Dune – Tác phẩm sci-fi vĩ đại với sức ảnh hưởng to lớn đến văn hoá đại chúng

Bài ELLE Man

Xuất bản lần đầu năm 1965, tiểu thuyết Dune của Frank Herbert được xem là tác phẩm vĩ đại của thể loại khoa học viễn tưởng (sci-fi) vì tầm nhìn trước thời đại, những đóng góp to lớn của nó với nền văn học lẫn văn hóa đại chúng khi tạo tiền đề để để những tác phẩm kinh điển khác sau này là Star Wars, Alien, Blade Runner... được khai sinh.

Trong Dune, câu chuyện xoay quanh hành trình của nhân vật chính Paul Atreides xuyên suốt hành tinh sa mạc Arrakis, còn được gọi là Xứ Cát. Mỗi bước đi của Paul là cánh cửa giúp người đọc tiến sâu hơn vào thế giới đồ sộ mà Frank Herbert tạo ra. 

tiểu thuyết Dune của Frank Herbert

Hãy cùng  ELLE Man  tìm hiểu về vũ trụ của Dune trước khi thưởng thức “bom tấn” chuyển thể điện ảnh quy tụ dàn sao lớn như Timothée Chalamet, Zendaya, Rebecca Ferguson, Oscar Isaac, Jason Momoa, Josh Brolin… 

Dune

1. Dune – tác phẩm sci-fi vĩ đại

Thời điểm ra mắt vào năm 1965, Dune chưa đạt nhiều thành tựu về mặt thương mại nhưng thắng Nebula và Hugo – hai giải thưởng lớn và danh giá nhất thể loại sci-fi. Cuốn sách được đánh giá cao vì là tác phẩm sci-fi đầu tiên lồng ghép nhiều yếu tố tôn giáo, chính trị, văn hóa, môi trường,… để xây dựng câu chuyện nhiều lớp lang. Thành công của Frank Herbert là tạo ra thế giới rộng lớn và phức tạp mà theo nhà văn Arthur C. Clarke là chỉ có thể so sánh được với Lords of the rings của J. R. R. Tolkien.

Sau hơn năm thập niên, giá trị của Dune ngày càng được khẳng định, thu hút lượng người hâm mộ đông đảo với doanh số hàng triệu bản được bán ra toàn cầu. Năm 2019, tác phẩm lọt vào danh sách “100 tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất mọi thời đại” do BBC News lập nên. Hàng loạt tạp chí uy tín như The Guardian, New York Times, Telegraph,… cũng không ngần ngại gọi nó là kinh điển cho thể loại sci-fi.

Tiểu thuyết Xứ Cát của Frank Herbert
Dune được xem là tác phẩm kinh điển của thể loại khoa học viễn tưởng (sci-fi).

Chìa khóa để hiểu rõ hơn về “Vũ trụ Xứ Cát” (Dune Universe) là Spice Melange, hay còn gọi là “hương dược”. Đây là thứ vật chất quý giá ở Arrakis, được xem như thuốc tiên, mang lợi ích về sức khỏe, giúp nhìn thấy tương lai và dùng làm nhiên liệu du hành liên hành tinh. Tác dụng phụ của nó là gây nghiện và khiến mắt có màu xanh khi tiếp xúc.

Việc khai thác hương dược sẽ chẳng khó khăn nếu không gặp phải sự cản trở của Shai-Hulud và Fremen. Ở Xứ Cát, Shai-Hulud là những sinh vật siêu khổng lồ được mô tả như giun cát, sẵn sàng hủy diệt bất cứ thứ gì cản đường chúng. Trong khi đó, Fremen là tộc người mắt xanh bị đàn áp suốt nhiều thập niên, sống tự do ở Arrakis và xem là vật liêng liêng.

Tạo hình của những con sâu cát Shai-Hulud.
Tạo hình của những con sâu cát Shai-Hulud.
Tạo hình của những con sâu cát Shai-Hulud trong phim.
Tạo hình của những con sâu cát Shai-Hulud trong phim.

