Nguyễn Quang Thạch, gã ăn mày hạnh phúc

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 4/2016] Nguyễn Quang Thạch được biết đến với cái tên “người ăn mày sách”, vì anh đã đi bộ khắp đất nước xin sách cho trẻ em nông thôn Việt Nam.

…Và giờ đây, ước mơ của anh đang vươn đến một mức độ mới.

ellemanvn nguyen quang thach

Gặp ELLE MAN, Nguyễn Quang Thạch cho biết báo chí đã nói nhiều về mình. Và giờ đây, không còn muốn nhắc lại những câu chuyện cũ, anh dành thời gian để bàn về tầm nhìn quốc gia đối với chương trình “Sách hóa nông thôn” mà mình sáng lập, điều hành.

Năm ngoái, giờ này anh đang còn đi bộ xuyên Việt để huy động sách cho chương trình Sách hóa nông thôn. Sau những cuộc đi bộ ấy, chương trình Sách hóa nông thôn của anh đã có những bước tiến hoặc thay đổi nào so với trước đó?

Vào thời điểm này của năm 2015, tôi đang trên hành trình đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trước 2015, tôi vừa luyện tập đi bộ ở tỉnh Thái Bình để chuẩn bị cho chuyến đi hơn 1.700km, vừa đưa thư khuyến đọc đến 30 trường tiểu học và THCS ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình nhằm đánh thức lương tâm thầy cô giáo và cha mẹ học sinh, bởi một số lớp học đã có tủ sách nhưng nhà trường không cho mượn đưa về nhà. Bước tiến quan trọng là Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi về các Sở giáo dục nhân rộng Tủ sách Phụ huynh đến các lớp học trên toàn quốc.

Tại sao anh lại chọn Thái Bình chứ không phải một vùng nông thôn nào khác?

Mô hình đầu tiên là Tủ sách Dòng họ thì tôi chọn chính dòng họ của mình ở Hà Tĩnh. Kế đến tôi chọn Thái Bình vì mặt bằng dân trí ở Thái Bình đồng đều nên dễ áp dụng các loại tủ sách còn lại. Hơn nữa, Thái Bình gần Hà Nội thì tiện lợi cho việc truyền thông để tạo ra hiệu ứng trên quy mô quốc gia.

Tính đến nay anh đã gắn bó với chương trình Sách hóa nông thôn được bao nhiêu năm rồi nhỉ?

Tổng số thời gian kiến tạo và gây dựng chương trình đã mất 19 năm. Hiệu quả thiết thực là hàng trăm ngàn trẻ em nông thôn được đọc sách như trẻ em con nhà khá giả ở đô thị. Chương trình đã tạo ra 4 loại tủ sách mà hàng triệu người có thể nhân rộng, giúp thay đổi nhận thức nhiều người trong xã hội về sách. Cái được mà công việc này mang lại cho tôi là khát vọng đóng góp đời mình cho sự tiến bộ xã hội đang được hiện thực hóa. Vì khi tất cả trẻ em nông thôn Việt Nam được đọc sách như trẻ em Hà Nội và các nước phát triển thì 20 năm sau, đất nước chúng ta sẽ giàu lên bởi tri thức.

Nguyễn Quang Thạch - elle man 1
Nguyễn Quang Thạch trong chương trình ủng hộ sách nông thôn Quảng Trị.

Với những người chưa có thói quen đọc sách, anh đã xây dựng thói quen này cho họ thế nào? Làm thế nào để tránh tình trạng sách nằm xếp kho?

Đối với người lớn từ 18 tuổi trở lên chưa có thói quen đọc sách thì kích thích họ đọc sách không hề dễ. Chúng tôi thông qua sự đọc của trẻ em để tác động đến người lớn. Nhờ đặt tủ sách trong lớp học, học sinh đọc nhiều và đã hỏi cha mẹ các em, một số phụ huynh đã mượn sách ở lớp con họ để đọc cho những đứa con chưa biết chữ. Một số nông dân, do cần kiến thức cho đồng ruộng đã mượn sách ở các Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Hậu phương chiến sĩ…

Hoạt động xã hội là một công việc cần huy động sức người, sức của và sự chung tay của cộng đồng nhưng tôi thấy anh thường xuất hiện theo kiểu độc hành, “đơn thương độc mã”.

