Death on the Nile: Bình rượu mới chưa hảo hạng của Kenneth Branagh

Bài ELLE Team

Nhà làm phim Kenneth Branagh cố gắng tạo ra diện mạo khác cho “Death on the Nile” so với nguyên tác và phiên bản ra mắt năm 1978. Nhưng sự mới lạ nào cũng là con dao hai lưỡi.

Death on the Nile (Án mạng trên sông Nile) là hậu truyện của Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông thành công vào bốn năm trước khi thu được 343 triệu USD phòng vé, bất chấp có nhiều chê bai về nhịp độ phim và sự thiếu chiều sâu của các nhân vật. Trong tác phẩm ra mắt ngày 11/2, Kenneth Branagh vẫn chỉ đạo phim kiêm đóng vai nam chính. Bản chuyển thể mới nhất dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Agatha Christie có kinh phí đầu tư lên đến 90 triệu USD, một sự cố gắng nhằm thiết lập câu chuyện và mang đến dàn diễn viên nổi tiếng bảo chứng phòng vé.

Phim

Bi kịch của mối tình tay ba nồng nặc mùi thuốc súng trong thời bình

Mở đầu của Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông được xây dựng như một hồi ký về cuộc đời của Hercule Poirot, hòng miêu tả tài trí của người lính trẻ đến từ Bỉ trong chiến tranh Thế giới thứ nhất. Sau đó, bối cảnh phim chuyển đến một câu lạc bộ nhạc jazz sôi động ở London năm 1937, nơi giới thiệu mối tình tay ba cốt lõi giữa người thừa kế xinh đẹp Linette Ridgeway (Gal Gadot) – gã trai thất nghiệp Simon Doyle (Armie Hammer) và hôn thê của gã – Jacqueline de Bellefort (Emma Mackey). Quý cô giàu có đã nhanh chóng “cướp” Simon Doyle ngay trên tay bạn thân và đây là khởi nguồn của tất cả bi kịch sau này.  Liệu lý do để tên đàn ông may mắn kia thay lòng đổi dạ chỉ đơn thuần là tình yêu hay còn là khối gia sản khổng lồ ai ai cũng thèm muốn?

Phim Death on the Nile
Ảnh: IMDb

Kịch tính của Death on the Nile diễn ra khi Hercule Poirot bị cuốn vào vụ án mạng trên con tàu hơi Karnak đi Ai Cập, cũng là nơi mà Linnet ngỡ tưởng chừng sẽ có tuần trăng mật ngọt ngào với chồng mới cưới. Nạn nhân bị khoan một lỗ ngay thái dương. Kẻ bị tình nghi nhiều nhất là Jacqueline de Bellefort – bằng cách nào đó không chỉ ôm trái tim rỉ máu để rình rập tình địch suốt thời gian qua mà còn mang theo cả một khẩu súng lên thuyền. 

Những người khác cũng bị đưa vào diện cần thẩm vấn bao gồm: Euphemia Buoc (Annette Bening) – mẹ của Buoc (Tom Bateman), bác sĩ Windlesham (Russell Brand), hầu phòng của Linnete – Louise (Rose Leslie), mẹ đỡ đầu của Linette và “y tá” của bà (Jennifer Saunders và Dawn French), luật sư của gia đình Ridgeway – Andrew (Ali Fazal), cháu gái kiêm quản lý của Salome – Rosalie (Letitia Wright). 

Death on Nile tuy chưa lôi cuốn như kì vọng nhưng vẫn đáng xem.
Death on Nile tuy chưa lôi cuốn như kì vọng nhưng vẫn đáng xem.

Những cải biên ít nhiều tạo ra điểm nhấn

Theo Radio Ties, sự thay đổi lớn nhất của Death on the Nile so với nguyên tác gốc và bản phim 1978 là đã khám phá kỹ lưỡng quá khứ của Hercule Poirot. Bộ phim cũng giải thích về nguồn gốc của sự hờ hững của Poirot đối với tình yêu đôi lứa và bộ ria mép mang tính biểu tượng thông qua lát cắt ngắn ngủi mà giàu tính nhân văn về cô y tá đã từng chăm sóc và xoa dịu mặc cảm tội lỗi của ông giữa tháng ngày bom lửa.

Hercule Poirot đã trở nên gần gũi hơn với hàng loạt những cải biên.

Một trong những thay đổi thứ hai trong phiên bản mới là việc bổ sung nhân vật Bouc, người từng xuất hiện trong Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông. Theo biên kịch Michael Green, Branagh đã rất ấn tượng với màn trình diễn của Tom Bateman nên họ tiếp tục làm việc với nhau lần này. Tình bạn thân thiết giữa Bouc và Hercule Poirot cũng như các mối quan hệ của Bouc là nét chấm phá mang màu sắc khác biệt nếu so với sự hiện diện của chính anh trong phần tiền truyện. Chút chỉnh sửa trong tính cách nhân vật này đem đến phong vị khác biệt cho những ai đã từng thích Bouc.

