Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, sự đồng cảm với những người “trôi sông lạc chợ”

Bài ELLE Team

Mặc dù xã hội ngày nay đang dần có cái nhìn đồng cảm hơn đối với những người chuyển giới, những người đã trót mang một kiếp “thân sâu hồn bướm” nhưng không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng đón nhận họ tới xã hội.

Định kiến xã hội cùng sự tự ti của người đồng giới, chuyển giới vô hình chung trở thành bức tường ngăn cản họ sống đúng với con người mình trong một xã hội “bình thường”. Và bộ phim tài liệu “ Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ” đã đưa khán giả đến gần hơn với thế giới của những con người đó. Để  thêm hiểu, thêm yêu và đồng cảm với kiếp sống của những con người “trôi sông lạc chợ”.

chuyen di cuoi cung chi Phung - elle man 1

Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, khái niệm về các đoàn hát lô tô đối với tôi là điều gì đó còn lạ lẫm. Nhưng khi xem “ Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ” – một bộ phim tài liệu đầu tay của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, tôi cảm thấy rằng ở thời bấy giờ, những con người như chị Phụng, chị Hằng muốn sống đúng với giới tính thật của mình thì không có nơi nào ngoài việc tìm đến đoàn hát lô tô. Đó là nơi dành cho những người phụ nữ nhưng hẩm hưu thay họ phải sống dưới cái lốt đàn ông tìm đến để được bảo vệ, yêu thương, chia sẻ và là nơi duy nhất họ được công nhận trong cái xã hội còn quá nhiều định kiến với những người như  “mấy chị”.

Mở đầu bộ phim là hình ảnh đoàn hát hội chợ rong ruổi khắp mọi miền quê nghèo trên chiếc xe cũ cùng hình ảnh bãi đất trống với những khung sắt, lều bạt, những con người lao động . Họ đang làm công việc bốc dỡ, dựng sân khấu trong bãi đất trống với từng cơn gió mạnh,….Sự xuất hiện của đoàn hát lô tô chính là điều gì đó đặc biệt đến với nơi đây, nó mang đến sự vui tươi mới mẻ,phá tan đi bầu không khí tẻ nhạt thường nhật ở những vùng quê.

Cái hay của phim tài liệu tất cả mọi thứ đều được hiện lên một cách chân thật nhất trên màn ảnh. Những người trong đoàn hát của chị Bích Phụng đâu phải là diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo kĩ lưỡng trong các ngôi trường nghệ thuật. Đơn giản họ chỉ là người thật, việc thật, họ kể lại câu chuyện đời mình một cách tự nhiên mà không hề có dẫn dắt từ kịch bản. 5 năm chuẩn bị và 1 năm ghi hình cùng ăn, cùng ở, cùng sống, cùng rong ruổi với gánh hát lô tô của chị Phụng đã giúp đạo diễn Nguyễn Thị Thắm trở thành một thành viên thực sự trong đoàn. Họ trải lòng với cô theo cách thật lòng nhất chứ không hề có bất kì giây phút giả tạo nào.

Hơn nữa, chị Thắm không hề định hướng dư luận tới bất kì một thông điệp nào trong phim. Chị để khán giả tự nghe, tự nhìn, tự hiểu và tự cảm nhận với số phận những con người lang bạt, như cái tên “bóng gió” mà họ tự gọi mình và tự nhận cuộc đời mình chính là “nghiệp chướng”. Chính sự tự do trong suy nghĩ đã giúp khán giả có cái nhìn đa chiều hơn với số phận nhân vật. Chẳng phải chỉ nhìn thấy cuộc đời của người giới tình thứ 3, trong đó còn chứa đựng cái tình của những người cùng cảnh ngộ bao bọc lấy nhau cùng năm tháng “nay đây mai đó”. Ở đó còn là cuộc trò chuyện trên bàn nhậu giản dị, mới đầu chỉ là chuyện tếu táo, dần dần họ kể về đời mình, trải lòng mình như không hề biết tới sự xuất hiện của máy quay. Mặc dù hình ảnh khi họ kể chuyện là những nụ cười đấy mà tôi vẫn thấy buồn đến lạ.

chuyen di cuoi cung chi Phung - elle man 2
Chị Hằng.

