Mặt số đồng hồ không chỉ giữ vai trò hiển thị thời gian mà còn là tuyên ngôn thẩm mỹ cá nhân, tạo ấn tượng thị giác ngay lập tức cho người đối diện. Vì vậy, việc làm chủ hoàn toàn quy trình chế tác mặt số là một lợi thế chiến lược quan trọng đối với Rolex. Tại cơ sở chuyên biệt ở Chêne-Bourg, Geneva, có khoảng 500 chuyên gia ngày đêm tận tâm với công việc chế tác mặt số, kết hợp giữa kỹ thuật thủ công truyền thống và công nghệ tiên tiến do Rolex phát triển. Mỗi công đoạn đều được thực hiện tỉ mỉ, kiểm tra nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng hoàn hảo.
Lợi thế lớn nhất của việc sản xuất hoàn toàn in-house chính là sự cộng hưởng giữa các nhà thiết kế và kỹ sư trong quá trình phát triển mặt số. Bằng cách tập trung tất cả các chuyên gia dưới một mái nhà, Rolex tạo nên không gian sáng tạo tự do và động lực mạnh mẽ cho sự đổi mới, giúp thương hiệu liên tục phát triển và làm hài lòng khách hàng bằng những mẫu mặt số tinh xảo.
Diện mạo của sự hoàn mỹ
Mặt số đóng vai trò quan trọng đến mức quá trình chế tác được đặt một tên gọi đặc biệt: “art cadranier”. Trải qua nhiều năm, Rolex đã tích lũy kiến thức và chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực này, không ngừng đổi mới và vượt qua những giới hạn. Ngày nay, đội ngũ chuyên gia của Rolex bao gồm các kỹ sư cơ khí, nghệ nhân đính đá quý, chuyên gia mạ điện và in mặt số, cũng như các nghệ nhân tráng men, kỹ sư PVD chuyên biệt cùng những chuyên viên lành nghề trong việc ứng dụng các kỹ thuật trang trí.
Mỗi mặt số là một kiệt tác thu nhỏ, nơi màu sắc, ánh sáng và kết cấu bề mặt hòa quyện cùng các yếu tố trang trí và thiết kế tổng thể, tạo nên nét quyến rũ độc đáo cho chiếc đồng hồ. Được chế tác từ đĩa đồng thau hoặc kim loại quý như vàng kim 18 ct, vàng trắng 18 ct, vàng hồng 18 ct… mặt số Rolex được tô điểm bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, có thể kết hợp với xà cừ, đá tự nhiên hay thậm chí là vẫn thạch.
Tam đại kỹ nghệ
Ba kỹ thuật chủ đạo được Rolex sử dụng để trang trí mặt số đồng hồ là sơn mài, mạ điện và mạ PVD (công nghệ mạ chân không).
Sơn mài là một kỹ thuật truyền thống được Rolex nâng tầm lên tầm cao mới, mang đến cho mặt số những sắc màu sâu thẳm và rực rỡ như đen, trắng, hồng, xanh ngọc lam và xanh lá cây. Những lớp sơn mài mỏng được phun bằng kỹ thuật airbrushing trong phòng sạch, loại bỏ mọi hạt bụi li ti, để lại bề mặt hoàn hảo không tì vết. Khi lớp sơn mài đã khô, mặt số được phủ một lớp sơn bóng trong suốt, sau đó được đánh bóng tỉ mỉ để đạt đến độ sáng bóng hoàn hảo.
Mạ điện là kỹ thuật tinh xảo tạo ra những mặt số đồng hồ ánh lên sắc màu kim loại đầy mê hoặc. Trong quá trình điện hóa, các mặt số được nhúng vào bể điện phân, nơi dòng điện dẫn dắt các ion kim loại lơ lửng trong dung dịch và lắng đọng chúng thành từng lớp mỏng trên bề mặt. Những mặt số bạc, màu champagne, mặt số thép và vân đá đều được tạo ra bằng phương pháp này, thậm chí cả mặt số màu đen cũng có thể được tạo ra từ kỹ thuật mạ điện.
