Top 10 bộ phim điện ảnh hay nhất của 2019

Bài ELLE Team

Bên cạnh sự thống trị phòng vé quen thuộc của các bom tấn nhà Disney, năm 2019 còn đánh dấu sự trở lại của rất nhiều đạo diễn và diễn viên nổi tiếng. Quả thực đây là một năm tuyệt vời đối với những người yêu điện ảnh, xứng đáng để kết thúc một thập kỉ đầy biến động của nền điện ảnh thế giới. Mời các bạn cùng ELLE Man điểm lại 10 bộ phim điện ảnh mà ELLE Man đánh giá là hay nhất của 2019 vừa qua.

Năm 2019 chứng kiến sự trở lại sau nhiều năm vắng mặt của những cái tên vốn đã quá quen thuộc như Quentin Tarantino, Martin Scorsese, Leonardo DiCaprio. Đây cũng là năm đánh dấu sự trỗi dậy của các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix và các studio phim độc lập như A24. Để tổng kết lại, hãy cùng ELLE Man điểm qua Top 10 phim điện ảnh đáng chú ý nhất trong năm vừa qua.

 10. I LOST MY BODY

i-lost-my-body-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Bộ phim hoạt hình Pháp với tựa J’ai perdu mon corps do Netflix phát hành xứng đáng có tên trong danh sách những bộ phim điện ảnh đáng chú ý nhất năm nay cũng như là một trong những bộ phim hoạt hình hay nhất của thập kỉ. Với phần kịch bản phim đầy táo bạo cùng các tuyến truyện đan xen, đạo diễn Jérémy Clapin đã kể lại một câu chuyện đau lòng về một chàng trai và hành trình tìm lại chính mình sau khi trải qua những biến cố đầy khủng khiếp, cả về thể xác lẫn tinh thần. Đồng thời thể hiện tình yêu và khát vọng sống của những con người thấp cổ bé họng ở xã hội Pháp. Việc đan xen những nét vẽ 2D và 3D không chỉ khiến cho những khung hình trong phim trở nên huyền ảo và lộng lẫy mà còn mang một nét độc đáo riêng biệt mà hiếm có phim hoạt hình hiện đại nào có được. Điểm trừ duy nhất của phim có chăng chỉ là việc đạo diễn không cố gắng truyền tải một thông điệp cũng như giải quyết vấn đề một cách cụ thể mà chỉ để cho người xem tự suy ngẫm và chiêm nghiệm. Ngoài ra, phần âm nhạc trong phim cũng rất ấn tượng, tạo cảm giác day dứt và xao xuyến mỗi khi giai điệu vang lên.

9. AD ASTRA

ad-astra-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Những bộ phim điện ảnh về đề tài du hành vũ trụ thường sẽ mang một tầm vóc vĩ đại và luôn mang lại những thông điệp lớn lao, điển hình như GravityInterstellar, hai trong số những tác phẩm khiến người xem phải bám víu vào ghế vì những phân đoạn cao trào đầy căng thẳng. Mặc dù vậy cũng có không ít những bộ phim du hành vũ trụ chỉ mang tính chiêm nghiệm chứ không cố để đưa ra một vấn đề nặng nề và hàn lâm nhưng vẫn được giới phê bình đánh giá cao như 2001: A Space Odyssey, First Man, và gần đây nhất chính là Ad Astra. Bộ phim được đánh giá là một siêu phẩm cả về thị giác lẫn thính giác đồng thời cũng là một trong số những bộ phim khoa học viễn tưởng hay nhất năm 2019. Ad Astra theo chân một anh chàng phi hành gia Roy, do Brad Pitt thủ vai, trong nhiệm vụ giải mã một bí ẩn gần sao Hải Vương có đe dọa đến sự sống của Trái Đất và cả Hệ Mặt Trời. Điều đáng nói ở đây chính là tác phẩm chỉ mượn việc du hành vũ trụ để kể một câu chuyện khác về hành trình tìm lại bản thân, vượt qua mất mác và đối diện với người cha đã mất tích từ lâu của phi hành gia Roy. Đạo diễn James Grey, dù không thường được giới phê bình đánh giá cao trước đó, và dù tác phẩm vẫn còn lộ rõ những khuyết điểm trong kịch bản nhưng nhìn chung, Ad Astra vẫn là một bộ phim khoa học viễn tưởng ít “viễn tưởng” nhất bởi câu chuyện đầy chân thực và rất dễ để mọi người có thể liên hệ đến bản thân.

