Chiếm đoạt văn hoá vs Tôn vinh văn hoá – Ranh giới mong manh trong thời trang

Bài EM Digital Editor

Luôn là tâm điểm của thời trang, không chỉ Việt Nam mà cả ngành công nhiệp may mặc thế giới cũng thường xuyên vướng vào những cáo buộc và tranh cãi xoay quanh vấn đề “Chiếm Đoạt Văn Hoá” (Cultural Approriation). Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa "Chiếm Đoạt Văn Hoá" với "Tôn Vinh Văn Hoá", cũng như những giá trị cần tập trung phát triển và trau dồi để thật sự vinh danh một giá trị văn hoá khi kinh doanh thời trang.

Sự đa dạng văn hoá và các yếu tố truyền thống địa phương chính là nguồn cảm hứng hứng dồi dào cho ngành công nghiệp thời trang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều làn sóng lên án thời trang lạm dụng và chiếm đoạt những chủ thể văn hoá mà họ khai thác, thay vì tôn vinh những giá trị truyền thống đó.

Karlie Kloss gây tranh cãi với chiếc mũ lông vũ của người da đỏ tại Victoria’s Secret Show 2012. Ảnh: Getty Images

Lằn ranh giữa lấy cảm hứng và vinh danh văn hoá và chiếm dụng nó là hết sức mong manh. Vậy làm sao để chúng ta phân định rõ nhằm khắc phục và tạo ra một sân chơi sáng tạo và lành mạnh?

Chiếm Đoạt văn Hoá là gì?

Cộng đồng thổ dân da đỏ - một nạn nhân thường xuyên của “chiếm đoạt văn hoá”. Ảnh: Legends of America
Cộng đồng thổ dân da đỏ – một nạn nhân thường xuyên của “chiếm đoạt văn hoá”. Ảnh: Legends of America

Cultural Approriation (tạm dịch: Chiếm Đoạt Văn Hoá) là khái niệm chỉ việc những cá nhân hay tổ chức sử dụng sai lệch những nét văn hoá truyền thống đặc thù của một quốc gia hay nhóm dân tộc với mục đích trục lợi, hoặc đôi khi vô tình chiếm đoạt do thiếu sót nền tảng kiến thức chuyên sâu. Cụm từ này được những nhà sử học sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 17. Khi những nhà khai phá phương Tây thu thập và chiếm đoạt các món cổ vật từ những dân tộc bản địa, thổ dân tại châu Mỹ và châu Phi, nhằm mục đích buôn bán.

Trở về với lĩnh vực thời trang, chiếm đoạt văn hoá đã luôn là tâm điểm của những tranh cãi không hồi kết, đặc biệt là khi cảm hứng văn hoá đang trở thành một xu thế nổi bật những năm vừa qua.

Kendall Jenner - một trong những cái tên mới nhất bị vướng vào những lùm xùm xoay quanh việc Chiếm đoạt văn hoá
Kendall Jenner từng bị lên án về việc chiếm đoạt văn hoá của người Mexico trong chiến dịch quảng cáo sản phẩm rượu Tequila 818. Ảnh: 818 Tequila
Vấn nạn Chiếm đoạt văn hoá từng được nhắc đến trong phim Black Panther (2018)
Nhân vật Killmonger (Micheal B.Jordan) từng lên án về việc phương Tây chiếm đoạt văn hoá truyền thống của các bộ tộc châu Phi trong phim Black Panther. Ảnh: Phim Black Panther (2018)

Xu

Chiếm Đoạt Văn Hoá – chuyện không chỉ của riêng Tây hay Ta

Mặc dù chỉ nổi lên trong những năm gần đây tại Việt Nam, nhưng Chiếm Đoạt Văn Hoá vốn đã hiện hữu từ rất lâu trong thế giới thời trang, từ runway của những nhà mốt cao cấp cho đến phục trang biểu diễn của những ngôi sao giải trí.

Trào lưu Dreadlock - ví dụ điển hình của Chiếm đoạt văn hoá
Kiểu tóc dreadlock truyền thống của châu Phi là một đề tài văn hoá thường xuyên gây tranh cãi. Ảnh: Runway 2018 của Marc Jacobs

Trong địa hạt giải trí, chuyện khai thác theo hướng chiếm đoạt không hề hiếm. Để mang lại những màu sắc mới lạ trong phần nhìn, các ngôi sao thường xuyên khai thác những trang phục liên tưởng về một nền văn hoá. Tuy nhiên, mang những phục trang phục cổ truyền và yếu tố văn hoá vào những bối cảnh không phù hợp đã khiến các ngôi sao giải trí nhận nhiều chỉ trích.

