Chân dung nam tính trong điện ảnh: Từ khuôn mẫu tới phi giới hạn

Bài Tuan Anh

điện ảnh
Trong địa hạt điện ảnh, thời trang nam chưa bao giờ chỉ đơn thuần mang giá trị thẩm mỹ. Đó là những câu chuyện, là ngôn ngữ thị giác khắc họa cá tính nhân vật và phản ánh sự chuyển dịch của chuẩn mực nam tính qua từng thời kỳ.

điện ảnh

Xưa nay, phong cách thời trang của các tài tử màn bạc luôn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên văn hóa đại chúng. Một ví dụ tiêu biểu là nhân vật Pete “Maverick” Mitchell (Tom Cruise) trong phim Top Gun (1986). Phong cách thời trang lấy cảm hứng từ phi công quân đội của Maverick đã góp phần đẩy doanh số bán kính mát Ray-Ban Aviator tăng 40%. Cũng chính Maverick đã biến áo khoác bomber trở thành item “phải có” với hàng triệu nam thanh niên Âu-Mỹ thời bấy giờ. Cho tới hiện tại, phụ kiện phi công mang phong cách Maverick vẫn tiếp tục được yêu thích như một biểu tượng bền vững của nét đẹp nam tính. Thế nhưng, nam tính không phải một khái niệm bất biến.

điện ảnh
Nhân vật Pete “Maverick” Mitchell (Tom Cruise) trong phim Top Gun (1986) (Ảnh: Tư liệu)

Kể từ thời kỳ hoàng kim Hollywood (1920-1960), suit may đo vẫn thường gắn liền với hình mẫu quý ông lịch lãm và quyền lực. Song, bên cạnh chuẩn mực nam tính cổ điển ấy, sự dịch chuyển của văn hóa – xã hội đã không ngừng mang đến những làn gió mới. Thập niên 1970-1980 mở màn cho sự đa dạng hóa phong cách nam chính, từ power dressing của giới tài phiệt đến streetwear nổi loạn trong một số dòng phim phụ lưu. Bước sang thế kỷ XXI, phong cách nam chính điện ảnh không ngừng mở rộng biên giới, vượt khỏi mọi khuôn mẫu – từ chủ nghĩa tối giản, cá nhân hóa đến những thử nghiệm phi giới tính và thời trang kỹ thuật số.

 

Theo dòng lịch sử, các hình tượng nam chính kinh điển trên màn ảnh không chỉ phản ánh mà còn góp phần định hình những thước đo về nam tính trong đời thực.

phim hay

Từ chuẩn mực cổ điển tới nổi loạn phá cách

 

Năm 2013, The Great Gatsby đã thành công đưa khán giả đương đại ngược dòng về bối cảnh xã hội thập niên 1920. Jay Gatsby (Leonardo DiCaprio) chính là hiện thân của hình mẫu quý ông hoàn hảo thời “Roaring Twenties” xa hoa, nơi bộ suit ba mảnh là tuyên ngôn về sự hào nhoáng.

điện ảnh
Jay Gatsby (Leonardo DiCaprio) trong “The Great Gatsby”. (Ảnh: Tư liệu)

Cho tới tận những năm 1950-1960, định nghĩa thời trang quý ông vẫn là suit may đo, cà vạt chỉnh tề và đôi giày da bóng loáng. Họ xuất hiện trên màn ảnh như những tượng đài không thể lay chuyển của nam tính truyền thống. Đó là Roger Thornhill (Cary Grant) trong North by Northwest (1959) – quý ông thành đạt, đầy khí chất với bộ suit xám được cắt may tỉ mỉ, sơ mi trắng và cà vạt ton-sur-ton. Trước đó, Rick Blaine (Humphrey Bogart) trong Casablanca (1942) cũng tạo nên chuẩn mực của một người đàn ông lịch lãm với suit, trench coat, sơmi trắng và phong thái trầm tĩnh. Ở châu Âu, Guido Anselmi (Marcello Mastroianni) trong (1963) đưa triết lý “la bella figura” của đàn ông Ý lên màn ảnh – tối giản nhưng đầy tinh tế. Ở Nhật Bản, ảnh hưởng của noir aesthetic bắt đầu định hình từ cuối thập niên 1950 và được thể hiện rõ trong Tokyo Drifter (1966) và Branded to Kill (1967), với những bộ suit cắt may gọn gàng tạo ra phong thái vừa sang trọng vừa nguy hiểm. Thời trang sartorial cổ điển gần như thống trị giai đoạn này – một vẻ đẹp trau chuốt và hoàn hảo. Đến nay, đây vẫn là tiêu chuẩn lõi của thời trang nam cao cấp và truyền cảm hứng cho những thương hiệu tailoring hàng đầu như Tom Ford hay Giorgio Armani.

