“Đất nước mặt trời mọc” luôn được những con chiên thời trang xem như kinh đô thời trang của Châu Á. Ở đó, có những con người tài ba với con mắt thẩm mỹ cùng đôi bàn tay khéo léo đã thay đổi và tạo nên sử sách cho văn hóa thời trang thế giới. Những đóng góp to lớn của họ góp phần đưa văn hóa phương Đông và thổi một làn gió mới đến những người yêu cái đẹp. Sau đây ELLE Man xin giới thiệu đến bạn 6 nhà thiết kế thời trang nổi bật nhất từ Xứ sở Phù tang này.
1. Yohji Yamamoto
Những năm niên thiếu, Yohji quyết định từ bỏ ngành Luật vì cảm thấy nó quá tẻ nhạt với một con người mang nhiều mơ mộng trong tâm tư như mình. Sau đó, ông đã xin làm phụ tá cho tiệm may của mẹ mình là bà Fumi Yamamoto sau một thời gian dài thuyết phục. Chính nơi đó đã tạo nên trong cậu thanh niên Yohji ngày nào một niềm đam mê mãnh liệt với vải vóc và thiết kế. Thời gian sau, ông theo học trường đào tạo thời trang Bunka Fashion College nổi tiếng để học về thiết kế thời trang. Năm 1972, Yohji thành lập 1 công ty cổ phần mang tên Y’s với ý nghĩa là “Yohji Yamamoto clothing”. Với thương hiệu của mình, ông ngày càng được nhiều người biết đến và được giới thời trang dành cho vô vàn lời khen có cánh. Lối tư duy đơn giản, đi ngược lại phong trào của ông đã làm người phương Tây phải chú ý và trầm trồ. Năm 2013, Yohji và adidas bắt tay nhau, cùng tạo nên những sản phẩm mang tính đột phá đại diện cho tương lai với cái tên Y-3.
Những thiết kế của Yohji thường mang màu đen huyền bí và hạn chế sử dụng những màu sắc sặc sỡ để có thể sáng tạo. Đó là những sản phẩm mang vết cắt tỉ mỉ cùng những đường may cầu kỳ nhưng vẫn mang lại sự thoải mái cho người mặc.
2. Rei Kawakubo
Vào năm 1981, khi cho ra mắt bộ sưu tầm ready-to-wear đầu tay, Yohji và thương hiệu ông bắt đầu nhận được sự chú ý từ giới mộ phương Tây. Một phần từ sự thành công đó không thể kể sót người tình cũ năm nào đã giúp ông hoàn thiện nó- Rei Kawakubo. Đồng thời, Rei cũng là người sáng lập nên thương hiệu thời trang lừng lẫy Comme des Garçons dù không qua trường lớp chính quy.
Là một người tôn sùng nữ quyền và có lòng tự tôn cao, các thiết của bà luôn mang tính avant-garde và phản-thời-trang. Rei từ chối tạo ra những trang phục hở hang da thịt; bà đề cao sự tự do, cho rằng nữ giới cũng có quyền được sống bình đẳng, do đó những thiết kế ban đầu của bà thường hướng đến nữ giới. Những thiết kế của Rei luôn có phần “trừu tượng”, dị thường và mang màu đen nhiều đến mức người ta đồn thổi nhau rằng “màu đen là do Rei Kawakubo tạo ra”. Dù là một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng những gì bà đóng góp cho thời trang châu Á lại vô cùng to lớn.
3. Issey Miyake
Issey Miyake sinh ngày 22 tháng 4 năm 1938 tại thành phố Hiroshima- 7 năm trước khi thảm họa bom nguyên tử xảy ra. Năm 1965, Miyake tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa của trường Đại học Nghệ thuật Tama sau đó chuyển đến Paris sinh sống. Tại đây, ông có cơ duyên gặp gỡ và học cắt may cùng Kenzo Takada- nhà thiết kế người Nhật đầu tiên thành dân ở Pháp và thành lập thương hiệu Kenzo. Năm 1970, Miyake tới New York và làm việc cùng nhà thiết kế thời trang Geoffrey Beene trước quay về Tokyo thành lập Miyake Design Studio. Vào khoảng thời gian ở New York, Vogue và Bloomingdale’s bắt đầu để ý đến bộ sưu tập những chiếc áo thun mang hình xăm Nhật và chiếc khoác thêu bằng hình thức Sashiko. Kể từ đó, ông nhận được vô số thành công từ những thiết kế và bộ sưu tập của mình.
