Review “Knock at the Cabin”: Tác phẩm thiếu điểm nhấn

Bài Tuan Anh

Chất lượng kém cỏi về nội dung và cách xâu chuỗi các sự kiện trong "Knock at the Cabin" báo hiệu M. Night Shyamalan đã dần “lụt nghề”.

Trước Knock at the Cabin, Nhà biên kịch – Đạo diễn M. Night Shyamalan vốn được xem là một trong những trụ cột tài năng cho thể loại kinh dị, viễn tưởng của Hollywood kể từ sau bom tấn The Six Sense (1999). Bộ phim mang lại 6 đề cử Oscar, trong đó có 2 hạng mục đáng chú ý là: Đạo diễn xuất sắcKịch bản xuất sắc. Song, khoảng thời gian sau đó sự nghiệp của ông không mấy suôn sẻ với nhiều tác phẩm bị giới phê bình lẫn khán giả không ngừng chê bai. Hai cái tên The Last Airbender (2010) After Earth (2013) còn bị ví như hố sâu đen tối nhất. 

Mãi đến khi The Village, Split, Glass,… ra đời và liên tục thành công thì độ mát tay của Shyamalan mới lại một lần nữa được công nhận. Chính vì vậy, khi đảm nhiệm vai trò chỉ đạo cho Tiếng gõ ở căn nhà gỗ lần này, kết hợp cùng nhiều tên tuổi có sức hút như: Dave Bautista, Rupert Grint, Ben Aldridge,…khiến phim nhận được nhiều chú ý và kỳ vọng. 

Tiếng gõ ở căn nhà gỗ (Tựa gốc: Knock at the Cabin) được chuyển thể dựa trên Tiểu thuyết ăn khách The Cabin at the End of the World (Paul Tremblay) – tác phẩm thắng giải Bram Stoker của Hiệp hội Nhà văn kinh dị vào năm 2019. Tuy nhiên, so với truyện gốc, những gì mà phim chứa đựng đều gây thất vọng. Từ câu chuyện, cách xây dựng nhân vật đến tình tiết và cả động cơ đều thiếu logic, không hề bí ẩn hay kinh dị như trông đợi. Một lần nữa phong độ của Shyamalan cũng theo đó mà tụt xuống.

Night Shyamalan trực tiếp chỉ đạo bộ phim. (Ảnh: IMDb)
Review

Kịch bản gượng ép, thấp thoáng ý đồ kì thị LGBT trong “Knock at the Cabin”

Khi Wen đang bắt châu chấu trong khu rừng, gần căn nhà gỗ nơi hai người cha của cô bé chọn làm địa điểm nghỉ dưỡng, một người đàn ông to lớn xuất hiện. Bắt chuyện với cô bé, Leonard (Dave Bautista) bày tỏ mong muốn làm bạn nhưng lại khiến Wen hoảng loạn khi kéo theo ba người trang bị vũ khí đến “gõ” cửa nhà mình. Nhóm bốn người không chỉ liên tục đập phá, tìm cách vào trong và khống chế cô bé và hai người bố Eric (Jonathan Groff) và Andrew (Ben Aldridge).

Nhóm người kì lạ do Leonard dẫn đầu không ngừng luyên thuyên rằng họ cùng thức giấc với viễn cảnh ngày tận thế trong đầu. Các sự kiện diễn ra hoàn toàn trùng khớp nhau và một thế lực vô hình nào đó đã dẫn dắt họ tập hợp và tìm đến gia đình Wen tại căn nhà gỗ này. Chưa kịp tiêu hóa thông tin, hai người bố bị buộc phải lựa chọn hy sinh thành viên trong nhà để ngăn ngày tận thế. Câu chuyện tưởng chỉ xuất hiện trong điển tích Hy Lạp nay đã được tái hiện thông qua thời lượng 100 phút trên màn ảnh rộng.

Có tiền đề mới mẻ, Tiếng gõ ở căn nhà gỗ mô phỏng trường hợp tận thế và mở ra nhiều viễn cảnh thiên tai, dịch bệnh nhuốm màu tang thương. Xây dựng bầu không khí kinh dị, u ám tốt và không ngừng bóp nghẹt nhân vật khi phải lựa chọn hy sinh hoặc chứng kiến xã hội diệt vọng. Vậy mà, câu chuyện được kể lại trong một tâm thế phi lý, khiên cưỡng đến nỗi khó mà chấp nhận được.