Có một khía cạnh của phiên bản 1978 mà biên kịch đặc biệt muốn thay đổi – nhân vật Salome Otterbourne, người do Sophie Okonedo đóng vì kí ức mạnh mẽ từ thời trai trẻ của ông. Mặc dù vẫn giữ nét thô lỗ, có phần “sân khấu” nhưng ở phiên bản 2022, Salome Otterbourne được “chuyển nghề” từ tiểu thuyết gia lãng mạn thành ca sĩ nhạc blues ưa tán tỉnh. Cô mang đến cho người xem hai cảnh quay đặc sắc trong câu lạc bộ jazz thu hút đủ loại khách, thông qua đó giúp người xem tiếp cận cả góc sáng và tối ở thế giới tình cảm của bộ ba Linnet – Simond Doyle – Jaqueline và thám tử người Bỉ. 

Salome Otterbourne (do Sophie Okonedo thủ vai) được “chuyển nghề” từ tiểu thuyết gia lãng mạn thành ca sĩ nhạc blues ưa tán tỉnh trong phiên bản phim này.
Salome Otterbourne (do Sophie Okonedo thủ vai) được “chuyển nghề” từ tiểu thuyết gia lãng mạn thành ca sĩ nhạc blues ưa tán tỉnh trong phiên bản phim này.

Phần thú vị nhất của các vụ án mạng trong tiểu thuyết của Agatha Christie là quá trình tìm hiểu manh mối về động cơ phạm tội của thủ phạm và cách vạch trần bí ẩn lớn nhất. Nhưng với Death on the Nile, người xem dễ dàng thấy được nhà sản xuất không chỉ có tham vọng nhào nặn hình hài mới cho một Hercule Poirot quen thuộc trong lòng độc giả mà còn muốn biến ông thành đại diện cho một tầng lớp người trong một thời đại lịch sử. Khán giả ở năm 2022 khi xem phim trinh thám kinh điển có vẻ không chỉ háo hức muốn khám phá hung thủ là ai. Họ muốn nhiều hơn thế. Họ muốn thấy vẻ đẹp của nước mắt, nụ cười, mặt trời phía trên máu, dao, và súng.

Kịch bản dàn trải và thiếu chiều sâu

Án mạng trên sông Nile đi theo phong cách slow – burn (mạch phim chậm), song không nhất thiết phải chậm đến mức mất một giờ mười phút để đi đến vụ án mang tính bước ngoặt trên con tàu Karnak.  Về phương diện cấu trúc, đường dây dẫn chuyện thường đổi hướng đột ngột. Thủ pháp này khiến bộ phim bỏ ngỏ theo cơ chế mở, dẫn đến sự kéo dài không cần thiết ở một số trường đoạn, vì có thể tùy ý kết nối các chi tiết – sự kiện khác nhau vào tuyến truyện. 

Nổi bật nhất là hiện tượng dông dài về tâm lí của hai nữ chính Linnet Ridgeway và Jacqueline; cùng hàng loạt các tình huống nảy sinh đến từ các nhân vật mới được thêm vào. “Hậu quả không mong muốn” (Unintended consequences) là chủ đề lặp lại xuyên suốt Death on the Nile. Phần lớn thời lượng phim không không tập trung vào việc đánh bật lên tài trí nhạy bén của thám tử người Bỉ khi phá án mà lại xây dựng thêm nhiều tình huống giải thích cách hành xử của nhân vật phụ như thể sợ khán giả xao nhãng khỏi mạch phim chính. 

Đám cưới của Linnet và Simon Doyle khởi nguồn cho tất cả bi kịch.
Đám cưới của Linnet và Simon Doyle khởi nguồn cho tất cả bi kịch.

Mà thực tế là chính sự “tính già hóa non” này của nhà sản xuất càng làm Án mạng trên sông Nile phải gồng mình khoác lên chiếc áo không vừa vặn với mình: Cố gồng gánh để trở thành tác phẩm trinh thám “bình cũ rượu mới” lôi cuốn đến giờ chót.

Death on Nile cũng gặp vấn đề về nhịp điệu, tiết tấu khi mang đến một số cuộc trao đổi bằng tốc độ nhanh, nhiều chữ nghĩa nhưng lại cung cấp ít manh mối. Thoại của Án mạng trên sông Nile cũng không có tính ẩn dụ hay châm biếm sâu cay về nạn phân biệt chủng tộc và khoảng cách giai cấp theo đúng tinh thần nguyên tác gốc, đánh mất đi “chất” kinh điển trong các vụ án mạng được xây dựng ở thời đại này. 

