Christopher Nolan: Đẳng cấp sáng tạo nên các nhân vật phản diện

Bài ELLE Team

Christopher Nolan là vị đạo diễn tài năng và nổi tiếng cầu toàn. Trong các tác phẩm của ông, không bao giờ thiếu đi những nhân vật phản diện. Họ được xây dựng một cách tỉ mỉ, đầy chiều sâu, sáng tạo và vượt xa những chuẩn mực xưa cũ về thiện - ác.

Nhiều người bị mê đắm bởi sự chỉn chu, “khó chiều” trong từng khung hình của Christopher Nolan; số khác tìm đến vị đạo diễn người Anh bởi họ muốn được trải nghiệm những câu chuyện điện ảnh độc đáo và nhiều tầng ý nghĩa. Nhưng có một điều rõ như vầng dương nhưng lại ít thấy ai nhắc đến, đó là Christopher Nolan rất biết cách thổi hồn cho các tuyến phản diện.

(Bài viết có tiết lộ nội dung quan trọng của một số tựa phim)

christopher-nolen-lam-viec
Christopher Nolan luôn khiến người xem kinh ngạc bởi các tuyến nhân vật thú vị, nhất là vai phản diện. Ảnh: Indian Express. Ảnh: Indian Express

Từ tiếng Anh dành cho nhân vật phản diện trong một tác phẩm hư cấu là “antagonist”, mang ý nghĩa là phe đối trọng với các nhân vật chính chứ không hẳn phải là “thuần ác”. Ngày nay, các ác nhân trên màn ảnh sẽ có dã tâm ghê tởm, sức mạnh kinh người; số khác còn là kẻ đã tước đoạt mọi thứ từ nhân vật chính. Sự rập khuôn ấy dường như không có điều kiện xuất hiện trong các thước phim của Christopher, bởi các “nhân vật phản diện” mà anh cả nhà Nolan tạo nên luôn vượt qua chuẩn mực khái niệm thiện – ác. 

Chào sân bằng “Following”, để lại dấu ấn nhờ “Memento”

christopher-nolan_nhan-vat-cobb-phan-dien
Một cảnh trong phim Following (1998) khi Cobb (trái) hướng dẫn nhân vật chính phạm pháp. Ảnh: Filmspell

Những kẻ ác do Nolan tạo nên thường không sở hữu cái búng tay xóa sổ nửa vũ trụ, hay một binh đoàn robot hùng hậu có thể san bằng địa cầu trong vài phút. Trái lại, chúng lại xuất thân từ những mặt tiêu cực của xã hội, từ những góc đường tối tăm và nhỏ hẹp nhất của một thành phố hoa lệ, như gã giang hồ Cobb (Alex Haw) trong bộ phim đầu tay của Christopher Nolan –  Following (1998). Hắn là một gã trộm có vẻ ngoài điển trai, chất giọng cuốn hút, và luôn có vẻ là một “ông lớn” trong giới tội phạm. Giống như nhân vật Tyler Durden (Brad Pitt) trong phim Fight Club (1998), hắn tiếp cận và thao túng nhân vật chính Bill (Jeremy Theobald), dần dần kéo anh ta vào mặt tối trụy lạc. Có điều, một kẻ tưởng chừng thú vị thế hóa ra chỉ là một con chốt thí, một bánh răng cần thiết (nhưng không độc nhất vô nhị) trong một guồng máy tội ác lớn hơn. Thứ đáng sợ hơn cả một phản diện trong Following là “bóng tối” quá lớn của London, nơi nhân vật chính bị mắc kẹt trong một chuỗi những sai lầm không lối thoát.


Memento là tựa phim gây ám ảnh nhất của Nolan. Ảnh: Live Journal

Sau Following, Christopher Nolan cho ra mắt phim Memento vào năm 2000, thể hiện rõ đẳng cấp làm phim của mình. Tác phẩm điện ảnh xoay quanh một nhân vật chính có vấn đề về trí nhớ, khi anh luôn quên sạch những điều đã diễn ra trong ngày hôm qua vào ngày tiếp theo. Nếu như thế chưa đủ bi kịch, thì anh này còn có người vợ bị sát hại dã man bởi một hung thủ bí ẩn. Để lưu giữ manh mối mà mình tìm được, nhân vật chính Leonard Shelby (Guy Pearce) phải liên tục xăm chúng lên cơ thể mình. Ở ngay từ cảnh đầu phim, việc gã bạn thân của Leonard là Teddy (Joe Pantoliano) bị anh ta dí súng vào đầu đã khiến khán giả tin rằng hắn sẽ là “antagonist” của bộ phim. Nhưng không, mọi chuyện không thể đơn giản như thế, càng không thể đơn giản nếu là một phim của Christopher Nolan. Bộ phim sau đó được “tua ngược” đến những sự kiện trong quá khứ, giới thiệu đến người xem kẻ tử thù thực sự của Leonard: Chính bản thân anh.

