Cá nhân tôi thấy Ready Player One ổn. Không dở, cũng không đem lại cho tôi cảm xúc thăng hoa như tôi kì vọng. Hầu hết khoảng thời gian hơn hai tiếng rưỡi xem Ready Player One, tôi...ngáp. Tôi ngờ ngợ, phim bom tấn từ vị đạo diễn tôi ái mộ khiến tôi gợi nhớ mạnh đến tác phẩm anime Summer Wars, ra đời trước đó 9 năm, năm 2009.
Hôm rồi, tôi có ra rạp xem bộ phim mình vô cùng kì vọng. Phim của Steven Spielberg, Ready Player One. Bộ phim được giới phê bình ban thưởng nhiều lời có cánh. Các fan phim ảnh cũng có vẻ thích thú khoái trí. Nội dung phim, Ready Player One kể về một thế giới tương lai rất gần, con người nghiện game thực tế ảo, mỗi người một cái kính VR úp vào mặt, nuôi một con Avatar trong thế giới game, cứ thế sinh hoạt kiếm xu mua đồ nâng cấp. Đại loại vậy.
Cá nhân tôi thấy Ready Player One ổn. Không dở, cũng không đem lại cho tôi cảm xúc thăng hoa như tôi kì vọng. Hầu hết khoảng thời gian hơn hai tiếng rưỡi xem Ready Player One, tôi…ngáp. Tôi ngờ ngợ, phim bom tấn từ vị đạo diễn tôi ái mộ khiến tôi gợi nhớ mạnh đến tác phẩm anime Summer Wars, ra đời trước đó 9 năm, năm 2009.
Hiện tại, điện thoại di động lên ngôi, game cho điện thoại di động phát triển mạnh mẽ, người ta dần quên lãng các thiệt bị trò chơi điện tử cầm tay siêu chất cực ngầu PSP, Nintendo. Chỉ tầm 7-10 năm về trước thôi, thế giới chưa lệ thuộc vào điện thoại thông minh, tôi rong ruổi khắp Tokyo, mê mải quanh quẩn quận điện tử – điện máy Akihabara độc đáo lúc nào cũng tấp nập những kẻ nghiện đồ công nghệ. Nơi đó có một hấp lực khổng lồ, đầy mê hoặc. Các loại máy điện thoại hình thức sáng tạo đẹp mắt, các thể loại đồ chơi đẹp đẽ, đủ loại máy móc chơi game đa dạng… Và lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng là khu đất trống. Khu đất có cây cối phủ xanh chính là sàn đấu – kết nối các game thủ, các đời máy, đủ thể loại game. Khung cảnh khu đất đó thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi. Người ta tập kết-kết nối nhau trong im lặng, hân hoan trong im lặng. Khu đấu trường thỉnh thoảng rộ lên góc này chút góc kia chút âm thanh thắng thua đầy phấn khích, tựa như pháo hoa bừng nở giữa bầu trời yên ắng vậy. Người Nhật từng có lối chơi game kết nối nhau đầy văn minh và độc đáo như vậy đấy.
9 năm trước, chúng ta chưa bắt gặp thường xuyên hình ảnh một bàn cà phê những người bạn hẹn hò nhau cùng ngồi rồi chúi mũi cắm mặt vào Samsung hay Apple “sống ảo”. 9 năm trước, thời điểm hoàng kim của PSP của Nintendo. Và bộ phim anime đặc sắc Summer Wars ra đời.
