20 câu chuyện lịch sử qua ảnh mang tính biểu tượng của thế kỷ (P1)

Bài ELLE Team

Mỗi bức ảnh sẽ kể những câu chuyện khác nhau, có vui và cũng có buồn. Trong đó, những câu chuyện mang đậm dấu ấn lịch sử loài người như sự kiện Phật sư Thích Quảng Đức tự thiêu hay nước Mỹ rung chuyển vào ngày 11/9 thì không thể một lời kể hết. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu 20 câu chuyện lịch sử của thế kỷ qua ảnh và tìm hiểu đâu là những chiếc máy ảnh đã ghi lại những khoảnh khắc ấy.

Người ta thường nói, một bức ảnh đáng giá hơn một ngàn lời nói. Đôi khi có những bức ảnh thì đáng giá tới một triệu lời vì đằng sau nó là một câu chuyện lịch sử to lớn. Hãy cùng ELLE Man đến với phần đầu tiên của 20 câu chuyện lịch sử qua ảnh mang tính biểu tượng của thế kỷ trong bài viết này.

1. Earthrise (1968)

Chụp bởi William Anders sử dụng máy ảnh Hasselblad 500 EL

Earthrise là một bức ảnh chụp Trái Đất và một phần bề mặt của Mặt Trăng của phi hành gia William Anders (một trong 3 người Trái Đất đầu tiên bay rời quỹ đạo Trái Đất để bay vòng quanh quỹ đạo Mặt Trăng) trong nhiệm vụ với tàu Apollo 8. Bức ảnh được chụp từ quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 24/12/1968, 16:00 UTC với một chiếc Hasselblad 500 EL được cải tiến sử dụng trong môi trường không gian với phim 70mm hiệu Kodak và tiêu cự ống kính 250mm. Bức ảnh này chính là minh chứng cho một chương mới trong câu chuyện lịch sử vĩ đại của loài người trong việc chinh phục không gian.

2. Tank Man (1989)

Chụp bởi Jeff Widener sử dụng máy ảnh Nikon Fe2

Tank Man là bức ảnh biểu tượng nhất trong phong trào đòi quyền tự do – dân chủ của giới sinh viên và tri thức Trung Quốc trước sự đàn áp đẫm máu nhà cầm quyền Bắc Kinh – sự kiện Thiên An Môn. Tank Man là biệt danh của một người đàn ông không rõ danh tính người Trung Quốc, đứng trước hàng xe tăng đang trên đường rời Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 5/6/989 vào buổi sáng sau khi quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn.

Tác giả bức ảnh là Jeff Widener là một biên tập viên ảnh của hãng AP (Associated Press), ông sử dụng máy Nikon FE2, ống kính Nikkor 400mm f/5.6 ED IF và ống nhân tiêu cự TC-301 để ghi lại câu chuyện lịch sử này. 

3. Sự kiện 11/9/2001

Chụp bởi Lyle Owerko sử dụng máy ảnh Fuji 645zi

Nhà làm phim và nhiếp ảnh gia Lyle Owerko đã ở New York trong ngày 11/9 định mệnh của nước Mỹ. Với chiếc máy ảnh trên tay và khi bi kịch xảy ra, anh ta đã kịp thời chụp một số bức ảnh vào khoảnh khắc kinh hoàng trong lịch sử của người dân New York mà sau đó được đăng trên bìa tờ báo TIME. Câu chuyện lịch sử đáng buồn trong trang sử của nước Mỹ và của nhân loại đã được ghi lại bởi chiếc máy ảnh Fuji 645zi.

4. Burning Monk (1963)

Chụp bởi Malcolm Browne sử dụng máy ảnh Petri

Ngày 11/6/1963, Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu là một trong những sự kiện chính trị ảnh hưởng rất lớn đến bối cảnh xã hội vốn dĩ rối ren và phức tạp trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Trong ảnh, với dáng vẻ bình thản và không chút do dự, Thích Quảng Đức chấp nhận hy sinh vì lý tưởng của Phật giáo Việt Nam. Trong số phóng viên được báo động về cuộc phản đối chính trị – tôn giáo rúng động chống lại chính quyền miền Nam thì chỉ có một phóng viên duy nhất của Associates Press có mặt, đó là Malcolm Browne. Và khoảnh khắc tử vì đạo của “trái tim bất diệt” Thích Quảng Đức được Browne chụp bằng chiếc máy ảnh Pertri chỉ là một trong vô số những câu chuyện lịch sử đau đớn của người Việt.

5. Afghan Girl (1984)

Chụp bởi Steve McCurry sử dụng máy ảnh Nikon Fm2

”Afghan Girl – Cô gái Afghanistan” là một bức ảnh chân dung của nhà báo Steve McCurry chụp năm 1984 tại một trại tị nạn nằm ở miền Tây Bắc Pakistan và sau đó bức ảnh được dùng làm trang bìa của National Geographic. Danh tính của chủ đề của bức ảnh ban đầu không được biết đến nhưng đầu năm 2002, cô được xác định là Sharbat Gula. Cô là một đứa trẻ Afghanistan đang sống trong trại tị nạn Nasir Bagh ở Pakistan trong thời gian Liên Xô chiếm đóng Afghanistan khi cô được chụp ảnh.
Những bức hình vừa giàu tính nghệ thuật vừa đậm chất thời sự do McCurry thực hiện đã đem lại cho ông danh tiếng xứng đáng. Tác phẩm này ông đã chụp bằng máy ảnh Nikon FM2

