Review album “Thinhsuynghi”: Hát ca để tìm chính mình

Bài Tuan Anh

Sau một năm kể từ album đầu tay "Door To Nowhere", Thịnh Suy mới đây đã giới thiệu đến khán giả đĩa nhạc thứ hai mang tên "Thinhsuynghi", tiếp tục chứa đựng rất nhiều suy tư, nhưng đã trưởng thành và chín chắn hơn.
Review

Album giản đơn nhưng không nhàm chán của Thịnh Suy

 

Kể từ Một đêm say nổi lên như một hiện tượng, Thịnh Suy đã tạo những dấu ấn riêng đối với khán giả. Hình tượng của nam nghệ sĩ vẫn thường gắn với guitar và sự phong trần, hát những bài đôi khi rất vui (thịnh), nhưng cũng có khi tràn ngập đau đớn (suy). Album mới này không có quá nhiều yếu tố khác biệt với đĩa đầu tay, khi vẫn là những âm thanh acoustic quen thuộc và các bài hát gần gũi với những người trẻ.

Thịnh Suy
Ảnh: Tư liệu

Như anh chia sẻ, album lần này gồm có 3 phần, là “Thịnh” và “Suy” thuộc thể nhị nguyên tương đối dễ hiểu. Thế nhưng cũng còn một phần khác nữa tương đối độc đáo là “Nghĩ”, tập trung vào chính cái tôi của nam nghệ sĩ, để thông qua âm nhạc, anh được trải nghiệm cũng như tự vấn, từ đó bóc tách, phân tích để hiểu mình hơn. Thinhsuynghi như một khoảng lặng hiếm hoi không chỉ cho anh mà còn là cho khán giả có những giây phút được lắng mình lại.

 

Với phong cách âm nhạc tương đối giản đơn mà đa số là acoustic, điểm cộng của album này là Thịnh Suy đã biết cách làm cho đĩa nhạc trở nên thú vị, phần nào bớt đi cảm giác nhàm chán. Hợp tác trở lại cùng với Lazii – nhà sản xuất đã từng hợp tác với nam nghệ sĩ từ đĩa đầu tiên, những track có sự nhúng tay của anh đều tương đối bất ngờ và thú vị. Theo đó tổng thể luôn được phát triển một cách dày dặn với nhiều lớp layer âm thanh, không chỉ phong phú trong khía cạnh nhạc cụ, mà còn hiệu quả trong việc tạo ra không gian, từ đó giúp cho khán giả như hình dung được toàn bộ câu chuyện.

 

Chẳng hạn như những bài hát Cứ trôi hay Đưa em vào trong, ngoài tiếng acoustic guitar chủ đạo, ta cũng dễ thấy thêm phần dàn dây và percussion (bộ gõ) cũng rất thu hút. Ngoài ra Lazii cũng rất biết cách tạo “khối”, để khi lắng nghe kỹ, những sample âm thanh như tiếng thiên nhiên, chim chóc, suối róc rách… cũng tạo ra một không gian tổng thể hài hòa và rất độc đáo. Điều này cũng tương đối phù hợp với sự phóng khoáng trong cách viết và cách hát của Thịnh Suy.

 

Hai ca khúc trên cũng có những đoạn giang tấu đáng nhớ, được Lazii đẩy về nửa sau của phần phối khí, và là điểm nhấn không thể bỏ qua. Nếu Đưa em vào trong đậm tính tung tẩy của jazz, thì Cứ trôi là sự nhịp nhàng của các âm synth có phần biến áo. Và cũng từ đây mà các bài hát tưởng chừng đơn giản hóa ra thú vị, đây có thể coi là thành công lớn của bộ đôi Thịnh Suy và Lazii.

thinhsuynghi
Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh những âm thanh mộc, thì chất psychedelic cũng được bổ sung vào các track nhạc như Sự vô thức hay Có nhau. Trong không gian mờ ảo ấy, tính tự sự của nam nghệ sĩ như được cộng hưởng, từ đó mang đến cảm giác hòa hợp giữa phần phối khí và nội dung bài hát. Đây cũng chính là điểm nhấn, góp phần thay đổi không khí, giúp cho đĩa nhạc không bị một màu mà vẫn cuốn hút.

 

Ngoài phần phối khí hiệu quả của Lazii, Thịnh Suy cũng gây bất ngờ với bản R&B Please Don’t Go bắt tai, khác lạ so với phần còn lại của đĩa nhạc. Trong tiếng acoustic đơn giản, motif giai điệu lặp lại tựa đề bài hát tỏ ra hiệu quả, và là điểm nhấn của album này. Những tưởng là một album có phần giản đơn và thống nhất, thế nhưng chính bằng sự hợp tác với Lazii cũng như có sự bất ngờ trong khâu sáng tác và phối khí, mà Thinhsuynghi hóa ra cũng nhiều màu sắc và phù hợp với nhiều tâm trạng.

