Tin tức 29/08/2019

Tổng thống Indonesia chính thức tuyên bố kế hoạch di dời thủ đô

Bài Tri Duc

Với sự bế tắc trong các giải pháp dành cho tình trạng quá tải dân số, ô nhiễm, kẹt xe và đặc biệt là tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại Thủ đô Jakarta, Tổng thống Indonesia chính thức thông báo sẽ tiến hành di dời Thủ đô  với mức kinh phí khổng lồ.

Nhằm giảm áp lực tình trạng tắc nghẽn giao thông và lũ lụt ngày càng trầm trọng tại thủ đô hiện tại, chính phủ Indonesia sẽ xây dựng một thủ phủ mới tại hòn đảo Borneo. Theo như lời đương kim Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, tuyên bố với báo chí truyền thông tại Jakarta vào ngày thứ Hai (26/8/2019) thì trung tâm hành chính mới sẽ được dự kiến xây giữa vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara nằm ở khu vực Đông Kalimantan (Kalimantan chiếm 2/3 đảo Borneo).

Thủ đô Jakarta hiện tại trên đảo Java sẽ được dời đến vùng Đông Kalimanta trên đảo Borneo.
Thủ đô Jakarta hiện tại trên đảo Java sẽ được dời đến vùng Đông Kalimanta trên đảo Borneo. Ảnh: SCMP

Không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng lên Jakarta, việc di dời thủ đô đến địa điểm mới cách xa 1.400 km giúp trải rộng các hoạt động kinh tế chứ không còn chỉ gói gọn tập trung vào hòn đảo trung tâm của Indonesia hiện nay là Java. Kinh phí dự kiến để thực hiện việc di dời sẽ rơi vào tầm 466 nghìn tỉ rupiah (khoảng 32,8 tỉ USD)

Tổng thống Joko Widodo nói: “Vị trí mới mang ý nghĩa chiến lược rất cao bởi nó nằm ngay trung tâm Indonesia và gần với những khu vực thành thị. Gánh nặng mà Jakarta đang chịu hiện nay quá lớn khi nó vừa đóng vai trò là trung tâm chính phủ, kinh tế, tài chính, mậu dịch và dịch vụ”.  

Đương kim Tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Ảnh: EPA
Đương kim Tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Ảnh: EPA

Tổng thống  Indonesia còn chia sẻ rằng thủ đô mới sẽ giúp giải quyết đáng kể sự chênh lệch thu nhập giữa 17.0000 hòn đảo. Java hiện nay chiếm khoảng 60% dân số Indonesia và đóng góp 58% vào tổng sản phẩm quốc nội và khu vực Kalimantan (đảo Borneo) đóng góp 8,2%.

Tổng thống Indonesia đã thể hiện động thái khẩn cấp và thiết thực so với những người tiền nhiệm của mình khi cho tiến hành việc di dời chứ không chỉ là kế hoạch trên bàn giấy trong suốt nhiều thập kỷ qua. Với diện tích ngày càng mở rộng và dân số xấp xỉ 30 triệu người, Jakarta hiện nay phải chịu đựng tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng cùng với mức ô nhiễm luôn cán mức không lành mạnh, những nỗ lực giải phóng áp lực cho thành phố không mang lại nhiều hiệu quả và thậm chí vô tác dụng khi có đến hàng chục ngàn xe hơi lăn bánh trong đô thị mỗi năm.

Thủ đô hiện tại của Indonesia, Jakarta, bị ô nhiễm. Ảnh: Reuters
Thủ đô hiện tại của Indonesia, Jakarta, bị ô nhiễm. Ảnh: Reuters

Với mật độ dân số 15.000 người/km2 (gấp đôi Singapore) thì sẽ không còn nhiều đất để xây dựng nếu không di dời hàng ngàn hộ gia đình. Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất chính là gần 40% diện tích thành phố đang nằm dưới mực nước biển và nhiều phần thành phố có tình trạng chìm hơn 20cm mỗi năm. Các chuyên gia môi trường cảnh báo rằng nhiều phần thành phố (được thành lập từ thời Thực dân Hà Lan cách đây 500 năm) sẽ chìm dưới mực nước biển vào năm 2050 nếu như tình trạng mực nước dâng cao hiện tại cứ tiếp tục.

Lũ lụt tại Jakarta vào năm 2013. Ảnh: Jakarta Globe
Lũ lụt tại Jakarta vào năm 2013. Ảnh: Jakarta Globe
Lũ lụt tại Jakarta năm 2019. Ảnh: TEMPO/Hilman Fathurrahman W
Lũ lụt tại Jakarta năm 2019. Ảnh: TEMPO/Hilman Fathurrahman W

Việc thay đổi thủ đô này sẽ chính là cột mốc trong di sản chính trị của Tổng thốn Joko Widodo nói riêng và lịch sử của Indonesia nói chung. Nhà cầm quyền đất nước vạn đảo này đang thảo luận về việc xây dựng một thành phố kiểu mới: hiện đại, thông minh và xanh để đóng vai trò là thủ đô mới trong ít nhất là một thế kỷ tới.

Theo kế hoạch được chia sẻ của Bộ trưởng kế hoạch Bambang Brodjonegoro, họ sẽ khởi công thành phố mới từ năm 2021 và tiến hành đợt di dời đầu tiên với những văn phòng chủ chốt vào năm 2024. Còn theo như Bộ trưởng Công trình Công cộng Basuki Hadimuljono thì sẽ mất từ 3 đến 4 năm để xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng chủ chốt như cầu đường, hệ thống vệ sinh – cấp thoát nước, khu dân cư và những công trình chính phủ.

Khu vực tài chính mới của thủ đô Jakarta trong sương mù ôm nhiễm và hàng dài phương tiện giao thông bị ùn tắt. Ảnh: AP Photo/Dita Alangkara
Theo một nghiên cứu năm 2016 của Castrol, Jakarta là một trong những thành phố có tình trạng giao thông tồi tệ nhất thế giới. Ảnh: AFP
Theo một nghiên cứu năm 2016 của Castrol, Jakarta là một trong những thành phố có tình trạng giao thông tồi tệ nhất thế giới. Ảnh: AFP

Khi được hỏi về việc dời Thủ đô đến Borneo là ngôi nhà của hệ động thực vật đặc hữu và đa dạng nhất nhì trên trái đất này, đặc biệt là loài đười ươi, có gây nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường hay không thì Tổng thống Joko Widodo nói rằng: “Chúng tôi sẽ không làm tổn hại đến những khu rừng đang được bảo tồn, thay vào đó sẽ bảo vệ nó”. Ông còn nhấn mạnh rằng đất đai được sử dụng cho kế hoạch phần lớn thuộc quyền sở hữu của chính phủ chứ không ảnh hưởng nhiều đến những cánh rừng. Tuy vậy, đây vẫn là một vấn đề bị tranh cãi rất gay gắt vì ngay thời điểm hiện tại, môi trường sống của những loài động vật đặc hữu tại đây đang bị tàn phá từng ngày từng giờ bởi nguồn tài nguyên gỗ và khoáng sản phong phú.

Indonesia không phải là đất nước Đông Nam Á đầu tiên di dời Thủ đô, trước đây cũng đã từng có Myanama và Malaysia từng thực hiện thàng công việc di dời thủ đô.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Tổng hợp: Đức Nguyễn – Tham khảo: South China Morning Post, CNN

No more