Tạo hình geisha gây tranh cãi của Katy Perry tại AMAs 2013. Ảnh: Michael Tran
Selena Gomez từng bị chỉ trích vì mặc trang phục truyền thống của Ấn Độ khi biểu diễn những vũ đạo không phù hợp. Ảnh: Kevin Manzur

Trong thời trang, đã có không ít những thương hiệu hàng đầu trở thành tâm điểm chỉ trích xoay quanh việc chiếm dụng văn hoá, hay thậm chí ý nghĩa và giá trị văn hoá bị sử dụng sai lệch trong các BST. Một trong những cái tên quen mặt nhất trong vấn nạn này là Victoria’s Secret khi đem rất nhiều yếu tố văn hoá lên sàn diễn cùng những bộ nội y nóng bỏng, dĩ nhiên mỗi lần như thế lại hứng chịu không ít “gạch đá”.

Victoria's Secret - cái tên cộm cán trong vấn đề Chiếm đoạt văn hoá
Văn hoá da đỏ trong VS Show 2012 (trái) và Trung Hoa trong 2017 VS Show. Ảnh: Getty Images
Ý tưởng phối màu và trang phục từ văn hoá bản địa Châu Phi tại sân khấu Victoria’s Secret 2017. Ảnh: Handout
Valentino cũng từng bị lên án khi sử dụng dàn mẫu “toàn da trắng” trong BST mùa Xuân 2016 lấy cảm hứng từ văn hoá Châu Phi. Ảnh: Patrick Kovarik

Việt Nam cũng không ngoại lệ khi không ít lần là nạn nhân của Chiếm Đoạt Văn Hoá. Tiêu biểu nhất là là bộ phục trang áo dài “không quần” của nữ ca sĩ Kacey Musgraves từng gây sóng gió vào năm 2019.

Vụ việc mở màn cho làn sóng lên án chiếm đoạt văn hoá tại Việt Nam
Ảnh: Instagram @kaceymusgraves
Nữ ca sĩ Chi Pu cũng từng gây tranh cãi khi động chạm đến các yếu tố về nghệ thuật cải lương truyền thống. Ảnh: MV “Cung đàn vỡ đôi”

Tuy nhiên, phải đến khi nổ ra những ồn ào về việc Biti’s sử dụng gấm chất lượng bình dân của Trung Quốc trên bộ sưu tập Bloomin Central (mà được thương hiệu quảng bá là “tôn vinh các dân tộc thiểu số miền Trung”) thì khái niệm Chiếm Đoạt Văn Hoá (Cultural Appropriation) mới thật sự trở thành một chủ đề nóng trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam.

BST Bloomin Central gây tranh cãi. Ảnh: Biti’s

Làn ranh mong manh giữa Tôn Vinh và Chiếm Đoạt

Bên cạnh những vụ lùm xùm, thì chúng ta không thể phủ nhận sức mạnh tích cực và mạnh mẽ trong việc mang đến cảm hứng và ý tưởng mới mẻ từ văn hoá đến thời trang và nghệ thuật sáng tạo. Những cá nhân, tổ chức thực hành chính xác và nghiêm túc những giá trị văn hoá trong sáng tạo nghệ thuật và thời trang chính là góp phần vào Tôn Vinh Văn Hoá  (Cultural Appreciation).

Ảnh: Kapital

Đối nghịch với Chiếm Đoạt Văn Hoá, Tôn Vinh Văn Hoá (Cultural Appreciation) tuy cũng sử dụng cảm hứng từ các nền văn hoá đặc thù vào các sản phẩm sáng tạo, nhưng thông qua quá trình tìm hiểu và thực hành nghệ thuật và thời trang rất cặn kẽ. Để từ đó tạo nên những ý tưởng mới mẻ, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đặc trưng của những nền văn hoá đó.

