Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng: Văn chương và dịch thuật trong thời đại AI

Bài Tuan Anh

Trần tiễn cao đăng
Công chúng thường biết đến Trần Tiễn Cao Đăng như một dịch giả kỳ cựu – người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm quan trọng của văn học thế giới, từ "Xứ Cát" của Frank Herbert, "Nếu một đêm đông có người lữ khách" của Italo Calvino, "Mãi đừng xa tôi" của Kazuo Ishiguro đến "Biên niên ký chim vặn dây cót" của Haruki Murakami.

AI

Tuy nhiên, bên cạnh vai trò dịch giả, Trần Tiễn Cao Đăng còn là một nhà văn luôn thao thức với văn chương. Với những tác phẩm như Baroque và Ẩn Hoa (2005), Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian (2016), hay Những gặp gỡ không thể có (2018), ông mang đến cho độc giả một thế giới sáng tạo đầy mới mẻ, nơi lối viết giàu cá tính hòa quyện với những suy tư sâu sắc về khoa học, triết học và thân phận con người.

 

Trong cuộc trò chuyện cùng ELLE Man Việt Nam, Trần Tiễn Cao Đăng đã chia sẻ những quan điểm của ông về văn chương và công việc dịch thuật trong thời đại công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ mạnh mẽ ngày hôm nay.

AI
Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng (Ảnh: Tư liệu)

Được biết, Trần Tiễn Cao Đăng đến với văn chương khá muộn. Ông cũng từng chia sẻ “bước sang tuổi 40 mới nhận ra mình sinh ra để viết”. Theo ông, việc đến với văn chương ở giai đoạn này đem đến những điều thú vị và khó khăn nào?

 

Trần Tiễn Cao Đăng: Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ có thể trích dẫn một đoạn văn mình từng viết trước đây, trong đó tôi so sánh một tác giả đến với văn chương khá muộn (như tôi) với một “đóa hoa nở muộn”:

 

(…) Nghĩ cho kỹ, những đóa hoa nở muộn có cái đẹp của nó. Khi nhà văn nở muộn, thời gian của anh ta không nhiều. Ở chừng mực nào đó, sự ít thời gian của anh ta cũng giống như sự ít thời gian của một nhà văn chết sớm vì bệnh nan y – và biết điều ấy từ lâu trước khi chết. Vẻ đẹp của đóa hoa sớm nở sớm tàn và của đóa hoa muộn nở chóng tàn, là vẻ đẹp mà, về thực chất, như nhau: vẻ đẹp của sự ngắn ngủi, của sự nôn nả, của sự trân quý hơn nhiều lần từng khoảnh khắc sống, từng khoảnh khắc sáng tạo. Một cuộc sáng tạo, một đời hoa – mà hương thơm có đó là để tồn tại đời đời – gắn liền với bóng của sự chết.

 

Khi tiếp xúc với những giọng văn lớn qua dịch thuật, liệu ông có bị cuốn theo tư duy và cấu trúc ngôn ngữ của tác giả gốc?

 

Trần Tiễn Cao Đăng: Một câu hỏi hay. Tôi nghĩ, về cơ bản là không. Nhưng nói rằng việc đó dễ thì không đúng. Một giọng văn lớn là một dòng chảy lớn. Anh chỉ bị cuốn theo nếu anh quá nhỏ, lọt thỏm trong nó. Để có thể đồng hành với dòng chảy ấy, bản thân anh – người dịch – cùng với giọng của anh, cũng phải là một dòng chảy lớn. Dòng chảy này không trùng với dòng chảy nguyên gốc, tuy nhiên hai dòng này song hành, chồng chập lên nhau – tuy hai mà một, tuy một mà hai – cùng chảy với nhau, trong nhau. Nếu anh đạt tới chỗ đó, thì không phải là bị cuốn theo, mà là di chuyển cùng nó. Dòng chảy đó chính là anh.

trần tiễn cao đăng
Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian (2016) của nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng (Ảnh: Tư liệu)

 

Là một dịch giả đang dấn thân vào sáng tác, quá trình chuyển ngữ liệu có ảnh hưởng đến giọng văn riêng của ông?

 

Trần Tiễn Cao Đăng: Tôi có thể lấy làm mừng mà nói rằng giọng văn của tôi không chịu ảnh hưởng của các nhà văn tôi đã dịch. Ít nhiều đồng điệu thì có – đồng điệu với Roberto Bolaño, với Murakami Haruki… Tuy nhiên, đó là một sự đồng điệu vốn đã có đó từ trước khi tôi chuyển ngữ văn chương của họ. Vì thế, dù tôi có dịch họ hay không, mối đồng điệu luôn có đó. Tôi chọn dịch họ – nhất là chọn Bolaño – chính vì sự đồng điệu trong cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ về cái đẹp, về thế giới. Nhà văn mà không đồng điệu với ta thì ta không thể dịch họ cho ra hồn được, và tốt nhất là nên tránh dịch họ.

 

Có ý kiến cho rằng văn học Việt Nam đang dần đánh mất sức hút trước làn sóng tác phẩm dịch thuật ngày càng phong phú và hấp dẫn. Ông nhìn nhận thế nào về nhận định này?

