Mời bạn đọc cùng ELLE Man theo dấu những lá trà xa xôi cập cảng Anh Quốc và khám phá văn hoá trà chiều của họ qua bài viết này.
Trà và một đế chế lẫy lừng
Trước khi sang Anh, trà đã là một thức uống giải khát cực thông dụng và quan trọng đối với người dân nhiều nơi trên thế giới. Về nguồn gốc của trà hiện nay cũng gây nhiều tranh cãi.
Trà là thức uống phổ biến thứ hai trên thế giới, chỉ sau mỗi nước lọc. Tất cả các loại trà trên thế giới đều xuất phát từ cây trà (tên khoa học là Camellia Sinensis) được cho là bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho cây trà sinh trưởng, đất nước tỉ dân này đã cho ra đời những giống trà quý hiếm, tạo ra sức ảnh hưởng không thể chối cãi tới nền ẩm thực chung của nhân loại.
Trà cơ bản được chia thành: trà đen (black tea) là loại được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, trà xanh (green tea), trà trắng (white tea) trà vàng (yellow tea) và trà Olong (Olong tea), hồng trà (một nhánh của black tea). Còn nhiều nhánh trà khác không tiện gọi tên, nhưng với bốn loại trà kinh điển này, con người đã cho ra đời nhiều thức uống liên quan, tạo nên một nét đẹp về việc thưởng thức. Hay như đất nước Nhật Bản, vốn dĩ không khởi sinh ra trà, nhưng đã yêu thương lá trà và nâng tầm nó lên thành một tôn giáo duy mỹ – Trà Đạo (Tea Ceremony).
Từ chén trà mộc mạc lên bàn tiệc trà chiều tại Anh Quốc
Anh Quốc vốn là một đất nước châu Âu với truyền thống uống bia giải khát. Trước khi “con đường tơ lụa” mở ra lối thông thương cho dân hai xứ Á – Âu thì dân Anh hoàn toàn không biết đến những tiêu, hồi, quế, đinh hương và đặc biệt là trà.
Trà du nhập vào Anh Quốc từ thế kỉ XVII nhưng phải đến thế kỉ XIX mới bắt đầu trở nên phổ biến. Toàn bộ lá trà thời đó được nhập từ Sir Lanka, đi theo những chuyến xe chất đầy nhung lụa và gia vị phương Đông sang bến cảng xứ Âu lạnh giá. Những xe trà thời ấy không được săn đón như gia vị nhưng cũng bắt đầu gây ấn tượng với người dân nơi đây.
Trà nói chung tồn tại dưới ba dạng: crush (nghiền), tear (xé), curl (viên) và được đóng thành tea brick (cục gạch trà) cho tiện đường di chuyển. Khi đến xứ sở sương mù, những lá trà đã được phơi, rang, sấy rất tỉ mẩn. Công đoạn này giúp “thuần hoá” lá trà vốn ương bướng, làm mềm đi thuộc tính của trà.
Người Anh thả trà vào các ấm sứ và rót vào đó nước sôi 100 độ. Trà tại Anh đa phần là trà đen, rất ít trà xanh. Nếu là trà xanh thì nhiệt độ nước không quá 80 độ và không pha được sữa nên dân Anh không ưa chuộng. Đây cũng là món trà sữa gần như đầu tiên khởi nguồn cho phong trào milk tea thế kỉ XXI (sơ khai món trà sữa lại thuộc về dân Tây Tạng, Mông Cổ từ thế kỉ XVII vì thời tiết lạnh khắc nghiệt nên buộc phải thêm bơ, sữa vào trà để giữ ấm và tỉnh táo).
Thế kỉ XIX, khi xứ Anh bắt đầu làm ra nhiều của cải, việc nảy sinh ra văn hoá, trào lưu ăn chơi mới cũng dần dần nhiều lên. Nhất là giới quý tộc không còn phải lo lắng quá nhiều về chuyện kinh tế, ăn uống, họ lại có xu hướng… ăn kiêng để gầy hơn.
Một vài vị công nương, nữ hoàng Anh đã bắt đầu nhịn ăn trưa để trở nên gầy gò. Nhưng như thế thì đói không chịu nổi, họ đã sáng tạo ra một bữa tiệc nhỏ ăn sau 4h00 chiều để lót bụng. Người đầu tiên đem bánh, mứt, kem lên bàn thưởng cùng trà thơm không ai khác là vị nữ bá tước xứ Bedford Anna Maria Stanhope.