Hoàng Thuỳ Linh đã từng rất thành công với concept lấy cảm hứng từ các nét văn hoá dân gian Việt Nam trong dự án “Hoàng” hồi năm 2019. Ảnh: MV “Kẻ cắp gặp bà già”
Một show thời trang kết hợp hơi thở truyền thống vào thời trang hiện đại ở Nigeria. Ảnh: Pius Utomi Ekpei/ Agence France-Presse

Và mặc dù mang hai ý nghĩa hoàn toàn đối lặp nhau nhưng khoảng cách giữa “Tôn Vinh” và “Chiếm Đoạt” lại cực kỳ mong manh, bởi các nét văn hoá cổ truyền, đặc biệt là của những nhóm dân tộc thiểu số vốn luôn là một chủ đề cực kỳ phức tạp.

Chính vì vậy, khi đã quyết định tiếp cận với nguồn cảm hứng này, những người nghiên cứ văn hoá vả những người làm về thời trang phải nghiêm túc trang bị kiến thức chuyên sâu qua quá trình chuyên tâm nghiên cứu và đối chiếu cặn kẽ nhiều nguồn thông tin, hay thậm chí nên trải nghiệm văn hoá thực tế cùng người dân bản địa. Một điểm đáng lưu tâm khác là biến tấu những chủ thể liên quan đến tôn giáo hay tín ngưỡng hay đặt chúng vào trong những hoàn cảnh, không gian không phù hợp và có tính liên quan là điều cấm kỵ.

Marc Jacobs thường xuyên bị lên án về việc chiếm đoạt văn hoá
Marc Jacobs, Gigi Hadid và Bella Hadid cũng từng phải nhận chỉ trích với các món đồ truyền thống của người Hồi Giáo. Ảnh: Getty Images

Phong

Cần làm gì để thực sự Tôn Vinh Văn Hoá?

Đã nói nhiều về khía cạnh Chiếm Đoạt Văn Hoá thì ở chiều ngược lại, chúng ta cũng không nên bỏ qua những cái tên tiêu biểu đã “đúng hướng”. Hãy nhìn vào hướng đi của họ, chúng ta sẽ hiểu cần làm gì để Tôn Vinh Văn Hoá.

Cái tên đầu tiên là BST “Kountry Remake” (2018) lấy cảm hứng từ các nhóm dân tộc thiểu số của thương hiệu Kapital (Nhật Bản). BST tuy mang sự phá cách sáng tạo với những nét đặc trưng của họ là patchwork, nhưng vẫn thể hiện được những nét đặc trưng nhất trong trang phục cổ truyền của dân tộc thiểu số Hà Nhì (Hani, sống ở Trung Quốc và Việt Nam), thể hiện từ sắc màu đến hoạ tiết.

BST “Kountry Remake” 2018 của Kapital (trái) và trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì (Phải)

BST “Kountry Remake” (2018), Kapital cũng đã tái hiện chính xác hình ảnh nhà cửa truyền thống của dân tộc này. Việc tái hiện (đặt) chủ thể văn hoá được khai thác vào trong không gian, bối cảnh phù hợp là sự vinh danh cho những giá trị và tinh thần truyền thống. Đây chính là bước đi thông minh của thương hiệu Nhật Bản trong việc tôn vinh văn hóa.

BST Kountry Remake 2018 của Kapital

Bên cạnh đó, sự góp mặt của những nhóm người sống trong chủ thể nền văn hoá được thời trang khai thác mang vai trò cực kỳ quan trọng. Những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng đa sắc tộc hoá, và việc đưa những người mẫu sinh sống và đại diện trong nền văn hoá nào đó góp mặt vào trong những BST hay sàn diễn chính là động thái kêu gọi mạnh mẽ cho trách nhiệm tôn vinh văn hoá trong thời trang.

Năm 2019, Dior đã trình làng bộ sưu tập Cruise đầu tiên tại Ma-Rốc (Morocco). Bên cạnh việc khéo léo đưa những nét hoạ tiết đặc sắc của văn hoá châu Phi vào các thiết kế kinh điển, tái hiện không gian phù hợp với cảm hứng BST thì nhà mốt còn nhận được nhiều lời khen nhờ việc xây dựng runway concept mang đậm âm hưởng truyền thống của các bộ tộc tại châu Phi và sự góp mặt của dàn người mẫu đa sắc tộc.

