Nguyễn Tư Nghiêm: “Hiện đại được truyền thống qua từng tác phẩm”

Bài Duc Nguyen

[Tạp chí ELLE - 8/2016] Mỗi họa sĩ trong bộ tứ bậc thầy "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái" đều là một con đường riêng biệt góp phần quan trọng tạo nên bức chân dung của hội họa Việt Nam hiện đại. Nguyễn Tư Nghiêm là minh chứng tiêu biểu cho định đề: Hãy đi đến tận cùng truyền thống thì sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng dân tộc thì sẽ gặp nhân loại.
hoa-si-nguyen-tu-nghiem-1-490x599
Tranh “Thánh Gióng”.

Con đường của Dương Bích Liên hào hoa, phong nhã, vừa hiện thực vừa bay bổng. Nguyễn Sáng thì khỏe mạnh, vạm vỡ, vuông vức, bộc trực đúng như tính cách Nam bộ mà ông là đại diện. Con đường của Bùi Xuân Phái là con đường đưa trường phái hội họa Paris đến với phố cổ Hà Nội, ông là người chuyên tâm và thành công nhất với đề tài này. Còn Nguyễn Tư Nghiêm là người đã chuyển ngữ thành công mỹ thuật truyền thống ra ngôn ngữ hiện đại. Trong bộ tứ, chỉ có mình ông khai thác vốn cổ dân tộc. Ông đã nhìn thấy từ nghệ thuật Đông Sơn đến Lý, Trần, Lê, Mạc… có đủ cả Lập thể, Trừu tượng, Biểu hiện… Nói cách khác ông đã nghiên cứu kỹ nghệ thuật Đông Sơn, “học” Đông Sơn để chắt lọc lại thành của mình. Nét trong tranh của Nghiêm có không khí nhịp điệu của hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn, nhất là cách ông kết hợp những đường thẳng với đường cong, những chấm tròn hoặc các nét to nhỏ, dài ngắn song song lặp đi lặp lại.

Một trong các đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống Việt là điêu khắc đình làng (thế kỷ XVI, XVII, XVIII). Nghiêm là người thuộc nhất, hiểu nhất, yêu nghệ thuật đình làng nhất. Ai cũng thấy điêu khắc gỗ đình làng đẹp nhưng chỉ mỗi Nguyễn Tư Nghiêm mới đưa được vẻ đẹp ấy vào hội họa. Tất nhiên ông không sao chép nguyên mẫu, cũng không phá bỏ hoàn toàn, ông chỉ thêm ông vào và bớt nguyên mẫu một chút để vẻ đẹp của điêu khắc đình làng mang dấu ấn của ông. Đó cũng chính là công thức cho mọi sự sáng tạo.

hoa-si-nguyen-tu-nghiem-2-490x372
Tranh “Tiên nữ cưỡi rồng”

Nguyễn Tư Nghiêm cả đời chỉ làm việc với 4 đề tài chính: Ông Gióng, 12 con giáp, Điệu múa cổ và Kiều, Kim Trọng. Với những tác phẩm vẽ về Thánh Gióng, người xem sẽ thấy ông khai thác nghệ thuật Đông Sơn giỏi thế nào. Ba mảng đề tài còn lại, ông sáng tạo và phát triển trên nền nghệ thuật điêu khắc đình (chùa) làng từ cách tạo hình đến bố cục hai mảng trên dưới dàn hàng ngang, cách thức nhắc lại, lặp lại gần giống nhau của các tuyến nhân vật, chỉ có các mảng màu lớn còn thì ưu tiên nét, tổ hợp nét.

Lối bố cục đồng hiện này rất phổ biến trong các mảng chạm khắc trang trí ở các chi tiết kiến trúc trong đình (cốn, đầu bẩy, kẻ hiên, ván nong). Tạo hình nhân vật giống như các nhân vật trong điêu khắc đình. Ông đã giản lược đi rất nhiều, chỉ còn gợi hình cho dù người ta vẫn nhận ra đó là hình người đang múa, tiên nữ cưỡi rồng (đình Liên Hiệp, Hà Tây), thị giả (chùa Bút Tháp, Hà Bắc), hình tiên nữ, đầu người mình chim (đình Ngọc Than, Hà Tây) hoặc họa tiết mây lửa đặc trưng của thế kỷ XVII.

Chất liệu cũng là tạng tính của mỗi họa sĩ. Bùi Xuân Phái chỉ vẽ sơn dầu, Nguyễn Sáng giỏi sơn mài, Dương Bích Liên thiên về sơn dầu hơn sơn mài. Nguyễn Tư Nghiêm ưa thích sơn mài và bột màu trên giấy. Vẻ đẹp của hội họa ông là sự giản dị và yên tĩnh như chính đời sống của ông. Ông chỉ có một triển lãm cá nhân duy nhất năm 1984 ở Hà Nội. Năm 1983, ông thôi làm việc ở Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam và không xuất hiện ở bất cứ sự kiện nào cho đến khi mất (6/2016). Ông sinh năm 1919 nhưng mãi đến thập niên 1990, tức là khi đã ngoài 70 mới không còn sống độc thân nữa.

Hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm mang vẻ đẹp hồn hậu, dung dị, mộc mạc… Ấy là bởi ông không cốt tả thật mà chú trọng vào gợi với cách nhìn hồn nhiên, cách tạo hình thiên về đồ họa, mảng phẳng, đi nét, nét đậm nét nhạt với nét liền nét đứt, nét to nét nhỏ. Nghiêm quá tài về nét. Ông sở hữu một bảng màu gợi đến những màu của nông thôn, của đồng quê, màu mái rạ, tường trình, sân rêu,… Các màu đều xỉn, tái, úa thế mà lại đẹp và sang trọng. Màu nâu non, màu bùn ao, màu vàng rơm, cốm non… tất cả đều “quê kệch”, “cũ kỹ”, ấy vậy mà trong tranh Nghiêm lại trở nên hiện đại.

Ông là người đã làm mới được truyền thống, hiện đại được truyền thống. Cả một kho tàng mỹ thuật truyền thống của cha ông từ Đông Sơn, Lý, Trần, Lê, Mạc… đến tranh dân gian Đông Hồ trong hội họa của người họa sĩ tài ba này đều chứa đựng một truyền thống – hiện đại.

hoa-si-nguyen-tu-nghiem-3-490x541
Chân dung họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm – Ảnh chụp tại tư gia họa sĩ, tháng 8/2013.

Tiểu sử

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1919-2016) tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XV (1941 -1946). Những tác phẩm của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng nghệ thuật phương Đông Moscow, các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh lần 1 vào năm 1996.

Tạp chí Phái Đẹp – ELLE

No more