Chị Dâu là một trong những phim Việt hiếm hoi quy tụ được dàn cast phải nói là “khủng” nhất hiện nay. Sự xuất hiện của Việt Hương, Hồng Đào, Lê Khánh, Đinh Y Nhung và Ngọc Trinh hứa hẹn mang đến những màn trình diễn đầy cảm xúc và chiều sâu.
Không những vậy, phim còn gây tò mò khi khai thác những xung đột về chị dâu – em chồng thời hiện đại, nên được đánh giá là một điểm sáng đáng mong đợi trong dịp cuối năm nay.
Câu chuyện gia đình đầy mâu thuẫn chị dâu
Chị Dâu lấy bối cảnh khá đơn giản, chủ yếu tập trung tại buổi đám giỗ tại một gia đình miền quê.
Phim kể về chị Hai Nhị (Việt Hương) là một người phụ nữ mạnh mẽ và tháo vát. Sau khi chồng qua đời, Hai Nhị vừa là trụ cột gia đình vừa là người quản lý mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà.
Trong buổi đám giỗ, bà Nhị bày tỏ ý định sửa sang nhà từ đường. Điều đó gây bất ngờ cho cả gia đình, trở thành ngòi nổ cho những xung đột âm ỉ giữa bà và bốn cô em chồng.
Mỗi thành viên trong gia đình đều có những cá tính và hoàn cảnh riêng biệt. Cô ba Kỳ (Hồng Đào) là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nhưng khó tính, khó chiều, lại không ưa gì chị dâu.
Cô ba Ánh (Đinh Y Nhung) thì lầm lì, ít nói trong khi cô tư Thu (Lê Khánh) thì ngược lại. Cuối cùng, cô út Như (Ngọc Trinh) còn trẻ nhưng không lo tiết kiệm làm ăn mà luôn chìm trong nợ nần.
Đạo diễn phim không ai khác là Khương Ngọc – gương mặt quen thuộc của điện ảnh Việt. Thông qua câu chuyện chị Hai Nhị và bốn cô em chồng, anh cài cắm thông điệp tình cảm gia đình. Kịch bản cũng đề cập đến nhiều áp lực cuộc sống của phụ nữ, từ chuyện cơm áo gạo tiền đến sóng gió hôn nhân.
Buổi đám giỗ đáng lẽ là nơi sum họp, tưởng nhớ tổ tiên. Thế nhưng, nó bỗng nhiên lại trở thành sân khấu để phơi bày những nỗi đau giấu kín.
Để tăng kịch tính, đạo diễn đã khéo léo đưa vào những màn đối thoại đậm chất châm biếm. Những câu hỏi “vô thưởng vô phạt” như chuyện tiền bạc, đời sống hôn nhân, hay chuyện con cái vô tình trở thành mũi dao “đâm” vào những tâm hồn nhạy cảm.
Tuy nhiên, phim không cố ý bi kịch hóa mà xen kẽ những khoảnh khắc hài hước, để giúp khán giả cảm thấy nặng đầu. Đặc biệt, Lê Khánh là người mang đến tiếng cười chính qua nhân vật rất là “ba phải” nhưng cũng ngây ngô và duyên dáng.
Đỉnh cao diễn xuất của Việt Hương và Hồng Đào
Phải nói rằng vai bà Nhị là một bước tiến trong phong cách diễn xuất của Việt Hương. Không còn lối diễn lên gân, Việt Hương tiết chế hơn hẳn. Chị chủ yếu dùng ánh mắt và cử chỉ để diễn tả những tâm trạng phức tạp của nhân vật.
Ngược lại, Hồng Đào thực sự bùng nổ với vai cô ba Kỳ – một người phụ nữ cay nghiệt, mang trong mình nhiều uất ức vì đời sống riêng tư không trọn vẹn.
Đặc biệt, Hồng Đào và Việt Hương phối hợp khá ăn ý trên màn ảnh rộng. Cả hai đã tạo nên những màn đối đầu căng thẳng nhưng cũng đầy sức hút, khiến người xem khó rời mắt.
Dàn diễn viên còn lại cũng tròn vai. Từ Lê Khánh, Đinh Y Nhung đến Ngọc Trinh đều được đạo diễn ưu ái, dàn trải đất diễn vừa vặn để có thể tỏa sáng với vai diễn.
Bên cạnh những điểm sáng về diễn xuất, phim vẫn còn một vài điểm trừ. Đạo diễn Khương Ngọc có vẻ vẫn chưa thực sự chắc tay, hơi “vội vàng” trong cách xử lý các xung đột ở cuối phim. Một số tình tiết còn mang tính sắp đặt hơi lộ liễu, khiến câu chuyện mất đi sự tự nhiên ban đầu.
Nhìn chung, Chị Dâu vẫn là một tác phẩm đáng xem trong dòng phim gia đình, nhất là những ai đã từng yêu Nhà bà Nữ hay Lật mặt 7: Một điều ước.
Không quá ồn ào hay kịch tính hóa, câu chuyện phim nhẹ nhàng và sâu lắng vừa đủ, chắc chắn sẽ khiến khán giả phải suy ngẫm về những mối quan hệ xung quanh mình.
_____
Bài: Văn Nghệ – Phúc Logic