Album “Gieo” của Ngọt: Phóng khoáng đến mức thô ráp, trần trụi

Bài Tuan Anh

Ở album phòng thu thứ 4 của mình, Ngọt tiếp tục cho thấy nỗ lực trong việc bứt phá về âm nhạc, tạo dựng không gian khác biệt với những kỷ nguyên trước đó. Tuy nhiên, tổng thể album hơi khó nghe so với những sản phẩm trước đó.

Qua album “Gieo”, Ngọt có lẽ là một trong những nhóm nhạc chịu khó làm mới bản thân nhất tại nhạc Việt. Kể từ album đầu tay đến nay, người nghe ít khi thấy nhóm lặp lại chính mình. Từ chất liệu indie rock có chút thô ráp và lạ lẫm với người nghe trong album “Ngọt”, nhóm bắt đầu làm mềm âm nhạc của mình khi mang đến một số chất liệu cổ điển trong “Ngbthg”. Đến “3” thì thực sự là một “tuyển tập” âm nhạc vô cùng chất lượng khi mỗi bài lại đi theo một hướng khác nhau mà âm thanh tổng thể vẫn thống nhất, không đối chọi, lúc thăng hoa lúc nhẹ nhàng rất đa dạng. 

Trong một số single phát hành trước khi phát hành album phòng thu thứ 4, Ngọt tiếp tục cho thấy những sự khác biệt. Không nhắc đến 2 single “để quên” hay “đốt” là những màn thử nghiệm âm thanh hết sức độc đáo, kể từ “em trang trí” qua “mấy khi” và gần nhất là “thấy chưa”, Ngọt cho thấy những khai phá khác biệt, thậm chí đối nghịch với album “3” trước đó.  Nếu như “3” là một trong những không gian âm nhạc chuyên nghiệp, chỉn chu nhất mà Ngọt từng mang đến cho người hâm mộ, mỗi bài đều được thu âm và hậu kỳ rất cẩn trọng, sạch sẽ, thì những single mở đường cho album thứ 4 này lại rất thô ráp, có phần hoang dại. Phần phối khí nhiều lớp nhạc cụ nhưng lại được xử lý như đang nghe qua một lớp sương mờ, Vũ Đinh Trọng Thắng quay trở lại với lối hát rất nhiều bản năng, đôi khi không rõ lời, ca từ cũng phóng khoáng và tự do hơn. 

Ảnh: Fanpage Ngọt

Và đây cũng chính là những thứ để mô tả rõ nhất album “Gieo” của nhóm. Xuyên suốt 11 bài hát, người nghe đều cảm nhận được một sự tự do, một tham vọng hoang dại để bứt phá ra khỏi khuôn khổ. Sự hoang dại, thô ráp ấy không giống như ở album đầu tay nhiều non nớt với kỹ thuật phòng thu còn hạn chế. Ở “Gieo”, đó là một sự nỗ lực khi mà vị thế của Ngọt giờ đây đã rất khác so với 6 năm trước, cộng với việc album “3” đã thiết lập nên một chuẩn mực khá cao đối với indie rock tại Việt Nam. Ngọt luôn có cái áp lực của một người đi đầu, người tiên phong khiến họ dường như luôn muốn bung ra để trở lại đúng với nguyên dạng bản thể. 

Ngay từ track đầu tiên “Bạn thỏ TV nhỏ”, người nghe đã thấy những tiếng nhiễu được đặt một cách cố ý, cùng với sample quen thuộc từ bộ phim hoạt hình “Hãy đợi đấy”. Không chỉ gợi nhắc lại về một thập niên 90s với những công nghệ hình ảnh xưa cũ, những tiếng nhiễu giọng từ đầu đến cuối ở đây còn cho thấy Ngọt đang thực sự muốn rũ bỏ sự sạch sẽ, chỉn chu mà họ thiết lập trong album trước. 

