Câu chuyện đầy ám ảnh về tuổi thành niên
Adolescence là một bức chân dung về sự lạc lối của tuổi trẻ. Với góc nhìn ám ảnh và đau lòng, bộ phim tái hiện lại bi kịch xoay quanh Jamie Miller (Owen Cooper), cậu bé 13 tuổi người Anh bị bắt và buộc tội sát hại bạn học Katie.
Thay vì tập trung vào việc tìm ra ai là kẻ giết người, bộ phim đi xa hơn, đào sâu vào câu hỏi: Tại sao điều này lại xảy ra?.
Stephen Graham, đồng biên kịch với Jack Thorne, vào vai Eddie – người cha cố chấp bấu víu vào niềm tin rằng con trai mình vô tội. Sự thật chỉ vỡ òa khi đoạn phim giám sát hiện ra, phơi bày khoảnh khắc Jamie cầm dao kết liễu một bạn học nữ.
Bốn tập phim là bốn lát cắt chân thực về một vụ án rúng động. Mỗi tập xoáy sâu vào một giai đoạn khác nhau của câu chuyện.
Tập đầu tiên mở màn bằng khoảnh khắc cảnh sát ập đến bắt giữ cậu bé.
Tập hai chuyển hướng sang cuộc điều tra tại trường học của cậu bé và nạn nhân.
Tập ba thu hẹp phạm vi, tập trung vào cuộc đối thoại giữa cậu bé và một nữ chuyên gia tâm lý.
Tập cuối cùng, quay trở lại với gia đình của Jamie, khi vết thương tâm lý vẫn còn rỉ máu và các thành viên đang vật lộn với áp lực xã hội, sự giằng xé sau khi vụ án khép lại.
Điều khiến bộ phim này lôi cuốn ở cách nó dần bóc tách bí ẩn theo thời gian thực. Giữa những đoạn hội thoại căng thẳng và các góc quay chân thực đến mức gai người, câu chuyện mở ra một lớp ý nghĩa sâu hơn: về nam tính độc hại, về trách nhiệm giáo dục con trai.
Kỹ thuật quay phim là điểm nhấn
Với Adolescence, đạo diễn Philip Barantini và nhà quay phim Matthew Lewis đã sử dụng hoàn toàn kỹ thuật one take hay one shot (mỗi tập phim được quay trong một cú máy duy nhất), cho toàn bộ series.
Máy quay vận hành như một nhân chứng lặng lẽ, dõi theo những biến động không hồi kết. Nó ghi lại, dõi theo, truy vấn, đẩy nhân vật vào những khoảnh khắc riêng tư nhất. Nó len lỏi qua các không gian, bám theo từng nhân vật, để họ tự nhiên xuất hiện, rời đi, rồi giao nhau theo nhịp sống của chính họ.
Mỗi cảnh phim trôi đi mà không có cắt ghép, không có khoảng dừng, kéo người xem chìm sâu vào những khoảnh khắc hỗn loạn.
Bộ phim chỉ kéo dài bốn tập, nhưng mỗi tập đều diễn ra theo thời gian thực và được quay bằng một cú máy dài, tạo ra cảm giác ngột ngạt và căng thẳng tột độ.
Hiệu ứng tích cực đầu tiên và dễ nhận thấy của thủ pháp quay này là sự chân thực như một bộ phim tài liệu. Người xem có cảm giác như đang chứng kiến trực tiếp mọi diễn biến, thời gian trên màn ảnh và thời gian thực ngoài đời dường như vận hành đồng bộ.
Những tập phim có nhiều chuyển động, đặc biệt là tập 1, 2 và 4 càng làm nổi bật cảm giác phim tài liệu. Riêng tập 3 lại mang sắc thái của một vở kịch tâm lý chỉ có hai người diễn.
Lời cảnh báo về “hố thỏ” kỹ thuật số
Không chỉ là câu chuyện của riêng Jamie, Adolescence còn là một nghiên cứu xã hội ám ảnh về sự mong manh của tuổi mới lớn.
Các tập phim là một cuộc điều tra về thế hệ trẻ – những đứa trẻ lớn lên trong thời đại internet, nơi sự méo mó về nhận thức giới tính và quyền lực được định hình qua màn hình điện thoại.
Cao trào cảm xúc đến ở tập thứ ba, khi nữ chuyên gia cố gắng trò chuyện và giải mã, “đọc hiểu” con người của Jamie. Cuộc đối đầu giữa Ariston và Jamie trở thành trận chiến tâm lý.
Ở đây, Adolescence cho thấy bản chất thực sự của nó: câu chuyện về một thế hệ đang mất phương hướng, bị cuốn vào một thế giới ảo mà hậu quả của nó lại quá thật.
Điều này càng rõ nét hơn khi sang tập 4, qua một phân đoạn bố của Jamie kể lại, về chuyện Jamie đi học về, đi thẳng lên lầu, đóng sầm cửa phòng ngủ và dành hàng giờ bên máy tính. Ông đã nghĩ rằng “mọi đứa trẻ ở tuổi đó đều như thế”.
Bậc phụ huynh này không biết rằng, phía sau cánh cửa đóng kín ấy, cậu đang lạc lối vào một thế giới mà họ chưa từng hiểu.
Adolescence bóc tách một trong những góc tối nguy hiểm nhất của thời đại số: manosphere – hệ sinh thái trực tuyến của những tư tưởng thù hận phụ nữ, incel (“involuntary celibate” – độc thân không tự nguyện), PUA (nghệ sĩ tán tỉnh) và những kẻ gieo rắc thuyết âm mưu về quyền lực nam giới.
Đối với những người trên 40, đây là một thế giới xa lạ. Tư tưởng độc hại được ngụy trang dưới vỏ bọc sự thật và lôi kéo những thanh thiếu niên cô độc, bất mãn. Khi Jamie bước vào, cậu trở thành một con tốt bị thao túng.
Adolescence là một lời cảnh tỉnh cho mọi bậc phụ huynh. Về sự nguy hiểm của việc để thanh thiếu niên chìm đắm trong thế giới ảo mà không có sự kiểm soát. Về tầm quan trọng của việc lắng nghe, kết nối và đưa họ trở lại với cuộc sống thực.
Bên cạnh các diễn viên gạo cội, ngôi sao của Adolescence chắc chắn phải kể đến Owen Cooper, người hóa thân xuất sắc vào vai Jamie, một thiếu niên trầm lặng nhưng bên trong chất chứa những suy nghĩ méo mó về phụ nữ, bị thao túng bởi những tư tưởng độc hại trên mạng.
Sự chuyển biến tinh vi trong tâm lý nhân vật của cậu – từ bối rối, tức giận đến nguy hiểm… được thể hiện qua từng ánh mắt, từng biểu cảm nhỏ.
Không cần phô trương thông điệp chính trị, Adolescence vẫn đủ sức lay động và có thể tạo ra những tác động thực sự. Mới chỉ là tháng 3, phim đã sớm khẳng định mình là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu chương trình truyền hình xuất sắc nhất năm 2025.
______
Bài: Hoàng Thúy Vân