Leonard xăm manh mối lên cơ thể vì anh ta mất trí nhớ; nhưng thử suy nghĩ ngược lại xem, nếu anh ta mất trí nhớ, thì liệu những hình xăm ấy có thực sự đáng tin? Thời xa xưa, nhà triết học theo chủ nghĩa Khắc kỷ Epictetus đã dùng thành ngữ Latin “memento mori” (Hãy nhớ rằng ngươi rồi cũng sẽ chết) để giảng dạy các học trò rằng tình thân chỉ thực sự quan trọng, bởi tất cả chúng ta rồi sẽ phải ra đi. Khi Nolan đặt tên cho phim là “Memento” (Hãy ghi nhớ), vị đạo diễn muốn thử đảo chiều câu nói này, để xem một người vì tình yêu thương có thể tiến sâu vào bóng tối đến nhường nào.

Kẻ phản diện sẽ ám ảnh hơn khi trở thành biểu tượng

nhan vat phan dien phim christopher nolan - joker - elle man 2

Khi Joker (Heath Ledger) trong The Dark Knight (2008) nhìn thẳng vào màn hình và nói rằng “I am an agent of chaos” (Ta là bầy tôi/nhân tố của sự hỗn loạn), khán giả hiểu rằng trước mặt họ không còn đơn thuần là một gã tâm thần trang điểm như hề xiếc. Nolan có cách chơi chữ khá thú vị: Từ “agent” khi mang ý nghĩa “nhân tố” sẽ biến Joker từ một tên tội phạm thành “một phần tất yếu” của sự hỗn loạn mà thành phố Gotham đang phải gánh chịu. Nếu Người Dơi chỉ đơn thuần là một chiếc mặt nạ anh hùng mà ai cũng có thể thay thế, thì lớp trang điểm lòe loẹt trên mặt Joker cũng vậy. Hắn là tất cả, nhưng không nhất thiết phải là cá nhân cụ thể nào. Hắn là một lý tưởng độc địa đối nghịch hoàn toàn với tôn chỉ hành hiệp của Người Dơi, mà lý tưởng thì dễ dàng bị dập tắt.

Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện trong phần trước của The Dark KnightBatman Begins (2005), khi ác nhân Ra’s Al Ghul (Liam Neeson) tiết lộ rằng hắn chỉ là một “tước hiệu” truyền từ đời này sang đời khác. Trong truyện tranh, Ra’s Al Ghul là một trong những kẻ thù dai dẳng nhất của Người Dơi bởi hắn ta có khả năng “trường sinh bất lão”. Với tinh thần muốn mọi tác phẩm của mình thực tế hết mức có thể, Nolan đã dẹp bỏ tình tiết về cái hồ hồi xuân Lazarus trong truyện tranh; thay vào đó ông cũng biến Ra thành một biểu tượng. Khác với Joker, Ra đại diện cho sự lụi tàn tất yếu của Gotham, khi thành phố này đã trở nên quá bẩn thỉu, còn người dân thì ngày một tha hóa. 

Nhắc đến những “phe đối trọng” có tầm ảnh hưởng lớn đến câu chuyện, người viết lại nhớ đến nhà khoa học điên rồ Bertrand Zobrist trong quyển “Inferno” (Hỏa ngục) của tác giả Dan Brown. Điều khiến Zobrist đáng nhớ, là ở chi tiết gã đã… tự sát từ trước thời điểm câu chuyện bắt đầu. Dù không thực sự xuất hiện bằng xương bằng thịt, nhưng Zobrist vẫn là kẻ giật dây cho hầu hết các thảm kịch trong quyển tiểu thuyết. Bộ phim “Inception” của Christopher Nolan cũng sở hữu một nhân vật phản diện thú vị như vậy. Chính xác hơn thì đây không phải là “nhân vật”, mà là ký ức về người vợ quá cố Mal (Marion Cotillard) của vai chính Dom Cobb (Leonardo DiCaprio).

christopher-nolan_Cotillard-trong-inception
Cotillard vào vai diễn độc đáo trong Inception. Ảnh: All Star Bio