Review

8. 1917

1917-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Nằm ở vị trí tiếp theo trong danh sách này không ai khác ngoài 1917, tác phẩm vừa giành được giải thưởng Phim Chính Kịch Xuất Sắc Nhất tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2020. Hoành tráng và cảm xúc, là hai trong số những mĩ từ mà giới phê bình đã dành cho tác phẩm điện ảnh mới nhất của Sam Mendes, đạo diễn của những American Beauty hay Skyfall vốn cũng đã rất thành công trước đó. Bộ phim lấy mốc thời điểm Mùa năm 1917, cũng là thời điểm cao trào của Thế chiến thứ nhất, khi hai người lính trẻ của quân đội Anh được giao nhiệm vụ truyền tin nhắn về một cuộc phục kích bất ngờ sắp xảy ra sau khi quân Đức rút về Phòng tuyến Hindenburg trong Chiến dịch Alberich. Tuy chỉ lấy bối cảnh của một Thế chiến thứ nhất ít hoành tráng hơn nhưng 1917 lại được đánh giá là bộ phim chiến tranh đúng nghĩa nhất của thập kỉ, vượt mặt những bộ phim Thế chiến thứ hai khác như Fury, Hacksaw Ridge hay Dunkirk, đồng thời tiệm cận được với Saving Private Ryan, một tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh của Steven Spielberg. Với kĩ thuật quay One-shot, tương tự với bộ phim Birdman năm 2014, “phù thủy” quay phim tài ba Roger Deakins lại một lần nữa khiến giới mộ điệu phải ngã mũ thán phục trước những góc máy thần thánh của ông. Ngoài ra, với phần âm thanh và nhạc phim tuyệt vời của nhạc soạn nhạc Thomas Newman, sẽ không quá ngạc nhiên nếu như 1917 giành được đề cử Oscar cho tất cả các hạng mục kĩ thuật trong lễ trao giải Oscar vào tháng 2 tới.

7. THE LIGHTHOUSE

the-lighthouse-phim-dien-anh-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Những thước phim trắng đen dù cũ kĩ theo thời gian nhưng chưa bao giờ là lỗi thời. Nếu như năm vừa rồi chúng ta có RomaCold War được giới phê bình hết lời khen ngợi thì năm nay The Lighthouse của Robert Eggers đã làm được điều tương tự. Được đánh giá là nhà làm phim “dị” độc đáo bật nhất Hollywood thời điểm hiện tại, Robert Eggers một lần nữa hợp tác với A24, tạo ra một tác phẩm rất khác biệt so với những phim điện ảnh khác trong năm 2019 vừa qua. Bộ phim với sự góp mặt của Wilem Dafoe và Robert Pattinson, kể về những sự việc kinh hoàng trong quá trình bị mắc kẹt vì một trận bão của hai người gác hải đăng, đồng thời khắc họa những bản chất tăm tối và xấu xa mà mỗi con người có thể có. Điểm sáng nhất của phim nằm ở sự phối diễn xuất ăn ý trên cả tuyệt vời của bộ đôi Dafoe – Pattinson. Trong một bộ phim chỉ có vài ba nhân vật, cả hai diễn viên đã có dịp trổ tài hết tất cả khả năng nhập vai của mình để hóa thân vào những vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình, đặc biệt là vai diễn của Wilem Dafoe. Bên cạnh đó, việc sử dụng tỉ lệ khung hình 1.19:1 cùng những bản nhạc phim với các bộ nhạc cụ kéo chủ đạo càng làm tăng thêm không khí ngột ngạt và rùng rợn vốn có của bộ phim.

