“Người là một bóng chim khuê tú”: Soi mình qua tập thơ của Nguyễn Thiên Ngân

Bài Tuan Anh

Sau bảy năm vắng bóng, Nguyễn Thiên Ngân trở lại với tác phẩm mới mang tên “Người là một bóng chim khuê tú”. Tựa đề của cuốn sách cũng được trích từ một áng văn trong tác phẩm: “Ta như cây bách buồn sau núi/ Một mình ngấm gió, một mình say/ Người là một bóng chim khuê tú/ Rũ cả miền trời sau cánh bay”. Với 3000 bản in bán hết chưa đầy nửa tháng, có thể thấy cái tên Nguyễn Thiên Ngân vẫn luôn nhận được sự hưởng ứng của độc giả Việt.

 

Ngay tựa đề cuốn sách Người là một bóng chim khuê tú, từ “khuê tú” tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt khi gợi mở hai tầng hình ảnh trong tâm trí người đọc. Ở nghĩa đầu tiên, “khuê tú” dùng để chỉ người phụ nữ tài giỏi, đức hạnh – một hình ảnh gần gũi với tinh thần của cả tập thơ lẫn phong cách thường thấy nơi Nguyễn Thiên Ngân: nhẹ nhàng, mềm mại, không cần “lên gân” để hô hào lý tưởng, mà chỉ đơn thuần nói lên những cảm xúc đơn thuần nhất của con người. Nghĩa thứ hai tuy đơn giản hơn nhưng cũng mở rộng hơn: đó là bóng dáng của loài sếu khuê tú – một loài chim kiêu sa, thanh thoát. Nếu ở nghĩa đầu, “khuê tú” mang nét nữ tính rõ rệt, thì trong nghĩa thứ hai, hình ảnh “người” đã vượt qua giới hạn nam – nữ, như một lời nhắn gửi rằng tự ta đã là một vẻ đẹp. Khi thưởng thức tác phẩm, người đọc có thể thấy nghĩa thứ hai phù hợp với tập thơ hơn. Nguyễn Thiên Ngân gửi gắm những trải nghiệm cho độc giả, những người đang dõi theo hành trình của chị qua những con chữ. Có lẽ vì thế, nhà thơ luôn dùng những từ “người” hay “ta” trong sáng tác của mình.

người là một bóng chim khuê tú
Ảnh: Tổng hợp

Liệu ta sẽ tìm thấy gì trong những vần thơ này – một vẻ đẹp mong manh, hay một ý niệm sâu sắc nào đó? Nhưng thực tế, điều kỳ diệu nhất của thi ca, và rộng hơn là nghệ thuật, chính là việc ta nhận ra chính mình trong thế giới của người nghệ sĩ. Mỗi tập thơ của Nguyễn Thiên Ngân như một cột mốc trưởng thành, nơi cô nhìn lại phiên bản trẻ hơn của bản thân với đầy những mong chờ yêu thương, từ đó, cô như thì thầm kể lại với “mình ngày ấy” những trải nghiệm đã đi qua và cả những phút giây đối diện bản thân trong tĩnh lặng.

 

Chỉ còn một khoảng trời câm

 

Gió thôi phiêu hốt, lá nằm thở im

 

Và trong thinh lặng

 

Ta chìm

 

Thơ Nguyễn Thiên Ngân không nói, bởi cô đã tìm vẻ đẹp trong những lời lặng câm. Phần lớn các bài thơ không có tiêu đề, đôi khi chỉ vài dòng ngắn ngủi, đôi khi kéo dài ba bốn khổ – nhưng dường như chẳng bao giờ là kể chuyện. Nguyễn Thiên Ngân không dùng thơ để kể lể, mà đó là những tâm tư trải dài, đôi lúc nhẹ như tiếng thở, đôi khi là những suy nghĩ đang cuộn mình trong dòng tâm tư để tan ra. Có lẽ vì thế mà thơ Nguyễn Thiên Ngân dễ chạm – bởi trong những lời nhắn gửi mà cô dành cho phiên bản trẻ hơn của mình, người đọc tìm được sự đồng điệu, bởi ai cũng từng đi qua những đổ vỡ, những vết thương âm ỉ và cả những biến cố tưởng chừng không gượng dậy nổi. Cuối cùng sau tất cả, sự thinh lặng của thời gian mới là điều lặng lẽ đáp lời, âm thầm chữa lành. Thơ của Nguyễn Thiên Ngân như thể hiện thân của thời gian ấy – không vội vàng, không ồn ã – chỉ lặng lẽ ở đó, cùng ta.