16

6. The Hindenburg Disaster (1937)

Chụp bởi Sam Shere sử dụng máy ảnh Speed Graphic

Bức ảnh “Thảm họa Hindenburg” do Sam Shere chụp ngày 6/5/1937 tại thị trấn Manchester, New Jersey, Hoa Kỳ. Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc khinh khí cầu nổi tiếng LZ 129 Hindenburg bỗng nhiên phát nổ và lao xuống đất tại bang New Jersey, Mỹ trong chuyến bay khởi hành từ Frankfurt, Đức. Vụ tai nạn trên tàu có 97 người trong đó 36 người đã thiệt mạng và khiến công chúng mất niềm tin vào loại hình hàng không khí cầu. Nhiếp ảnh gia Sam Shere đã chụp lại khoảnh khắc đáng quên của câu chuyện lịch sử hàng không nhân loại với chiếc máy ảnh Speed Graphic.

7. Migrant Mother (1936)

Chụp bởi Dorothea Lange sử dụng máy ảnh Graflex Super D

Chỉ vài phút xuất thần, Dorothea Lange đã chụp được bức ảnh quý giá phản ánh sâu sắc thực trạng của thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ. Đó là bức “Migrant Mother – Người mẹ di cư” trong bối cảnh hơn 3,000 người phải tị nạn vì trận mưa đá vào tháng 6/1936 đã phá huỷ toàn bộ mùa màng.
Migrant Mother chụp một phụ nữ có tên Florence Owens Thompson, 32 tuổi với gương mặt in hằn nỗi lo lắng, ưu tư ở một trang trại tạm bợ ở Nipomo, California. Không chỉ phản ảnh thực tế đau lòng của cuộc Đại suy thoái như một hiện tượng kinh tế, bức ảnh còn nắm bắt một bi kịch của con người.
Dorothea Lange, người phụ nữ bằng ống kính của mình đã ghi vào lịch sử gương mặt của những người khốn cùng đấy vào năm 1936. Cô đã dùng chiếc máy ảnh Graflex Super D.

8. Fire Escape Collapse (1975)

Chụp bởi Stanley Forman sử dụng máy ảnh Nikon F

Bức ảnh “Fire on Marlborough Street” (Hoả hoạn phố Marlborough) là câu chuyện buồn về sự sống và cái chết tại một vụ hoả hoạn năm 1975 ở Mỹ. Ngày 22/7/1975, một vụ cháy đã xảy ra tại đường Marlborough ở Boston, bang Massachusetts, Mỹ. Tại thời điểm đó, nhà báo Stanley J. Forman đã có mặt tại hiện trường và chụp được khoảnh khắc khinh hoàng khi hai mẹ con Diana Bryant (19 tuổi) và con gái đỡ đầu Tiare Jones (2 tuổi) rơi xuống từ chung cư rực lửa cao 15 mét với chiếc máy ảnh Nikon F.

9. D-Day (1944)

Chụp bởi Robert Capa sử dụng máy ảnh Contax Ii

Ngày 6/6/1944, hay còn gọi là D-Day, đánh dấu bước ngoặt thay đổi của cả câu chuyện lịch sử nhân loại khi quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, bắt đầu cuộc tấn công từ phía tây châu Âu, đẩy lùi lực lượng chiếm đóng Đức Quốc Xã. D-Day đánh dấu sự mở màn của cuộc chiến tổng lực trên khắp châu Âu trong Thế Chiến II.
Bức ảnh này là một phần của loạt ảnh có tên “Magnificent Eleven”, một nhóm các bức ảnh về D-Day được chụp bởi nhiếp ảnh gia chiến tranh Robert Capa. Ông là một trong những đợt quân Mỹ đổ bộ vào bãi biển bãi biển Omaha sớm nhất của chiến dịch. Trong ngày đổ bộ định mệnh trên bờ biển Normandy giữa mưa bom bão đạn của lính Đức, Capa may mắn sống sót và đã chụp 106 bức ảnh bằng chiếc máy ảnh Contax Li – hàng loạt những tấm ảnh của ông được lấy cảm hứng để ra nền điện ảnh Mỹ cho ra đời bộ phim Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan).

10. Abbey Road Album Cover (1969)

Chụp bởi Iain Macmillan sử dụng máy ảnh Hasselblad

Vào ngày 9/11/1966, John Lennon đã gặp Yoko Ono tại phòng trưng bày Indica và sau đó, cô giới thiệu anh ta với nhiếp ảnh gia Iain Macmillan. Đến năm 1969, John Lennon đã nhờ chính Iain chụp bức hình của nhóm The Beatles đang băng qua con đường Abbey trên phần vạch cho người đi bộ để làm bìa cho album Abbey Road.

Định mệnh gắng liền với con đường này, phần lớn các bài hát của nhóm được thu âm tại EMI studio tên đường Abbey, London. Sau đó, The Beatles quyết định đặt tên album của họ theo tên con đường, thú vị hơn nữa là chính EMI studio sau đó cũng đổi tên thành Abbey Road Studios.

Macmillan đã chụp bức ảnh Abbey Road huyền thoại bằng máy ảnh Hasselblad với ống kính góc rộng 50mm, khẩu độ f22, ở tốc độ 1/500 giây.

30

Tạp chí phái mạnh ELLE Man

Bài: Thiên An (Nguồn tham khảo và hình ảnh: boredpanda.com)

No more