Sinh ra tại quận Gangnam, trung tâm kinh tế sầm uất và hào nhoáng nhất tại Hàn Quốc, con trai của một chủ tịch tập đoàn và một nữ doanh nhân thành công, Psy (tên thật là Park Jae-sang) vốn đã được kỳ vọng sẽ trở thành một doanh nhân kế thừa sự nghiệp của cha mẹ. Tuy nhiên, anh đã bỏ ngang chương trình Quản lý kinh tế tại Đại học Boston để theo đuổi âm nhạc. Nếu biết chút ít về văn hóa gia đình nghiêm khắc của người Hàn Quốc, không khó để chúng ta nhận ra những quyết định của anh là táo bạo và nổi loạn như thế nào. Và tính cách ấy đã giúp anh trở thành Psy, một nghệ sĩ không giống với bất cứ nghệ sĩ nào.
Nhìn lại sự nghiệp của Psy trước Gangnam Style, người ta thấy không ít thành công nhưng cũng đầy rắc rối. Album đầu tiên của anh Psy from the Psycho World! đã bị chính phủ Hàn phạt vì nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Album thứ hai Sa 2 (2002) cũng làm dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội đến mức chính phủ Hàn cũng đưa ra yêu cầu cấm bán cho người dưới 19 tuổi. Album thứ 3 cũng gây tranh cãi không kém, nhưng bài hát Champion – ra đời đúng lúc World Cup diễn ra tại Hàn Quốc đã trở thành một trong những bài hát được yêu thích nhất năm, mang lại cho Psy giải sáng tác của Seoul Music Awards và giúp anh tìm được chỗ đứng vững chắc trong nền âm nhạc đầy cạnh tranh.
Tuy nhiên, đang trên đà thành công thì Psy buộc phải gác lại công việc và nhập ngũ trong vòng 2 năm. Và sau đó, khi vừa trở lại với âm nhạc sau khi xuất ngũ và đạt được thành công với album Ssajib, anh đã bị cấp trên tố cáo rằng ngay cả khi trong quân ngũ, anh cũng chỉ hướng đến việc sáng tác và biểu diễn, lơ là với nhiệm vụ. Kết quả là ngay sau đó, anh buộc phải tái ngũ, kéo theo những khủng hoảng tài chính khiến Psy không còn có thể tự phát hành âm nhạc của chính mình.
Đối mặt với những khó khăn lớn nhất trong sự nghiệp, nam ca sĩ nổi loạn đã chọn ký hợp đồng với YG Entertainment và cho ra mắt album PsyFive (2010) và tất nhiên, một lần nữa lại gây ra tranh cãi ồn ào cùng với hệ quả là bài hát Right Now đã bị cấm phát hành cho khán giả dưới 19 tuổi. Điều tréo ngoe là, cùng lúc đó, anh vẫn được trao giải thưởng âm nhạc tại Melon Music Awards và Mnet Asian Music Awards (Hong Kong).
Thái độ của công chúng Hàn Quốc đối với Psy thậm chí không hề thay đổi sau cơn địa chấn Gangnam, một bài hát trong album Psy 6 (2012) trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu. Video Gentlemen của anh sau đó cũng bị cấm phát trên truyền hình tại Hàn Quốc cho dù vào năm 2013, anh trở thành đại sứ du lịch của đất nước này và mở rộng cánh cửa cho nhiều nghệ sĩ K-Pop tiến bước vào thị trường khắp thế giới.
Anh, không có gì cần bàn cãi, là một trong những lý do vững chắc nhất khiến tập đoàn sản phẩm cao cấp LVMH đầu tư 80 triệu đô-la Mỹ vào YG Entertainment, công ty chủ quản của Psy. Và cũng chính nhờ sự nổi tiếng vượt sức tưởng tượng của Gangnam Style, nhiều tác phẩm K-Pop khác cũng được “hưởng sái” và các ban nhạc Hàn Quốc được mời đến biểu diễn ở châu Âu và Mỹ nhiều hơn hẳn trước đây. Psy trở thành một hiện tượng đặc biệt đến nỗi nhiều nhà phê bình âm nhạc Âu Mỹ gọi anh là “một dạng virus không thể tiêu diệt”.
Tuy vậy, sau thành công như cổ tích, Psy bắt đầu phải đối mặt với một thử thách khác, lớn hơn nhiều so với những ngày mới bắt đầu của anh: Vượt qua cái bóng của Gangnam Style! 3 năm sau bài hát được cả thế giới yêu thích, anh cho ra mắt Daddy, và cũng như Gentleman hay Hangover, ca khúc này thu hút hàng chục triệu lượt xem trên Youtube chỉ sau một vài tuần.
Nhưng, trước đó, Psy đã nói rằng anh không kỳ vọng nó sẽ tạo ra được một hiện tượng tương tự như Gangnam Style. Ngôi sao nhạc rap này chưa bao giờ muốn bắt chước ai, nhưng anh cũng không muốn bắt chước chính mình. Thế nên, thành công của Gangnam Style mang lại cho anh cả tiền bạc, cả những áp lực lớn đến nỗi anh cảm thấy không có gì mình viết ra là đủ hay. Nhưng những ai đã biết anh đủ lâu sẽ tin rằng, rồi Psy sẽ tìm được con đường mới!
—
Hình ảnh: Hong Jang Hyun
Stylist: Choi Soon Young
Bài: Phương Huyên
Hình ảnh: tư liệu và ELLE Hàn Quốc thực hiện