Tin tức 11/12/2019

Nga bị cấm khỏi Thế vận hội Olympics vì bao che doping trong thể thao

Bài ELLE Team

Doping luôn là một hành vi cấm kỵ bị cho là thiếu fairplay trong các giải thể thao quốc tế. Và mới đây, Nga chính là quốc gia phải lãnh nhận án phạt liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, chiều ngày 09/12/2019, Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới đã ban hành án phạt cấm nước này tham gia Olympics cùng các giải quốc tế khác trong vòng 4 năm, vì hành vi bao che hoạt động doping của các tuyển thủ.

Một lần nữa, Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) buộc phải ban hành án phạt cho Nga, cấm nước này tham gia Thế vận hội Olympics cũng như các giải đấu quốc tế khác, khi nước này đã không thể giải quyết được tình trạng bao che hành vi doping của các tuyển thủ quốc nội.

Vào ngày Thứ Hai (09/12/2019), ủy ban điều hành WADA đã bỏ phiếu nhất trí, chấp nhận khuyến nghị cấm Nga không được điều động các vận động viên tham gia những giải thi đấu thể thao trọng yếu quốc tế, dưới quốc kỳ và quốc hiệu của nước này, trong vòng 4 năm. Những giải thi đấu này bao gồm cả 2020 Olympics, 2020 World Cup và cả Paralympics.

WADA-the van hoi olympics-elleman-1219
Ảnh: Reuters

Vào cuối tháng 11/2019, hội đồng chấp hành WADA phát hiện tình trạng thiếu hợp tác của Nga về vấn đề doping, thậm chí hội động này còn phát hiện nước này đã cố tình tiếp tục che giấu những vi phạm doping từ các cầu thủ. Chính sự việc ấy đã dẫn đến buổi bỏ phiếu tán thành vào chiều ngày hôm qua (09/12/2019).

Theo kết quả bỏ phiếu, Nga sẽ chính thức vắng mặt tại Thế vận hội mùa Hè Olympics ở Tokyo vào năm tới và World Cup bóng đá 2020 tổ chức tại Qatar, cũng như không được phép tổ chức các giải đấu thể thao tầm cỡ thế giới khác.

WADA cũng giải thích cụ thể rằng, các tuyển thủ Nga vẫn có thể chứng minh họ hoàn toàn trong sạch, không dính dáng đến các nghi án doping, và được phép thi đấu với tư cách là “vận động viên trung lập”.

Đây là một quyết định tương tự với kì Thế vận hội Mùa đông Olympics tại Hàn Quốc vừa qua vào năm ngoái, khi các đội tuyển Nga đã tham dự với bộ trang phục “trung lập” đặc biệt, trong khi các quốc kì và quốc ca Nga đều bị cấm khỏi các nghi lễ trao huy chương. Cùng với đó, số huy chương chính thức Nga được tính cho kỳ Olympics cũng là 0.

neutral uniform-the van hoi olympics-elleman-1219
Các vận động viên Nga thi đấu trong bộ trang phục trung lập năm 2018. Ảnh: Inside the Games

Ngoài ra, Nga cũng sẽ không được phép tranh quyền tổ chức các sự kiện thể thao lớn trên thế giới trong vòng 4 năm; những sự kiện đã được dự tính tổ chức tại đây đều bắt buộc phải dời đi vì quyết định trên. Các chính khách Nga cũng sẽ không được phép tham dự các sự kiện này khi lệnh cấm vẫn còn hiệu lực.

Lệnh cấm, tuy được xem là khá nghiêm khắc, vẫn gặp phải những phàn nàn từ các nước khác khi bị cho là còn ‘nhẹ tay’. Năm 2018 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, đã có 168 vận động viên thi đấu với tư cách là “vận động viên trung lập” và giành được một số thành tích nhất định; và điều này đã khiến WADA bị chỉ trích vì vẫn cho phép các tuyển thủ Nga thi đấu. Cơ quan đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý nạn doping của Nga nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng cho những tuyển thủ thực sự trong sạch đã luyện tập cần mẫn cho những giải đấu toàn cầu. Chủ tịch ủy ban chấp hạnh WADA Johnathan Taylor đã phát biểu rằng, WADA đã phát hiện ít nhất 145 tuyển thủ Nga có sử dụng doping và sẽ tiến hành cấm các vận động viên này khỏi kỳ Olympics sắp tới.