6. JOKER

joker-phim-dien-anh-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Joaquin Phoenix quả thực chính là nam diễn viên nổi bật nhất không chỉ của năm 2019 mà còn của cả thập kỉ. Mặc dù vẫn chưa dành được bất kì tượng vàng Oscar về diễn xuất nào nhưng với những gì mà anh ta thể hiện được trong những bộ phim của mình, từ The Master, You Were Never Really Here cho đến Joker, những vai diễn khó nhằn và đều đòi hỏi một chiều sâu nhất định thì thật khó để có thể phủ nhận tài năng ấy. Với Joker, tác phẩm của đạo diễn Todd Phillips không chỉ là bộ phim điện ảnh rated R đầu tiên cán mốc 1 tỷ USD mà còn là bộ phim được cộng đồng mạng nhắc đến nhiều nhất trong năm 2019. Câu chuyện về nguồn gốc xuất thân của “Hoàng tử tội phạm” nhà DC đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực không chỉ về độ hot của nó mà còn vì những tranh luận và đánh giá trái chiều giữa giới phê bình và người hâm mộ. Nhiều nhà phê bình cho rằng Joker chỉ đang cố súy cho phong trào bạo lực ở nhiều nơi trong khi fan hâm mộ thì lại xem đây là một trong những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh hay nhất từng được làm ra. Công bằng mà nói, khi dung hòa tất cả những ý kiến trên, có thể thấy, dù không có một cốt truyện thực sự mới mẻ nhưng Joker vẫn là một trong những tác phẩm điện ảnh chỉn chu và toàn diện nhất năm nay, với diễn xuất đỉnh cao cùng phần quay phim và âm nhạc ấn tượng. Về phần Joaquin Phoenix, anh chắc chắn chính là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc tượng vàng Nam chính cho mùa Oscar năm nay.

Review

5. FORD v FERRARI

ford-v-ferrari-phim-dien-anh-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Đạo diễn James Mangold, nổi tiếng với những bộ phim có nội dung và cốt truyện đơn giản nhưng cũng đơn giản để lấy đi nước mắt và cảm xúc của người xem. Điều đó một lần nữa được ông thể hiện với Ford v Ferrari, tác phẩm điện ảnh hay nhất về đề tài đua xe kể từ tác phẩm Rush năm 2013. Bộ phim theo chân đôi bạn thân Ken Miles và Carroll Shelby được thủ vai bởi Christian Bale và Matt Damon, kể về câu chuyện có thật đã giúp hãng xe Ford đánh bại đối thủ sừng sỏ lúc bấy giờ là Ferrari trong cuộc đua 24h Le Mans năm 1966. Đạo diễn James Mangold đã tập trung kể lại cuộc đua lịch sử ấy một cách chính xác nhất nhưng vẫn khéo léo lồng ghép các câu chuyện đời tư xoay quanh cuộc đời của tay đua xấu số người Anh, Ken Miles và tình bạn đầy ngưỡng mộ giữa ông và Carroll Shelby. Từ đó dễ dàng bắt được cảm xúc của khán giả một cách trọn vẹn nhất khi cao trào phim xảy đến. Bên cạnh một kịch bản đơn giản nhưng đầy khôn ngoan và có chiều sâu, kĩ thuật quay phim và âm thanh của Ford v Ferrari cũng rất tuyệt vời. Người xem như muốn nín thở trước những màn đua xe và tăng tốc cực kì chân thực, là kết quả của quá trình quay dựng và biên tập hoàn toàn không qua kĩ xảo máy tính. Cũng không quên dành lời khen cho phần diễn xuất của bộ đôi Christian Bale và Matt Damon, đặc biệt là với “tắc kè” Christian Bale. Thật khó để có thể tin anh chàng này vừa vào vai Cựu phó Tổng Thống Hoa Kì Dick Cheney trong bộ phim Vice năm ngoái.

