Đó có vẻ là một buổi sáng như bao ngày với những cô cậu bé nghèo Campuchia phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh khó khăn tại khu đền Angkor, và mọi thứ cũng có lẽ sẽ cứ trôi qua êm đềm nếu ngày hôm đó cậu bé hàng rong Thuch Salik không thể hiện khả năng ngôn ngữ tuyệt vời của mình trước ống kính của Venus Gwc – một travel blogger rất nổi tiếng người Malaysia.
Chỉ sau một đêm, đoạn video bán hàng với 16 thứ tiếng của cậu bé hàng rong Thuch Salik được Venus Gwc đăng tải đã thực sự trở thành tâm điểm và đã hút hàng triệu lượt quan tâm đến từ khắp các nước trong khu vực châu Á.
Thuch SalikẢnh: Jack Board
Năm 2018, cậu bé này vừa tròn 14 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình 3 thành viên với mẹ và em trai. Nguồn thu nhập cho cuộc sống hàng ngày của họ đến từ việc bán hàng lưu niệm cho khách du lịch. Cũng như những đứa trẻ nghèo khác kiếm sống hàng ngày ở vùng du lịch, ước muốn nhỏ nhoi của Salik là bán hết số quà lưu niệm hàng ngày để phụ giúp mẹ trang trải trong cuộc sống. Việc một đứa trẻ bán hàng rong sinh sống tại khu vực du lịch quốc tế có thể sử dụng một vài cụm từ cơ bản quen thuộc để giao tiếp và buôn bán với du khách nước ngoài là chuyện không có gi lạ. Tuy nhiên, với cậu bé Thuch Salik lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, cậu khiến cho nữ blogger Malaysia kia cũng như bất cứ ai xem đoạn clip cũng phải thán phục bởi khả năng thao thao bất tuyệt 16 ngoại ngữ của mình.
Cậu bé hàng rong Thuch Salik chia sẻ rằng, tất cả các ngôn ngữ này cậu đều tự học thông qua các hướng dẫn viên du lịch. Trong đoạn clip dưới đây, chúng ta sẽ thấy một cậu bé Salik chỉn chu tươm tất với bộ quần áo mới, vẫn nụ cười hồn nhiên ấy, cậu bé lấy một hơi thật sâu và bắt đầu đếm từ 1 đến 10 bằng 16 thứ tiếng khác nhau bao gồm: tiếng Nga, Philippines, Nhật, Việt Nam, Ý, Đức và 3 kiểu tiếng địa phương phổ biến của Trung Quốc.
“Em bắt đầu phụ gia đình bán hàng lưu niệm từ năm 11 tuổi, cho đến bây giờ em đã bán được 3 năm rồi. Lúc đầu em chỉ biết duy nhất một ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ thôi. Sau khi đã học được một chút về tiếng Anh thì mẹ em muốn em thay đổi khu vực bán lên trên ngọn đồi Bak Kheng. Ở đây, hầu như phần lớn khách du lịch là người Trung Quốc nên em phải học nói tiếng Hoa để việc giao tiếp ngôn ngữ trở nên dễ dàng hơn và em nghĩ nó cũng sẽ giúp ích cho việc kinh doanh nhỏ của em. Chiến lược em thường dùng là sẽ hát những bài hát bằng ngôn ngữ của họ. Nếu gặp người Trung Quốc ở đây, em sẽ hát bài hát tiếng Hoa yêu thích, và họ sẽ cảm thấy thích thú. Với du khách Anh cũng vậy, em thường hát bài Shape of you của Ed Sheeran. Và khi họ cảm thấy vui thì điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ ủng hộ quà lưu niệm của em nhiều hơn” – Salik vui vẻ chia sẻ trong buổi phỏng vấn trực tiếp với đài Channel NewsAsia.
Số tiền kiếm được Salik sẽ gửi mẹ giữ để lo cho việc học của cả 2 anh em và cho việc trang trải chi tiêu hàng ngày. Nơi cậu bé ở là một căn nhà nhỏ cách ngôi đền Ta Prohm thuộc khu phức hợp đền Angkor vài trăm mét, hiện tại gia đình đang trong tình trạng khó khăn với các khoản nợ.