Tôi đơn thương trong 10 năm đầu nghiên cứu lý thuyết. Trong 9 năm áp dụng thực địa, chương trình Sách hóa Nông thôn đã có hơn 100.000 thành viên xã hội đồng hành. Đặc biệt gần 100.000 cha mẹ học sinh nông thôn góp 50-70.000 VNĐ/năm đã tạo ra hơn 5.000 tủ sách đặt trong lớp học. Hiện tại, số người tự nhân rộng các loại tủ sách đang tăng lên. Tôi đã vận hành Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng để gây quỹ nhân rộng các tủ sách từ năm 2010.

Giới

Trong vòng 19 năm đem sách về nông thôn, anh thấy giai đoạn nào mình hoặc chương trình của mình hoạt động hiệu quả hơn cả?

Theo anh, lý do vì sao? Càng ngày kết quả càng cao vì số tủ sách tăng lên và truyền thông nhiều hơn. Tuy nhiên, chương trình Sách hóa Nông thôn được tạo nên giống như tôi đã từng đi lấy cát và đá để đóng gạch xây nhà nên giai đoạn nào cũng quan trọng vì không có những cuốn sách và tủ sách đầu tiên thì không thể có ngày hôm nay.

Có thể nói anh là người có chí lớn khi ngay từ đầu đã xác định mình sẽ làm “một cuộc cách mạng sách dân sự”. Cho đến thời điểm này, anh cảm thấy mình đã đi được bao nhiêu phần trăm con đường?

Về mặt kế hoạch và chiến lược vạch ra gồm áp dụng mô hình và vận động chính sách thì đã đạt 100% nhưng về số lượng tủ sách thì mới đạt 6%, tuy nhiên con số tủ sách sẽ tăng vì Bộ GD&ĐT đã có văn bản nhân rộng Tủ sách Phụ huynh đến lớp học.

nguyễn quang thạch - elle man 4
Nguyễn Quang Thạch quan niệm, thông qua sự đọc của trẻ em để tác động đến người lớn.

Thành quả mà năm vừa qua anh đã đạt được là gì?

Việc tôi giữ được mạng sống để về đích là thành công lớn nhất. Thành công thứ hai như vừa chia sẻ là Bộ GD&ĐT đã có văn bản nhân rộng tủ sách đến lớp học.

Anh muốn nói về tầm nhìn quốc gia của mình trong năm nay. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về tầm nhìn đó?

Năm nay tôi tiếp tục đi bộ từ Sài Gòn đến Cà Mau để kêu gọi cha mẹ học sinh và tất cả giáo viên trên toàn quốc hiện thực hóa văn bản của Bộ GD&ĐT.

Vậy là anh lại một mình đi bộ đường dài với đôi mắt “con lành, con hỏng” (một mắt của anh bị bong võng mạc, mất thị lực hoàn toàn). Anh có thể chia sẻ một vài hình ảnh hoặc câu chuyện đẹp, cảm động, giàu cảm xúc về việc đóng góp sách trên đường đi mà anh đã gặp? Có câu chuyện hay mối lương duyên nào đã làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề hoặc cách thức hoạt động của anh hay không?

Để tạo ra Sách hóa Nông thôn, nhiều con người đã chung tay, vô số người đã đọc sách cùng con trẻ và hình ảnh trẻ đọc sách ngấu nghiến luôn đẹp trong tôi. Trong chuyến đi bộ Hà Nội-Sài Gòn, tôi gặp vô số con người không được đọc sách từ nhỏ đã làm tôi ân hận rằng tôi phải đi bộ sớm hơn để tăng cơ hội đọc sách cho con trẻ. Nhờ đó mà tôi tiếp tục đi bộ từ Sài Gòn đến Cà Mau để tăng tốc tiến trình Sách hóa Nông thôn.

Không phải ai cũng làm được những điều mà Nguyễn Quang Thạch đã làm – tạo ra được 5.000 tủ sách đặt trong lớp học cho trẻ em nông thôn. Chắc hẳn anh rất được các nông dân yêu mến?

Tôi nghĩ có một số nông dân mến tôi vì đã đưa ra mô hình thư viện rẻ nhất với túi tiền của nông dân. Chỉ góp 50.000 VNĐ mà con cái học được đọc 2.000.000- 3.000.000 VNĐ tiền sách/năm.