Yếu tố truyền thống thường được thấy trên những thiết kế của Miyake. Chính sự giao thoa của các vật liệu cơ bản cùng truyền thống, cổ xưa với các kỹ thuật mới và sự độc nhất đã tạo nên vị thế cho ông trong lĩnh vực thời trang. Issey cũng chính là người thiết kế chiếc áo turtleneck quen thuộc mà Steve Jobs thường mặc trong những buổi thuyết trình. Steve mong muốn một chiếc áo đặc biệt có thể mặc mọi lúc nhưng vẫn cảm thấy thoải mái và Miyake đã làm được điều đó. BST áo turtleneck của Miyake dành cho Steve đủ để nhà sáng lập Apple mặc cả đời. Năm 2006, ông được trao tặng giải thưởng Lifetime Achievement cho những đóng góp to lớn của mình trong giới nghệ thuật.
4. Jun Takahashi
Tuổi thơ gắn liền với những câu chuyện về cuộc chiến của anh hùng và quái vật đã định hình nên phong cách thiết kế nổi loạn, khác biệt trong Jun Takahashi. Bước sang tuổi 15, Jun dần có hứng thú với thời trang và theo học tại Bunka Fashion College. Năm 1990, ông cùng một người bạn thành lập sáng lập nên Undercover và ý nghĩa: bí ẩn và vô định.
Jun được mọi người xem là “kẻ ngoại đạo” vì sự nổi loạn và những quan niệm vượt ngoài cái “ranh giới an toàn” của thời trang. Theo quan niệm của ông, kỹ năng là thứ có thể học tập thêm nhưng còn sự sáng tạo và thẩm mỹ là do bản thân tự phát triển. Để mà nói về những thiết kế của ông, chỉ có thể gói gọn trong hai chữ “Nổi loạn”. Sự nổi loạn của ông luôn mang một cái riêng gì đó không lẫn vào đâu được: những mảnh vải chắp vá, những nét may “thô bạo”… Undercover không chỉ là một thương hiệu quần áo mà nó là cả một vũ trụ, một triết lý nơi mà “Kẻ ngoại đạo” thể hiện cái tôi và cái điên của bản thân. Junya cứ thế, cứ để những đường may “bay nhảy”, mặc kệ ranh giới được định sẵn của thời trang.
5. Junya Watanabe
Junya Watanabe sinh ra vào năm 1961 tại Fukushima, bản ông vốn là học trò của “Nữ vương” Rei Kawakubo. Ông theo “tầm sư học đạo” cho Rei vào năm 1987; với tất cả nỗ lực, Junya sớm vươn lên trở thành nhà thiết kế chính cho dòng Hommes của thương hiệu Comme des Garçons. Đồng thời, Junya cũng là người thiết kế những khuôn rập trong may vá cho những sản phẩm dệt từ hãng Tricot. Bắt đầu từ năm 1992, Junya tạo lập thương hiệu riêng mang tên mình – vốn là nhánh nhỏ của Comme des Garcons.
Các thiết kế tiêu biểu của ông thường được tạo nên bằng công nghệ tiên tiến và mang cấu trúc thẩm mỹ dị thường. Cũng như Comme des Garcons, trang phục do ông thiết kế luôn được những người yêu thời trang thích thú và khao khát sở hữu chúng.
6. Kenzo Takada
Cũng như Yohji Yamamoto, Jun Takahashi hay Junya Watanabe, Kenzo cũng là một sinh viên ưu tú từ trường Bunka Fashion College. Bị ấn tượng bởi nhà thiết kế người Pháp Yves Saint Laurent, cậu thanh niên Kenzo Watanabe quyết định sang Paris vào năm 1965 để tìm hiểu về tinh hoa văn hóa của Kinh Đô Ánh Sáng. Ban đầu, Kenzo kiếm sống bằng việc phác họa bản thảo cho những nhà mốt tại đây với giá 25 Frank/một bảng vẽ. Với số tiền dành dụm ít ỏi, ông bắt đầu tìm mua vải vóc ở những khu chợ, ông kết hợp những họa tiết và chất liệu khác nhau tạo nên những trang phục sặc sỡ. Với óc thẩm mỹ táo bạo, ông được giới báo chí để ý đến qua phong cách họa tiết “kính vạn hoa” đặc trưng của mình. Trong những buổi trình diễn thời trang xa hoa tại Paris vào thời điểm 1970 đến 1980 không thể thiếu những sản phẩm nổi bật đến từ thương hiệu Kenzo của ông.
Ngoài thương hiệu Kenzo, ông còn phát triển thêm những dòng nhỏ cho những sản phẩm nước hoa cũng như quần áo cho đối tượng trẻ em. Năm 1993, ông bán toàn bộ thương hiệu của mình cho tập đoàn LVMH danh tiếng lẫy lừng của Pháp.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài viết: Ng Huynh