Nhìn lại hai màn chất vấn tại Quốc hội Mỹ của Mark Zuckerberg
Những tưởng các Thượng nghị sĩ làm khó được ông chủ Facebook, ai ngờ cổ phiếu Facebook lại tăng 4,5% sau ngày đầu tiên Mark Zuckerberg trả lời chất vấn, và thêm 1,5% nữa vào ngày thứ hai.
Trong 10/4 và 11/4 vừa qua (theo lịch Hoa Kỳ), hai màn chất vấncăng thẳngđã diễn ra xoay quanh scandal Facebook rò rỉ thông tin người dùng.
Quả thật hai ngày vừa qua quả là khoảng thời gian khó khăn đối với CEO lẫn ban điều hànhFacebook. Suốt tổng cộng gần 9 tiếng đồng hồ, một mình đối diện với hơn 90đại diện Nghị sĩ Quốc hội, Mark Zuckerberg đã phải trả lời hàng trăm câu hỏi liên quan.
Sự lo lắng là điều không thể giấu được trên gương mặt của Zuckerberg. Scandal Facebook rò rỉ và khai thác thông tin người dùng vừa qua là một trong những sự kiện gây ra phẫn nộ đối với công chúng. Quốc hội Mỹ cũng không thể đứng ngoài vấn đề này hơn nữa, đó là lý do của sự kiện Mark Zuckerberge trả lời chất vấn đầy căng thẳng này.
Ai cũng nghĩ lần này Facebook hết đường chối cãi, nhưng thực tế lại ngược với dự đoán, ông chủ Facebook vẫn bình yên vô sự sau hai buổi chất vấn. Và tất cả những nỗ lực vừa rồi chỉ làm cổ phiếu Facebook lại có dấu hiệu tăng trưởng sau thời gian tụt dốc thảm hại.
Các thượng nghị sĩ có vẻ đang thiếu thông tin về cách Facebook vận hành
Rất nhiều câu hỏi đã được các thượng nghị sĩ đặt ra cho Mark Zuckerberg, hóc búa có, “gài hàng” có. Nhưng có vẻ như các thượng nghĩ sĩ vẫn chưa thật sự hiểu được bản chất vấn đề rò rỉ thông tin và lỗ hổng của Facebook nằm ở đâu. Đôi lúc có một vài câu hỏi ngây ngô làm công chúng tự hỏi những nghị sĩ tuổi đời trung bình tầm 40-50 này có thật sự sử dụng Facebook? Thành ra các cuộc chất vấn trở thành cuộc đôi co có phần vòng vo bởi những phủ nhận, biện luận và những câu hỏi ngược lại của Mark Zuckerberg.
Những tờ điều khoản và quy định sử dụng quá dài và có phần nhập nhằng được Facebook đưa ra cũng có phần khiến các Thượng nghị sĩ bối rối vì “mất thời gian đọc”, trong khi thời gian đặt câu hỏi của từng Thượng nghị sĩ lại chỉ có 4 phút. Mô hình hoạt động của Facebook tưởng chừng dễ hiểu, nhưng lại phức tạp và nhiều liên đới hơn dự đoán. Sự thiếu hiểu biết về lĩnh vực công nghệ, mạng xã hội của các Thượng nghị sĩ có lẽ đã tạo điều kiện cho sự hiểu biết của Mark Zuckerberg tỏa sáng.
Cũng có thể nhìn thấy, Mark đã chuẩn bị rất kĩ cho 2 buổi phỏng vấn này. Những tập tài liệu dày được trợ lý soạn thảo, bộsuit chỉn chu thay vì bộ đồ áo thun – quần jeans như mọi khi cho thấy những chuyện này đã thật sự nghiêm trọng. Lần đầu tiên chúng ta thấy người điều hành Facebook mệt mỏi và căng thẳng đến thế. Đương nhiên khi phải đối diện với gần 100 nhà lập pháp thông thái và dày dặn kinh nghiệm, ai mà chẳng phảirun sợ. Nhưng kết quả thu lại được cho thấy đối với Mark, mọi thứ vẫn thuận lợi. Thật khó để tìm ra sơ hở trong lời nói, cũng như luận thêm “tội” Mark khi không thông tin nào mới được đưa ra trong 2 ngày qua, người được hỏi liên tục chỉ đưa ra lời xin lỗi, cũng như đón nhận trách nhiệm.
Một vài đoạn chất vấn nổi bật có thể kể ra như sau:
Hỏi: “Làm sao anh có thể duy trì một mô hình kinh doanh mà trong đó khách hàng không trả tiền cho anh, có phải khoản thu lớn nhất của Facebook đến từ việc bán thông tin khách hàng?”
Trả lời: “Không, thưa thượng nghĩ sĩ, chúng tôi chạy quảng cáo”.
Hỏi: “Anh có thể nói tôi nghe tên khách sạn tối qua anh ở được không?” –Thượng nghị sĩ Dick Durbin
Trả lời: Nghe xong Zuckerberg chỉ bật cười và trả lời “Không, không phải ở đây”.
Chỉ chờ có vậy, thượng nghĩ sĩ nói : “Anh thấy không, đó là vấn đề chúng tôi đang cố gắng khiến cho anh hiểu, quyền riêng tư quan trọng đến thế nào”.