Những ai mê văn hóa Nhật, mê trò chơi điện tử, xem Summer Wars, sẽ có cảm giác vừa thỏa mãn vừa ghen tị. Bộ phim mô tả rất thật xã hội Nhật tại thời điểm đó phát triển tột đỉnh các thiết bị game điện tử. Trên đường phố đô thị hiện đại, ai cũng có một máy điện tử cầm tay đáng mơ ước. “Đáng ghét” hơn, ngay cả lũ trẻ con hỉ mũi chưa sạch cũng đường hoàng chễm chệ mỗi đứa nhỏ một cái máy. Không bị ai quản thúc, lũ trẻ nhỏ mặc sức chơi game, phát triển khả năng bản thân qua những trò chơi phù hợp. Xã hội Summer Wars, máy chơi game chính là tấm chứng minh thư xác nhận mỗi con người. Mỗi người sẽ có một Avatar riêng, tồn tại trong một mạng xã hội ảo. Mạng xã hội ảo này tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Người ta trò chuyện, học tập, giải trí, đóng sinh hoạt phí qua mạng xã hội ảo, thông qua máy điện tử cầm tay. Và khi xã hội ảo trở nên quá ảo, con người ta mất quyền kiểm soát, thế giới ảo tìm cách chi phối sâu sắc thế giới thật, con người lao đao.
Điều khiến Summer Wars đặc biệt và độc đáo, chính là thông điệp kết nối. Kết nối đồng điệu giữa các thiết bị hi-tech hào nhoáng. Kết nối thuận hòa giữa đô thị hiện đại với nông thôn yên ắng. Kết nối hài hòa giữa giá trị truyền thống với khoa học tân tiến. Kết nối ấm áp giữa các khoảng cách thế hệ. Kết nối cân đối giữa thật với ảo. Ở Summer Wars, khung cảnh nước Nhật, từ thị thành phiêu du đến thôn quê, rồi dẫn dắt tới thế giới ảo, đều đẹp thơ mộng, sống động, và đặc biệt lôi cuốn.
Quay lại thời điểm hiện tại, bộ phim Holywood Ready Player One, có ý tưởng khá tương đồng với Summer Wars, thông điệp cũng không khác Summer Wars bao xa. Ready Player One thỏa mãn bạn bằng kĩ xảo ba chiều thời thượng đẹp mắt, các thể loại “khách mời” là các nhân vật game đình đám một thời như Street Fighters, Ninja Rùa, Tron, Doom…, kèm âm nhạc pop cổ điển bắt tai, nội dung phim dễ hiểu dễ theo dõi. Còn Summer Wars, 9 năm sau khi được trình chiếu, giờ, xem lại, người xem ngỡ ngàng nhận ra thế giới hiện đại đáng mơ ước thủa nào giờ trở nên hoài cổ vintage, không ai còn thiết tha thể loại máy điện tử cầm tay nữa, chúng trở nên lạc lõng một cách đáng thương và xa vời.
Từ Summer Wars đến Ready Player One, chúng ta dễ dàng nhận ra thế giới giải trí thay đổi quá nhanh chóng và hỗn độn, cách con người ta kết nối nhau trở nên quá lỏng lẻo và mờ nhạt. Dường như so với thế giới Summer Wars, thế giới Ready Player One bệ rạc hơn, ảo hơn. Ready Player One, bề ngoài hoành tráng, thực chất cô đơn, yếu ớt, luộm thuộm và thực dụng. Hai bộ phim, chung một thông điệp, đó là trong ảo có thật và trong thật có ảo. Tuy nhiên, bạn hãy trân trọng thế giới thật, bởi đơn giản đó là “Thật”. Xin bạn đừng nhầm lẫn, cũng đừng bỏ bê.
9 năm trước, Nhật Bản đã cảnh báo về khả năng đời sống ảo gây xích mích đời sống thật qua tác phẩm Summer Wars. 9 năm sau, nước Mỹ tiếp tục thông điệp đó qua Ready Player One. Cả hai đều là tác phẩm điện ảnh thú vị. Quan trọng hơn, chúng hữu ích và có giá trị thức tỉnh rõ rệt. Trong thời đại sống ảo, bạn trên Facebook khác xa bạn ngoài đời thực, bạn chấp nhận đẹp long lanh ảo diệu trên Facebook, nhếch nhác ngoài đời thực.
Xem thêm:
—
Bài: CHQCQ (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, hình ảnh: Ready Player One, Summer Wars)