Trong số các tủ sách như Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Giáo xứ, Tủ sách Hậu phương – quê hương chiến sĩ, anh thấy tủ sách nào hoạt động hiệu quả hơn cả?

Tủ sách Phụ huynh đặt trong lớp học hiệu quả nhất vì gần học sinh nhất. Nhiều ngàn học sinh nông thôn đã đọc 20-30 đầu sách/năm từ Tủ sách Phụ huynh.

Sắp tới, anh có dự định thành lập thêm tủ sách nào nữa không?

Tôi đang nối kết và tư vấn kỹ thuật để nhiều nhóm đưa sách về các tỉnh trong toàn quốc. Hiện tôi đang nhân rộng tủ sách ở Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng…

nguyễn quang thạch - elle man 3
Hiện nay anh đang nhân rộng mô hình Sách hóa nông thôn Việt Nam ở Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng…

Anh đang và sẽ làm gì để mô hình Sách hóa nông thôn được nhân rộng hơn nữa?

Tôi tiếp tục đi bộ ở trong nước và sẽ nhân rộng ra nước ngoài như Ấn Độ. Tôi soạn thư gửi vài tổ chức ở Ấn Độ đề nghị áp dụng Tủ sách Phụ huynh và đi bộ kêu gọi tầng lớp trung lưu Ấn đưa sách về nông thôn.

Làm công việc này lâu, anh có thấy mình mắc bệnh nghề nghiệp không? Nếu có thì đó là gì?

Bệnh của tôi là cái gì cũng quy ra sách.

Đâu là cuốn sách hoặc bộ sách mà anh tâm đắc nhất? Tại sao?

Các tác phẩm kinh điển như Những tấm lòng cao cả, Túp lều bác Tôm, Robinson Crusoe…, rồi những cuốn như Khuyến học của Nhật Bản hay bộ sách Phật giáo của Thích Nhất Hạnh.

Người ta hay gọi anh là gã ăn mày sách. Thời điểm này, nếu tự họa chân dung mình, anh sẽ họa như thế nào hoặc anh sẽ nói gì?

Tôi là kẻ ăn mày sách
Ăn mày có ở đâu xa
Nông thôn đói sách ta ra ăn mày

Anh có phải là một người hạnh phúc?

Tôi rất hạnh phúc vì tình yêu Tổ quốc luôn cháy bỏng để tôi hành động vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo. Khi quốc gia dung chứa tinh thần này thì nghiễm nhiên chúng ta được tôn trọng và nhân dân hạnh phúc. Nhiều người nói rằng cuốn sách làm họ giật mình, và đó là lời khen quý nhất với tôi. Quá trình viết là một quá trình tự vấn với tôi, và tôi vui khi thấy những điều mình viết ra giúp ích người khác trên con đường tự vấn.

nguyễn quang thạch - elle man 5
Anh tự xem mình là người hạnh phúc, vì tình yêu Tổ quốc luôn cháy bỏng để anh hành động vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo.

Còn với những người yêu cầu nhìn thấy các giải pháp rõ ràng được đặt lên bàn, tôi đồ rằng nếu bây giờ cho họ đọc Kinh thánh, họ cũng sẽ tiếp tục phàn nàn là “Không có giải pháp gì cụ thể, chỉ thấy nói mãi về tình thương”.

Hành trình sách hóa nông thôn

Anh Nguyễn Quang Thạch đã dành ra 19 năm để nghiên cứu và thực hiện chương trình Sách hóa nông thôn, bắt đầu từ chính những gia đình, dòng họ ở gần mình. Ban đầu, anh phải bỏ tiền túi ra để xây dựng các tủ sách. Từ năm 2011, phong trào của anh được cộng đồng biết đến và ủng hộ. Đến giờ, mỗi ngày anh vẫn đi bộ ít nhất 20km để vận động các trường học xây dựng tủ sách với mong muốn có 300.000 tủ sách trên toàn quốc vào năm 2017.

Bài: Yến Lê – Minh họa: Trương Huyền Đức – Hình ảnh: facebook cá nhân Nguyễn Quang Thạch

xem thêm

No more