Tác phẩm điện ảnh Người vợ cuối cùng (The Last Wife) của đạo diễn Victor Vũ chính thức khởi chiếu tại rạp từ 3/11. Phim lấy bối cảnh cuối thế kỷ 19, kể về cuộc đời của Linh (Kaity Nguyễn) – một cô gái xinh đẹp, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó phải chấp nhận làm vợ ba của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng).
“Người vợ cuối cùng: Số phận bi kịch của người phụ nữ
Linh – một cô gái xinh đẹp phải chịu nhiều bất hạnh chỉ vì thân phận thấp kém. Bị ép gả và phải sống trong một gia đình phức tạp, đầy rẫy những mâu thuẫn, Linh hàng ngày phải đối mặt với sự chèn ép, ghẻ lạnh của vợ cả, vợ hai, và cả sự lạnh nhạt của chồng.
Những tưởng cuộc đời sẽ sang trang khi làm dâu nhà quan huyện, trớ trêu thay, cuộc sống của Linh là những chuỗi ngày dài chịu đựng, “thân cô thế cô”, nhẫn nhục như ánh nhìn bất lực cùng sự đau đớn của cô trong mỗi lần ân ái với quan tri huyện – người chồng đáng tuổi bố mình, người coi cô như cái “máy đẻ” không hơn không kém. Cho đến một ngày, cô gặp lại Nhân – mối tình đầu thanh mai trúc mã, khát vọng về một cuộc sống bình yên, được yêu thương của Linh lại được trỗi dậy. Tình yêu của Linh và Nhân là một tình yêu đẹp, nhưng lại vô cùng éo le.
Sự chỉn chu đến từ ekip làm phim
Được coi là một trong những bộ phim cổ trang được đầu tư nhất trên thị trường phim Việt tính cho đến thời điểm hiện tại, từ trang phục, âm thanh đến hình ảnh, Người vợ cuối cùng được chăm chút tỉ mỉ, đề cao nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Ekip làm phim đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu, trong đó có tư liệu về Kỹ thuật của người An Nam (Mechanics and crafts of the Annamites – một công trình nghiên cứu văn minh vật chất ở An Nam khoảng 100 năm về trước) nhằm cho ra đời những bộ trang phục dân gian truyền thống được may đo cẩn thận, tỉ mỉ, khắc họa một cách tinh tế, tôn vinh nét văn hoá đa dạng của Việt Nam thời bấy giờ.
Hình tượng người phụ nữ trong Người vợ cuối cùng nhờ đó mà hội tụ vẻ đẹp truyền thống cả ba miền như: áo ngũ thân tay chẽn của Trung Kỳ, cách búi tóc bánh lái của phụ nữ Nam Kỳ, tóc vấn kiểu Bắc Kỳ của vợ cả, phụ kiện tràng hạt dài hay kiềng cổ… Do phục trang được “cân đo đong đếm” cho từng vai diễn, cá tính điện ảnh của từng nhân vật đã giữ trọn được “nét riêng”.
Có thể nói, phong cảnh hữu tình của hồ Ba Bể góp phần không nhỏ tạo nên những khung hình đắt giá. Bên cạnh đó, ánh sáng trong phim cũng được sử dụng một cách khéo léo, tạo nên những khung hình đẹp như tranh. Bầu không khí thấm đậm chất làng quê Bắc Bộ từ mái đình, phủ quan, mâm cỗ, cảnh mua đi bán lại tại chợ quê tấp nập,… những chi tiết nhỏ nhưng tinh tế như cái chén, cái màn, đồ trang trí, cũng đều được đặt làm riêng và phục dựng một cách chân thực, thể hiện độ chơi lớn của đạo diễn Victor Vũ với sự trở lại sau 10 năm cùng với dòng phim cổ trang sau Thiên mệnh anh hùng.
Bên cạnh đó, diễn xuất của Kaity Nguyễn ngay lập tức bừng sáng trong bộ phim. Nữ diễn viên khẳng định thực lực qua những ánh mắt, cử chỉ khi si tình nóng bỏng, khi xấu hổ tủi nhục. Các nhân vật khác như Nhân do Thuận Nguyễn thủ vai thể hiện cũng rất tốt. Nhìn vào Thuận Nguyễn và Kaity Nguyễn trong Người vợ cuối cùng, có thể tin rằng điện ảnh Việt không thiếu nhân tài trẻ tuổi.
Những điểm đáng tiếc của “Người vợ cuối cùng”
Kịch bản thiếu điểm nhấn, có phần hơi cũ của Người vợ cuối cùng là điểm đáng tiếc. Victor Vũ đã đưa rất nhiều thể loại vào phim, tuy nhiên, tất cả chỉ dừng ở mức lưng chừng. Mạch phim phía sau được đẩy nhanh hơn, nhưng lại thiếu vắng những cú chạm cảm xúc đến khán giả. Âm nhạc và bối cảnh của bộ phim được đầu tư, nhưng lại thiếu chiều sâu, khiến người xem có chút hụt hẫng.
Có thể thấy, Người vợ cuối cùng do đạo diễn Victor Vũ vẫn là sản phẩm chỉn chu, xứng đáng để khán giả thưởng thức tại rạp.
_________
Bài: Phúc Nguyễn