Hỏi: Thượng nghị sĩ Ron Johnson : “Anh có nghĩ bao nhiêu người dùng sẽ đọc được những dòng cảnh báo sử dụng thông tin được ghi rất nhỏ của các anh?”
Mark Zuckerbergtrả lời anh không chắc về vấn đề này, có thể không quá nhiều người, nhưng mọi người đều có “quyền” đọc những dòng này, và điều này không quan trọng bằng việc họ đã nhấn nút đồng ý với những thông tin ấy.
Thượng nghị sĩ John Kennedy: “Tôi chỉ nói đơn giản thế này thôi: Quyền xác nhận thông tin người dùng của Facebook cực kỳ tệ, cách tốt nhất anh nên về nhà và viết lại nó”.
Thượng nghị sĩ Bill Neilson nhấn mạnh: “Nếu Facebook và các công ty kinh doanh trực tuyến không chịu, hoặc không thể sửa đổi vấn đề vi phạm quyền riêng tư thì chúng tôi sẽ làm”.
Mark Zuckerberg: “Chúng tôi xin lỗi đã không có cái nhìn thấu đáo, đó là cái sai của tôi, tôi thực sự xin lỗi”.
Thượng nghị sĩ Cortez Masto: “Đừng xin lỗi nữa mà hãy thật sự thay đổi. Chúng tôi đã được nghe nhiều lời xin lỗi trước đây nhưng chưa có gì thay đổi”
Mark Zuckerberg: “Ngài có thể tìm thấy những điều đó trên bản cập nhật mới nhất của Facebook chúng tôi” (Facebook vừa có bản cập nhất vài ngày trước khi phiên chất vấn diễn ra)
Hạ nghị sĩ Frank Pallone Jr. của bang New Jersey, yêu cầu ông chủ Facebook thể hiện rõ quan điểm đồng ý hay không đồng ý với những quy định mới nhằm buộc Facebook giảm thiểu việc thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng. “Đây là một vấn đề phức tạp, cần nhiều hơn một câu trả lời”, Zuckerberg đáp lại.
Mark Zuckerberg còn đề cập thêm: “Đây là một cuộc chạy đua vũ trang. Có những người ở Nga đang cố gắng lợi dụng hệ thống của chúng tôi và các hệ thống internet khác. Chúng tôi cần phải điều tra chuyện đó”.
Tuy nhiên, Zuckerberg không nêu rõ đối tượng nào ở Nga cũng như mục đích của việc lợi dụng Facebook là gì.
Lối ra nào cho vấn đề?
Buổi chất vấn của Quốc hội Mỹ bị cho là không hiệu quả, chưa giải quyết được vấn đề. Chưa có giải pháp nào thật sự cụ thể nào được đưa ra ở đây, đa phần những cáo buộc đưa ra bị Mark Zuckerberg bác bỏ. Những câu hỏi không có trọng tâm, chỉ xoay vòng xung quanh cách Facebook hoạt động thế nào, cách dùng Facebook ra sao. Vấn đề chính – bảo mật thông tin có nhân vẫn chưa đề ra được giải pháp cụ thể. Hay vì đơn giản, bản chất đây là một vấn đề không có cách giải quyết?
Như Mark Zuckerberg liên tục nhấn mạnh : “Vì người dùng không chịu đọc kỹ điều khoản sử dụng và những cảnh báo của chúng tôi”.Thực tế rằng mỗi ngày trên mạng xã hội, hàng trăm trang công cụ vẫn đang thu thập thông tin của người dùng, không chỉ có Facebook. Bảo mật thông tin người dùng dường như là một vấn đề không tưởng với tình hình vận hành của Internet hiện nay.
Như một tín hiệu về cách giải quyết, Mark Zuckerberg cũng có đề cập đến việc Facebook cân nhắc sẽ sớm thu phí sử dụng đối với người dùng. Tuy nhiên nhiều người quan ngại việc thu phí người dùng làm Facebook mất đi bản chất của một trang “mạng xã hội”, và sẽ mất đi một lượng doanh thu đáng kể.
Scandal rò rỉ thông tin của Facebook và vấn đề rò rỉ thông tin người dùng đã được cảnh báo với Quốc hội Mỹ từ rất lâu trước khi mọi chuyện trở nên nghiêm trọng. Nhưng có vẻ đây là một trong những động thái can thiệp công khai đầu tiên của Quốc hội Mỹ đối với Facebook nói riêng và các công ty điều hạnh mạng xã hội nói chung.
Cuộc điều trần Quốc hội diễn ra gần một tháng sau khi vụ bê bối Cambridge Analytica bị đưa ra ánh sáng. Cambridge Analytica là một công ty dữ liệu có quan hệ với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Công ty này đã truy cập thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook.
Vụ bê bối này đã thổi bay hàng chục tỷ USD vốn hóa thị trường của Facebook, làm chấn động chính trường cả hai bên bờ Đại Tây Dương và thậm chí dấy lên một câu hỏi chưa từng có: Liệu Zuckerberg có nên từ chức CEO hay không.
Mời các bạn xem qua đoạn video tóm lược những diễn biến chính của hai buổi điều trần ngày 10 và 11/4/2018:
Xem thêm:
Facebook “lao đao” vìbê bốiđể lộ thông tin hàng triệu người dùng
Sau scandal Facebook, người dùng đã thực sự mất lòng tin
____
Tổng hợp: Hạnh Nguyên (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Nguồn: CNN, Reuters, The Guardian)