Có ba tổ chức quan trọng độc giả cần nắm gồm: Spacing Guild – tổ chức quản lý mọi hoạt động giao thương trong vũ trụ; Mentat – những cá nhân có khả năng tính toán siêu việt, làm việc thay máy tính; và Bene Gesserit – nhóm phụ nữ giống tu sĩ, có khả năng điều khiển tâm trí người khác bằng giọng nói.

Bên cạnh đó, Frank Herbert còn sáng tạo hàng loạt thuật ngữ khoa học dành riêng cho “đứa con tinh thần”. Chẳng hạn, Stillsuit là loại quần áo dành riêng cho vùng sa mạc, có thể hấp thụ nước thoát ra từ cơ thể, tái chế thành nước uống được. Crysknife là thứ vũ khí của người Fremen, làm từ răng những con giun cát đã chết. Sandcrawler là cỗ máy dùng để thu thập hương dược hay Ornithopter là phương tiện di chuyển trên không, có hình dạng như chuồn chuồn đập cánh.

Hình vẽ minh hoạ của Ornithopter. Ảnh: Ornithopter Design by Ron Cobb, Jodorowsky’s Dune
Thiết kế Ornithopter trong phim Dune (2021).

Ngoài ra, Vũ trụ Xứ cát còn chứa đựng hàng loạt thuật ngữ khác khó thể giải thích hết trong khuôn khổ bài viết mà chúng ta chỉ có thể hiểu hơn khi đọc tiểu thuyết và phim ảnh. 

2. Câu truyện nhiều tầng nghĩa về chính trị, văn hoá, tôn giáo, sắc tộc và công nghệ

Bối cảnh của Dune là xã hội trong tương lai, thời điểm mà loài người vừa chiến thắng cuộc chiến với máy móc và trí tuệ nhân tạo. Do đó, người dân ở Xứ Cát hoàn toàn không bị lệ thuộc vào những cỗ máy vô hồn. Ý tưởng này của Frank Herbert như dự báo trước tương lai của con người ngay từ thập niên 1960 khi máy móc đang lên ngôi.

Không khó để nhận ra những ẩn dụ mà Frank Herbert cài cắm trong Dune có ý nghĩa sâu sắc về mặt chính trị, tôn giáo lẫn xã hội. Qua từng trang sách, tác giả thường xuyên sử dụng nhiều thuật ngữ bằng tiếng Ả Rập lẫn mô tả gợi nhớ đến các nước Trung Đông, vẽ nên bức tranh hùng vĩ về “văn hóa sa mạc”.

văn hoá Islam (Hồi Giáo) trong Dune.
Ảnh: Chia Bella James / Warner Bros

Với tư cách là tác phẩm sci-fi, Dune lồng ghép nhiều biểu tượng liên quan đến khoa học và môi trường. Đặt giữa hành tinh khô cằn, tác phẩm làm nổi bật mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chẳng hạn, tộc Fremen xem nước là “máu của thiên nhiên” – thứ biểu tượng cho sự sống, crysknife mang hàm ý về định mệnh, trong khi hương dược đại diện cho “sự giàu có”.

Đặc biệt, Bene Gesserit là đại diện cho những tư tưởng về sắc tộc, tôn giáo. Tổ chức này được xây dựng với nguồn gốc phức tạp, trải qua quá trình rèn luyện kết hợp giữa thiền, yoga và võ thuật, đến khi hoàn toàn làm chủ cơ thể, kháng cự lại những cơn đau.

Thế giới trong Xứ Cát.
Không chỉ vẽ ra thế giới kỳ vĩ, Dune còn là câu chuyện nhiều tầng nghĩa.

Giống The Lord of the Rings hay Game of Thrones, xuyên suốt Dune là những cuộc đấu tranh chính trị, tranh giành quyền lực, xoay quanh việc sở hữu hương dược. Chính thứ được xem như vàng ròng này là nguồn cơn gây ra mọi mâu thuẫn, khiến hành tinh Arrakis và những người Fremen bản địa, bị Empero (Hoàng đế) kiểm soát vì lợi ích chính trị và kinh tế.

Dune còn là câu chuyện về số phận thông qua hành trình của nhân vật chính. Không chỉ vượt qua hàng loạt khó khăn và thử thách, Paul Atreides còn liên tục nhìn thấy những ảo ảnh dự báo về tương lai, nhưng không thể nào thay đổi định mệnh.