điện ảnh
Roger Thornhill (Cary Grant) trong North by Northwest (1959) (Ảnh: Tư liệu)

Nhưng chính thập niên 1950 cũng gieo những mầm mống thay đổi, tạo nền móng cho sự nổi loạn thực sự bùng nổ vào thập niên 1970-1980. Thời trang nam trong điện ảnh không còn mực thước như ly như lau, mà dần chuyển thành phương tiện thể hiện tinh thần phản kháng và đường phố. Stanley Kowalski (Marlon Brando) trong A Streetcar Named Desire (1951) diện những chiếc áo thun bó sát, quần jeans và phong thái hoang dại – một hình mẫu nam tính thô ráp, đầy bản năng. Jim Stark (James Dean) trong Rebel Without a Cause (1955) lại tìm tới áo khoác bomber đỏ, quần jeans xanh và áo thun trắng để tái hiện hình ảnh cậu thiếu niên bất cần của nước Mỹ. George (Warren Beatty) trong Shampoo (1975) đi xa hơn với mái tóc dài, sơmi mở cúc trên con xe motor, định nghĩa một thế hệ đàn ông mới: phong trần và quyến rũ. Nhân vật James Bond, vốn là biểu tượng của suit chuẩn mực từ những năm 1960, cũng dần thay đổi để thích ứng với phong cách menswear kiểu mới. Trong Live and Let Die (1973), Roger Moore có màn ra mắt với phong cách hoàn toàn khác biệt cùng các yếu tố casual nhưng vẫn tinh tế như safari jacket màu kem, áo cổ lọ đen và double-breasted suit kiểu Ý với phom dáng thả lỏng.

Marlon Brando
Stanley Kowalski (Marlon Brando) trong A Streetcar Named Desire (1951). (Ảnh: Tư liệu)

Sự trỗi dậy của power dressing và metrosexual

 

Sau thập niên 1970 nổi loạn, những năm 1980-1990 đánh dấu sự chuyển hóa của suit từ sartorial sang một diện mạo mới đầy quyền lực, được gọi tên power dressing. Gordon Gekko (Michael Douglas) trong Wall Street (1987) và màn tái hiện cực đoan của Patrick Bateman (Christian Bale) trong American Psycho (2000) thể hiện một kiểu nam tính hoàn toàn khác: alpha male thời đại tài chính – nơi suit không còn là biểu tượng của sự lịch lãm mà trở thành một tuyên ngôn về quyền lực và địa vị xã hội. Suit tối màu đệm vai dày, cà vạt thắt cao kiểu Windsor to bản, sơmi cổ cứng mạnh mẽ, tất cả đều mang một thông điệp: “Ta kiểm soát”.

điện ảnh
Patrick Bateman (Christian Bale) trong “American Psycho” (2000) (Ảnh: Tư liệu)

Đây cũng có thể coi là thời kỳ đỉnh cao của hình tượng gangster và mafia trên màn ảnh. Nếu The Godfather (1972) thiết lập nguyên mẫu của mafia Ý với suit ba mảnh đen và gilet hai hàng khuy – biểu tượng của sự lạnh lùng và tôn nghiêm thì đến những năm 1980, phong cách gangster đã có những biến đổi táo bạo. Tony Montana (Al Pacino) trong Scarface (1983) mang đến một hình ảnh ông trùm tội phạm đầy khoa trương với sơ mi lụa in họa tiết, quần trắng và giày da, thể hiện sự giàu có và thế lực của mafia Miami. Tại Hồng Kông, Châu Nhuận Phát trong A Better Tomorrow (1986) mang đến một phiên bản gangster Á Đông với suit kết hợp trench coat dài và kính đen đặc trưng. Phong cách này có ảnh hưởng lớn đến thời trang đường phố tại Hồng Kông và Nhật Bản thời bấy giờ.

nam tính
Tony Montana (Al Pacino) trong Scarface (1983). (Ảnh: Tư liệu)

Từ đó dịch chuyển qua thập niên 1990, hình ảnh nam giới trong phim ngày càng bớt thô cứng. Đây là thời kỳ lên ngôi của metrosexual – những gã trai có gu thẩm mỹ tinh tế và chải chuốt. Loạt phim Miami Vice (1984-1989) biến suit màu pastel, sơmi lụa và giày lười không tất thành hiện tượng thời trang, phản ánh tinh thần hưởng thụ và xa hoa. Tyler Durden (Brad Pitt) trong Fight Club (1999) với áo khoác da đỏ, kính mát tròng màu và sơmi hoa văn táo bạo mang đến hình ảnh bad boy đầy mê lực. Lúc này, suit slim-fit trở thành tiêu chuẩn mới, và đàn ông bắt đầu tự do hơn trong cách thể hiện phong cách cá nhân.