người là một bóng chim khuê tú
Ảnh: Tư liệu

Khởi đầu từ truyện ngắn, nhưng Nguyễn Thiên Ngân lại đánh dấu tên mình trong lĩnh vực thơ ca. Từ tập thơ đầu tiên Mình phải sống như mùa hè năm ấy (2012), Nguyễn Thiên Ngân liên tục ghi dấu ấn với Lạ lùng sao, đớn đau này (2013), Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời (2015)Có người sực tỉnh cơn mơ (2018). Với Người là một bóng chim khuê tú (2025), độc giả và giới phê bình vẫn chưa bao giờ luận bàn rằng đây có phải là những vần thơ xuất sắc hay không. Bởi lẽ, thơ điều không dễ đo đếm bằng tiêu chuẩn rạch ròi. Nhà văn Trang Thế Hy từng viết trong truyện ngắn Nắng đẹp miền quê ngoại một câu rất đẹp và cũng rất thật: “Đọc một tập thơ, ta yêu vài bài; trong một bài, ta yêu vài câu; trong một câu, ta yêu vài chữ.” Người đọc tìm đến thơ của Nguyễn Thiên Ngân cũng như thế – có những bài khiến ta dừng lại lâu hơn, có những câu bất chợt chạm vào đâu đó trong mình.

 

Bên cạnh đó, Nguyễn Thiên Ngân bằng cách nào đó đã đưa hơi thở cuộc sống đương đại vào thơ một cách tự nhiên. Như một bài nằm ở trang 37, chỉ vài dòng nhưng nặng tựa một khoảng đời: “Thôi, / Đừng cố gắng chữa lành tôi / Để tôi tự tại sống đời khổ đau/ Tự bươn gió nát mưa nhàu/ Tự đi,/ Tự đến ngày sau nắng tàn.” Nếu đọc lại thêm vài lần nữa, ta sẽ nhận ra trong những câu thơ ấy không phải là sự gục ngã, mà là một kiểu phản kháng – âm thầm nhưng đầy chủ động. Trong xã hội hôm nay, “chữa lành” đã trở thành một từ khóa quen thuộc, thậm chí là một thứ công nghiệp cảm xúc. Người người chữa lành, nhà nhà chữa lành. Nhưng thơ của Nguyễn Thiên Ngân lại chọn một con đường khác, một hành trình lặng lẽ hơn: chữa lành bằng sự chung sống với nỗi đau. Đó không phải lời đầu hàng, mà là lời chấp nhận – rằng có những nỗi đau không thể biến mất, chỉ có thể học cách sống cùng. Và rồi khi tập thơ kết thúc, những âm vang của một phần hành trình ấy vẫn còn vang vọng như một cánh chim soi đường ta đi.

nguyễn thiên ngân
Ảnh: Tư liệu

Người là một bóng chim khuê tú không phải là tập thơ để đọc vội, mà là để lắng nghe, để cảm và nhận ra những phần mình tưởng đã lãng quên. Nguyễn Thiên Ngân không cố gắng cất lời thật to, cô chỉ khẽ khàng chạm vào cảm xúc – bằng những khoảng lặng, bằng những câu chữ nhẹ như gió. Và đôi khi, chính sự khẽ khàng ấy lại khiến ta rung động sâu sắc nhất.

______

Bài: Thu Phiến

No more