COVID-19 đang ngày càng diễn biến hết sức phức tạp ở phạm vi trong và ngoài nước. Những thay đổi tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến xã hội nổi lên nhiều cảnh tượng hỗn loạn, rối rắm. Tình hình này khiến khán giả liên tưởng đến khung cảnh thường thấy trong các thước phim thảm họa tái hiện bối cảnh đại dịch toàn cầu trên màn ảnh.
Sự ám ảnh và những cảm giác trong phim chưa bao giờ nhân được sự đồng cảm đến thế từ người xem như giai đoạn hiện nay. Sau đây là một vài cái tên tiêu biểu được ELLE Man đánh giá là rất xứng đáng để khán giả theo dõi giữa tâm bão COVID-19 hoành hành.
1. Outbreak (1995)
Tựa Việt: Sự Bùng Nổ
Bộ phim thảm họa này là một tác phẩm xuất xứ từ Mỹ, phát hành trong năm 1995. Đây là một cái tên kinh điển dựa trên sự kiện có thật và tác hại của dịch bệnh do virus Ebola gây ra vào những năm đầu thập niên 90. Chủng virus Ebola có mức độ tấn công cao, khả năng lây nhiễm nhanh chóng. Người bị nhiễm virus sẽ mắc phải hiện tượng chảy máu và tổn thương bên trong. Tỷ lệ lệ người mắc phải virus Ebola tử vong là rất cao.
Trong phim Outbreak, nhà sản xuất gọi tên chủng virus đáng sợ đó là Motaba khởi xướng từ châu Phi sau đó dần lan sang Mỹ và các vùng khác trên thế giới. Lấy bối cảnh chính là một thị trấn hư cấu tại bang California, Viện nghiên cứu y tế quân đội, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bện Hoa Kỳ, các cơ quan quân sự và quân sự phải cố gắng bằng mọi nỗ lực của mình để dừng lại sự lây lan của loài virus truyền nhiễm nguy hiểm này.
2. Children Of Men (2006)
Tựa Việt: Đứa Con Của Loài Người
Ra đời vào năm 2006, dù không được biết đến nhiều vì tính giải trí thấp, nhưng đây là một bộ phim tâm lý thực rất đáng xem với những nốt cao trào đậm tính đời. Đáng giá ở chỗ nhà làm phim không quá vội vã gượng ép tình huống nhân vật, thay vào đó mọi thứ được đẩy lên một cách rất hợp lý và gần gũi.
Bối cảnh của bộ phim là khi thế giới lan truyền một căn bệnh lạ, loài người trên toàn cầu bị vô sinh hoàn toàn sau khi trải qua một đợt cúm. Cứ như thế, đứa trẻ được ra đời gần nhất cũng là vào 18 năm trước. Cuộc chiến giữa chính phủ Anh và người tị nạn nổ ra càng làm tình hình thế giới thêm hỗn loạn, rối ren.
Trong bối cảnh đó, một trinh nữ da màu là người phụ nữ da màu duy nhất đã hoài thai đứa con của toàn nhân loại. Khi đứa trẻ được sinh ra, mọi cuộc chiến, quân đội, súng ống, đạn dược hay ánh mặt của từng con người đều như dừng lại với niềm khát khao cháy bỏng, chạm vào sinh linh nhỏ bé này.
Những chi tiết ẩn dụ, sự bi tráng của con người và sự sống, hay màu sắc, âm hưởng tôn giáo đều góp phần tạo nên giá trị của bộ phim thảm họa giả tưởng này. Phim đề cao sự thiêng liêng của sự sống, hình ảnh một sinh linh ra đời đáng giá biết bao nhiêu có lẽ phần nào để lại cho người xem chút lắng đọng và suy tưởng về hiện thực xã hội hiện nay.
3. Train To Busan (2016)
Tựa Việt: Chuyến Tàu Sinh Tử
Bộ phim từng gây tiếng vang lớn khi ra mắt vào năm 2016, hiện nay lại càng hot hơn bao giờ hết khi thế giới bao trùm bởi nỗi lo lắng về đại dịch COVID-19. Đây là một bô phim vô cùng đáng xem giai đoạn này.
Trong Train To Busan, đại dịch xác sống cũng được xác định đến từ một loài động vật hoang dã. Người xem có thể chứng kiến quá trình dịch bắt đầu từ đâu, giai đoạn lây lan như thế nào. Những thành phố bị phong tỏa, con người lầm than, rối loạn và tuyệt vọng. Hàng trăm chi tiết khác nhau sẽ mang đến cho người xem những trải nghiệm đáng nhớ. Và tất nhiên cao trào cảm động đến phát khóc là không thể thiếu.
Bộ phim kể về hành trình hai cha con Seok-woo và Sang-hwa cùng những vị khách khác trên chuyến tàu đi đến Busan tránh dịch. Họ phải cố gắng hết mình để giữ được mạng sống của mình trước bọn zombie luôn ráo riết đuổi theo không ngớt.
Tiết tấu dồn dập, những cảnh phim mãn nhãn và giọt nước mắt để lại cho khán giả là điểu khiến Train To Busan trở thành một tác phẩm tuyệt vời trong nền điện ảnh Hàn Quốc. Đây cũng là thành quả chuyển mình trong kỹ thuật đồ họa phim của quốc gia này.
4. The Flu (2013)
Tựa Việt: Đại Dịch Cúm
The Flu ra đời năm 2013 kể về trận dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Xuất hiện do một nhóm người nhập cư trái phép đưa vào Hàn Quốc rồi lây lan khắp Bundang, vùng ngoại ô Seoul. Sau đó căn bệnh truyền nhiễm một cách nhanh chóng đến đáng sợ do một tác nhân lọt vòng.
Mỗi giờ số người nhiễm bệnh lên đến 2000 ca, trong vòng 36 tiếng, nạn nhân sẽ liên tiếp tử vong mà không có cách nào chữa khỏi. Sự lây lan nhanh và tỷ lệ tử vọng của căn bệnh này đẩy cả thành phố Seoul vào tình trạng khẩn, mọi người đều trong trạng thái hoang mang tột độ.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Hàn Quốc lựa chọn cách làm dã man đến cự độ khi quyết định thủ tiêu toàn thành phố với dân số hơn nửa triệu người để đảm bảo không lây lan. Đây cũng chính là chi tiết khiến người ta tranh cãi và day dứt trong bộ phim.
Đạo diễn The Flu đã thể hiện được tài năng của mình rõ rệt, ông đưa nhịp phim bắt đầu từ những nốt chậm, sau đó nhanh dần nhanh dần đến cao trào. Bộ phim mang đến nhiều cung bậc cảm xúc từ lo lắng, sợ hãi, uất ức, đồng cảm cho đến nỗi hân hoan, vui mừng, sung sướng. Một sự tài tình rất đáng khen ngợi.
____
Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man
Bài: Moo