Tất nhiên, đây là một đòn trời giáng đến nền thể thao Liên Bang Nga, vốn đã hỗn loạn bởi các vụ bê bối doping bắt đầu vào năm 2015. Nga đã bỏ lỡ 2 kì Paralympics, và toàn bộ đội tuyển điền kinh của họ cũng bị loại khỏi Thế vận hội Mùa hè Olympics 2016 tại Brazil – đây là những án phạt chưa từng có với hành vi doping.

Việc thực thi lệnh cấm sẽ do Ủy ban Thế vận hội Olympics Quốc tế quyết định, nhưng mọi thứ đều sẽ bị ràng buộc bởi các khuyến nghị đến từ WADA. Các quan chức Nga đã đặt nghi vấn về việc liệu lệnh cấm có áp dụng cho World Cup bóng đá, và Taylor cũng khẳng định là có, nói rằng nếu Nga được lọt vào vòng chung kết, họ sẽ phải thi đấu với tư cách là vận động viên trung lập. Quyết định cuối cùng sẽ nằm trong tay FIFA.

russia soccer-the van hoi olympics-elleman-1219
Nếu Nga được lọt vào vòng chung kết World Cup 2022, họ sẽ phải thi đấu với tư cách là vận động viên trung lập. Ảnh: CBS Sports

WADA đã đưa ra khuyến nghị trên sau khi các điều tra viên cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng các nhà chức trách phòng chống doping ở Nga đã cố tình che giấu các hành vi doping của các tuyển thủ. Chủ tịch Cơ quan Phòng chống Doping – Sir Craige Reedie – đã cho biết, quyết định này sẽ cho thấy “sự kiên quyết trong các biện pháp trừng phạt vấn nạn doping tại Nga”.

Ông phát biểu: “Từ rất lâu, doping tại Nga đã làm méo mó hình ảnh thể thao trong sạch trên thế giới. Những vi phạm trắng trợn của chính quyền Nga về điều kiện phục hồi RUSADA bắt buộc phải chịu những biện pháp mạnh tay… Nga đã được trao rất nhiều cơ hội để sửa lỗi và tái tham gia cộng đồng phòng chống doping toàn cầu vì lợi ích của vận động viên cũng như sự thanh liêm của thể thao, nhưng họ lại quyết định tiếp tục con đường chối bỏ và lừa dối của mình”. Hiện giờ, Nga sẽ có 21 ngày để kháng cáo. Quyết định kháng cáo sẽ được Tòa án Trọng tài Thể thao cân nhắc và xét xử.

Vụ bê bối doping tại Nga bắt đầu vào năm 2015, khi nhiều vận động viên đã đưa ra nhiều bằng chứng về việc bao che hành vi doping do chính phủ đứng sau, có liên quan đến hàng chục vận động viên Nga trong gần một thập kỷ. Theo như bằng chứng có được, các tuyển thủ Nga được cho là đã sử dụng doping trong kì Thế vận hội Mùa đông 2014 mà Nga đã đăng cai. Nga vẫn luôn phủ nhận rằng vụ việc bao che do chính quyền đứng sau, mà do một số quan chức và huấn luyện viên đứng sau. Nước này còn tuyên bố những cáo buộc trên là ‘mũi giáo’ chính trị nhắm đến họ.

Tuy nhiên, nhiều bằng chứng đáng kể đã xuất hiện trong một vài năm qua, cho thấy sự nhúng tay của chính quyền vào vấn đề này. Năm 2016, cựu giám đốc phòng thí nghiệm chống doping của Nga tại Moscow – Grigory Rodchenkov – đã tố giác Nga và trình bày cách ông ta cùng phòng thí nghiệm, và dịch vụ bảo mật FSB, làm việc với nhau để che giấu hàng trăm kết quả thử nghiệm dương tính với doping.

