Phim điện ảnh: Sự cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại

Bài ELLE Team

Nghệ thuật và thương mại, 2 yếu tố luôn đi liền với nhau nhưng cũng mang nhiều mâu thuẫn giữa khán giả và nhà làm phim, đặc biệt là trong ngành phim điện ảnh nước nhà. Vậy đâu là cách dung hoà 2 yếu tố ấy để tạo nên một tác phẩm giá trị đối với công chúng?

Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu xem sự cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại của ngành phim điện ảnh thế giới và nước nhà trong bài viết sau.

Lịch sử ra đời của điện ảnh

Năm 1895 tại Lyon, Pháp, hai anh em Auguste và Louis Lumière đã quay những thước phim về khung cảnh cuộc sống đời thường. Sau đó họ tổ chức buổi trình chiếu và bán vé tại tầng hầm của một quán cà phê. Mặc dù đây không phải lần đầu tiên máy móc có khả năng quay lại hình ảnh được ra đời, tuy nhiên đó lại được coi là dấu mốc đầu tiên khai sinh ra Điện ảnh – môn nghệ thuật thứ bảy. Đó là bởi tính thương mại lần đầu được xuất hiện trong hoạt động “bán vé” của anh em nhà Lumière, cho dù đó chỉ là số tiền nhỏ. Trong bối cảnh tầng hầm của một quán cà phê mô phỏng một “rạp phim” sơ khai, tuy nhiên khán giả tới xem, trả tiền và chia sẻ không gian với nhau. Bởi lẽ đó, ta có thể nói: “Sự khai sinh ra Điện ảnh ngay thuở ban đầu đã gắn bó chặt chẽ với tính thương mại.”

Anh em nhà Lumière

Đồng thời, bản chất của Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật. Thế nên trong xuyên suốt chiều dài lịch sử của điện ảnh phổ thông, ta sẽ luôn thấy sự song hành liên tục giữa tính nghệ thuật và thương mại trong các tác phẩm.

Phim

Sự mất cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại tạo nên các dòng phim điện ảnh

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ xét riêng về lịch sử nền điện ảnh Việt Nam. Vào năm 1959, nền điện ảnh Việt Nam có dấu mốc đầu tiên với dòng phim quốc doanh do nhà nước đầu tư và sản xuất, tiêu biểu là bộ phim “Chung một dòng sông” của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân. Mục đích chủ yếu của điện ảnh thời bấy giờ là việc tuyên truyền về thể chế và Cách mạng, các rạp phim mở cửa miễn phí. Trong thời kì này, điện ảnh hoàn toàn không có yếu tố thương mại.

Hình ảnh trong “Chung một dòng sông” đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân

Sau cuộc đổi mới năm 1986, đến năm 1988 chính thức đánh dấu mốc cho điện ảnh tư nhân lên ngôi. Điều đó đồng thời dẫn đến hệ quả nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam mang tính thương mại rõ rệt. Các công ty nước ngoài về điện ảnh bắt đầu mọc lên ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Các rạp chiếu phim của tư nhân được mở ra và bán vé, các nhà sản xuất toàn quyền trong việc điều phối và định hướng thị hiếu xem phim để phục vụ cho lợi nhuận. Từ thời kì đó cho đến nay, dòng phim do các công ty, hãng phim tư nhân sản xuất vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường. Từ những giai đoạn nền điện ảnh Việt có hàng loạt các phim bị cho là “hài nhảm”, hoàn toàn chỉ phục vụ mục đích thương mại mà mất đi giá trị nghệ thuật cần có. Cho đến một vài năm gần đây, một số bộ phim điện ảnh Việt Nam đang nỗ lực tìm lại “chính mình” để góp phần phát triển nền điện ảnh nước ta, kể đến như: “Hai Phượng”, “Mắt Biếc”, “Chị chị em em”, …. Các đạo diễn và nhà sản xuất hiện nay đang cố gắng tìm lại sự cân bằng cần có giữa tính nghệ thuật và thương mại.

Phim “Hai Phượng” – đạo diễn Lê Văn Kiệt
Phim “Mắt Biếc” – đạo diễn Victor Vũ

Song song với sự phát triển của phim điện ảnh thương mại, ta có một màu sắc rất riêng mang đậm tính nghệ thuật của dòng phim độc lập. Năm 2010 được coi là dấu mốc với tác phẩm điện ảnh độc lập đầu tiên được ca ngợi tại Việt Nam, đó là “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di. Những năm gần đây, các đạo diễn điện ảnh độc lập vẫn tiếp tục hành trình kiên định của mình trong việc tạo nên các giá trị nghệ thuật trong từng sản phẩm. Một loạt những bộ phim mặc dù chưa thực sự đình đám trong nước, nhưng đã được vinh danh tại nước ngoài như “Bi, đừng sợ”, “Đập cánh giữa không trung”, “Người vợ ba”, “Ròm” hay các bộ phim thể hiện sự nỗ lực không nhỏ của người làm nghệ thuật và tạo ra không ít “cơn sốt” đối với khán giả trong nước như “Thưa mẹ con đi”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đi tìm Phong”,…

Phim “Bi, đừng sợ!” đạo diễn Phan Đăng Di
Phim “Người vợ ba” đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair

Điều cốt lõi tạo nên giá trị của một tác phẩm 

Không có công thức nào đúng hay sai trong việc điều chỉnh mức độ của hai tính chất thương mại và nghệ thuật. Mỗi dòng phim, thể loại phim đều mang trong mình một sứ mệnh phục vụ cho các đối tượng khác nhau và tạo nên những giá trị riêng biệt đối với nền điện ảnh nước nhà. Điều quan trọng nhất của một nhà làm phim để quyết định chọn tính nghệ thuật hay thương mại chiếm ưu thế, hay nỗ lực cân bằng cả hai là việc hiểu rõ bản thân muốn tạo ra giá trị như thế nào đối với khán giả. 

Bởi vì bản chất của điện ảnh là nghệ thuật, chính vì vậy không có mẫu số chung nào cho một bộ phim hay. Một bộ phim hay không nằm ở việc mục tiêu của nó là nghệ thuật, thương mại hay tuyên truyền về nhà nước; mà điều làm nên giá trị cốt lõi là bộ phim đó tác động như thế nào đối với khán giả.

20

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài viết: Chloe Phung

No more