Ảnh: Tư liệu

Tiếng lòng của rất nhiều người

 

Như Thịnh Suy chia sẻ Thinhsuynghi không chỉ đơn thuần là một album âm nhạc. Nó như một tấm thảm được dệt tay nên từ những kinh nghiệm cá nhân và từng suy nghĩ sâu thẳm bên trong. Album đã gói gọn một cách đẹp đẽ nhất những trạng thái cảm xúc của một con người: từ lạc quan, bi quan cho đến những khoảng lặng được bài trí và sắp xếp gọn ghẽ trong từng con chữ của 10 bài hát”. Vì vậy mà đĩa nhạc này cũng như một chuyến hành trình khám phá bản thân thông qua âm nhạc, từ đó nhận ra rất nhiều góc khuất trong tâm hồn của một người trẻ.

 

Ở đây ta thấy rất nhiều những sự đồng cảm, khi Thịnh Suy viết về người trẻ trong một cuộc sống quá nhiều lo sợ, đau khổ và hoài nghi. Đó có thể là Cậu bé – nhân vật ôm những vết thương trong mình, dài không biết bao nhiêu đời, để rồi cách duy nhất đứa-trẻ-trong-người-lớn ấy phản ứng lại với cuộc đời là xây nên một vách ngăn để trốn tránh những nỗi đau của bản thân mình. Đó là điểm chung của một thế hệ nhiều tổn thương, và dễ cảm thấy không thể chia sẻ được cùng với ai.

 

Khi đó chính họ gần như trống rỗng, như nam ca sĩ hát trong bài Trống, rằng “Bên trong tôi trống rỗng/ Đào tìm vào mục sâu/ Tìm gì có biết đâu”. Họ như bất động giữa ngã ba đường, không biết phải làm gì và đi đâu. Chính sự bất định ấy chiếm phần lớn chuỗi “Nghĩ” trong album này, về những suy tư hướng vào bên trong, cố xác định mình cũng như danh tính bản thân. Thế nhưng cũng thật may mắn, khi cho đến cuối, Thịnh Suy cũng dần nhận ra mình cần làm gì.

Thịnh Suy
Ảnh: Tư liệu

Đó chính là việc nương theo số phận, bởi như Cứ trôi, anh hiểu cuộc đời như này như con nước, con sông cứ trôi, con người chìm nổi. Từ đó mà việc học cách buông dần nỗi lo, vì nó là thứ không cần phải mang, không còn phải nhớ. Điều này cũng được nối tiếp bằng chuỗi “Thịnh” với các ca khúc được tăng tempo, hoặc thật vui vẻ hoặc dịu dàng nhưng lại chan chứa rất nhiều tình cảm cũng như cảm xúc.

 

Chẳng hạn trong Có nhau, nam ca sĩ đã viết và hát cùng Vy – người yêu của mình, để biết một điều “nói xa nói gần tất nhiên tôi cần có em”. Trong Lam, tình yêu ấy cũng được cụ thể hóa bằng sự vui tươi, với tiếng huýt sáo và giai điệu rộn ràng. Bởi lẽ màu xanh là màu đẹp nhất, và khi cho nhau tình yêu, thì con người cần chi phải có thêm, cần gì phải leo cao…. bởi chỉ cần “còn nghĩ đến nhau”, “cần nhớ nhung nhau”, “cần muốn cho nhau những ân cần” đã là quá đủ.

 

Bởi cuộc sống này không công bằng, nên tình yêu như được ban tặng để nhận ra mình không cô độc. Kết thúc album với Ca theo đàn, Thịnh Suy mở rộng thứ tình cảm ấy, để không còn là tình cảm cá nhân, mà cũng còn là cảm xúc của anh đối với âm nhạc. Khi tưởng bản thân đã chết từ lâu, đã rất khổ đau, nói không nên lời, thì chính việc ngân theo nhạc, ca theo đàn đã đưa anh qua những ngày tối tăm. Khúc đồng ca cuối cùng đã như cam kết cho chính điều đó, cũng như là cái kết đẹp cho sự hòa trộn giữa người hát cùng với người nghe thông qua tình yêu âm nhạc.

thịnh suy
Ảnh: Tư liệu

Thinhsuynghi có thể là một album không quá đột phá, nhưng nó lại rất phù hợp cho những người trẻ đang trong giai đoạn tìm hiểu chính mình, cũng như học cách hướng vào bên trong, biết yêu bản thân giữa một đời sống còn nhiều bộn bề. Tuy âm nhạc vẫn khá quen thuộc, nhưng bằng tài năng của Lazii mà album này cũng có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Hy vọng sau đĩa nhạc này, Thịnh Suy sẽ có những chuyển biến mới trên con đường âm nhạc, từ đó bộc lộ một bản thể nghệ sĩ phong phú và đa dạng hơn.

ELLE

_________

Bài: Tuấn Anh

No more