Review “Ngày xưa có một chuyện tình”: Những nỗi buồn rất đẹp

Bài Tuan Anh

Kịch bản "Ngày xưa có một chuyện tình" mang đến sự đồng cảm sâu sắc khi không có tuyến nhân vật chàng khờ thủy chung, cô gái ngây thơ, hay gã trai đểu; chỉ có những con người đi tìm tình yêu, và khao khát được yêu.

 

Phim điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình do Trịnh Đình Lê Minh đạo diễn, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim kể về “bùng binh” tình ái của ba người bạn từ thời thơ ấu: Vinh (Avin Lu), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) và Miền (Ngọc Xuân). Đến năm lớp 12, vẫn giữ tính rụt rè, nên Vinh thương Miền nhưng không dám nói. Khi thấy Miền và Phúc đến với nhau, cậu cũng đành chấp nhận, thầm chúc phúc cho bạn. Thế nhưng, tình yêu giữa Miền và Phúc cũng sớm bị số phận thử thách.

ngày xưa có một chuyện tình
Ngày xưa có một chuyện tình do Trịnh Đình Lê Minh đạo diễn, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. (Ảnh: CJ)
Review

Chuyện tình như từ trang sách bước ra ngày xưa có một chuyện tình

Có thể thấy chủ đề chính Ngày xưa có một chuyện tình không mới, bởi mối quan hệ “tam giác tình yêu” đã là chủ đề muôn thuở từ thi ca, âm nhạc cho đến phim ảnh hiện đại. Tuy nhiên, nếu khán giả đã quen với những cuộc đấu tranh kịch tính, thậm chí là độc hại, giữa những người tranh giành tình yêu, thì phim mới của Trịnh Đình Lê Minh tựa như một bài thuốc chữa lành.

 

Để khắc họa trọn vẹn nhân nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Lê Minh lật giở chuyện tình của Vinh – Phúc – Miền thành ba giai đoạn rõ nét, mỗi nhân vật chính đều có hai phiên bản trẻ em và trưởng thành. Ở hồi đầu tiên, không ai trong số bọn trẻ ấy biết thế nào là tình yêu, chỉ mỗi việc định nghĩa cũng khiến chúng đau đầu. Nhưng Vinh biết việc bảo vệ Miền khỏi lũ trẻ bắt nạt làm tim cậu đập bừng bừng, hay Miền thấu hiểu nỗi đau của chị Lụa (Rima Thanh Vy) khi bị gia đình ngắn cấm quen anh Đường (Lê Công Hoàng). Phúc tưởng chừng là đứa trẻ hiểu chuyện nhất, nhưng thực ra cậu chỉ đang tỏ ra sỏi đời, che giấu cảm xúc thật bên trong.

Thế giới trong tranh sách Nguyễn Nhật Ánh hiện lên trọn vẹn trên phim. (Ảnh: CJ)

Đối lập với vẻ đẹp trong veo của ba đứa trẻ, Trịnh Đình Lê Minh mang đến những góc máy rộng hơn, man mác hơn ở hồi sau của tác phẩm. Lúc này, nhà làm phim tận dụng khéo léo các góc quay để họa nên bức tranh tình yêu một cách trọn vẹn nhất. Góc toàn được sử dụng để bắt lấy những cảnh thiên nhiên rộng lớn, mê hồn của làng quê Phú Yên; lọt thỏm trong đó là những thân phận con người, đến với nhau rồi phải chia ly cũng bởi cụm từ “môn đăng hộ đối”.

 

Trong khi đó, trung cảnh được sử dụng để bắt lấy những đoạn hội thoại của từng tuyến nhân vật. Trong phim, các nhân vật luôn phải ngồi lại để trò chuyện, để cùng định nghĩa và đối chất, từ đó đưa ra khái niệm đúng cho “tình yêu”. Góc cận là khi phim đặc tả tâm lý của ba nhân vật chính, với những góc quay chính diện, rõ nét, thu về từng ánh mắt, nụ cười, giọt nước mắt của Vinh – Phúc – Miền.

 

Trên hết, dù có yếu tố tình tay ba, Ngày xưa có một chuyện tình lại không chọn cách kịch tính hóa mối quan hệ này. Giữa Phúc và Vinh vẫn có sự đấu tranh nội tâm, những suy nghĩ nhỏ nhen khi cùng yêu một cô gái. Nhưng họ chọn cách tiếp tục một tình bạn đẹp, để có thời thanh xuân đẹp đẽ nhất.

 

Cảnh Miền, Phúc, Vinh cùng ngồi xem chiếu bóng, hay cảnh họ bên nhau nhìn về phía chiều tàn có thể bất hợp lý nếu người xem quá xét nét với đời thực. Nhưng đó lại là bức tranh tuyệt đẹp đại diện cho thanh xuân, nơi sự vấy bẩn và những toan tính không tồn tại. Không có kẻ thắng hay người thua trong cuộc tình này, bởi “tình yêu không phải là một trận tuyến và trái tim người con gái cũng không phải là bốt đồn”.

ngày xưa có một chuyện tình
Những góc quay đẹp và buồn man mác. (Ảnh: CJ)

Tính nữ trong văn Nguyễn Nhật Ánh được thể hiện chuẩn xác

 

Thực tế, từ trước khi ra mắt, Ngày xưa có một chuyện tình thường được so sánh với tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là Mắt Biếc. Mắt Biếc được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2019, cũng xoay quanh một chuyện tình tay ba khác giữa Ngạn – Dũng – Hà Lan.