Công nghệ PVD, với nhiều biến thể khác nhau, bao gồm quy trình phủ lên đĩa đồng thau của mặt số những lớp oxit, hợp kim hoặc nitrua siêu mỏng. Thiết bị cần thiết cho quy trình PVD cực kỳ phức tạp và cũng rất nhạy cảm. Để tránh mọi bụi bẩn làm ô nhiễm bề mặt hoàn hảo của mặt số, các kỹ sư làm việc trong môi trường được kiểm soát chặt chẽ của phòng sạch và luôn mặc đồ bảo hộ toàn thân. Kỹ thuật xử lý bề mặt này cho phép tạo ra các tông màu sang trọng như xanh ô-liu hoặc sô-cô-la, ngoài các sắc thái đặc trưng của Rolex như xanh lam sáng, các tông màu lặng, nhẹ nhàng như hồng, xanh băng tuyết, xám đậm.
Mặt đồng hồ từ đá tự nhiên, xà cừ và vẫn thạch
Rolex đã phát triển chuyên môn đặc biệt trong việc chế tác mặt số từ đá tự nhiên – chẳng hạn như eisenkiesel, opal, aventurine xanh lục, carnelian hoặc turquoise. Được cắt ra từ một khối nguyên liệu thô, chỉ những đĩa vật liệu có màu sắc và cấu trúc hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu thẩm mỹ khắt khe của thương hiệu mới được chọn để cuối cùng tô điểm cho mặt số của một chiếc đồng hồ Rolex, mang đến cho bộ máy thời gian một diện mạo độc đáo và cá tính riêng biệt.
Rolex cũng sản xuất mặt số từ xà cừ tự nhiên, bao gồm xà cừ trắng (Nam Á) và đen (Tahiti). Xà cừ trắng có hai loại. Loại phổ biến nhất có bề mặt óng ánh và tương đối đồng nhất. Loại thứ hai, được gọi là xà cừ “trân châu”, có kết cấu không đều, nổi khối, gợi hình ảnh những đám mây nhỏ chồng lên nhau. Loại xà cừ trắng hiếm có và nổi tiếng nhất này được chiết xuất từ trung tâm của vỏ trai – phần lâu đời nhất – để chỉ lấy được một hoặc hai đĩa vật liệu.
Được hình thành ở nơi xa xôi của hệ mặt trời, các vẫn thạch kim loại bắt nguồn từ một tiểu hành tinh đã phát nổ hàng triệu năm trước. Trong hành trình giữa các hành tinh, những mảnh vỡ của vật liệu ngoài Trái đất này, chủ yếu bao gồm sắt và niken, nguội đi vài độ C sau mỗi triệu năm, tạo ra sự kết tinh độc đáo, đặc biệt. Vẫn thạch kim loại rất hiếm và khó gia công, nhưng một khi được cắt thành từng phần mỏng và xử lý hóa học, vẻ đẹp tuyệt vời của cấu trúc đan xen bên trong sẽ được bộc lộ. Những thành tạo hấp dẫn và đa dạng này được gọi là hoa văn Widmanstätten. Đối với mặt số, Rolex làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này và chỉ lựa chọn những phần vẫn thạch có bề mặt hình thành đặc biệt tốt, phong phú về hình dạng và phản chiếu khác nhau.
Nghệ thuật tráng men, tinh hoa truyền thống
Rolex đã làm chủ kỹ thuật phức tạp của nghệ thuật phủ men “grand feu”. Kỹ thuật thủ công bậc thầy này được sử dụng trong chế tác đồng hồ, đặc biệt là trang trí mặt số. Men grand feu nổi tiếng với cường độ của nhiều màu sắc mà nó có thể tạo ra. Bề mặt tráng men cũng duy trì độ ổn định hoàn hảo theo thời gian, nhất là về màu sắc. Những mặt số họa tiết ghép hình trên các phiên bản độc quyền của Day-Date 36 được giới thiệu vào năm 2023 đã được tạo ra bằng kỹ thuật tráng men grand feu. Nghề thủ công truyền thống này cũng được Rolex sử dụng để tạo ra các cọc số để tô điểm cho một số mặt số nạm kim cương.
_____
Bài và hình ảnh: Rolex