BST “Cruise Collection” 2020 của Dior. Ảnh: Dior
Ảnh: Nadine Ijewere I Dior
Sắc màu châu Phi rõ nét từ sàn runway đến các thiết kế. Ảnh: Raphael Dautigny I Dior

Một đại diện tiêu biểu khác trong làn sóng lan toả văn hoá châu Phi là Thebe Magugu. Là một phần của chủ thể văn hoá châu Phi, nhà thiết kế trẻ người Nam Phi này đã tinh tế đưa những bức tranh nghệ thuật, những chất liệu, hoạ tiết và thiết kế truyền thống hoặc đặc trưng của bản địa vào các sản phẩm. Từ đó đem đến những sự thể hiện đầy mới mẻ và hiện đại, góp phần thay đổi những định kiến của thời trang thế giới về văn hoá cũng như thời trang châu Phi.

BST “Girl Seeks Girl” nhận được nhiều lời khen ngợi của Thebe Magugu. Ảnh: Instagram @thebemagugu
Thebe Magugu Thu-Đông 2021. Ảnh: Kristin Lee Moolman
Thebe Magugu Thu-Đông 2021

Cuối cùng, tôn trọng và tôn vinh các nền văn hoá được quyết định ở khâu nghiên cứu và tìm kiếm chất liệu đúng nguồn gốc. Vụ việc mới đây của Biti’s đã cho thấy việc lựa chọn chất liệu không phù hợp, không đúng xuất xứ sẽ khiến một concept mang ý nghĩa “tôn vinh” trở thành một sản phẩm “chiếm đoạt” văn hoá.

Việc sử dụng chất liệu thủ công truyền thống đòi hỏi nhiều sự tỉ mĩ và kỹ lưỡng trong khâu cung ứng và sản xuất. Ảnh: Kilomet 109

Khi đã vận dụng bản sắc truyền thống, thì việc sử dụng đúng nguồn gốc chất liệu đến từ chính cộng đồng đó là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo tính trung thực và tôn trọng khi nêu cao khẩu hiệu “Tôn Vinh Văn Hoá”.

Ảnh: Kilomet 109
Chất liệu thủ công truyền thống Việt Nam trên sản phẩm của Kilomet 109. Ảnh: ELLE

Ở thị trường thời trang Việt, ta có những đại diện tiêu biểu là Kilomet 109 của NTK Vũ Thảo hay DEADEND. Để hoàn thành trọn vẹn những sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hoá cổ truyền, bộ phận thiết kế cùng với R&D (nghiên cứu và phát triển) của họ đã trực tiếp liên hệ và làm việc với những làng dệt may truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Các sản phẩm của DEADEND. ảnh: Instagram @deadendvietnam

Trong một phỏng vấn với ELLE, NTK Vũ Thảo đã chia sẻ cô luôn kết nối và duy trì hợp tác với các nhóm dân tộc thiểu số vùng phía Bắc, cũng như các nghệ nhân dệt lụa vùng Châu Thổ Sông Hồng nhằm đảm bảo nguồn cung cấp chất liệu truyền thống của Việt Nam trong các sản phẩm của mình. Còn gì tuyệt vời hơn khi sử dụng chất liệu do chính cộng đồng đó sản xuất, vừa mang đúng tinh thần và thông tin cần được truyền tải, lại vừa góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng.

NTK Vũ Thảo. Ảnh: ELLE

Trong khi đó, nhằm đảm bảo tính văn hóa truyền thống, bộ phận sáng tạo của DEADEND đã trực tiếp đến thăm các làng nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc để tìm hiểu và đưa kỹ thuật dệt vải bông và nhuộm chàm tự nhiên lên sản phẩm của mình , qua đó cũng góp phần giúp bảo tồn một nét văn hoá truyền thống của người dân nơi đây.

Sản phẩm khăn bandanda được sản xuất kiểu nhuộm chàm tự nhiên truyền thống cuả người dân tộc vùng Tây Bắc. ảnh: Instagram @deadendvietnam

Lời kết

Những sai phạm là để học hỏi và những điều điều đúng đắn là để phát huy. Yếu tố văn hoá nếu được vận dụng hợp lý thì sẽ tạo nên những nguồn ý tưởng mới mẻ và “bùng nổ” giá trị cho những nhà thiết kế và thương hiệu. Vậy nên thực hành văn hoá trong thời trang luôn được khuyến khích mạnh mẽ, nhưng hãy nhớ, hãy là người làm thời trang có trách nhiệm khi tiếp cận văn hoá với một tâm thế nghiêm túc tôn trọng và học hỏi.

La

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Tào Minh

Tham khảo: ELLE Vietnam, The Conversation, The Atlantic, The Met, AnOther Mag, GQ, New York Times, Trí Minh Lê Fanpage

No more