Brad Pitt
Tyler Durden (Brad Pitt) trong Fight Club (1999). (Ảnh: Tư liệu)

Bản sắc cá nhân trong thời đại không biên giới điện ảnh

 

Thế kỷ XXI chứng kiến sự thay đổi sâu sắc về hình tượng nam chính trên màn ảnh. Không còn một khuôn mẫu duy nhất, nam tính trên màn ảnh giờ đây là một hành trình cá nhân hóa. Nếu suit từng là tuyên ngôn quyền lực của những thập niên trước, thời trang trên màn ảnh đương đại lại mang đến một kiểu quyền lực khác – quyền lực của sự thích nghi với một thế giới không ngừng thay đổi.

 

Một trong những biểu tượng thời trang mang tính dấu ấn và tiên phong của thời đại này là The Matrix (1999). Làn sóng phim sci-fi trỗi dậy kéo theo phong cách aesthetic neo-noir (bóng tối, sắc lạnh, bí ẩn) và cyberpunk lên ngôi. Neo (Keanu Reeves) xuất hiện với áo khoác trench coat dài quét đất, kính đen nhỏ, suit tối màu và boots quân đội, tạo nên một hình tượng chiến binh tương lai thoát khỏi mọi ràng buộc của quy tắc menswear truyền thống. Từ đây, hàng loạt phim như Tron: Legacy (2010), Blade Runner 2049 (2017), Iron Man (2008), The Dark Knight (2008)… đã tiên đoán một thế giới nơi ranh giới người-máy ngày càng mờ nhạt. Những thiết kế cơ khí lạnh lẽo và có hiệu ứng thị giác nổi bật lại là vỏ bọc cho nội tâm giằng xé của nhân vật.

điện ảnh
The Matrix (1999) (Ảnh: Tư liệu)

Bên cạnh đó, điện ảnh toàn cầu hóa đang dần phá bỏ những giới hạn cũ về cách nam chính được khắc họa qua trang phục. Khi Chadwick Boseman khoác lên mình bộ giáp Black Panther được truyền cảm hứng từ di sản châu Phi, đó là một tuyên ngôn mạnh mẽ rằng nam tính có thể được định nghĩa lại theo từng nền văn hóa. Tương tự, Paul Atreides trong Dune (2021) có phong cách hòa trộn của Đông-Tây, phản ánh một bản thể đa sắc tộc.

 

Nhưng có lẽ sự thay đổi lớn nhất đến từ cách nam chính bày tỏ bản sắc và cảm xúc thật của mình thông qua thời trang. Elio (Timothée Chalamet) trong Call Me by Your Name (2017) và Theodore (Joaquin Phoenix) trong Her (2013) đều khắc họa vẻ đẹp “soft masculinity” với những thiết kế rộng rãi, mềm mại và bảng màu pastel mang hơi hướng cá nhân hóa nhiều hơn là một tuyên ngôn tập thể.

her
Theodore (Joaquin Phoenix) trong Her (2013) (Ảnh: Tư liệu)

Dòng chảy bất tận điện ảnh

 

Điện ảnh đã chứng kiến những chuẩn mực nam tính được định nghĩa, phá vỡ, rồi tái định nghĩa. Mỗi bộ phim lại vẽ nên một chân dung nam tính khác nhau. Từ những bộ suit cổ điển của Cary Grant đến bộ giáp nano của Black Panther, từ áo khoác bomber của Maverick đến áo sơmi hồng pastel của Theodore – mỗi nhân vật nam chính đều mang theo một dấu ấn thời trang đặc trưng của thời đại mình. Anh ta có thể trầm tĩnh, lạnh lùng, kiểm soát và cũng có thể hoang dại, nồng ấm hoặc mong manh. Khi thời trang trên màn ảnh tiếp tục mở ra những biên giới mới, chân dung nam tính sẽ còn có những biến hóa khác nữa. Đó một chân trời của cuộc khám phá vô tận về bản thân.

_______

Bài: Hải Âu điện ảnh

Hình ảnh: Tư liệu

No more