Mann Vanna – mẹ của cậu bé cậu bé hàng rong Thuch Salik hạnh phúc chia sẻ rằng “Đến giờ tôi vẫn chưa dám tin con trai mình lại nổi tiếng đến vậy. Mặc dù là mẹ của nó nhưng tôi đã không nhận ra sự thông minh của con trai cho đến khi biết nó có thể nói hơn 10 thứ tiếng. Tôi không nghĩ thằng bé có thể tự học được như vậy, trí nhớ nó rất tốt khi học những kiến thức về ngôn ngữ và ứng dụng ngay vào việc bán hàng kiếm thêm thu nhập phụ gia đình. Nó là một đứa trẻ tội nghiệp nhưng có một tâm hồn trong sáng lạc quan, nó ham học lắm và không bao giờ than phiền về việc phải mặc quần áo cũ đến trường. Nó thường tự chạy xe đạp một đoạn đường dài từ nhà đến trường và thỉnh thoảng phải nhịn đói vì không có đủ thức ăn. Khi nhìn thấy những bà mẹ khác mua cho con họ quần áo mới, tôi cảm thấy mủi lòng biết nhường nào bởi vì tôi không có khả năng và không biết làm cách nào để kiếm ra thật nhiều tiền lo cho bọn nhỏ. Tôi chỉ sinh ra chúng nhưng không có khả năng cung cấp cho chúng một cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất và tinh thần”…
Ảnh: Jack Board
Hiện tại, cuộc sống của gia đình nhỏ này đã mở sang một trang sách mới. Họ trở thành những khách mời danh dự cho các chương trình truyền hình địa phương tại thủ đô Phnom Penh. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện đã cam kết tài trợ xe đạp mới, dụng cụ học tập và học bổng toàn phần cho Salik cũng như em trai đến khi hoàn thành cấp đại học. Thậm chí cả gia đình còn được các các công ty truyền thông tại Trung Quốc và Hong Kong tài trợ trọn gói đến Bắc Kinh và hong Kong để tham gia talkshow. Công ty truyền thông tại Bắc Kinh còn cam kết sẽ cho câu bé này thử sức trên sân khấu, nếu họ nhận thấy cậu bé có năng khiếu với âm nhạc thì sẽ tài trợ khóa thực tập sinh dài hạn để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Cậu bé hàng rong Salik đã rất may mắn khi vận mệnh xui khiến em gặp gỡ với vị du khách nổi tiếng giúp thay đổi cuộc đời của em và gia đình. Nhưng với những đứa trẻ khác ở Angkor, liệu có được may mắn như em không?
Ở Campuchia nói riêng và bất cứ quốc gia nghèo nói chung, trẻ em là đối tượng nạn nhân chính của tình trạng bóc lột sức lao động, chúng sẽ bị lợi dụng và trở thành những công cụ kiếm tiền cho gia đình hoặc một tổ chức nào đó, cái giá phải trả là cơ hội đến trường và tương lai của chúng.
“Những du khách khi đến Campuchia được khuyến cao không nên cho tiền hay mua ủng bọn trẻ, vì điều đó sẽ khiến chúng rơi vào tình trạng bị ép đi kiếm tiền nhiều hơn” – theo Bruce Grant, Trưởng Phòng Bảo Vệ Trẻ Em của UNICEF Cambodia, chia sẻ. Cậu bé hàng rong Thuch Salik là một trường hợp may mắn khi em còn có mẹ và chỉ tự nguyện giúp đỡ cho mẹ khi có thời gian rảnh, em vẫn còn đi học và chỉ thỉnh thoảng phải tăng ca làm việc hoặc vắng học vài buổi nếu gia đình gần hết tiền. Nhưng đối với những đứa trẻ khác, cơ hội đến trường của họ là một thứ gì đó rất xa xỉ.
Ảnh: Jack Board
Theo UNICEF Cambodia (Tạm dịch: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc) ước tính có khoảng 80,000 trẻ em Campuchia không được đi học. Đặc biệt ở những khu vực nghèo khó, trẻ em bị lạm dụng triệt để cho việc kiếm tiền. Bọn trẻ còn được thuê để làm những công việc nguy hiểm như khai thác muối và xây gạch. Ở Campuchia, có hàng ngàn trẻ em đường phố. Đa số chúng bị ép đi ăn xin, nhiệm vụ của chúng là phải luôn tươi cười mặc dù đang gượng ép làm điều không khiến chúng hạnh phúc. Những người chăn dắt trẻ em nhắm vào các đối tượng là du khách nước ngoài. Họ lợi dụng tình thương từ những đứa trẻ và du khách sẽ cho chúng tiền và số tiền sẽ đưa đến tay bọn chăn dắt trẻ em này. Nên thay vì cho tiền hay mua đồ dùm bọn trẻ sẽ khiến cho việc lạm dụng ngày càng gia tăng, hành khách có thể tặng cho các bé cây viết, cuốn sách, đồ ăn,… Nhưng những thứ đó chỉ là giải pháp tạm thời, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tìm những tổ chức xã hội để hỗ trợ các em.
Ảnh: Jack Board
Từ nay sẽ không còn câu chuyện về cậu bé hàng rong Thuch Salik, vì với những hỗ trợ về tài chính đó thì cậu bé đường phố ngày nào giờ đây sẽ vững tin hơn trên con đường tương lai của mình. Cậu sẽ tiếp tục phát triển khả năng đa ngôn ngữ của mình một cách bài bản hơn. Bà Mann Vanna kiên quyết rằng “Tôi sẽ không cho Salik đi bán hàng rong nữa và chỉ tập trung ưu tiên cho việc học. Tôi muốn con trai được giáo dục đầy đủ bởi vì tôi đã chịu thiệt thòi rất nhiều vì không được học hành tử tế”.
Ảnh: Jack Board
Ước mơ của Salik là trở thành một hướng dẫn viên du lịch và đi đến những vùng đất mới. Cậu bé chắc chắn sẽ có cơ hội thực hiện ước mơ đó. Tuy nhiên, ở vùng đất nơi cậu lớn lên, sẽ vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh…
Xem Thêm:
Những điểm du lịch nước ngoài nên đến trước khi ai cũng biết
Top 10 bức ảnh du lịch ấn tượng trong tháng 8/2018 của The Guardian
—
Lượt Dịch: Mie Ng (Tạp Chí Phái Mạnh. Nguồn: channelnewsasia, www.worldofbuzz, )