Review

4. MARRIAGE STORY

marriage-story-phim-dien-anh-elleman-indiewire
Ảnh: IndieWire

Không giống như tựa đề của phim, Marriage Story không hề kể về một câu chuyện hôn nhân mà lại nói về một cuộc li hôn. Bộ phim điện ảnh mới nhất của Noah Baumbach đơn giản nhưng lại ẩn chứa rất nhiều những cảm xúc cho người xem khi khắc họa một cách trọn vẹn và chân thực toàn bộ cuộc chia li giữa cặp vợ chồng do Scarlett Johansson và Adam Driver thủ vai. Một người luôn nung nấu ý định sống và làm việc ở Los Angeles còn người kia thì lại bận bịu với công viên tại sân khấu kịch Broadway, vì không tìm được tiếng nói chung cũng như quan điểm về nơi ở nên đã quyết định rời xa nhau. Tuy nhiên, sau tất cả, đó không đơn thuần chỉ là việc cả hai đồng ý rời bỏ nhau mà nó còn là hành trình đấu tranh, kiện tụng đến mức xấu xí chỉ để giành lấy phần nuôi con cho mỗi người. Bộ phim được khen ngợi hết lời từ giới phê bình bởi nội dung mang tính thời sự, kịch bản thông minh cùng diễn xuất tuyệt vời của không chỉ bộ đôi nhân vật chính mà còn của cả dàn diễn viên trong phim. Quả thật không có quá nhiều điều để nói về một tác phẩm hài hòa như thế, nhưng nếu phải chọn ra một bộ phim có khả năng thắng nhiều hạng mục diễn xuất nhất trong các giải thưởng sắp tới thì đó chắc chắn phải là Marriage Story. Màn phối hợp giữa Scarlett và Adam trong một phân đoạn gần cuối phim chắc chắc sẽ khiến bạn cảm thấy trầm trồ khi xem. Bản thân Noah Baumbach có lẽ cũng đang tràn trề hi vọng về một tượng vàng Oscar cho khả năng đạo diễn của ông cho bộ phim này.

3. PARASITE

parasite-phim-dien-anh-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về Parasite, tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Bong Joon-ho đồng thời cũng là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc giành được giải thưởng Cành Cọ Vàng trong Liên hoan phim Cannes 2019 và giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Golden Globe 2020. Phim kể về một cuộc gặp gỡ vô tình giữa hai gia đình với hai hoàn cảnh và địa vị khác nhau hoàn toàn. Để rồi từ đó, những biến cố kinh hoàng bắt đầu ập đến. Parasite là một trải nghiệm điện ảnh khác lạ mà ở đó, không có một khái niệm rõ ràng về thể loại mà phim muốn hướng đến. Đó là những câu thoại mang đậm tính châm biếm đặc trưng của dòng phim hài kịch đen khiến bạn phải cười ra nước mắt dù nó không hề đáng cười, đó đôi khi còn là những phút giây hồi hộp, kịch tính đúng nghĩa của một bộ phim giật gân. Tuy nhiên, tựu chung tất cả lại, tác phẩm của Bong Joon-ho đã thật sự thành công trong việc khắc họa một thế giới mà ở đó, ranh giới đạo đức và tội ác của con người bị xóa nhòa bởi sự bất lực và tuyệt vọng mà mỗi con người có thể mắc phải khi lâm vào bước đường cùng. Khác với các tác phẩm khác của Bong Joon-ho, Parasite dù vẫn mang trong mình những nét đặc trưng của vị đạo diễn tài năng người Hàn, song nếu so với các tác phẩm khác đã làm nên tên tuổi của ông như Memories Of Murders hay Mother thì bộ phim này có phần trong sáng, dễ xem và dễ tiếp cận với khán giả đại chúng hơn rất nhiều. Chính điều đó đã tạo nên thành công cả về mặt phê bình lẫn thương mại của bộ phim. Sẽ thật không ngoa nếu như cho rằng Parasite chính là bộ phim có kịch bản hay và độc đáo nhất trong năm 2019.

