Âm nhạc của anh thường mang màu cảm xúc gì?
Nhạc của tôi thường là nhạc buồn.
Công việc của anh thuộc về những chốn tiệc tùng, ồn ào, làm sao mà nhạc của DJ Hoàng Touliver lại buồn?
Mình đã làm nhạc buồn thì có làm kiểu gì cũng buồn. Nhạc của tôi toàn làm kiểu thất tình, buồn và mọi thứ vỡ nát.
Âm nhạc mà buồn thì thường dễ đi kèm với những triết lý già nua lắm?
Tính tôi trầm, ít nói, buồn cũng chả biết kể với ai nên tôi dồn hết vào nhạc. Tôi ít nói lắm, chỉ với ai tôi quen thân thì mới nói. Khi buồn, tôi chỉ dốc sức vào làm nhạc. Khi nghe nhạc của tôi, người ta cảm nhận theo âm thanh, nên tự mọi người có những triết lý riêng.
Anh thích ở trong studio hay trên sân khấu?
Cái đó thì 50/50. Ở studio là cơ sở để lên sân khấu. Còn đã lên sân khấu rồi thì lại muốn về studio, nghỉ ngơi để làm tiếp. Làm xong, lại muốn lên sân khấu để khoe nhạc. DJ là vậy.
Tham gia “The Remix” – một sân khấu hào nhoáng, được tán tụng đủ lời, những thứ đó đã đủ hấp dẫn khiến anh rời xa “underground” chưa?
Tôi không chủ đích đưa âm nhạc của tôi lên mainstream. Một mặt tôi tò mò muốn biết showbiz như thế nào, và tôi cũng chỉ cộng tác với những nghệ sĩ hợp với “tạng” của tôi, mặt khác vẫn muốn giữ âm nhạc của tôi kiểu underground. Nếu khán giả nghe kỹ, người ta sẽ thấy, dù có kết hợp với các ca sĩ mainstream vẫn không có nghĩa chất nhạc của tôi phải là mainstream. Tôi không muốn rạch ròi lắm giữa underground và mainstream. Chỉ đơn giản, tôi thích làm những điều mình thích.
Trong những nghệ sĩ “mainstream” từng hợp tác với anh, anh thích ai nhất?
Tôi từng hợp tác với Thảo Trang, Phương Vy, Hoàng Hải, Trà My Idol, và nhóm 365. Tôi thích cộng tác với Thảo Trang nhất, “gu” nhạc của cô ấy văn minh, tôi với Trang làm việc với nhau ít khi phải sửa. Tôi cũng thích làm việc với nhóm 365, họ khá chuyên nghiệp. Còn gần đây, tôi thấy việc gặp và được làm việc với Tóc Tiên là một cái duyên, Tóc Tiên khá thông minh. Tư duy âm nhạc của cô ấy mới mẻ, hiện đại và hơn hết, Tóc Tiên cũng nhanh nhạy trong việc cập nhật các trào lưu, nhánh âm nhạc mới trên thế giới nên tôi và Tiên làm việc với nhau hợp lắm.
Theo anh, thế nào là một bài nhạc hay?
Ngày trước, nếu tôi làm xong một bài nhạc, cắm tai nghe vào và nghe được quá 10 lần mà không thấy chán thì đó là một track nhạc hay. Tôi làm được nhiều bài như thế lắm. Nói chung, bài nào tôi làm cũng đưa nó đến cái đích đó.
“Technique” hay dụng cụ làm nhạc gì định hình nên phong cách của anh?
Phần mềm mà tôi dùng để làm khá khác với mọi người, tôi có những cái “tiếng” riêng do tôi tự tạo. Hồi mới bắt đầu làm nhạc, thì tôi thích Rusko, một nghệ sĩ dubstep của Anh. Chất nhạc của anh ấy rất cảm xúc và có nhiều thứ khác biệt. Ngày trước tôi theo học piano, tôi cũng hay tập lại các hòa âm của Yiruma, sau đó phát triển và kết hợp với nhạc điện tử, để “tiếng” lạ tai và khác biệt hơn.
Điều gì khiến anh gắn bó với công việc của một DJ?
Có lẽ đó là sở thích. Trước kia tôi theo học âm nhạc cổ điển, nhưng mệt lắm, tôi học không vào đầu. Hơn nữa, khi nghe nhạc cổ điển, tôi không cảm thụ được. Tôi học xong trung cấp chính quy thì nghỉ luôn học nhạc cổ điển, chuyển sang đạo diễn. Có nhiều sản phẩm underground, tôi tự sản xuất phần hình ảnh luôn.
Thực tế, tôi không phải dạng DJ chính quy. DJ chính quy là người chỉnh nhạc theo đĩa, trên bàn như kiểu anh Tuấn Kruise. Còn tôi chơi theo kiểu khuôn nhạc của tôi. Khi chơi nhạc, tôi có thể cắt luôn một bài nhạc và nhảy sang một bài khác, không nhất thiết phải trộn giữa các bài.
Trong giới DJ, còn có kiểu DJ “chỉ mang tính chất minh họa”?
Kiểu đó thì nhiều, định kiến đó hay đi kèm với các DJ nữ. Mà cái đó không chỉ có ở Việt Nam, ở đâu cũng có. Như Paris Hilton làm DJ chẳng hạn, cát-sê của cô ấy còn cao hơn những DJ chuyên nghiệp khác. Tôi thấy, kiểu DJ “chỉ mang tính chất minh họa” khiến nhiều người nhìn sai về nghề DJ.
Anh có nghĩ mình sẽ kết hợp với những ca sĩ để cho ra những sản phẩm kiểu “Nothing But The Beat” của David Guetta?
Tôi từng phát hành một album vào năm 2013, chỉ nhạc không thôi và nó là dạng âm nhạc underground nhiều hơn, album này khá nặng và kén người nghe. Sau “The Remix”, tôi sẽ cho ra một album nhẹ nhàng thiên về Deep House. Tôi nghĩ, sản phẩm này ai cũng có thể nghe được. Tôi cũng ấp ủ sẽ ra một album cộng tác với các ca sĩ, những người phù hợp với mình, như Tóc Tiên chẳng hạn. Ngoài ra, tôi sẽ làm album “Viet Mix”, đó là những bài nhạc cũ như “Hương ngọc lan” hay “Em về tinh khôi” theo phong cách khác, tôi sẽ kết nối các ca khúc cũ này như một câu chuyện có “mở, thân bài và kết”, và phần nhạc thì đặt nặng cảm xúc của riêng tôi.
DJ nào tạo cảm hứng cho anh nhiều nhất?
Câu trả lời vẫn là Rusko. Hồi dubstep mới nổi lên thì DJ Rusko là một tượng đài. Ngoài ra, tôi cũng thần tượng DJ Deadmau, phải nói rằng, Deadmau là “cha đẻ” của nhạc Progressive House.
Và chắc chắn, nếu tưởng tượng anh được chọn một “sự kết hợp trong mơ”, anh vẫn chọn Rusko?
Chính xác. Tôi mong muốn được cộng tác với Rusko, người mang lại cảm hứng cho tôi nhiều nhất về dubstep. Hai người sẽ làm chung một bài nhạc, 2 nhà sản xuất cùng lên một ý tưởng và sản xuất một track nhạc. Còn ca sĩ, nếu được cộng tác chung thì tôi chọn Rae Sremmurd, nhóm song ca nhạc Hip Hop ở Mỹ, tôi thấy nhạc của nhóm này rất chất.
Cảm ơn Hoàng Touliver về cuộc trò chuyện.
Phỏng vấn: Vĩnh Khang – Ảnh: Bobby Nguyễn