Ngoài ra, tác giả cũng không quên cài cắm thông điệp về tình yêu, tình cảm gia đình, lòng tự trọng và tinh thần bác ái,… Sau sáu thập niên, giá trị và những tư tưởng của Dune vẫn nguyên vẹn, không bị lỗi thời. Điều đó phần nào khẳng định tầm nhìn sâu sắc và đi trước thời đại của Frank Herbert.

Ảnh: Posted by u/Ironicalogical in r/dune sub-reddit

3. Giá trị của tác phẩm Dune với văn hóa đại chúng

Kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên năm 1965, Frank Herbert tiếp tục viết nên 5 phần hậu truyện (sequel) để mở rộng vũ trụ rộng lớn, lần lượt là: Dune Messiah (1969), Children of Dune (1976), God Emperor of Dune (1981), Heretics of Dune (1984), Chapterhouse: Dune (1985).

Năm 1986, tác giả đột ngột qua đời khi chưa kịp hoàn thiện “bức tranh” kỳ vĩ về thế giới Xứ Cát. Con trai ông – Brian Herbert – và nhà văn Kevin J. Anderson tiếp tục mở rộng tầm nhìn của Frank Herbert bằng hàng loạt tác phẩm tiền truyện và hậu truyện từ năm 1999.

Vũ trụ của Dune bao gồm tất cả 22 cuốn sách.
Vũ trụ của Dune bao gồm tất cả 22 cuốn sách.

Phát súng đầu tiên là bộ ba “Prelude to Dune” gồm: Dune: House Atreides (1999), Dune: House Harkonnen (2000), Dune: House Corrino (2001). Sau đó, bộ ba “Legends of Dune” ra đời gồm: The Butlerian Jihad (2002), The Machine Crusade (2003), The Battle of Corrin (2004). Cuối cùng là bộ ba “Great Schools of Dune” gồm: Sisterhood of Dune (2012), Mentats of Dune (2014) và Navigators of Dune (2016). Cả chín cuốn sách này đều kể lại những sự kiện xảy ra trước cuốn Dune đầu tiên.

Năm 2006, bộ đôi Brian và Anderson xuất bản hai cuốn hậu truyện Hunters of Dune (2006) và Sandworms of Dune (2007) để hoàn thiện mạch truyện của Frank Herbert kể từ Heretics of Dune (1984). Ngoài ra, hai cuốn Paul of Dune (2008) và The Winds of Dune (2009) nằm trong bộ “Heroes of Dune” được viết nhằm lấp đầy những gì còn thiếu sót trong Vũ trụ Xứ Cát.

Gần nhất, hai tác giả tiếp tục viết nên bộ ba “The Caladan Trilogy” gồm Dune: The Duke of Caladan (2020), Dune: The Lady of Caladan (2021) và Dune: The Heir of Caladan (2022). Bộ sách sẽ giúp người hâm mộ tiếp tục được sống trong thế giới của Dune.

Như vậy, ngoài 6 cuốn sách do Frank Herbert sáng tạo thì độc giả cần phải tìm đến 16 cuốn khác của bộ đôi Brian và Anderson.

Phiên bản điện ảnh của Dune do Denis Villeneuve đạo diễn.
Phiên bản điện ảnh của Dune do Denis Villeneuve đạo diễn.
Đạo diễn Denis Villeneuve phim Dune 2021.
Đạo diễn Denis Villeneuve.

Nếu Frank Herbert không viết Dune, có thể Star Wars cũng không tồn tại, bởi phần lớn chi tiết trong phim đều được lấy cảm hứng từ thế giới Xứ Cát. Cuốn sách còn ảnh hưởng đến hàng loạt bộ phim nổi tiếng khác như Star Trek, Chronicles Of Riddick, The Kingkiller Chronicle, hay Futurama. Không chỉ vậy, bản thân Hayao Miyazaki khi thực hiện bộ anime Nausicaä of the Valley of the Wind (1984) cũng tham khảo khá nhiều thế giới hậu tận thế trong Dune.

Thế mới thấy được tầm nhìn của Frank Herbert là vĩ đại nhường nào!

23

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Sơn Phước

Tham khảo: Sparknotes, Litcharts, The Guardian, Gradesaver

No more