 

Tuy nhiên, khi xem phim, khán giả sẽ nhận ra nhiều điểm khác biệt. Vốn dĩ, ba nhân vật trong Mắt Biếc không có sự gắn kết sâu sắc như Vinh – Phúc – Miền của Ngày xưa có một chuyện tình. Ngoài ra, nếu Hà Lan bản điện ảnh luôn chờ Ngạn nói ra câu tỏ tình, thì Miền trên màn ảnh lại có sự yêu – ghét rất rạch ròi. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh có sự nhẹ nhàng song cũng rất tinh tế khi khai thác hình tượng phái nữ trên phim. Từ Thưa mẹ con đi đến Ngày xưa có một chuyện tình, những người mẹ, người chị, người em gái trong phim của anh đều hướng đến sự chu toàn, đức hy sinh, sẵn sàng vì hạnh phúc của người thân mà chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, đứng trước tiếng gọi của số phận, họ luôn biết mình muốn gì, luôn biết hướng về nơi ấm áp và chân thành nhất.

nguyễn nhật ánh
Những người phụ nữ trong phim của Trịnh Đình Lê Minh đều độc lập và mạnh mẽ. (Ảnh: CJ)

Đó cũng là lý do Miền từng yêu Phúc, nhưng cuối cùng tìm đến bến đỗ là Vinh. Phúc là cơn gió của những ngày tươi trẻ: Mạnh mẽ, mát lạnh, luôn là điềm báo của những chuyến phiêu lưu bất định. Ngược lại, Vinh lại là ánh nắng ấm sau cơn mưa – chỉ sau khi trải qua bão giông, con người mới biết trân trọng. Vì Miền luôn đủ trưởng thành để vượt qua sự bồng bột của tuổi trẻ, nên cô biết mình phải ở lại bên Vinh.

 

Có thể thấy, tác phẩm của Trịnh Đình Lê Minh luôn ngập tràn tính nữ và tinh thần ngợi ca người mẹ, mà không cần các nhân vật phải lặp đi lặp lại điều này. Chỉ có như thế, anh mới chuyển thể trọn vẹn, không chỉ hình ảnh, mà cả quan điểm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Miền, hay Hà Lan, vốn dĩ luôn biết trái tim mình đặt ở đâu. Vì vậy, sẽ không có chuyện hai người phụ nữ này ỡm ờ trong tình cảm, để rồi cuối cùng phải tiếc nuối vội chạy theo chuyến tàu chở người thương trong vô vọng.

 

Đến đây, không thể không dành lời khen cho dàn diễn viên chính, những gương mặt trẻ thổi hồn cho chuyện tình tay ba buồn man mát. Trong dàn cast chính, Avin Lu có thể xem là diễn viên có nhiều kinh nghiệm nhất. Sau Sài Gòn sau cơn mưaTrịnh Công Sơn, có vẻ khán giả đã quen với một Avin Lu thư sinh, đôi mắt luôn mang nét buồn khó tả. Có thể thấy, Vinh không phải là vai khó với Avin Lu. Trên phim, “chàng thơ” 29 tuổi diễn trọn vẹn hai thái cực của cuộc đời Vinh: Thời học sinh nhút nhát, tuổi trưởng thành thâm sâu. Avin Lu phù hợp cả về tạo hình, cũng như sự phức tạp trong nhân vật này.

 

Với Đỗ Nhật Hoàng và Ngọc Xuân, hai bạn trẻ thực sự thuyết phục khán giả trong bộ phim chạm ngõ điện ảnh. Để bù đắp cho kinh nghiệm diễn xuất, Nhật Hoàng và Ngọc Xuân luôn nỗ lực trong việc khai thác – khai phá câu chuyện của nhân vật mà mình thể hiện. Phúc của Nhật Hoàng thì tràn trề năng lượng, luôn như trực chờ để bùng nổ. Miền của Ngọc Xuân thì nhẹ nhàng, đằm thắm, tuy không có nhiều câu thoại sâu sắc, nhưng cô luôn biết dùng ánh mắt để đẩy đưa câu chuyện, cũng như kết nối với hai bạn diễn nam.

ngày xưa có một chuyện tình
Diễn xuất hấp dẫn, giàu cảm xúc giúp khán giả thưởng thức trọng vẹn phim. (Ảnh: CJ)

Nhìn chung, diễn xuất của dàn chính phù hợp với phong cách kể chuyện “character-driven” (để nhân vật dẫn dắt cảm xúc) của Ngày xưa có một chuyện tình. Phim nhẹ nhàng, dịu dàng, mang đến sự đồng cảm và lòng nuối tiếc sâu đậm. Bởi ai không từng trải qua một tình yêu, tình bạn đẹp mà buồn đến thế?

Review

_______

Bài: Phúc Logic

No more