10 album/EP đáng nghe nhất Vpop trong năm 2022

Bài Tuan Anh

2022 là một năm khá sôi nổi của Vpop, không chỉ đến từ các ngôi sao nổi tiếng có tên tuổi mà các nghệ sĩ trẻ cũng rất năng nổ. Cùng điểm lại 10 album/EP có chất lượng hàng đầu Vpop trong năm 2022

Đây là những album/EP nhạc Việt đình đám trong năm 2022 mà bạn nên thưởng thức qua.

10.Wren Evans – “Chiều hôm ấy anh thấy màu đỏ” (EP)

Sau một năm 2021 đầy thành công với bản hit đầu tay “Thích em hơi nhiều”, Wren Evans thừa thắng xông lên trong năm 2022 với một loạt các single chất lượng, những màn kết hợp độc đáo, và anh kết năm không thể đẹp hơn bằng một EP có mạch âm thanh thống nhất. 

Đưa vào cả 3 single nổi bật nhất là “Thích em hơi nhiều”, “Gặp may”, “Cơn đau” nhưng người nghe không thấy một sự gượng ép nào cả. Toàn bộ EP có sự đồng bộ những những tiếng bass mang đậm dấu ấn cá nhân của Wren, được kết nổi với nhau bằng những bản interlude ngắn gọn, đơn giản nhưng khá quan trọng với mạch cảm xúc. Mặc dù sở hữu tới 3 ca khúc đã từng phát hành, những người hâm mộ của Wren vẫn bất ngờ với 2 ca khúc mới khi “Trao” là một bản ballad ngọt ngào, thể hiện rõ khả năng lên giai điệu đặc sắc của Wren, còn “Mấy khi” lại tiếp tục đột phá khi đưa những ảnh hưởng của funk, boogie vào vào đoạn chorus rất “quái” mà hiếm có nghệ sĩ nào ở Việt Nam dám chơi. Còn với những người mới thưởng thức, hầu như bất cứ bài hát nào cũng là một highlight đáng nhớ.

9. Album nhạc Việt: prettyXIX – “Pretty Lost Angel”

prettyXIX là rapper hiếm hoi xuất thân từ rap Việt mùa 2 đã có một full album cho riêng mình, trong khi các đồng nghiệp mới chỉ phát hành EP hoặc các single đơn lẻ. Điều đó đến từ một điểm đặc biệt khiến prettyXIX khác biệt so với những người cũng chơi melodic và dùng autotune nhiều như anh: Tư duy của một producer. 

Chính nhờ tư duy ấy, album “Pretty Lost Angel” nghe rất mạch lạc và thống nhất dẫu cho số lượng khách mời lớn, trong đó có những cái tên có cá tính và tên tuổi trong cộng đồng rap Việt như Coldzy hay Cam. Các bài hát được xây dựng cùng 1 đường dây âm thanh xuyên suốt, không có những đoạn ngắt quãng, nghe rất liền lạc. Cách đi melody của prettyXIX cũng khá tốt, mặc dù phần lyrics phần lớn là tiếng Anh có thể khó tiếp cận với đại chúng, nhưng sự tiết chế trong việc dùng autotune vẫn khiến các ca khúc dễ nghe. prettyXIX không phổ biến như một số rapper khác trong rap Việt, nhưng với việc sở hữu “Pretty lost angel”, anh vẫn có thứ để tự hào về bản thân mình.

8. Trang – “Chỉ có thể là anh” 

Hoạt động âm nhạc trong cộng đồng indie đã lâu, cũng đã có nhiều sáng tác nổi bật cho các nghệ sĩ mainstream như Uyên Linh, Min, Tóc Tiên,… năm 2022 mới thực sự đánh dấu bản hit đầu tiên cộp mác Trang nhờ ca khúc “Ngã tư không đèn” làm mưa làm gió trên tiktok vào khoảng giữa năm. Nhưng đó không phải tất cả những gì mà album “Chỉ có thể là anh” có được. 