"Parasite"

2.THE IRISHMAN

the-irishman-phim-dien-anh-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Thật khó có thể tưởng tượng được rằng sau ngần ấy năm, kể từ Goodfellas hay The Departed, Martin Scorsese vẫn có thể tạo ra “kiệt tác gangster vĩ đại cuối cùng của Hollywood” một cách vĩ đại như vậy. The Irishman được chuyển thể từ cuốn sách I Heard You Paint House của nhà văn Charles Brandt, kể về cuộc đời của Frank Sheeran, thành viên của một tổ chức Mafia có liên quan đến âm mưu ám sát cựu lãnh đạo Liên đoàn Lao động Mĩ Jimmy Hoffa. Dàn diễn viên khủng với đầy đủ những “ông kẹ” lão làng một thời như Robert De Niro, Al Pacino, Joe Pesci và Harvey Keitel như một lời khẳng định chắc nịch về chất lượng diễn xuất của phim. Mặc dù có thời lượng lên đến 210 phút, nhưng người xem dường như không thể nào rời mắt khỏi phim. Bởi với những cử chỉ, ánh mắt và nét mặt của những ông già nay đã ngoài 70, kết hợp với kĩ thuật de-aging mà tác phẩm mang lại, mỗi một thước phim hiện ra là một khoảnh khắc hoài niệm cuốn người xem trở về giai đoạn đỉnh cao của những quý ông mặc vest, đội mũ phớt ngày nào. Robert De Niro không những có màn tái hợp trên cả tuyệt vời cùng “cố nhân” Martin Scorsese mà còn có dịp hội ngộ hiếm hoi cùng Al Pacino, bộ đôi Bố Già một thời. Cách chọn nhạc phim, bố cục màu sắc trong từng cảnh quay cũng vì thế mà được đạo diễn hình ảnh sắp xếp và chọn lựa rất có chủ đích, khiến cho cả bộ phim trông như một tác phẩm điện ảnh cổ điển thập niên 80, 90 nhưng được tạo ra bởi một Hollywood của thế kỉ XXI.

Phim

1.  ONCE UPON A TIME IN… HOLLYWOOD

once-upon-a-time-in-hollywood-phim-dien-anh-elleman-imdb
Ảnh: IMDb

Tác phẩm tuyệt vời và mang màu sắc của sự hoài niệm khác của Hollywood đã giành chiến thắng ở hạng mục Phim ca nhạc/hài kịch xuất sắc nhất tại Golden Globe 2020. Điều mà Once Upon A Time In Hollywood làm tốt hơn so với các tác phẩm khác trong danh sách này chính là cách mà đạo diễn đã làm để truyền tải thông điệp của mình. Bộ phim thứ 9 của “quái kiệt” Quentin Tarantino không hoàn toàn dựa theo cái chết của Sharon Tate, một sự kiện từng gây rúng động Hollywood những năm 60 như nhiều người nghĩ. Đó đơn thuần chỉ là câu chuyện về một chàng diễn viên truyền hình hư cấu Rick Dalton, do Leonardo DiCapio thủ vai đang ở bên kia sườn đồi của sự nghiệp và phải vật lộn tìm lại ánh hào quang của mình. Để rồi qua mỗi thước phim, mỗi câu chuyện của từng nhân vật trong phim, Quentin Tarantino lại khéo léo khắc họa những năm 60 đen tối của Hollywood nói riêng và trong lịch sử Mĩ thế kỉ XX nói chung một cách đầy “chân thực” và “cổ tích”. Dàn diễn viên phụ với Brad Pitt và Margot Robbie đều thể hiện được khả năng diễn xuất xứng tầm với tên tuổi của mình. Riêng Brad Pitt, màn hóa thân vào tay đóng thế hư cấu Cliff Booth thậm chí còn có phần nhỉnh hơn cả vai chính của anh trong Ad Astra. Bên cạnh đó, khả năng thiết kế sản xuất tuyệt vời trong các bộ phim của Quentin Tarantino vẫn được thể hiện rất tốt ở Once Upon A Time In Hollywood, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn so với các phim khác. Những con đường, những hộp đêm đầy màu sắc, cùng những bản nhạc nhạc souls/blues được phối lại một cách hài hòa càng khiến cho bộ phim giống như một “bức thư tình” dành cho Hollywood những năm 60, nhẹ nhàng những vẫn đậm chất “Quentin”. Đây chắc chắn là bộ phim “phim” nhất trong tất cả các bộ phim từng được làm ra.

“Once

___

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài viết: Chung Quân –  Nguồn tham khảo: IMDb, IndieWire, Esquire

No more