Theo dõi phim người ta mới thấm thía cuộc đời của chị Phụng, chị Hằng khi phải sống trong cái thời xã hội còn quá nhiều ánh nhìn kì thị, dò xét các chị. Chị Hằng vốn là con út, trước chị còn có 2 người chị gái và các chị đều sinh con gái. Không cần nói cũng hiểu chị quan trọng trong gia đình thế nào, vậy mà “ Bây giờ mình như vầy, thấy không ai gọi ông nội bà nội cũng thương ông bà ở nhà nên nhận một đứa con trai về nuôi cho có đứa kêu ông nội, bà nội”. Hay lời tâm sự của chị Phụng “ Mai sau lỡ mình có chết, chỉ lo cái đứa phụ trách đoàn không đảm nhận được, ….rồi cái đoàn chẳng ra cái đoàn và lại tan rã”. Dường như các chị biết rằng cái chết, cái nghèo, cái khổ sẽ cứ mãi đeo bám cuộc đời mình nhưng chẳng bao giờ ta nghe thấy một lời oán thán hoặc than thân trách phận suốt bộ phim. Các chị vẫn tiếp tục cố gắng, mạnh mẽ để gồng gánh cả đoàn bởi họ biết rằng, ngoài cuộc sống của mình, đằng sau họ là gia đình, là người thân và cả anh em trong gánh hát lô tô.

chuyen di cuoi cung chi Phung - elle man 3
Chị Bích Phụng trường đoàn hát lô tô.

Ấn tượng với tôi nhất có lẽ là lời tâm sự của chị Phụng về cuộc đời “bóng gió” : “Thế giới bóng gió cũng có đứa tốt, đứa xấu, đứa quỷ đứa ma mà người bình thường thì cũng vậy,….Mà đứa xấu chủ yếu do không có công ăn việc làm nên bần cùng, vì ai chấp nhận những người bóng gió. Muốn làm nhà nước thì ai mà cho làm, còn làm công ty thì ai chấp nhận bọn nửa nạc nửa mỡ”. Câu nói này làm tôi nhớ tới cái kết trong “Chí Phèo” với câu nói nổi tiếng: “Tao muốn làm người lương thiện. Không được! Ai cho tao lương thiện. Vậy đó, không thể đổ lỗi hoàn toàn nhưng cũng không thể phủ nhận chính cái nhìn ác cảm của xã hội với người LGBT đã vô tình đẩy họ ra xa khỏi “lương thiện”. Gánh hát hội chợ của chị Phụng như một ví dụ điển hình cho sự lương thiện họ đang cố gắng bảo vệ và để khẳng định họ cũng như mọi người khác, dù vất vả khó khăn họ cũng không để giá trị bản thân bị đánh mất.

chuyen di cuoi cung chi Phung - elle man 4
Họ luôn chuẩn bị kĩ lưỡng khi lên sân khấu, trang điểm cầu kì nhằm che đi nét đàn ông còn sót lại.

chuyen di cuoi cung chi Phung - elle man 5

” Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ” có thời lượng 80 phút tuy không ngắn nhưng chưa đủ để thỏa mãn người xem. Có gì đó vẫn còn tiếc nuối, tò mò với số phận nhân vật. Chi tiết cao trào nhất chắc hẳn là cảnh đám cháy đã thiêu rụi tất cả, không chỉ tiền của, công sức của biết bao còn người trong đoàn hát. Nó dường như thiêu rụi đi cả ước mơ cuối cùng của chị, trong cái thời khắc kinh hoàng đó ta nghe thấy tiếng gào thét của chị “Cứu mấy con chó dưới sàn. Trời ơi,…”. Ở thời điểm kinh hoàng đó, điều chị bận tâm không phải là tiền của, là vốn liếng chị cóp nhặt bao năm mà thứ chị quý nhất lại là mấy con chó cùng lang bạt mọi miền quê cùng gánh lô tô của chị.

Bộ phim khép lại với nhiều nỗi niềm, để lại trong trái tim người xem một sự buồn thương với những người cùng số phận như chị Phụng. Chắc hẳn sẽ không ai quên hình dáng chị Phụng ngồi đung đưa trên chiếc võng nhìn một vài đám cháy nhỏ ở khu đất rộng, ngâm nga câu hát nghe  mà nước mắt tuôn rơi  “Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ. Thôi hết rồi, thôi hết rồi, thôi hết rồi,….”

Bài: Trần Linh Trang (Tạp chí Phái Mạnh – ELLE Man)

No more