Tiếp tục là những tâm sự đậm chất “đàn bà” như người nghe Trang đã rất quen thuộc từ trước đến nay, nhưng ở “Chỉ có thể là anh” Trang đào sâu hơn vào những góc khuất, những cảm xúc hỗn độn rất khó hiểu mà chính cô còn phải thốt lên “Nhiều khi chính em cũng không thể nào hiểu thấu”. Tất cả những rắc rối, những nghĩ suy vẩn vơ ấy làm nên một Trang rất quyến rũ, rất bí ẩn mà người nghe muốn đào sâu, khám phá thêm nữa. Đó là khi Trang tâm sự “rất muốn được ngủ cạnh anh”, thốt lên “Em đã lâu chưa được yêu như thế”, nhưng cũng có lúc lại thẫn thờ “vì dù sao tình cũng đi”, “Thế nên chúng ta thôi đừng bàn chuyện tương lai”. Tất cả đan xen, chuẩn bị cho đoạn kết bùng nổ với “Đàn bà”, nơi Trang chơi đùa với những ảnh hưởng của rock cũng những ca từ ấn tượng nhất trong cả sự nghiệp của cô “Biết đàn bà nghĩ suy ngược xuôi chẳng đi về đâu”. Đây chắc chắn là album nhạc Việt bạn nên nghe.

Ảnh: Youtube

7. Hoàng Thùy Linh – “Link”

Để vượt qua cái bóng của Hoàng – một trong những album mang tính biểu tượng của nhạc Việt trong những năm gần đây – là rất khó. Chính vì thế, Hoàng Thùy Linh không cố gồng mình đi tìm kiếm những chất liệu quá mới lạ trong “Link”, cô tiếp tục đào sâu khai thác các góc độ khác của pop, không quên bỏ thêm chút gia vị dân gian đã trở thành thương hiệu, và tiếp tục có một album để đời. 

Chất liệu dân gian, truyền thống không được sử dụng ngập tràn như “Hoàng”, “Link” chỉ nêm nếm nhẹ nhàng thông qua một số âm thanh nhỏ được cài cắm trong mặt âm thanh (tiếng mõ trâu trong “Trưởng nữ chạy trốn”, tiếng đàn nhị trong “Gieo quẻ”) hay sử dụng một cách tự nhiên trong mặt ca từ. Còn lại, phần lớn mọi thứ trong “Link” mang tính “đương đại” nhiều hơn như ở “Bắt vía” khi Hoàng Thùy Linh hợp tác với Wren Evans mà mang được cả tiếng bass và đàn dây đậm dấu ấn của đàn em gen Z vào bài,  hay “Không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này” kết hợp với Thanh Bùi lại có một verse tiếng Anh. Nhưng thứ nổi trội nhất, khiến người ta vẫn nhận ra “Link” là của Hoàng Thùy Linh chứ không phải ai khác, vẫn là những bộc lộ tính nữ độc đáo “Em mang tâm tư hơi thất thường, anh thương em thương thêm bất thường”, cho thấy sự tự tin thể hiện bản thân ngày càng mạnh mẽ của các nghệ sĩ nữ của Vpop trong năm nay.

6. Album nhạc Việt: Phùng Khánh Linh – “Citopia”

Trong trào lưu “quay về quá khứ” với những âm thanh dance/electronic thập niên 80s bùng nổ trên thế giới, Phùng Khánh Linh cũng không thể đứng yên. Cô lựa chọn city pop – thể loại phổ biến vào cuối thế kỷ trước ở Nhật Bản – và xây dựng được cả một album ra tấm ra món chứ không chỉ là một cuộc dạo chơi đơn thuần. 

Xuyên suốt album Citopia, âm hưởng City pop được cài cắm từ bài đầu tiên đến bài cuối cùng: Có lúc là cách sử dụng trực diện thông qua những âm thanh đặc trưng nhất như ở trong “Căn gác mùa hè”, có lúc lại xây dựng không gian city pop cho những bản dance pop (quý cô say xỉn, 1 2 3 4 tí tách) và ballad (năm ngoái giờ này, mùa hè 1994). Phùng Khánh Linh cũng cho thấy một sự nâng cấp đáng kể trong mặt sáng tác, đặc biệt trong một ca khúc có chủ đề lạ như “Em tạm đi vắng khi anh thức giấc”. City pop không phải là một thể loại quá phổ biến với đại chúng Việt Nam, nhưng qua bàn tay của Phùng Khánh Linh và ekip, các bài hát đều trở nên dễ nghe, dễ cảm. Nhiều khán giả có thể chưa hài lòng vì city pop trong “Citopia” chưa đậm đặc như những gì mà họ mong đợi, nhưng cũng khó có thể phủ nhận sự chỉn chu trong mặt sản xuất và độ chịu chơi của ekip này.

5. Larria – 1 on 1 (EP)

Là người đứng sau thành công của Anh Phan, B Wine,… nói riêng cũng như tổ đội hiphop Under the Hood nói chung những năm qua, “Larria” được nhiều người trong nghề chú ý nhờ khả năng phối khí chắc tay, cá tính. Năm nay, “Larria” quyết định phát hành một album solo và những người yêu nhạc được thấy một khía cạnh rất khác của anh. 

