ khoản đầu tư nào khác, các trò chơi “play-to-earn” có thể mang lại rủi ro tài chính khá lớn. Ví dụ, các nhân vật trong trò chơi Axie Infinity hay những đôi giày của StepN đã liên tục giảm giá từ 50% cho đến vài lần khi cả thị trường tiền mã hóa đi xuống. Nhiều trò chơi “play-to-earn” bị đánh giá là xây dựng theo mô hình “ponzi” kém bền vững để kiếm tiền từ người dùng mà không có bất kỳ sự đầu tư về hình ảnh hay cơ chế trong trò chơi.  Điều quan trọng khi bắt đầu một trò chơi là bạn cần phải hiểu cách bạn sẽ kiếm được phần thưởng và mất bao nhiêu thời gian để kiếm được chúng.

Ngành công nghiệp blockchain đã chứng kiến một sự tăng trưởng đột phá trong năm 2021-2022, một phần trong đó là nhờ vào sự hấp dẫn của các trò chơi “play-to-earn”. Vì vậy, tiếp cận công nghệ blockchain thông qua các trò chơi “play-to-earn” cũng là một trải nghiệm đáng để thử. Tuy nhiên, giống như bất kỳ khoản đầu tư nào, hãy hiểu biết đầy đủ về việc tiền của bạn sẽ đi về đâu cũng như thực hiện việc tự nghiên cứu và tìm hiểu các dự án.

_________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Thanh Huyền

Ảnh: Tư liệu

xem thêm

No more