Những thô ráp trong mặt âm thanh còn được người nghe thấy khá rõ ràng trong những track như “Em trang trí”, “Em trong đầu”, và đặc biệt là ở “Chào buổi sáng” – ca khúc ngắn và đơn giản nhất trong album. Bài hát như được thu âm trên điện thoại, khi Thắng đang ngân nga một cách ngẫu hứng một giai điệu bất chợt nảy ra trong đầu, phần âm thanh cũng độc một tiếng piano hết sức nhẹ nhàng. Tuy nhiên, càng về cuối, tiếng piano càng trở nên réo rắt, mạnh mẽ cho thấy một sự chủ đích rất rõ ràng. Và đó cũng chính là những gì mà những ca khúc có phần phối khí “thô ráp” khác được xây dựng: Tưởng như đơn giản nhưng luôn có rất nhiều lớp lang âm thanh phía sau. 

Ảnh: Fanpage Ngọt

Ngoại trừ “Mấy khi”, “Thấy chưa” đã được chọn để phát hành trước đó, 2 bài hát rất nổi bật khác trong album có thể kể đến là “Điểm đến cuối cùng” và “Mất tích”. “Điểm đến cuối cùng” mang đến một chút hoài niệm về “Ngbthg” và một chút của “3” với một phần giai điệu đẹp, rất ngọt ngào. Tuy nhiên, bài hát vẫn được đặt trong một phần phối khí đậm chất của “Gieo” với những âm thanh mờ ẩn khuất phía sau thay vì sáng bóng như những album trước, kết hợp với tiếng huýt sáo được để một cách thô ráp, tự nhiên nhất có thể trong đoạn giang tấu. 

“Mất tích” lại là một trong những khoảnh khắc khác biệt nhất của album khi Ngọt tìm đến một số âm thanh của pop, cụ thể là màu sắc city pop khá rõ nét. Sự “mờ mịt” của bài hát này không tạo cảm giác phóng khoáng như những ca khúc trước đó, mà thay vào đó là không gian đêm tối dưới ánh đèn đường của thành thị. Đây cũng có thể xem là bài hát bắt tai, dễ nghe nhất trong album. 

Ảnh: Fanpage Ngọt

Còn lại, phần lớn thời lượng của album đều khá khó cảm đối với khán giả đại chúng. Sự thô ráp một cách cố ý trong album “Gieo” thậm chí còn “nặng” hơn so với album đầu tiên, khiến một số bài rất mờ mịt hầu như không nghe thấy rõ ràng. Đây không hẳn là một điểm yếu của album, nhưng khi Ngọt đã có tiếng vang với đại chúng thông qua những ca khúc sạch sẽ như “Em dạo này” hay “Lần cuối”, sự thay đổi khá đột ngột này có thể khiến nhiều khán giả bị ngợp. “Chào buổi sáng” hay “Gieo” là những bài hát thô ráp nhất album với phần phối khí và giọng hát vô cùng khô là một thử thách với những người chưa quen thuộc với âm nhạc của Ngọt. 

Đặc biệt, trong album này, Vũ Đinh Trọng Thắng lựa chọn cách hát rất khó nghe, hầu như không đóng âm cuối và bài hát cũng có nhiều khúc cưỡng dấu. Nhiều khán giả đã bình luận rằng không thể nghe được anh hát điều gì, đặc biệt trong những track mà phần vocal còn bị làm nhiễu, biến dạng như “Bạn thỏ TV nhỏ” hay “Em trong đầu”. Có lẽ đây là một sự cố tình của Thắng, bởi trong album “3” với phần phối khí sạch sẽ hơn, Thắng vẫn hát được rõ lời. Cách hát này phần nào phù hợp với không gian âm nhạc của album, nhưng có thể khiến nhiều khán giả thấy khó chịu. 

Ngọt luôn nỗ lực làm mới mình, thay đổi âm nhạc liên tục qua mỗi lần trở lại. Tuy nhiên, sự quay lại với bản thể tự do, phóng khoáng đến như thô ráp như ở “Gieo” vẫn là một điều bất ngờ đối với những người biết đến và yêu mến nhóm thông qua album “3” hay “Ngbthg”. “Gieo” có thể sẽ khó được lòng công chúng hơn những sản phẩm trước đó, nhưng vẫn là một dấu ấn đặc biệt trong toàn bộ discography của nhóm, nơi người hâm mộ có thể thấy một Ngọt dám bứt phá ra khỏi khuôn khổ để mạo hiểm làm những điều mà ít người nghĩ đến. 

Thành

___________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Nam Trần

No more