Tách ra khỏi sự hài hước đến mức táo bạo của Anh Phan mà không phải khán giả nào cũng cảm được, Anh Phan tìm đến những âm thanh gần gũi với đại chúng hơn. Đó là sáng tác đầy hook đến từ bộ đôi Charles. và Kim Chi Sun, giọng rap ngọt ngào của V# và Amber Ngo, chất khàn thu hút của Vstra,… mỗi nghệ sĩ với những cá tính khác biệt được đặt vào trong những bản phối riêng biệt, nhưng đều là sự tôn vinh của Larria dành cho R&B. Thậm chí, anh còn đưa Trung tâm băng đĩa lậu hải ngoại – một nhóm rap nổi tiếng với những bản nhạc tếu táo, kì quặc – một bản phối hết sức thuần túy trong R&B/ballad thập niên 90s, nơi mà các diva đang tỏa sáng rực rỡ. Dẫu cho chỉ có 4 bài, nhưng sự đa dạng độc đáo và những sáng tạo của Larria trong mảng R&B ở album này vẫn là rất tốt, khiến Larria đang là cái tên cực kì sáng giá trong mảng producer R&B/hiphop ở Việt Nam.

4. Mona Evie – “Chó ngồi đáy giếng”

Sau một năm 2021 thành công của những nghệ sĩ experimental music trẻ tuổi như Rắn Cạp Đuôi, Tran Uy Duc,… Mona Evie – nhóm nghệ sĩ đến từ Hà Nội – tiếp nối làn sóng experimental trong năm 2022 bằng một album có cái tên lạ tai “Chó ngồi đáy giếng” nhưng cũng xuất sắc không kém các album tiền nhiệm. 

Không đi vào thế giới noise quá phức tạp và khó nghe như những nghệ sĩ trước, Mona Evie lựa chọn cách tiếp cận có phần dễ chịu hơn: sử dụng ảnh hưởng của R&B/hiphop và alternative. Chúng ta nghe thấy những sample khá quen thuộc đến những bản nhạc kinh điển của Beyonce hay Kelly Rowland, chúng ta thấy phần hát/rap của nhóm rất rõ ràng không bị quá méo hay chìm sâu vào lớp âm thanh. Toàn bộ album cứ liên tục đan xen giữa 2 thái cực R&B/hiphop và alternative, thể hiện một sự gần gũi với tai nghe của khán giả hơn là một sự thách thức. Tuy nhiên, đến bài cuối cùng “Bí và Ngô”, Mona Evie quyết định kéo thời lượng đến hơn 13 phút, đan xen chồng chéo ca R&B/hiphop lẫn alternative và khéo léo khẳng định về cá tính cũng như tham vọng của nhóm trong địa hát experimental tại Việt Nam.

3. in memory of the view from hanoi opera house – “Beach​/​heaven Pt. 1+2”

Có một nghệ danh tiếng Anh khá dài, nhưng thực chất đây không phải là một ban nhạc nào cả, đó là một bạn trẻ có tên Vũ Trung Kiên – một người có niềm đam mê lớn với ambient và shoegaze tại Hà Nội. Và với phòng thu tại gia, bạn vẫn có thể sản xuất một EP đan xen cả 2 thể loại một cách mượt mà. 

Cấu trúc của 2 phần EP này đều khá giống nhau, nối tiếp sau 1 bài ambient mượt mà, êm ái sẽ là một bài shoegaze/dream pop dày đặc và mờ mịt. Sự đối lập này cũng thể hiện ngay ở tên của EP khi luôn luôn là 2 thái cực khác nhau, khác biệt đến mức đối lập, nhưng vẫn chỉ là những bản thể khác nhau của người nghệ sĩ. Và nếu như trong pt. 1 tập hợp những sáng tác bằng tiếng Anh, thì sang đến pt. 2, các sáng tác đã được viết bằng tiếng Việt. Phần vocal được chìm rất sâu dưới lớp âm thanh, có khi nếu chỉ nghe lướt qua sẽ không thể nhận ra có giọng hát trong đó, nhưng Vũ Trung Kiên vẫn rất đầu tư cho những ca từ đầy thơ mộng và bay bổng “ vô nghĩa là nhà em/ khi dột xuống những dòng nước mắt/ cứ cắt mãi vào căn phòng trống/ quá rộng của chờ mong”. Một nghệ sĩ trẻ tài năng và là gương mặt tiêu biểu cho nhóm nghệ sĩ khởi phát tình yêu âm nhạc chỉ đơn giản từ chính căn phòng ngủ của mình – một trào lưu có thể sẽ tiếp tục thịnh hành ở Việt Nam trong thời gian tới với sự lớn mạnh của các dịch vụ streaming.

