Để tổng hợp được nhiều bộ phim điện ảnh hay, những nhà phê bình thường đưa ra những tiêu chí khác nhau để lựa chọn ra những tựa phim đạt tiêu chuẩn nhất. Hoặc để đánh giá mức độ thành công của một bộ phim, các tạp chí, tổ chức về điện ảnh thế giới cũng đưa ra nhiều chỉ tiêu mà phim đạt được. Song, từ lâu, giới phê bình và những vị đạo diễn sẽ có cái nhìn khác nhau về “tiêu chuẩn” của một bộ phim hay. Về phía nhà phê bình, những người yêu thích điện ảnh có thể dễ dàng truy cập những trang web như Rotten Tomatoes, IMDb,… Để cập nhật, theo dõi bảng xếp hạng của thế giới điện ảnh. Bên cạnh đó, về phía các đạo diễn, họ khá “kín tiếng” về sự lựa chọn của mình cho những bộ phim hay nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, mười năm một lần, tạp chí điện ảnh Sight&Sound tổ chức một cuộc bầu chọn với sự tham gia của hơn 300 đạo diễn nổi tiếng và xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Đối với những con người có tình yêu sâu đậm với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, họ luôn suy nghĩ và tò mò những vị đạo diễn, biên kịch giỏi nhất thích nhất phim gì và “gu” của những bậc thầy phim ảnh như Martin Scorsese, Quentin Tarantino, Francis Ford Coppola, Christopher Nolan,… ra sao. Liệu họ có cùng “gu” với mình hay không? Các bạn hãy cùng ELLE Man tìm ra câu trả lời trong bài viết sau nhé!
1. Tokyo Story (1953) – Ozu Yasujiro
Dù nền điện ảnh Nhật Bản vốn không được đánh giá cao, nhưng Tokyo Story là một tuyệt phẩm trong những tuyệt phẩm đương đại. Câu chuyện của Tokyo Story kể về chuyến phiêu lưu đôi phu thê lớn tuổi từ dưới quê lên phố thị ánh đèn hoa lệ để thăm con cái. Nhưng sau chuyến đi đó, họ nhận ra rằng, cách biệt giữa hai thế hệ lớn đến nỗi con cái không còn mặn mà quan tâm đến mối quan hệ gia đình. Mặc dù đối với hiện tại, cốt truyện của bộ phim điện ảnh này đã quá đổi quen thuộc với khán giả đại chúng qua những tiểu phẩm, kịch hay những chương trình truyền hình. Nhưng ở thời điểm thập niên 50, đề tài này được xem là một hướng đi mới, lột tả sự thật khắc nghiệt về mối quan hệ gia đình và nội dung của nó vẫn là vấn đề nhức nhối, trường tồn theo thời gian.
2. 2001: A Space Odyssey (1968) – Stanley Kubrick
Cố đạo diễn Stanley Kubrick là một trong những huyền thoại của nền điện ảnh Hollywood. Ông đã để lại nhiều tác phẩm mang tính đột phá cũng như nội dung của nó sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ. Đối với 2001: A Space Odyssey, tác phẩm được cho là thừa hưởng những cú máy, góc quay mang tính “đi trước thời đại”. Bên cạnh đó, 2001: A Space Odyssey đứng đầu trong danh sách những bộ phim khoa học viễn tưởng hay nhất từ trước đến giờ cũng như là “cha đẻ” của dòng phim này.
3. Taxi Driver (1976) – Martin Scorsese
Bộ phim điện ảnh lấy đề tài tâm lý tội phạm do Martin Scorsese đạo diễn đã đạt được nhiều thành tựu tại thời điểm mới ra mắt. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, Taxi Driver và Joker (2020) có nhiều nét tương đồng về mặt nội dung lẫn xây dựng nhân vật. Ở thời điểm hiện tại, nội dung của Taxi Driver vẫn không lỗi thời theo thời gian, mà vẫn giữ vững vị trí đỉnh cao trong dòng phim neo-noir vốn dĩ chuyên lột tả sự thật trần trụi, tàn khốc trong những góc khuất đen tối nhất của xã hội đương thời ẩn dưới bộ cánh nguy nga tráng lệ của những thành phố lớn.
4. Apocalypse Now (1979) – Francis Ford Coppola
Tác phẩm của đạo diễn Francis Ford Coppola được xem là một những bộ phim điện ảnh lấy đề tài chiến tranh hay nhất thế giới. Bộ phim xoay quanh chuyến phiêu lưu của đại úy đội đặc nhiệm Mỹ Benjamin L. Willard nhận nhiệm vụ ám sát đại tá Walter E.Kurtz- người bị xem là đào ngũ và là thành phần nguy hiểm đối với quân đội Hoa Kỳ. Theo chân đại úy Willard, khán giả sẽ theo dõi sự khốc liệt của chiến tranh dẫn đến sự biến chất từ một viên đại tá xuất sắc nhất quân đội ở chiến trường Việt Nam trở thành một phần tử nguy hiểm, có chút điên loạn.
5. Vertigo (1958) – Alfred Hitchcock
Bộ phim của cố đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock là một bộ phim điện ảnh thuộc thể loại trinh thám, tâm lý hay nhất mọi thời đại. Được biết, Alfred Hitchcock còn là tác giả của những bộ phim tâm lý kinh dị, giật gân đã trở thành nỗi ám ảnh của đại đa số khán giả từng xem qua bộ phim của ông và ông còn nổi tiếng với lý thuyết “quả bom Hitchcock” của mình. Bên cạnh đó, Vertigo đã thừa hưởng những tinh hoa của những người anh em cùng cha của mình và thậm chí còn được Thư viện Quốc hội Mỹ lưu trữ vì “tính văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ”.
6. Godfather (1972) – Francis Ford Coppola
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo, bộ phim điện ảnh Godfather được xem như biểu tượng của dòng phim tâm lý học tội phạm. Nhắc tới ông trùm của giới tội phạm, người ta sẽ liên tưởng đến hình ảnh của những tên tay to, mặt lớn, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống kẻ ngồi đối diện. Nhưng với Godfather, “Bố Già” Don Vito Corleone được khắc họa là người có lối sống chuẩn mực của một người đàn ông trưởng thành. Trong phim, Don Vito Corleone được coi là một ông trùm của thế giới ngầm, tội phạm nguy hiểm nhưng lại là Đấng Cứu Thế cho những con người bất mãn với pháp luật vô dụng, một người đàn ông viết nên tiêu chuẩn cho những người đàn ông khác phải noi theo. Quan trọng nhất, giá trị bài học về cuộc sống lẫn gia đình mà bộ phim mang lại vẫn sẽ mãi trường tồn theo thời gian.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man