10 mẫu đồng hồ nổi tiếng nhất lịch sử du hành vũ trụ (P2)

Bài ELLE Team

Trong phần một, chúng ta đã điểm qua những cái tên hết sức nổi tiếng như Omega Speedmaster, Bulova 96B251 thì trong phần 2 này, ELLE Man sẽ giới thiệu những cái tên thoạt nghe thoạt nghe xa lạ với người Việt nhưng lại là những mẫu đồng hồ có độ nổi tiếng không kém cạnh trong lịch sử du hành vũ trụ của nhân loại.

Một chiếc đồng hồ nổi tiếng từng du hành lên mặt trăng hoặc xuất hiện bên ngoài Trái Đất luôn sở hữu sức hút khó cưỡng đối với những nhà sưu tập đồng hồ. Đỉnh cao của một chuyến phiêu lưu sẽ là gì nếu không phải là đặt chân đến những vùng đất chưa ai biết đến bên ngoài không gian? Tuy nhiên, những chiếc đồng hồ nổi tiếng này không chỉ được ngưỡng mộ vì trở thành bạn đồng hành của những nhà thám hiểm vĩ đại mà còn thực sự là cỗ máy có độ bền phi thường. Hãy cùng ELLE Man tìm đến 5 cỗ máy thời gian cuối cùng trong danh sách những mẫu đồng hồ nổi tiếng trong lịch sử du hành không gian của nhân loại trong bài viết sau.

10

6. Seiko Pogue 6139-6002 (1973)

Giống như Bulova, chiếc đồng hồ này không được tạo ra cho mục đích đi vào không gian nhưng lại là lựa chọn cá nhân của một phi hành gia. Trong nhiệm vụ Skylab 4 năm 1973, Đại tá William Pogue đã đeo một chiếc Omega Speedmaster bên tay phải và một chiếc đồng hồ Seiko của Nhật bên tay trái (dù điều này không được cho phép). Nhờ vậy mà một huyền thoại đồng hồ khác đã ra đời.

Seiko Pogue có thiết kế hoàn toàn tương phản với Speedmaster: vỏ đồng hồ dạng hộp (barrel), mặt số màu vàng, vòng bezel mang “phong cách pepsi” với phối màu đỏ-xanh… Nếu Speedmaster mang lại cảm giác chuyên nghiệp thì Seiko lại có phần thời trang hơn. Trong khi vỏ máy có góc cạnh sắc nét thì màu sắc tươi sáng tương phản lại mang đến tinh thần vui nhộn. Với hai núm chỉnh giờ và một mặt số phụ, Seiko Pogue tăng thêm ấn tượng về một chiếc đồng hồ chức năng có thiết kế táo bạo.

7. Sinn 140/142 (1985)

Phi công Helmut Sinn.

Sinn, thương hiệu đồng hồ đến từ nước Đức, có nguồn gốc từ ngành hàng không, được thành lập bởi cựu phi công Helmut Sinn năm 1961. Lần đầu tiên đồng hồ Sinn được sử dụng trong không gian là năm 1985, khi phi hành gia người Đức Reinhard Furrer đeo một phiên bản PVD của mẫu 140 trong suốt Spacelab D1 – một nhiệm vụ không gian do Tây Đức tài trợ. Đây là nhiệm vụ thành công cuối cùng của tàu con thoi Challenger trước khi nó nổ tung trong thảm họa phóng tàu vào năm sau, khiến toàn bộ phi hành đoàn tử nạn.

Phi hành gia người Đức Reinhard Furre.

Sinn tuyên bố rằng 140 là chiếc đồng hồ cơ bấm giờ đầu tiên được sử dụng trong không gian. Điều đó sẽ đúng nếu chúng ta không tính chiếc đồng hồ Seiko trái phép của Đại tá Pogue. Đồng hồ Sinn tiếp tục được sử dụng trong các nhiệm vụ không gian suốt những năm đầu thập niên 1990. Điều này mang lại cho thương hiệu danh tiếng xứng đáng. Chiếc đồng hồ nam tính này đã được tái sản xuất thành phiên bản giới hạn với tên 140A.