Trái lại, các nhân vật lại thường xuyên sa đà vào các cuộc thảo luận thường xuyên được “lên gân” về những thứ “màu mè” như rượu ngon, tình dục, tình yêu đôi lứa, tài sản, các chứng bệnh tâm lí, hòng vớt vát phim thoát khỏi sự cạn cợt. Sự thiếu sắc sảo đó càng khiến cho Death on the Nile giống tác phẩm tâm lí – xã hội buồn tẻ, giáo điều, nặng tính áp đặt.

Điểm cộng về hình ảnh và dàn diễn viên

So với phần trước, nhân vật thám tử tài ba Hercule Poirot của Kenneth Branagh có nhiều đất dụng võ. Diễn viên sinh năm 1959 không chỉ trông khá hợp với sự thay đổi này mà ông còn làm “dày” thêm cho nhận vật bằng lối khắc họa truyền cảm. Trong hai mươi phút cuối cùng, thám tử người Bỉ đã trở nên gần gũi hơn, thoát khỏi tưởng tượng về một huyền thoại phá án khô cứng từ phía độc giả.

Hercule Poirot dễ tổn thương hơn trong bản Death on the Nile này
Hercule Poirot dễ tổn thương hơn trong bản phim này.

Gal Gadot là sự lựa chọn phù hợp cho vai nữ thừa kế bí ẩn. Cô có sự quyền lực đoan trang, và gợi cảm để trở thành nhân vật vừa đáng yêu vừa đáng ghét. Nhưng ngôi sao của Death on Nile chắc chắn là Emma Mackey. Cô miêu tả chân thật các biểu cảm si tình đến mù quáng của Jacqueline. Ngay cả trong những cảnh quay căng thẳng, đầy cảm xúc với nam chính Branagh, cô cũng không hề bị lấn át. Những cái tên kì cựu khác cũng đóng tròn vai dù đất diễn hạn chế, tiêu biểu là Annette Bening. 

Một điểm hấp dẫn ở Án mạng trên sông Nile không thể phủ nhận là chất lượng hình ảnh và âm thanh gây ấn tượng mạnh. Để tái hiện sự hào nhoáng về câu chuyện về những người châu Âu giàu có, phim đã được quay ở định dạng phim 65mm khổ lớn mang độ trung thực cao.

Khi đưa khán giả đến những năm 30 tại một câu lạc bộ blues ở London gặp bộ ba nhân vật chính tại đây, nhà quay phim Harris Zambarloukos đã sử các Steadicams (một dạng thiết bị cân bằng cơ học) rất dài kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo. Âm thanh của phim không bị vang quá to, mà uyển chuyển gợi mở tâm lí biến đổi bất ngờ của vai diễn một cách đầy thẩm mỹ.

Nhà sản xuất không ngại đóng một chiếc thuyền có kích thước thật từ trong ra ngoài rồi quay bằng dàn camera 14 8K Red để tạo ra con tàu Karnak. “Phù thủy” VFX George Murphy cũng đã chỉnh sửa cảnh phim, ghép chúng lại theo phong cách của thể loại giả tài liệu (found-footage). Nhờ vậy, người xem có thể cảm thấy được câu chuyện của bộ phim có thể xảy ra ở bất kì nơi đâu.

Phần hình ảnh của phim Death on the Nile là điểm cộng.
Phần hình ảnh của phim là điểm cộng.

Mô hình đền Abu Simbel kì vĩ ở Ai Cập mà Hercule Poirot vừa ngắm nhìn vừa ăn bánh trước khi bị Bouc phá bĩnh thực ra là được dàn dựng tại Longcross Studios. Đây là cảnh thể hiện lòng tôn sùng trước kì quan thế giới của đôi bạn thân lập dị. Ngay cả Millennium Falcon hoành tráng trong Star Wars Episode VIII cũng ra đời tại đây. Các “bom tấn” Guardians of the Galaxy, James Bond: Skyfall, Kingsman: The Golden CircleAladdin cũng từng quay ở studio này.

Về tổng thể, Death on the Nile là một phiên bản chuyển thể khá thú vị của tiểu thuyết gốc. Phim cũng là bước cải tiến so với bản phim 1978 cũng như phần tiền truyện năm 2017 bằng cách nâng cao “liều lượng” cảm xúc cho Hercule Poirot khi thể hiện các khía cạnh dễ bị tổn thương của ông. 

Dù vậy, nhìn điểm trung bình của Án mạng trên sông Nile trên imdb hay Rotten Tomatoes, phim chưa hẳn đã hoàn toàn thuyết phục được công chúng. Nếu chưa bao giờ xem một vụ giết người bí ẩn trong không gian kín trên màn ảnh rộng, thì Death on the Nile phù hợp cho những ai mới bắt đầu bước vào con đường trở thành người hâm mộ của dòng phim trinh thám.

10

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phương Nga

No more