“Nước Anh có thể thiếu nữ hoàng nhưng không được thiếu trà”. Đó là câu nói vui bất hủ của người dân các nước khi nhắc đến Anh Quốc. Có thể thấy tầm quan trọng của một tiệc trà đối với cuộc sống của họ. Với afternoon tea, việc đầu tiên là chào hỏi nhau, hỏi han sau một nửa ngày dài, rồi ngồi xuống thong thả bỏ vài viên đường, lát chanh, rót sữa vào ly trà nóng.
Tiệc trà không chỉ có trà, còn có bánh, mứt và kem tươi. Với thói quen ăn uống béo ngậy của dân châu Âu, việc thêm một vài lát bánh quy là chưa đủ. Món bánh quen thuộc nhất là scone (một loại bánh nướng lên ăn với mứt hoặc kem), mứt các loại và kem tươi dạng crème fraiche (hàm lượng chất béo cao nhất) hay chí ít là double cream. Món whipping cream ta thường thấy lại không phải loại kem tươi trên bàn trà vì hàm lượng chất béo (30% – 40%) không đủ đô như hai loại trên.
Kiểu cách bài trí và decor bàn tiệc nhỏ cũng là một vấn đề được mọi người quan tâm. Giới quý tộc thời ấy nâng văn hoá trà chiều lên một nghi thức (ritual). Họ săn lùng những bộ ấm tách sứ cao cấp, tinh xảo, mua miếng vải đẹp có in hoạ tiết sang trọng làm khăn trải bàn. Đến khay đựng bánh cũng được chú trọng và tối giản thành một khay ba tầng đẹp mắt.
Tầng một sẽ luôn là những món bánh ăn nhẹ như bánh mì sandwiches kẹp cá ngừ, món trứng nhồi nhân, trứng cá hồi với thịt xông khói… Tầng hai lại nhiều màu sắc hơn với bánh scone phủ đầy mứt berry chín, bánh su kem ngập nhân kem trứng vanilla hay bánh sừng bò đậm bơ tan chảy. Tầng cao nhất cũng là tầng nhỏ nhất với vài chiếc cupcake xinh xắn, miếng bánh kem dâu tây kinh điển hay chút trái cây khô nhiều vitamins. Bên cạnh khay bánh là những âu đựng kem tươi lạnh, hũ mứt nhỏ xinh, hũ mật ong thơm lừng và không thể thiếu bình trà quý giá.
Trà chiều có tới 98% là trà đen, nhưng trong đó cũng thật nhiều loại. Nếu trà English Breakfast cho ta cảm giác thanh nhẹ thì trà Assam thoảng vị mạch nha làm ta cảm thấy ấm áp vô cùng. Trà bá tước Earl Grey với sự pha trộn hương citrus (cam, chanh, quýt) lại mang đến một trải nghiệm cực sâu sắc cho các giác quan.
Với trà chiều, ta cảm nhận bằng cả năm giác quan: đôi mắt ngắm nhìn những khu vườn được cắt tỉa tỉ mỉ, bàn tiệc lộng lẫy; đôi tai nghe những bản nhạc du dương; vị giác nhấn chìm trong vị trà thơm mát, khứu giác say sưa trong làn khói trà ngào ngạt; và đôi tay chạm vào chiếc tách sứ bóng loáng, trơn mịn. Thật là một khoảnh khắc rất chậm rãi, sung túc và tận hưởng.
Lời kết:
Trà chiều giờ đây không chỉ dừng lại trong phạm vi nước Anh mà còn lan rộng ra khắp thế giới. Nếu Trà Đạo kiểu phương Đông tinh tế và bí ẩn với hàng sa số lễ nghi tiểu tiết, chỉn chu và nâng tầm lên triết lý thì trà chiều Anh Quốc lại quý phái, thanh lịch như một vị công nương cao quý.
Ngày nay, tại Việt Nam, ta hoàn toàn có thể trải nghiệm trà chiều tại các khách sạn quy mô lớn. Một buổi chiều đông lạnh, ngồi trước ban công yên tĩnh, cảm nhận làn gió lao xao, tự thưởng cho mình một tách trà thơm nóng nghi ngút khói cũng là một cách tự vỗ về chính mình giữa nhịp sống hối hả này.
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Hà Chuu