Review “Chainsaw Man”: Ranh giới giữa hiện thực và giả tưởng

Bài Tuan Anh

Chainsaw Man được hãng phim hoạt hình MAPPA chuyển thể từ bộ truyện nổi tiếng cùng tên của tác giả Fujimoto Tatsuki. CEO của hãng phim khẳng định, “Chúng tôi sẽ làm nên lịch sử với Chainsaw man”. Và có vẻ điều đó đang dần trở thành hiện thực.

(*) Bài viết “Review “Chainsaw Man”: Ranh giới giữa hiện thực và giả tưởng” có tiết lộ một phần nội dung phim.

Chainsaw Man lấy bối cảnh ở một thế giới nơi quỷ được sinh ra từ nỗi sợ của con người. Phim xoay quanh nhân vật chính Denji và hành trình của cậu ở sở diệt quỷ Trị An với vai trò là thợ săn quỷ. 

Poster chính thức của bộ phim hoạt hình (Ảnh: Twitter)
Review

Fujimoto Tatsuki và Mappa: Hai phụ huynh tỉ mẫn

Nói về Fujimoto, độc giả của ông hẳn không còn xa lạ gì với từ “điên”. Các tác phẩm của Fujimoto Tatsuki chứa đựng một nét độc đáo riêng biệt trong nội tâm và hành động vô cùng chân thật của từng nhân vật. Gán với một thế giới mới lạ trong Chainsaw Man, tình huống truyện theo đó cũng được đẩy theo một hướng độc lập khác biệt so với các motif thường thấy trong anime nói riêng và các thể loại phim hoạt hình nói chung. Sự kết hợp các yếu tố đối lập nhau để xây thành một hệ thống truyện logic sẽ khiến độc giả ngỡ ngàng với Fujimoto cũng như cách ông khéo léo biến Chainsaw Man thành dự án lớn nhất của MAPPA cho đến hiện tại. Mới đây trong cuộc phỏng vấn với Crunchyroll, ông Hiroshi Seko – CEO của MAPPA cho hay, “Chúng tôi sẽ làm nên lịch sử với Chainsaw Man.”

Chainsaw Man: Điện ảnh trong hoạt ảnh

Nếu bạn yêu thích điện ảnh hoặc đã từng xem qua một vài bộ phim điện ảnh thì hẳn khi đến với Chainsaw Man, bạn sẽ cảm nhận được sự quen thuộc đến từ tuyệt tác này. Các góc quay của bộ phim bám sát các kĩ thuật quay điện ảnh, độ hài hòa của màu sắc trong khung hình, âm thanh và ánh sáng hài hòa, tất cả khiến cho khán giả ngỡ như đằng sau khung cảnh là ống kính chứ không phải những bản phác thảo hoạt họa. 

Cảnh phim Makima đứng dưới phố (Ảnh: Twitter)

Thông thường trong anime, biểu cảm gương mặt khi lên hình sẽ được lược bớt một vài chi tiết nhỏ, chỉ giữ lại các hành động tượng trưng. Đơn giản như cảm giác đau đớn, lông mày và khuôn miệng của nhân vật thường được trau chuốt hơn các bộ phận khác hoặc không được mô tả để giảm bớt chi phí sản xuất nhưng vẫn giữ được nội dung muốn truyền tải. Đối với MAPPA, đó lại là một chuyện khác. Các thước phim được dựng chi tiết đến mức khán giả dường như cũng đau theo nhân vật.

Cảnh phim Aki đang bị đánh (Ảnh: Twitter)

Việc đồ họa đang dần chạm đến ngưỡng người thật nhưng vẫn giữ được hoàn toàn nét hoạt hình là một minh chứng rõ ràng cho giá trị của tác phẩm và sự đầu tư chi tiết của MAPPA. Đặc biệt, hãng cũng khẳng định sẽ không cắt hoặc làm mờ các cảnh máu me hay bạo lực để thể hiện sự tôn trọng của mình dành cho nét “điên” đặc trưng của tác giả Fujimoto Tatsuki.

Cảnh phim Quỷ Kiếm đang chiến đấu (Ảnh: Twitter)

Chưa bàn đến nội dung, chỉ với mặt hình ảnh cũng đã đủ để Chainsaw Man trở thành một bộ anime có sức ảnh hưởng khổng lồ đến với toàn bộ cộng đồng người hâm mộ trên toàn quốc.  

Chainsaw Man: Cốt lõi hiện thực của một thế giới giả tưởng

Thế giới của Chainsaw Man diễn ra từ năm 1997, các sự kiện trong phim gắn liền với các sự kiện thực tế của lịch sử nhưng được Fujimoto biến tấu theo cách riêng của ông. Nạn diệt chủng người Do Thái, đại dịch AIDS và vũ khí hạt nhân hoàn toàn bị xóa sổ khỏi thế giới theo quy tắc truyện: Các con quỷ bị ăn thịt sẽ biến mất. Chainsaw Man giống như một trò chơi trí tuệ với các sự kiện siêu nhiên được xây dựng trên nền tảng có thật, chúng thay đổi lịch sử, dần dà tạo nên một thế giới khác với bối cảnh hiện thực ban đầu. 

Hơn thế, các mối quan hệ trong phim không chứa đựng bất kỳ chi tiết hạnh phúc nào “từ trên trời rơi xuống” hay sự may mắn thường thấy của các nhân vật chính điển hình. Lòng tốt của Makima đi với điều kiện Denji phải trở thành chó của cô nàng, Power lừa Denji cho quỷ Dơi ăn, thậm chí cả nụ hôn của Himeno cũng không hẳn là một nụ hôn trọn vẹn. Hầu như tất cả các chi tiết bất hạnh của Denji đều được bọc trong cái vỏ hài hước để mà khi chiêm nghiệm lại ta sẽ thấy buồn nhiều hơn là vui. 

Cảnh phim Denji bị Quỷ Dơi bắt (Ảnh: Twitter)

Dù biến tấu bối cảnh thế nào thì tác giả Fujimoto Tatsuki vẫn giữ nguyên tính “người” trong từng nhân vật khiến mạch truyện có phát triển đến đâu cũng không trở nên hỗn loạn, phi logic. Điển hình như nhân vật chính của bộ phim, Denji đến với sở Trị An không phải vì bản chất chính nghĩa hay bất kì mong ước anh hùng nào. Vừa đáng thương vừa buồn cười, cậu bán mạng cho sở diệt quỷ chỉ vì hai điều duy nhất: miếng ăn và phụ nữ. 

Với sự đa dạng trong nội dung cũng như chiều sâu mà tác phẩm mang lại, Chainsaw Man hứa hẹn sẽ là một bộ anime vô cùng hoành tráng của năm 2022.

Review

___________

Tạp chí phái mạnh ELLE Man

Bài: Khương

No more