Grigory Rodchenkov-the van hoi olympics-elleman-1219
Ông Grigory Rodchenkov tố giác Nga về hành vi bao che vấn nạn doping. Ảnh: AP News

Hành vi che đậy, do Rodchenkov miêu tả, đã được xác nhận bởi một ủy ban tiếp nhận chỉ định từ WADA, do Richard McLaren đứng đầu vào năm 2016. Ngoài ra, một cuộc điều tra khác do Ủy ban Olympics Thế giới ủy nhiệm cũng đã xác nhận những kế hoạch về việc che đậy này.

Kể từ ấy, Nga đã có những biện pháp cải tổ hệ thống phòng chống doping nước nhà, nhưng Tháng 11 vừa qua, WADA lại phát hiện những dấu hiệu cho thấy Nga tiếp tục che giấu các hành vi vi phạm và gây tổn hại đến uy tín của WADA vào mùa Đông năm ngoái. Bản báo cáo chấp hành của WADA vào ngày 26/11 cho biết, họ đã tìm thấy hàng trăm kết quả thử nghiệm dương tính với doping đã bị xóa hỏi kho dữ liệu phòng thí nghiệm tại Nga, sau khi phòng lab này được WADA tiếp quản năm 2019.

Đứng trước cáo buộc này của WADA, Nga đã từ chối bàn giao bản sao đầy đủ. Ngoài ra, các điều tra viên còn tìm thấy các bằng chứng giả được nộp lên WADA vào cuối năm 2018, nhằm bác bỏ những lời khẳng định từ Rodchenkov và nhiều người tố giác khác. Các bằng chứng khác cũng được xóa bỏ nhằm miễn tội cho một quan chức liên quan đến doping khác, người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nước Nga và cáo buộc Rodchenkov là kẻ nói dối.

Tại Nga, các quan chức và giới truyền thông đã đưa tin lệnh cấm này như một hành động mang tính chính trị và thiên vị. Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phản bác quyết định của WADA, xem đó như một ví dụ cho những hành động chống đối nước này, và kêu gọi Nga kháng cáo. Nhưng ông cũng thừa nhận về vấn nạn doping ở quốc gia của mình.

Dmitry Medvedev-elleman-1219
Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phản bác quyết định của WADA, xem đây là ví dụ cho trào lưu chống đối Nga. Ảnh: Teller Report

Bộ trưởng bộ thể thao Nga – Pavel Kolobkov – lại thể hiện một thái độ tương đối hòa nhã, từ chối việc xem quyết định của WADA như một động thái chính trị trong một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, ông cũng bác bỏ các cáo buộc của WADA về việc xóa bỏ kết quả, cho rằng các bộ dữ liệu mà WADA được nhận từ những người tố giác là sai sự thật, và cơ quan đã phớt lờ phản hồi của Nga về việc này.

Ngoài ra, nhiều quan chức thể thao Nga khác cũng không kiềm chế được sự tức giận, công kích quyết định của WADA và xem đây là một sư bất công. Chủ tịch Ủy ban Thế vận hội Olympics Nga – Stanislav Pozdnyakov – cho rằng các hình phạt trên là “không đúng đắn, phi logic và quá đáng”.

Stanislav Pozdnyakov-elleman-1219
Stanislav Pozdnyakov cho rằng các hình phạt trên là “không đúng đắn, phi logic và quá đáng”. Ảnh: LA Times

Ngoài ra, còn có một số nhận định khác nhắm đến các chính trị gia trong nước, khi cho rằng họ đã không nắm bắt được vấn nạn này và không có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, một quan chức RUSADA khác cũng khẳng định rằng nỗ lực phòng chống doping hiện tại vẫn chưa đủ. Phó giám đốc RUSADA – Margarita Pakhnotskaya – nói với Interfax: “Tôi đã nghe từ các chủ tịch liên đoàn, các chuyên gia – những người luôn tự hào tuyên bố về hoạt động của họ, rằng họ có câu trả lời cho mọi thứ, và xung quanh chúng ta chỉ toàn những kẻ thù muốn nhấm chìm vận động viên nước Nga. Thật sự, tất cả điều này chỉ cho thấy tinh thần phòng chống doping của chúng ta vẫn chưa thể cải thiện được“.

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man Việt Nam

Lược dịch: Liêu Chưởng – Nguồn tham khảo: ABC News

No more