8. Fortis B-42 (1994)

Từ năm 1994, nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Fortis trở thành nhà cung cấp đồng hồ chính thức cho Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga. Năm 1995, NASA và cơ quan vũ trụ của Nga đã bắt đầu một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hợp tác không gian quốc tế – khi tàu con thoi Atlantis của Mỹ lần đầu tiên cập bến trạm không gian Mir của Nga. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho sự kiện này, chiếc đồng hồ bấm giờ tự động của Fortis đã thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của nó trong không gian.

Mẫu đồng hồ mà công ty chọn sản xuất cho Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga là một chiếc đồng hồ bấm giờ tự động 42 mm có mặt số màu đen với điểm nhấn là màu đỏ trên kim giây, thiết kế vỏ “chunky”, vòng bezel xoay được và hệ thang đo tachymeter. Năm 1997, đồng hồ Fortis Official Cosmonauts Chronograph trở thành chiếc đồng hồ chính thức của nhiệm vụ không gian Đức-Nga MIR 97.

9. Fiyta Spacemaster (2008)

Được thành lập năm 1987, Fiyta là nhà sản xuất đồng hồ còn khá trẻ của Trung Quốc. Mặc dù họ bắt đầu cung cấp đồng hồ cho các phi hành gia người Trung Quốc từ năm 2003 nhưng phải đến năm 2008, Spacemaster mới trở thành đồng hồ không gian biểu tượng của thương hiệu. Chiếc đồng hồ này được chế tạo cho nhiệm vụ Thần Châu 7, khi Zhai Zhigang trở thành phi hành gia người Trung Quốc đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian.

Trên cổ tay của anh lúc đó là một chiếc Spacemaster over-sized được thiết kế riêng, bao gồm các thông số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đặc biệt của chính quyền Trung Quốc như tấm chắn từ, chỉ báo AM/PM, vòng bezel xoay 8 giờ, núm khóa ngược chiều kim đồng hồ và khả năng chịu nhiệt từ -80 0 C đến 80 0 C. Fiyta đã phát minh một chất bôi trơn mới cho phép đồng hồ duy trì hoạt động trong môi trường biến nhiệt lớn.

10. R.O. 1 Space (2011)

Công ty Hà Lan R.O ban đầu chuyên thiết kế nữ trang trước khi chuyển sang lĩnh vực chế tạo đồng hồ. Năm 2005, Roland Oostwegel bắt đầu tự thiết kế đồng hồ cho mình với ý tưởng bao quát về những tác nhân bên ngoài có thể phá hủy đồng hồ. Ông nhắn nhủ: “Cuối cùng, tôi đã thành công trong việc chế tạo hệ thống chống sốc, bảo vệ đồng hồ khỏi những va đập và tác dụng lực từ bên ngoài. Kết quả là một sản phẩm tuyệt vời về công nghệ, chất lượng và sự thanh lịch: R.O.1”.

Năm 2010, Oostwegel gặp phi hành gia người Hà Lan thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Andre Kuipers, trong các hoạt động thử nghiệm hệ thống chống sốc của R.O.1. Kuiper đã chia sẻ với ông về việc anh mất cảm nhận về thời gian trong suốt nhiệm vụ không gian đầu tiên của mình năm 2004. Anh cũng cho Oostwegel biết rằng anh không phải phi hành gia duy nhất phàn nàn về hiện tượng này. Kết quả là một chiếc R.O.1 phiên bản đặc biệt được thiết kế lại. Chiếc đồng hồ nguyên bản cho Kuiper được chế tạo bằng sợi carbon để giảm đến mức tối thiểu trọng lượng. Tuy nhiên, những chiếc đồng hồ có sẵn trên thị trường hiện nay được làm từ thép không gỉ, titan, vàng hoặc gốm. Các mẫu đồng hồ phiên bản giới hạn
sở hữu bộ máy cơ Chronograph Thụy Sĩ và thường có đường kính 44 mm.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Đ.T

No more