Lấy bối cảnh một thế giới nơi các linh hồn tà ác đội lốt nghệ sĩ để gieo rắc bóng tối, K-Pop: Demon Hunters theo chân nhóm nhạc nữ HUNTR/X gồm ba thành viên: Rumi, Mira và Zoey. Ban ngày, họ là những idol tài năng, biểu diễn tại các sân khấu lớn trên toàn thế giới. Nhưng khi ánh đèn tắt, họ chính là những chiến binh thầm lặng – những kẻ săn quỷ.
Trong hành trình của mình, họ đối đầu với boyband đình đám Saja Boys, những ngôi sao được yêu mến cuồng nhiệt nhưng thực chất là quỷ cải trang. Nhóm nhạc này không chỉ dùng sức hút và âm nhạc để kiểm soát người hâm mộ, mà còn có âm mưu phá vỡ phong ấn bảo vệ loài người khỏi thế lực bóng tối.
“Đánh” nhạc như đánh quỷ
Trận chiến giữa HUNTR/X và Saja Boys là cuộc đấu không cân sức – không chỉ về phép thuật, mà còn là cuộc đụng độ giữa giới tính, quyền lực và thị trường trong văn hóa K-pop.
Một trong những điểm độc đáo nhất của KPop: Demon Hunters là cách sử dụng âm nhạc như một vũ khí. Các ca khúc trong phim được sáng tác bởi những nhà sản xuất từng cộng tác với Blackpink và TWICE như Teddy Park, 24 – vừa bắt tai, vừa mang năng lượng ma thuật. Từng câu hát là một lời chú, từng đoạn drop bass là một cú tấn công vào tà linh.
Ngay trong phân cảnh mở màn, HUNTR/X biểu diễn ca khúc “Golden” trên sân khấu comeback, và mỗi nhịp trống vang lên là một lần mặt đất nứt ra, để lộ linh hồn quỷ dữ ẩn bên dưới. Vũ đạo trong phim không chỉ đẹp mắt mà còn được biên đạo như những chiêu thức chiến đấu. Mira – main dancer – có động tác xoay người tạo sóng chấn động đánh bật kẻ thù, trong khi Zoey – rapper kiêm em út – dùng giọng rap để làm nhiễu ma thuật đối phương.
Bên kia chiến tuyến, Saja Boys mang concept boygroup hoàn hảo: Ngoại hình long lanh, fanbase khổng lồ, hình ảnh lạnh lùng cuốn hút. Nhưng lớp mặt nạ idol ấy chỉ là vỏ bọc cho một thế lực thao túng công chúng.
Phim khéo léo phản ánh thực trạng cạnh tranh khốc liệt giữa idol nam và nữ trong showbiz Hàn: Ai nổi hơn, ai bán album nhiều hơn, ai được ưu ái hơn – và lựa chọn đưa idol nữ vào vai người phản kháng là một ẩn dụ đầy nữ quyền mà không cần lên tiếng rao giảng.
Buổi tiệc “thị giác”
K-Pop: Demon Hunters được tạo hình bằng hoạt hình 2D kết hợp CGI, mang đến cảm giác như đang xem một concert K-pop với màu sắc neon và ánh sáng laser.
Mỗi phân cảnh hành động đều được dàn dựng như một sân khấu comeback: Từ ánh đèn quét ngang khán phòng cho đến biểu cảm nhân vật chiếu qua mặt nạ vỡ. Một khung hình đơn lẻ có thể trở thành poster cho tour diễn hoặc bìa album.
Phục trang trong phim cũng là một điểm nhấn. Các bộ đồ chiến đấu của HUNTR/X được thiết kế như trang phục trình diễn thực tế: Thời trang, cá tính nhưng vẫn tiện lợi. Trưởng nhóm Rumi diện bộ jumpsuit bạc có đường cắt laser tượng trưng cho khả năng lãnh đạo và dòng máu lai bán quỷ. Hay như Zoey mang hình ảnh một nữ chiến binh Gen Z, nổi loạn với váy chiến đấu ngắn và boots cao. Từng outfit thể hiện được bản sắc riêng của nhân vật.
Phần âm thanh được xử lý kỹ lưỡng với sound design biến đổi theo từng phân đoạn hành động: Khi sức mạnh được kích hoạt, trap beat có thể chuyển thành tiếng gió rít, high note của nhân vật chính lại vỡ ra thành âm thanh ma quái từ cõi quỷ.
Tất cả tạo nên một bản giao hưởng thị giác – thính giác hiếm thấy trong dòng phim hoạt hình dành cho teen.
Kịch bản gây thất vọng K-Pop: Demon Hunters
Dù phần hình ảnh và âm nhạc mang lại trải nghiệm đỉnh cao, K-Pop: Demon Hunters vẫn vấp phải điểm yếu quen thuộc của phim hoạt hình điện ảnh ngắn tập: kịch bản chưa đủ chiều sâu. Ba nhân vật chính Rumi, Mira, Zoey đều được xây dựng theo công thức quen thuộc: Trưởng nhóm mạnh mẽ, dancer nội tâm, rapper cá tính. Nhưng với thời lượng hơn 100 phút, phim không đủ không gian để đi sâu vào biến chuyển tâm lý hay mâu thuẫn nội tại.
Điều này đặc biệt đáng tiếc với Rumi, nhân vật bán quỷ mang tiềm năng kịch tính rất lớn, nhưng lại chưa được khai thác hết. Các phân cảnh cao trào như trận chiến concert cuối cùng hay lúc “giải phóng sức mạnh tối thượng” cũng bị cắt dựng quá nhanh, khiến cảm xúc người xem bị đứt quãng.
Phía phản diện – nhóm Saja Boys – dù được giới thiệu là thế lực cổ đại nguy hiểm, nhưng quá trình bị đánh bại lại diễn ra khá dễ dàng và thiếu logic. Nếu đây là một album K-pop, thì K-Pop: Demon Hunters là album có concept cực mạnh, hình ảnh chỉn chu, nhưng phần “lời ca”, tức nội dung kịch bản, lại chưa khiến người xem ám ảnh lâu dài.
Netflix đã biến một ý tưởng tưởng chừng kỳ quặc thành tác phẩm hoạt hình có phong cách rất riêng. K-Pop: Demon Hunters không chỉ phục vụ người hâm mộ K-pop, mà còn mở ra một hướng đi mới cho dòng phim “idol fantasy” – nơi thần tượng không chỉ là biểu tượng âm nhạc, mà còn là đại diện cho sức mạnh, bản lĩnh và tiếng nói phản kháng của thế hệ trẻ trước những thế lực thao túng vô hình.
_____
Bài: Phúc Logic