2. Vũ Thanh Vân – “Hết sức thật lòng” (EP)

Hoạt đông trong cộng đồng indie đã lâu, nhưng những dấu ấn âm nhạc của Vũ Thanh Vân chỉ thực sự mạnh mẽ, chỉn chu, chuyên nghiệp khi cô đầu quân về inQ International. Năm ngoái, cô sở hữu EP “after party” có concept rõ ràng, được người hâm mộ đánh giá rất cao, thì năm nay, cô tiếp tục thừa thắng xông lên với EP “Hết sức thật lòng” được đầu tư kỹ lưỡng về mặt âm nhạc, có thời lượng ngang ngửa một số album khác của nhạc Việt trong năm nay. 

6 bài hát trong “Hết sức thật lòng” dẫn người nghe đi qua 6 cung bậc cảm xúc khác nhau ở 6 thể loại khác nhau, từ pop sang R&B, rồi soul/pop, một chút ballad, rồi cuối cùng là một màn dance/electronic rực cháy. Cùng mang chung 1 vibe pop, nhưng hầu như không có một bài nào được sản xuất trùng lặp với bài nào, mỗi bài đều có một sức hút riêng biệt, nổi bật lên trên đó là phần sáng tác chắc tay, giai điệu biến chuyển linh hoạt của Vũ Thanh Vân. Đặc biệt, “Khó để yêu – part 2” là một sự liều lĩnh rất lớn trong địa hạt pop khi Vũ Thanh Vân hoàn toàn thả trôi phần sáng tác, chỉ là một câu sample được lặp đi lặp lại, còn phần lớn bài hát phụ thuộc vào phần sản xuất điện tử đầy máu lửa, nhưng vẫn thu hút và gắn kết chặt chẽ với track “Khó để yêu – part 1” trước đó. Vũ Thanh Vân luôn là nghệ sĩ có nhiều câu chuyện thú vị để kể, và khi kết hợp với những tay sản xuất lão luyện đến từ InQ, cô đang cho thấy mình là một pop girl cực kì đáng gờm và tiềm năng của thập kỷ mới.

1. Album nhạc Việt: Hồ Trâm Anh – “The Poetry of Streetlights”

Lựa chọn cách thức phát hành sản phẩm không giống ai, lựa chọn thể loại âm nhạc còn xa lạ với công chúng Việt Nam, tất cả cho thấy Hồ Trâm Anh – một trong những nghệ sĩ indie hoạt động đã lâu năm ở Hà Nội – là một người liều lĩnh. Nhưng sự liều lĩnh đi kèm với tài năng nổi bật và thẩm mỹ ấn tượng, kết quả chính là “The Poetry of Streetlights” – album có chất lượng tốt bậc nhất nhạc Việt trong năm 2022. 

“The Poetry of Streetlights” có thể coi là một album dream pop/shoegaze chỉn chu và hoàn thiện hàng đầu của nhạc Việt. Trong khi không có quá nhiều nghệ sĩ lựa chọn thể loại này, Hồ Trâm Anh vẫn miệt mài xây dựng một thể giới âm thanh mờ ảo, mơ màng nhưng đầy quyến rũ, mê hoặc. Phần lyrics cũng không đi quá sâu vào việc kể một câu chuyện quá sức cụ thể, tất cả cũng chỉ là những gợi mở rất mơ hồ như một cánh cửa để người nghe tự bước vào và vẽ nên chính bức tranh cho mình, dựa trên chính những cảm nhận riêng biệt của từng người. Ở trung tâm của những phần phối khí tuyệt với ấy, chính là giọng hát chắc chắn, vững vàng của Hồ Trâm Anh. Nó khiến cho “The Poetry of Streetlights” trở nên hiện hữu rõ ràng hơn và phần nào cũng làm cho album có thể dễ dàng được thưởng thức bởi đại chúng thay vì quá thách thức. Có lúc cô hát nhẹ nhàng, êm đềm như dòng nước chảy, có lúc lại bạo liệt, bùng nổ như một ngọn lửa. Nhưng dù với bất kỳ cách thể hiện nào, không gian dream pop/shoegaze vẫn giữ vững là chưa bao giờ đi chệch hướng hay khiến người nghe hiểu sai về thể loại, cho thấy một sự thấu hiểu cực kì sâu sắc âm nhạc thế giới và thẩm mỹ của một nghệ sĩ thực thụ. 

_____________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Nam Trần

No more