Thông thường, khi nhận nhiệm vụ “đột nhập” vào giấc mơ của người khác, Dom luôn là vị trưởng nhóm đáng tin cậy, đưa ra những chiếc lược tinh vi giúp cả đội của anh thành công. Nhưng lần này, sự dằn vặt trong quá khứ cộng với việc vợ anh tự tử đã khiến Dom rơi vào trạng thái mất cân bằng, trở thành gánh nặng cho chính anh cũng như cả đội. Cotillard lúc này trở lại trong hình hài quyến rũ nhưng cũng chết chóc hơn, trở thành “ác trùm” mà Dom phải đối mặt trong thế giới giấc mơ. Đây là một chi tiết khá “lùng bùng” nhưng cũng đáng để suy nghĩ: Kẻ phản diện ở đây là vợ nhân vật chính, nhưng không thực sự là cô ấy; là bản thân nhân vật chính, nhưng cũng không thực sự là anh ấy. Đối với riêng Christopher Nolan, Mal phiên bản trong mơ là cách mà ông tiếp cận với kiểu nhân vật quen thuộc “Femme fatale” (Người đàn bà nguy hiểm), thường xuất hiện trong nhiều bộ phim mà ông từng xem khi còn nhỏ. 

Christopher

“Tenet” và câu chuyện về những nhân vật phản diện đến từ tương lai của Christopher Nolan

Chúng ta có thể tiếp tục đề cập đến “nhân vật phản diện mang tính biểu tượng” cũng các tác phẩm khác cũng hấp dẫn không kém như Dunkirk hay Interstellar, nhưng thôi hãy thử đến với bộ phim mới nhất của vị đạo diễn người Anh.

sator-trong-tenet
Sator là phản diện “bằng xương bằng thịt” của bộ phim, nhưng hắn cũng chỉ là phần bề nổi của “tảng băng chìm”. Ảnh: Asap Land

Trong “Tenet”, nhân vật phản diện “mặc định” là Andrei Sator (Kenneth Branagh), một gã buôn lậu vũ khí làm giàu nhờ biết cách khai thác hiện tượng “nghịch đảo thời gian” (time inversion). Hắn là trở ngại lớn nhất của Nhân vật chính (John David Washington), đồng thời cũng là kẻ ác cuối cùng mà anh ta phải vượt qua. Nhưng như hầu hết các phản diện khác trong phim Nolan, Sator chỉ là một mảnh ghép trong một bức hình xếp to lớn hơn. Hắn cũng chỉ là con cờ bị lợi dụng bởi “người tương lai” – những phản diện thật sự. Đối với những con người không lộ mặt trong thời điểm vẫn chưa xảy ra ấy, con người trong quá khứ – chúng ta của hiện tại, chính là lý do khiến hiện tại của họ – tương lai của chúng ta lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Dù là một bộ phim khoa học viễn tưởng, những yếu tố Thần học như Luân hồi cũng như Nhân – Quả được khắc họa xuyên suốt phim. Nếu việc chúng ta bắn một viên đạn là nguyên nhân dẫn đến kết quả là viên đạn bay đến ô tập bắn, thì những lỗi lầm và sự tham lam của chúng ta lúc này đây sẽ dẫn đến hậu quả là sự đau khổ mà các hậu duệ của chúng ta phải gánh chịu sau này. 

nhan-vat-chinh-trong-tenet
Nhân vật chính trong Tenet không thực sự có tên cụ thể. Ảnh: Revista GQ

Ngoài ra, còn một giả thuyết khá hay nhưng hẳn không phải ai cũng đồng tình: Bạn có để ý là tại sao nhân vật chính của Tenet không thực sự có tên mà chỉ là “Nhân vật chính”. Đồng ý là trong nhiều tựa phim trước, không ít lần Nolan bỏ qua việc đặt tên cụ thể cho nhân vật, khiến họ trở thành một kiểu hình ảnh biểu tượng thay vì cá nhân cụ thể. Nhưng “Nhân vật chính” của Tenet đã hai lần nhấn mạnh rằng: “Tôi là Nhân vật chính”. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ phim chỉ là một bảng báo cáo của anh ta? Nếu thế thì bao nhiêu phần trăm câu chuyện là đáng tin? Có chút gì đó mang hơi hướm Memento phải không?

Tuyến phản diện không phải là điều tối quan trọng trong mọi bộ phim; nhưng đối với Nolan, việc tạo ra một tuyến đối trọng thiếu chiều sâu lại là điều tối cấm kỵ. Có thể thấy, Christopher Nolan luôn là một đạo diễn cầu tiến, không bao giờ hài lòng hay thỏa hiệp với thành quả hiện tại của mình. Sự ám ảnh về thời gian không chỉ xuất hiện trong những bộ phim của ông, mà còn ở di sản điện ảnh ngoài đời thực.

Review

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Logic

No more