 

Trần Tiễn Cao Đăng: Nếu anh là nhà văn Việt Nam có đủ tài hoa và bản lĩnh thì sách dịch càng nhiều, anh càng có cơ may hòa mình vào dòng chảy lớn của văn chương thế giới hơn – hòa mình vào và đồng thời vẫn giữ được “hồn cốt Việt” dưới hình thức nào đó. Mặt khác, ở Việt Nam nhất định là có và sẽ luôn có một bộ phận người đọc văn chương đủ cởi mở và nhạy bén để tìm và nhìn ra “vàng thật” trong văn chương Việt thay vì chỉ chăm chăm bận tâm tới văn chương thế giới. Một bộ phận hiểu biết và tinh tường của người đọc Việt Nam thì tự khắc biết rằng, giữa một số nhà văn Việt Nam hiện nay còn “vô danh”, sẽ có vài người trở thành “người khổng lồ” trong tương lai; trong khi, ngược lại, một số nhà văn nước ngoài đang được tung hô trên thế giới (không chỉ ở Việt Nam) thực chất chỉ là sản phẩm của nghệ thuật quảng cáo.

 

Trong những năm gần đây, các tác giả đoạt giải Nobel văn học dần được độc giả Việt quan tâm và tìm đọc nhiều hơn, thậm chí góp phần tăng doanh thu tác phẩm như trường hợp của Han Kang. Theo ông, sức hút từ giải thưởng danh giá này phản ánh điều gì về thị hiếu văn học hiện nay của công chúng Việt?

 

Trần Tiễn Cao Đăng: Cố nhiên là giải thưởng Nobel và một số giải thưởng văn chương quốc tế tương tự (Booker, Goncourt…) có tác dụng “boost” doanh thu rất tốt. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao những đơn vị xuất bản, dịch giả, độc giả… quan tâm hơn đến những nhà văn xuất chúng hãy còn chưa được “vinh danh” thông qua một giải Nobel nào. Các giải thưởng văn chương, bao gồm giải Nobel, không bao giờ có thể bao quát hết tất cả “vàng ròng” tiềm ẩn trong giới văn chương thế giới, kể cả dù đôi khi người ta cũng phát hiện được đúng vàng ròng.

AI
Các giải thưởng văn chương, bao gồm giải Nobel, không bao giờ có thể bao quát hết tất cả “vàng ròng” tiềm ẩn trong giới văn chương thế giới, kể cả dù đôi khi người ta cũng phát hiện được đúng vàng ròng. (Ảnh: Tư liệu)

Dịch giả ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là trong bối cảnh văn học Việt đang nỗ lực hội nhập sâu rộng với thế giới. Theo ông, người dịch và tác giả cần làm gì để cùng nhau tạo ra những tác phẩm có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ?

 

Trần Tiễn Cao Đăng: Tôi thì chỉ thấy dịch giả đang đứng trước nguy cơ “mất giá” bởi sự xuất hiện của AI. Không sao. Người nào biết rõ chân giá trị của dịch thuật thì không dễ dàng thay đổi thái độ như vậy.

 

Mặt khác, so với dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, tôi hiện quan tâm nhiều hơn đến việc dịch tác phẩm của nhà văn Việt Nam sang tiếng nước ngoài, như là bước đầu tiên để những nhà văn Việt Nam tiêu biểu và đặc sắc nhất có cơ hội “bước ra thế giới”. Đó mới thực sự là một “sân chơi” lớn rộng mênh mang nơi mà tác giả (nhà văn Việt) và dịch giả (người dịch nhà văn Việt sang tiếng nước ngoài) chỉ có một dúm đếm trên đầu ngón tay, cực độ cô đơn – gần như không ai giúp đỡ anh, gần như không có quy định hay cơ chế hay cấu trúc nào trợ lực anh. Trong cuộc chơi/cuộc chiến cực độ cô đơn đó, rào cản ngôn ngữ chỉ là cửa ải đầu tiên, dễ vượt qua nhất. Cửa ải chính, khó vượt qua gấp nhiều lần, là những rào cản trong tâm trí con người.

 

Cuối cùng, trong thời đại mạng xã hội và dịch máy phát triển mạnh, ông nhìn nhận tương lai nghề dịch ra sao? Liệu công nghệ có thể thay thế con người trong việc truyền tải tinh thần tác phẩm?

 

Trần Tiễn Cao Đăng: Đây là câu chuyện dài trong thời đại AI (cười). Tôi tin chắc rằng chừng nào AI còn chưa thực sự ngang hàng với con người thì dịch giả nói riêng và con người nói chung vẫn là không thể thay thế, vẫn là chủ thể của hành động và quá trình sáng tạo, cho dù trong đó AI có chiếm một phần quan trọng đi chăng nữa. “Ngang hàng” ở đây không phải là về mặt năng lực lưu trữ, tính toán, truy xuất, diễn dịch,… (hiển nhiên là trong những chuyện này AI mạnh hơn con người), mà là về mặt cá nhân tính. Chừng nào AI còn chưa có được một linh hồn, một tính cách, một trầm tích trải nghiệm, một tập hợp những tiềm năng, xu thế, ý hướng… hoàn toàn riêng biệt mà mỗi con người đều có, thì chừng đó AI không thể thay thế con người nói chung, dịch giả nói riêng trong việc tạo ra những bản dịch có thể bao hàm một số lỗi nào đó, một mức độ chủ quan nào đó, một sự quá đà nào đó…, tuy nhiên, nếu nó thành công dù chỉ một phần nào, thì phần (nhỏ) thành công đó có vẻ đẹp riêng của nó, hương sắc riêng của nó, ánh lóng lánh riêng của nó, vốn là vẻ đẹp, hương sắc, ánh lóng lánh của cái cá nhân tính thuộc về dịch giả và duy chỉ dịch giả đó mà thôi, chứ không phải cái vẻ đẹp “vừa phải, đúng chuẩn, an toàn” của bản dịch AI.

 

Cảm ơn ông về những chia sẻ dành cho ELLE Man Việt Nam!

______

Bài: Hoàng Thúy Vân

No more