Ngay từ ban đầu, phim đã tỏ ra lạm dụng nhiều góc bắt cận, zoom thẳng vào mặt của từng nhân vật và thể hiện rõ mục đích lấy cảm xúc nhân vật để thúc đẩy tiến độ phim. Điều này lại phản tác dụng khi tần suất cảnh cận quá nhiều, che lấp sự kì bí và lu mờ các cảnh hồi tưởng hay đối thoại nhóm. Tiếp đến, các nhân vật được xây dựng đa dạng ngành nghề và vùng sinh sống và cài cắm yếu tố ẩn dụ về sứ mệnh đến với thế giới. Tiếc thay, việc ngắt nhịp, cơ cấu mạch truyện chưa mượt đã không thể hỗ trợ cho màn plot twist về nhóm người bí ẩn này. The New York Times cũng cho rằng: “Chuyện phim được xây dựng chưa thông minh, kéo dài không cần thiết. Dấu ấn làm phim của Shyamalan đã phai mờ và thi thoảng để lộ sự mệt mỏi và mất cân bằng.”

Nhóm của Leonard trông như một giáo phái cuồng tín (Ảnh: IMDb)

Mặt khác, các nhân vật luôn miệng phân bua rằng: “Chúng tôi hoàn toàn không phải người kì thị đồng tính!” hay “Gia đình mình là sự lựa chọn ngẫu nhiên, không phải chúng tôi nhắm vào cặp đôi đồng tính.” nhưng phim vẫn thấp thoáng hàm ý gây mất thiện cảm. Tuy không trực tiếp nhắm vào cộng đồng LGBT nhưng tình tiết chính xoay quanh quyết định của cặp đôi Eric và Andrew dấy lên nghi vấn.

Nguồn lực bị bỏ ngỏ

Knock at the Cabin quy tụ những diễn viên tốt, biết nắm bắt và lột tả cảm xúc mạnh mẽ. Nói về Bautista, ngoại hình đồ sộ của anh được che lấp bởi biểu cảm thân thiện và cử chỉ dịu dàng của một giáo viên trung học mang lại cảm giác mới. Tuy vậy, nam diễn viên vẫn mắc kẹt trong nhưng góc cận, diễn xuất bằng mắt thiếu ổn định đã tạo ra sự nhập nhằng giữa một người hướng thiện với kẻ cuồng tín man rợ.

Từng thành viên còn lại trong “bộ tứ” cũng có tiềm năng phát triển sâu và rộng hơn nhưng thời lượng xuất hiện còn ít, chưa đủ thể hiện bản thân. Điển hình là nhân vật Redmond của tài tử Rupert Grint lướt qua chớp nhoáng. So với kì vọng tạo ấn tượng sau nhiều năm trở lại màn ảnh, Grint chưa có cơ hội bước lên dẫu quá khứ của nhân vật Redmond vẫn còn nhiều bí ẩn và nghi điểm.

Để bộ phim không trôi tuột ngay từ những phút đầu, công lao lớn rơi vào sự tương tác và phối hợp nhịp nhàng của hai nam chính Groff và Aldridge. Cặp đôi này mang đến sự thú vị khi thể hiện sự bù trừ trong tình yêu, gia đình và cả cách đối diện với cuộc sống. “Nếu như Andrew luôn tỏ ra hoài nghi và mất niềm tin vào xã hội thì Eric lúc nào cũng mộng mơ và tìm kiếm những điểm tốt ở mọi người quanh mình. Tôi nghĩ câu chuyện này sẽ đặt ra cho chúng ta những câu hỏi thú vị liên quan tới niềm tin, sự tin tưởng, về gia đình và về đức hy sinh”, Groff chia sẻ.

Không chỉ vậy, những đấu tranh trước tình huống quái lạ và diễn biến cảm xúc của nhân vật đem lại là điều quan trọng nhất trong một thước phim kinh dị – tâm lý. Và Tiếng gõ ở căn nhà gỗ đã làm được điều này. 

Dẫu vậy, chuỗi sự kiện lê thê, đan xen quá khứ lẫn thực tại thiếu hợp lý trải dài từ đầu đến tận cuối phim đã tự vùi lấp cơ hội bùng nổ thật sự. Các nhân vật tự mâu thuẫn và nhiều lần rơi vào tình thế “nói một đằng, làm một nẻo” thiếu logic. Knock at the Cabin kết thúc chóng vánh với nhiều sự kiện dang dở, chưa có lời giải thích hợp lý nào.

Gia đình Wen phải đấu tranh về trí lực lẫn thể lực trong phim (Ảnh: IMDb)

Nhìn chung, Knock at the Cabin là một tác phẩm có báo hiệu phong độ tụt dốc của vị đạo diễn người Mỹ gốc Ấn M. Night Shyamalan. Không còn những ẩn ý thú vị, thiếu đi những cú lật choáng ngợp mà thay vào đó là tư tưởng cuồng tín cực đoan và lối kể chắp vá khiến tác phẩm mới nhất của ông gây chán nản. Phim cũng thu về số điểm không mấy khả quan tại các diễn đàn phê bình phim như: 6.3/10 (Metacritic) hay 64/100 (Rotten Tomatoes).

Review

_____________

Bài: Thanh Trúc

No more