“Khi ta mơ quá lâu” là cuốn tiểu thuyết xoay quanh cảm giác lạc lối của người đàn ông đang trưởng thành đứng trước sự thay đổi vũ bão của thời cuộc. Người “đang cố hết sức chống chọi với cuộc sống hiện tại” mà cũng vừa đang “mơ màng, chần chừ không muốn thức giấc”. Tiểu thuyết đầu tay của tác giả Goh Poh Seng đồng thời là tiểu thuyết tiếng Anh đầu tiên của văn chương Singapore được cho rằng đã đi sâu vào căn tính Singapore. Nhưng hơn thế còn là căn tính của những người trẻ đang vẫy vùng đâu đó trong các đô thị lớn, đi tìm tiếng nói cho thế hệ của họ.
Kwang Meng và bạn bè anh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp. Là con trai xuất thân trong gia đình lao động nhiều miệng ăn, anh không đủ điều kiện và cũng không có khả năng vào đại học bằng học bổng. Giữa thời kỳ kinh tế công nghiệp hóa đang bắt đầu, rất ít công việc bàn giấy văn phòng phù hợp trình độ học vấn của Kwang Meng, anh thuộc vào nhóm “những kẻ ôm ấp mơ mộng thầm kín nhìn thấy giấc mơ tan vỡ khi đi xin việc. Phần lớn chúng nhìn thấy mình nối gót cha, nhận lấy định mệnh là phải sống như cha mình”.
Để thoát khỏi sự buồn tẻ, anh theo chân hai người bạn thân Hock Lai và Portia bù khú nơi quán bar, tìm kiếm cảm giác trưởng thành của gã trai trẻ ở cô tiếp viên quán bar tên Lucy. Rơi vào tình yêu với Lucy nhưng anh bị khước từ khi thổ lộ mong đợi nghiêm túc. Vì dự cảm về một tương lai không đi đến đâu về người đàn ông còn quá trẻ chẳng là gì ngoài chân thư ký quèn, anh đã không thể thấy mình trong tương lai, càng không thể tin tưởng tương lai sau tổn thương đầu đời đó. “Những người còn trẻ đôi khi họ nhìn được rất xa, thậm chí rõ ràng, nhưng họ lại chưa có lòng tin”.
Đến lúc Kwang Meng gặp Boon Teik, anh nhận ra cuộc đời có thể điều chỉnh được. Anh biết cách hiểu bản thân đã học gì từ việc đọc sách, đã thấy vợ chồng Boon Teik và Mei hạnh phúc thế nào. Anh nhận ra hạnh phúc là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên khi bắt đầu hình dung về giấc mơ và mong muốn rõ ràng cho cuộc sống tiếp theo của mình, thì thực tại lại cuốn anh vào vòng xoáy khắc nghiệt khác.
Với lối kể trữ tình, giọng điệu tự sự nhẹ nhàng, gần gũi, đọc Goh Poh Seng không cần nhập vai để đồng cảm mà tâm trạng nhân vật bộc lộ trong chính chúng ta. Nỗi thất vọng hay những cơn khủng hoảng giống nhau. Nhiều lần thấy mình trôi nổi vô hướng giữa cuộc sống chán chường đến bức bách. Phải trải qua giai đoạn băn khoăn xét lại ý nghĩa cuộc đời. Nếu chẳng có nghĩa lý gì thì thật “sống trên đời sẽ chỉ là một sự phù phiếm không sao chịu đựng nổi”. Tuổi trẻ dễ bị hút về phía giấc mơ rồi lại dễ bị xô ngã hoặc mắc kẹt trong cơn mộng mị quá dài, dùng dằng mãi không dứt.
Kwang Meng là một nhân vật chán nản hiện tại, mơ màng và thích chìm đắm trong những quan sát của riêng mình. Hòa vào lòng biển cả, làm bạn với ánh trăng nhưng anh không hề rời mắt các công trình đang xây cất ồ ạt, cảm nhận làn sóng văn hoá mới. Anh hoàn toàn ý thức được sự nở rộ của một quốc gia, kế hoạch xâm chiếm của con người trong cuộc đổi mới.
Sức mạnh của cuốn tiểu thuyết nằm ở chính cách thể hiện cái nhìn thẳng thắn của Kwang Meng vào chuyển đổi không ngừng xung quanh anh. Ở đó có kẻ chọn con đường cơ hội, có người thoát ly, những thân phận chấp nhận nằm ngoài rìa sự thay đổi, và cả người đàn ông thiếu ý chí như anh. Goh Poh Seng không chỉ phơi bày ruột gan đàn ông bằng thứ gì đó như rượu, đàn bà, chính trị, thể thao, tiền mà còn thể hiện tiếng nói dân chủ dù chỉ qua một vài đối thoại mỏng manh. Tác giả đã đánh động khao khát hiểu rõ giá trị mỗi cá thể trong xã hội cấp tiến, rằng muốn thỏa mãn bản thân thì phải đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng, được hạnh phúc một cách không gượng ép.
Goh Poh Seng là văn sĩ thuộc thế hệ hậu chiến, các tác phẩm ra mắt vào thập niên 80 bày tỏ thái độ cá nhân trước bối cảnh lịch sử biến động bởi cuộc giải phóng thuộc địa và xây dựng dân tộc. Đặc biệt thú vị là ở Khi ta mơ quá lâu, Goh Poh Seng lựa chọn điểm nhìn từ người đàn ông trẻ, yếu đuối và mộng mơ. Lẽ nào giống như ảnh hưởng không bao giờ qua đi của tuổi trẻ, bên trong người đàn ông hoài bão, hay hoài nghi về giá trị bản thân, trăn trở với thời cuộc vẫn luôn có những tự vấn dai dẳng: “Ta là ai? Ta phải làm gì với chính ta?”, thậm chí “mơ thì có hại gì?”.
—
Bài: Ngô Hạ – Hình ảnh: internet